artLIVE – Ngày 02-12, tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, chương trình trao đổi về nghệ thuật sân khấu ‘Tiêu kịch hóa nghệ’ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt là những khán giả trẻ đam mê với sáng tạo nói chung và loại hình nghệ thuật này nói riêng.
Khát vọng nuôi dưỡng thế hệ khán giả trẻ
Một không gian được tạo ra nhờ sự giao thoa giữa truyền thống và đương đại sẽ ra sao? Thể nghiệm như thế nào từ mô hình sân khấu truyền thống? Người thực hành nghệ thuật sân khấu nói gì về sân khấu đương đại?
Chiều ngày 02-12, tất cả những câu hỏi ấy đã được giải đáp trong khuôn khổ chương trình trao đổi về nghệ thuật sân khấu dành cho sinh viên mang tên “Tiêu kịch hóa nghệ” diễn ra tại Sân khấu nhỏ 5B (TP.HCM). Với sự đồng hành của TheaFter, Vietnamme và Sân khấu nhỏ 5B, “Tiêu kịch hóa nghệ” quy tụ những nghệ sĩ thực hành ở cả hai loại hình sân khấu truyền thống và thể nghiệm như NSƯT Mỹ Uyên – Giám đốc Sân khấu nhỏ 5B, nghệ sĩ Trác Thuý Miêu, nghệ sĩ liên ngành Chinh Ba và đạo diễn Vũ Trần.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện vệ tinh của vở kịch phi lý “Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn” của Đạo diễn/Biên kịch Chinh Ba được công diễn vào ngày 16-12 tới đây. Bên cạnh mục tiêu quảng bá cho sự kiện trung tâm này, “Tiêu kịch hóa nghệ” ra đời với mong muốn thu hút sự quan tâm của công chúng miền Nam dành cho nghệ thuật sân khấu, biến loại hình này trở thành món ăn quen thuộc hàng ngày dành cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ.
Hưởng ứng tinh thần ấy, sự kiện đã thu hút gần 100 đối tượng tham gia, trong đó phần lớn là các sinh viên với chuyên ngành khác nhau đến từ các Trường Đại học trên khắp địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Chuỗi hoạt động tương tác độc đáo
Tổ chức tại sân khấu thể nghiệm đầu tiên ở khu vực phía Nam – Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B, chuỗi hoạt động thuộc khuôn khổ sự kiện đã mang đến cho người tham dự những góc nhìn chân thật nhất về cách thực hành biểu diễn và vận hành của sân khấu kịch thể nghiệm. Mở đầu của hành trình, các bạn trẻ đã được bước vào khám phá không gian cánh gà của sân khấu kịch và quan sát quy trình tập bài cho vở kịch tâm lý “Bến lửa lòng” đang được công diễn tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B.
Kế đến, những vị khách tham dự workshop được thực hành phương pháp Automatism (Tự động hoá) dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ Chinh Ba. Đi sâu vào khái niệm “lấp đầy không gian”, anh đã hướng dẫn mọi người cách tập trung vào chuyển động của cơ thể cũng cũng như làm sao để tương tác cùng vật thể và đối tượng có mặt tại sân khấu.
Đặc biệt, nghệ sĩ Chinh Ba đã khiến không khí của buổi workshop trở nên sôi nổi hơn nữa khi giao cho những vị khách tham dự tự dàn dựng hai tiểu phẩm ngắn nhằm đào sâu vào nghi vấn “Một buổi workshop phi tuyến tính với những cá thể rời rạc thì mọi người sẽ ghép lại thành phẩm như thế nào?”. Tại đây, các bạn trẻ đã có cơ hội bộc lộ sự sáng tạo, khả năng thích ứng vô cùng linh hoạt của mình trên không gian của một sân khấu thể nghiệm.
Có thể nói, chuỗi hoạt động này đã tạo ra trải nghiệm mới mẻ dành cho tất cả người tham dự, đặc biệt là các bạn sinh viên. Chàng sinh viên Quang Lâm đến từ ngành Kinh tế đối ngoại thuộc Đại học Ngoại thương chia sẻ rằng, sau khi vượt qua những lạ lẫm ban đầu, việc trải nghiệm các hoạt động trong buổi workshop đã giúp bạn “cảm thấy mọi người đang cùng trải nghiệm, tạo cho mình cái cảm giác: ‘Mình phải làm được, mình phải tiếp cận được!’, do mình thấy phương pháp này rất hay để có thêm một chất liệu gì đó”.
Điều này cho thấy, các hoạt động thú vị và hấp dẫn trong khuôn khổ chương trình đã dần khơi gợi bên trong các bạn trẻ niềm yêu thích việc thực hành sân khấu, đặc biệt là loại hình sân khấu kịch thể nghiệm.
Nối dài sức sống của nghệ thuật sân khấu
Phần cuối của buổi workshop, trên tinh thần giao lưu và chia sẻ, 4 diễn giả đã lần lượt giải đáp những thắc mắc và tâm tư của khán giả dưới nhiều góc độ khác nhau, về vấn đề thực hành nghệ thuật ở sinh viên hay là trăn trở xung quanh tương lai của sân khấu.
Khi đi sâu vào phương hướng phát triển cho loại hình sân khấu, nghệ sĩ Chinh Ba lí giải rằng sân khấu được xem là loại hình nghệ thuật lâu đời bậc nhất trong lịch sử loài người với sức sống mãnh liệt. Nó sinh ra từ bản năng của con người vậy nên không thể chết khi loài người còn “Acting” (cử động, diễn xuất) mà chỉ chuyển hóa từ hình thái này sang hình thái khác.
Chính vì vậy, anh cho rằng “những tiêu chuẩn, yêu cầu các bạn đặt ra cho người nghệ sĩ sẽ quyết định sân khấu có tồn tại hay không và sẽ tồn tại ở hình thức nào trong tương lai”. Niềm giao cảm giữa người nghệ sĩ và công chúng sẽ trở thành một tiền đề vô cùng quan trọng quyết định cho sự phát triển của loại hình nghệ thuật sân khấu về sau này.
Bên cạnh đó, cuộc trò chuyện cũng là dịp để những người nghệ sĩ như MC Trác Thúy Miêu được bộc lộ tâm tư của mình trước bao thăng trầm của sân khấu. Đối với những người làm nghệ thuật, câu hỏi điều gì làm nên cái thần hồn của một vở kịch luôn là niềm trăn trở khôn nguôi.
Ngày nay, họ không chỉ khát khao níu chân những người mến mộ đã đến với loại hình nghệ thuật này mà hơn hết, là tạo ra cộng đồng khán giả trung thành nhằm nối dài sức sống của những tác phẩm kịch nghệ, để chúng được sống cuộc đời của riêng mình với công chúng.
Đúng như lời kết của MC Trác Thúy Miêu, buổi trao đổi nghệ thuật “Tiêu kịch hoá nghệ” là nơi khán giả “Đến để chiêm nghiệm chính mình, chứ đừng tìm chân lý nơi tác phẩm”. Sự kiện là tiền đề để gợi mở, khuyến khích công chúng đến với loại hình sân khấu có tính thể nghiệm cao, mang thẩm mỹ mới lạ để khai phóng chính bản thân và khơi dậy bản năng cảm thụ cá nhân.
Từ đây, công chúng có thể tự tìm cho mình những tiêu chuẩn và góc nhìn mới về loại hình này, đặc biệt thông qua vở kịch phi lý “Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn” công diễn vào ngày 16-12 tới đây.
Nguồn ảnh: BTC