Kịch phi lý: Là kịch hay không phải kịch?

Annie Nguyen

|

10:59 29/11/2023

Share

artLIVE – Kịch phi lý đã phá vỡ những nguyên tắc cơ bản của thể loại kịch. Nó không hề có cốt truyện, không có cao trào và đầy rẫy những điều vô nghĩa, phi logic. 

Theo tác giả Lại Nguyên Ân, Kịch phi lý – Theatre of the absurd là thuật ngữ chỉ chung các hiện tượng tiền phong chủ nghĩa trong kịch và sân khấu những năm 50 – 60 của thế kỷ 20. Khái niệm phi lý được lấy từ gốc Latin – absurdus, khởi phát từ triết học chủ nghĩa hiện sinh. 

Kịch phi lý: Thuật ngữ và Nguồn gốc phát triển

Tên gọi Kịch phi lý xuất hiện sau lần biểu diễn ra mắt ở Paris, Pháp, các vở kịch Nữ ca sĩ hói đầu (La Cantatrice chauve) của Eugène Ionesco và Trong khi chờ đợi Godot (En attendant Godot) của Samuel Beckett. 

Thuật ngữ Kịch phi lý được đặt nên bởi nhà phê bình Martin Esslin. Ông coi kịch phi lý như một công cụ thu hút sự chú ý đến một số đặc điểm cơ bản nhất định xuất hiện trong một loạt các tác phẩm. Những tác phẩm này nỗ lực truyền tải cảm giác hoang mang, lo lắng và thắc mắc khi đặt nhân vật vào thế đối mặt trước vũ trụ không giải thích được. 

kich_phi_ly
Vở “Trong khi chờ đợi Godot” được trình diễn vào năm 1978. Ảnh: en.wikipedia.org. 

Nguồn gốc của kịch phi lý được bắt đầu ngay sau sự phổ biến của kịch Hy Lạp, trong sự hài hước và trò hề của thể loại kịch nói cổ – Old Comedy và các vở kịch của Aristophanes. 

Vào thế kỷ 19, những yếu tố phi lý có thể tìm thấy trong một số vở kịch của Ibsen, cụ thể hơn là của Strindberg. Tuy vậy, “vở kịch rối quái dị” Ubu Roi của Alfred Jarry mới được xem như tiền thân của thể loại kịch phi lý sau này. Tác phẩm trình bày nhân vật thần thoại, được đặt giữa một thế giới nguyên mẫu.

Có thể nói, Ubu Roi trở thành một bức tranh biếm họa, một hình ảnh tổng thể đầy đáng sợ về bản chất thú tính cùng sự tàn ác của con người. Đến những năm 1920 – 1930, một số người theo chủ nghĩa Siêu thực bắt đầu mở rộng triết lý của Jarry bằng việc dựa trên các nghiên cứu của Sigmund Freud: nhấn mạnh vào vai trò tiềm thức của tâm lý con người. 

kich_phi_ly
Kịch rối Ubu Roi của Alfred Jarry. Ảnh: flashbak.com. 

Ý định của họ là loại bỏ hình thức mô phỏng đơn thuần của nghệ thuật, yêu cầu nó phải trở nên thực tế hơn, đề cập đến bản chất sự việc nhiều hơn vẻ bề ngoài. 

Chiến tranh thế giới thứ hai là chất xúc tác cuối cùng, đưa kịch phi lý ra đời. Bản chất của cuộc chiến đã gây ra những hậu quả đau thương, đặt ra những viễn cảnh bấp bênh cho cuộc sống con người. Trước bối cảnh ấy, trải nghiệm về sự phi lý đã trở thành một phần trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người. 

trong_khi_cho_doi_godot
Sự ra đời của kịch phi lý đã công khai chống lại hình thức nghệ thuật của thể loại kịch thông thường.
Ảnh: literaryocean.com. 

Trong thời kỳ này, Antonin Artaud – một nhà văn người Pháp đã lên tiếng bác bỏ chủ nghĩa hiện thực trong sân khấu, kêu gọi việc mang thần thoại trở về với kịch nghệ. Ông nhấn mạnh hình thức và tiêu chuẩn nghệ thuật truyền thống đã dần mất đi giá trị, không còn thuyết phục cũng như không thể tiếp tục sử dụng được nữa. 

Sự ra đời của kịch phi lý đã công khai chống lại hình thức nghệ thuật của thể loại kịch thông thường, đề cao sự “phản kịch tính”. Nó siêu thực, phi logic, không xung đột và không có cốt truyện, thậm chí đôi khi hoàn toàn vô nghĩa.

Sự phi lý xuất hiện trong từng đặc trưng 

Những nét chính của kịch phi lý là trưng bày theo lối hài hước nghịch dị, tính chất giả dối và vô nghĩa của những hình thức (kể cả ngôn ngữ) đời sống thường ngày của “con người trung bình”, nơi nó bị phân cách, tách rời nhau do tính bi kịch không lối thoát của “thân phận con người”. 

Kịch phi lý được truyền đạt theo lối phúng dụ, cảm giác choáng váng do nhận ra tính ảo tưởng của mọi giá trị đời sống, đối mặt với tính tàn bạo, phi lý và cái chết. Thể loại này đề xuất một kiểu kịch không có cốt truyện, các nhân vật không có tính cách. Con người ở đây chỉ được xác định bằng những hành vi không bị chi phối bởi bất kỳ mối liên hệ nhân quả nào. 

kich_phi_ly
Kịch phi lý là trưng bày theo lối hài hước nghịch dị, tính chất giả dối và vô nghĩa của những hình thức.
Ảnh: worldoftheatreandart.com. 

Một trong những định đề chính của kịch phi lý là sự thoái hóa của ngôn ngữ như một công cụ giao tiếp. Lời nói của con người ở các tác phẩm này trở thành hình thức bị mất đi cái nghĩa vốn có từ trước, đối thoại cũng trở nên không đáng tin. 

Một trong những thủ pháp chủ yếu là nghịch dị, theo các tác gia kịch phi lý, thủ pháp này bộc lộ được nội dung đích thực của thực tại, bản chất phi logic và phi lý của thực tại. 

Kịch phi lý không có cốt truyện, đề cao tính phi logic và sự vô nghĩa

Sự vắng mặt, trống rỗng, hư vô và những bí ẩn chưa được giải quyết là đặc điểm trung tâm trong việc xây dựng kịch bản. 

Những vở kịch phi lý luôn đặt câu hỏi về sự tồn tại thông qua nhân vật. Họ luôn thắc mắc vì sao bản thân phải sống, tại sao phải chết và tại sao lại tồn tại sự bất công cũng như đau khổ. Ngôn ngữ cũng trở nên vô nghĩa trong thể loại này, đôi khi các nhân vật còn không hề giao tiếp. Các nhà viết kịch phi lý cho rằng ngôn từ không thể diễn đạt được bản chất tồn tại của con người. 

kich_phi_ly
Vở “The Chairs” của Eugene Ionesco. Ảnh: steemit.com. 

Chính vì vậy, trong kịch phi lý, người ta dễ dàng bắt gặp những lời nói phi logic, âm mưu vô nghĩa, họ mong muốn thiết lập cảm giác tự do để tạo ra thế giới của riêng mình bằng cách cố gắng khôi phục tầm quan trọng của huyền thoại và nghi lễ trong cuộc sống con người. Từ đó, con người bắt đầu nhận thức được thực tế cuối cùng của cuộc đời họ.

Kịch phi lý buộc chúng ta phải nhìn vào những giá trị trừu tượng của cuộc sống như tình yêu và gia đình. Qua đó, nó truyền tải cho người xem về việc chấp nhận những vô nghĩa hiện diện trong cuộc sống và ngừng cố gắng tìm kiếm những giá trị ở một thế giới không có chúng.

Nhân vật được xây dựng đầy mâu thuẫn và sáo rỗng 

Mỗi nhân vật được đặt trong một cuộc sống ích kỷ, cố gắng tìm kiếm sự thấu hiểu từ một nhân vật khác nhưng lại dẫn đến sự xa lánh nhiều hơn.

Các nhân vật trong kịch phi lý được xây dựng đầy phong phú: từ một chiều đến đa chiều, không có cảm xúc hoặc rất nhạy cảm. Hầu hết các nhân vật đều rập khuôn, nguyên mẫu, thường phải đối mặt với vũ trụ phi lý.

kich_phi_ly
Những tác gia viết kịch phi lý xây dựng nhân vật của họ theo từng cặp phụ thuộc lẫn nhau. Ảnh: unca.edu. 

Các nhân vật nói chuyện sáo rỗng và chủ nghĩa hiện thực là cơ sở chính của họ, nhưng thường bị bóp méo ở nhiều điểm. 

Những tác gia viết kịch phi lý xây dựng nhân vật của họ theo từng cặp phụ thuộc lẫn nhau, thường là hai nam hoặc một nam và một nữ. Các học giả ủng hộ Beckett gọi đó là “cặp đôi giả”. Họ có thể mang bề ngoài bình đẳng hoặc có sự phụ thuộc lẫn nhau một cách miễn cưỡng. Ở đây, một nhân vật chủ động có thể thống trị các nhân vật bị động khác trong vở kịch và mối quan hệ giữa các nhân vật cũng được thay đổi đáng kể.

Những vở kịch phi lý nổi tiếng trên thế giới

Trong khi chờ đợi Godot (Waiting for Godot) – Samuel Beckett, 1953

trong_khi_cho_doi_godot
Vở “Trong khi chờ đợi Godot” được trình diễn tại Nhà hát Druid – Ireland. Ảnh: nytimes.com. 

Vở kịch của Samuel Beckett được cho là tác phẩm nổi tiếng nhất của thể loại kịch phi lý. Trong khi chờ đợi Godot nói về hai kẻ lang thang, Vladimir và Estragon, dành toàn bộ vở kịch để chờ đợi sự xuất hiện của một nhân vật tên là Godot. Họ liên tục đưa ra những cuộc đối thoại. Mặc dù họ cố gắng thoát khỏi tình huống của mình nhưng cuối cùng họ vẫn bị mắc kẹt ở cùng một chỗ. 

Tàn cuộc (Endgame) – Samuel Beckett, 1957

tan_cuoc_endgame
Vở “Tàn cuộc” được trình diễn tại Nhà hát kịch Ireland. Ảnh: washingtonpost.com. 

Tác phẩm này được xem như phần tiếp theo của vở Trong khi chờ đợi Godot được ra mắt trước đó. Tàn cuộc kể về một người đàn ông mù, bị liệt và người hầu của anh ta đang chờ đợi “sự kết thúc”. Đây có thể hiểu là kết thúc cuộc đời của người đàn ông mù hoặc kết thúc vở kịch. Vở bi kịch khám phá nỗi lo lắng và tuyệt vọng hiện sinh khi người ta nhận ra rằng thân phận con người là vô nghĩa.

Nữ ca sĩ hói đầu (The Bald Soprano) – Eugène Ionesco, 1950

nu_ca_si_hoi_dau_the_bald_soprano
Vở “Nữ ca sĩ hói đầu” được trình diễn vào năm 1989 tại Loeb Drama Center, Mỹ. Ảnh: americanrepertorytheater.org. 

Đây chính là vở kịch đầu tiên của Eugène Ionesco. Tác phẩm kể về hai gia đình ở London tham gia vào một cuộc đối thoại vô nghĩa với những câu chuyện chẳng đi đến đâu. Họ không bao giờ truyền đạt bất cứ điều gì có ý nghĩa, tạo sự kết nối hoặc thậm chí thực sự lắng nghe nhau. Cuối cùng, các nhân vật kể lại đoạn hội thoại từ đầu vở kịch.

Tê giác (Rhinoceros) – Eugène Ionesco, 1959 

te_giac_rhinoceros
Vở Rhinoceros được trình diễn tại Asolo Repertory Theatre tại Mỹ. Ảnh: saratomamagazine.com.  

Vở kịch phi lý đáng chú ý khác của Ionesco là Tê giác – Rhinoceros, lấy bối cảnh tại một thị trấn nhỏ của Pháp, nơi những cư dân dần dần biến thành tê giác, ngoại trừ một người đàn ông. Vở kịch thường được coi là phản ứng trước sự trỗi dậy của Chủ nghĩa phát xít và Chủ nghĩa quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Vở kịch tập trung khai thác về sự căng thẳng giữa tâm lý đám đông, sự tuân thủ và đạo đức con người.

Ban công (The Balcony) – Jean Genet, 1957

ban_cong_the_balcony
Vở “The Balcony” được trình diễn vào năm 2022. Ảnh: union-theatres-europe.eu. 

Tác phẩm lấy bối cảnh tại một nhà thổ ở một thành phố vô danh trong thời kỳ cách mạng. Khi một số thành viên có ảnh hưởng nhất trong xã hội bị giết trong một cuộc nổi dậy, những người bảo trợ nhà chứa sẽ tiếp tục đảm nhận các vai trò đó. Vở kịch của Genet khám phá sức mạnh tiềm ẩn và cho thấy rằng ngay cả khi đối mặt với tình trạng bất ổn, hiện trạng sẽ luôn tìm được cách khẳng định lại.

Bữa tiệc sinh nhật (The Birthday Party) – Harold Pinter, 1957

bua_tiec_sinh_nhat_the_birthday_party
Vở “The Birthday Party” trình diễn vào năm 2015. Ảnh: dkawende.medium.com. 

Vở kịch dài đầu tiên của Harold Pinter kể về một bữa tiệc sinh nhật bị gián đoạn bởi sự xuất hiện của hai người lạ mặt đầy đe dọa. Các nhân vật trong vở kịch đều không đáng tin cậy và thường xuyên mâu thuẫn với nhau. Ngoài ra, họ cũng không rõ tại sao hai người đàn ông lại đến khủng bố nhân vật chính trong ngày sinh nhật của anh ta.

Tham khảo

Từ điển Văn học (Bộ mới) – Đỗ Đức Hiểu (Chủ biên)

masterclass.com

eng-literature.com

theatredatabase.com