artLIVE – TheaFter mang kịch phi lý trở lại với ánh đèn sân khấu với hai suất diễn tiếng Anh và tiếng Việt, đi kèm với chuỗi hoạt động vệ tinh thảo luận về sáng tạo, thực hành sân khấu.
Vào tháng 12, vở kịch phi lý Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn sẽ chính thức tái xuất trước công chúng yêu thích nghệ thuật. Sau lần ra mắt vào tháng 8 vừa qua, vở diễn đã mở ra những thảo luận tích cực về việc thực hành sân khấu. Đồng thời, sự đón nhận đông đảo từ khán giả đã cho thấy kịch phi lý có khả năng phát triển như một loại hình sân khấu mới lạ, đầy thử thách.
Trong lần trở lại của vở kịch vốn được hình thành tại Hội An này, đạo diễn Chinh Ba cùng các nghệ sĩ của dự án sân khấu thể nghiệm TheaFter và Viện Goethe TP.HCM không chỉ mang đến một suất diễn tiếng Việt, một suất tiếng Anh, mà còn tạo ra một chuỗi sự kiện nhằm kết nối và thảo luận về thực hành sân khấu giữa những người làm nghề sáng tạo, cộng đồng khán giả trẻ yêu nghệ thuật, những nghệ sĩ đang vận hành – thực hành sân khấu tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Kịch phi lý “Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn”
Kịch phi lý Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn được lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) của Nguyễn Du và vở diễn Furtive Love (Mối tình vụng trộm) của Brian E. Turner.
Tác phẩm chính là một chuỗi sắp đặt mang tính vô lý (absurdity) của thị giác, tích hợp với video, ứng tác, múa… của những cuộc hội thoại, hành vi ứng xử. Vở kịch khắc họa các cuộc rượt đuổi của tình yêu, bản dạng giới, bạo lực giới và… không gì cả.
Những điều tưởng chừng như là vô lý lại được tạo ra bởi hiện thực, một hiện thực đầy vô nghĩa mà trong đó, sự ngẫu nhiên được hình thành dưới “bàn tay vô hình” của các mối quan hệ. Chúng chính là tác giả và các mẩu hội thoại được tạo ra trong quá trình hình thành nên những đoạn code (luật hội thoại).
Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn là một tác phẩm liên ngành (multi-disciplinary) kết hợp kịch, kịch ứng tác, kịch hình thể, múa, thị giác, nghệ thuật âm thanh và sắp đặt video. Không gian vở kịch được mở rộng, xoá nhoà dần ranh giới giữa diễn viên và khán giả. Sự có mặt của khán giả cũng chính là một thành tố của vở kịch.
Vở kịch không ngừng chơi đùa với những ý niệm và lằn ranh của đạo diễn/ biên kịch Chinh Ba. Thông qua các đoạn hội thoại được lặp đi lặp lại, những nỗ lực (tưởng chừng như) vô nghĩa trong việc rượt đuổi, thông qua sự xâm chiếm không gian lẫn nhau của các nhân vật, vở kịch ra sức tìm kiếm, khai phá sự phi lý, dục vọng, sự hung hãn, khát khao,… len lỏi bên trong tiềm thức và cuộc sống đời thường.
Vở diễn Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn được đạo diễn bởi biên kịch, đạo diễn, nghệ sĩ trình diễn độc lập Chinh Ba, với sự góp mặt của ba diễn viên: Hương, Trần Quốc Dũng và Dan Ni. Họ đều là những diễn viên không chuyên nhưng mỗi người lại có một đời sống đầy thú vị trong việc thực hành nghệ thuật đầy đa dạng: từ thị giác, nhiếp ảnh, phim, trình diễn, xiếc, burlesque, nghiên cứu giới, digital…
Trong vở kịch, căn tính về giới và vai trò của họ ở các cực của trạng thái phi nhị nguyên được khai thác đến tận cùng.
Chuỗi sự kiện vệ tinh kết nối sân khấu tại Thành phố Hồ Chí Minh
Đồng hành với hai suất diễn vào tháng 12 sắp tới, TheaFter còn mang đến một loạt sự kiện vệ tinh kết nối sân khấu tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Các sự kiện này sẽ đưa người tham gia bước vào thế giới của thực hành sáng tạo và cùng thảo luận về những xu hướng mới trong sáng tạo nghệ thuật như: thực hành liên ngành (interdisciplinary practice), workshop về kỹ thuật sáng tác tự động (automatism), workshop thực hành phê bình độc lập dưới góc độ cá nhân, nhằm “bình thường hóa” quá trình đánh giá và cảm nhận nghệ thuật từ phía bộ phận khán giả không chuyên, nhất là với những loại hình nghệ thuật mới.
Chuỗi sự kiện sẽ được dẫn dắt bởi các nghệ sĩ thể nghiệm tiên phong trong thực hành nghiên cứu và đổi mới sân khấu gây chú ý gần đây tại Việt Nam: nghệ sĩ Chinh Ba và nghệ sĩ Trà Nguyễn.
Qua sự kết hợp đặc biệt này, khán giả trẻ nói riêng và những người đam mê nghệ thuật sân khấu nói chung sẽ có cơ hội trải nghiệm, thưởng thức sự giao thoa giữa hai lằn ranh truyền thống – hiện đại. Từ đó, họ sẽ nhìn nhận được toàn cảnh sự chuyển biến của nghệ thuật sân khấu thể nghiệm Việt Nam dưới góc độ đối thoại đa chiều.
Một số sự kiện – hoạt động được diễn ra trong vòng hai tuần, từ ngày 30-11 cho đến ngày 17-12 với nhiều nội dung thú vị.
Sự kiện Mở menu, tự trộn salad các loại hình nghệ thuật, diễn ra vào ngày 30-11-2023
Sự kiện chính là một buổi trò chuyện thân mật về thực hành sáng tạo liên ngành. Người tham dự sẽ cùng đạo diễn Chinh Ba khám phá về sân khấu đương đại ở Châu Âu – nơi khơi gợi cho anh nguồn cảm hứng để chắp bút nên vở kịch phi lý.
Ngoài ra, người tham dự còn được gặp gỡ cộng đồng sáng tạo địa phương bất kể phân ngành, như thiết kế, viết lách, nghiên cứu, sáng tạo nội dung, tổ chức sự kiện,.. cùng họ khám phá góc tiếp cận liên ngành trong sáng tạo nghệ thuật đương đại, đặt trong bối cảnh ứng phó với các điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá và sinh thái cũng như sự đổi mới về nhu cầu tiêu dùng đa dạng.
Sự kiện Tiêu kịch hoá nghệ: Chương trình trao đổi về nghệ thuật sân khấu dành cho sinh viên, diễn ra vào ngày 2-12-2023
Được đồng tổ chức bởi TheaFter, Vietnamme và Sân khấu nhỏ 5B, sự kiện như cuộc gặp gỡ giữa những cá nhân thực hành sân khấu truyền thống và thể nghiệm, dành cho những bạn trẻ quan tâm đến nghệ thuật sân khấu và sáng tạo.
Các bạn sinh viên sẽ được tham quan hậu trường của Sân khấu 5B đồng thời lắng nghe những chia sẻ từ NSƯT Mỹ Uyên – Giám đốc Sân khấu nhỏ 5B, nghệ sĩ Trác Thuý Miêu và đạo diễn Trần Vũ.
Ngoài ra, đến với sự kiện này còn có workshop thực hành sáng tạo theo phương pháp automatism của đạo diễn Chinh Ba với sinh viên và các diễn viên ngay tại Sân khấu 5B.
Sự kiện Lăn dài vào bếp nhà TheaFter: Tập kịch cùng diễn viên, diễn ra vào ngày 11 và 12-12-2023
Người tham dự không chỉ được dự phần vào quá trình hình thành vở kịch trong sự kiện, mà còn được thử thách những giới hạn thể lực của bản thân – một yếu tố vô cùng quan trọng đối với người trình diễn. Ngoài ra, chương trình luyện tập cũng sẽ là một cơ hội để quan sát, trải nghiệm cùng với không gian nghệ thuật của chuyển động, hình thể,… từ đó tạo nguồn cảm hứng cho các thực hành cá nhân.
Sự kiện Tổng duyệt mở: “Lăn dài” vào thử món trước giờ G, diễn ra vào ngày 14-12-2023
Sự kiện sẽ tạo cơ hội cho người tham gia khai phá sâu hơn và truy nguyên quá trình tạo nên vở kịch: từ những cuộc rượt đuổi thể lực cho đến cách xây dựng những cuộc hội thoại phi lý.
Đặc biệt, buổi Open Rehearsal sẽ được diễn ra trong phim trường hộp đen (black box theater) – vốn sẽ được sắp đặt cho buổi công diễn chính thức. Với mong muốn tái định nghĩa vai trò của khán giả trong tương tác với vở kịch, buổi tổng duyệt mở sẽ là bước đệm cho một đêm công diễn thành công.
Sự kiện Nhậu với Trà, bàn chuyện gọi món, diễn ra vào ngày 17-12-2023
Kết thúc đợt công diễn ở Sài Gòn sẽ là một workshop thực hành phê bình độc lập dưới sự dẫn dắt của khách mời, nghệ sĩ thực hành sân khấu thể nghiệm Trà Nguyễn.
Làm thế nào để mở ra không gian an toàn cho những thảo luận mang tính xây dựng? Làm thế nào để những suy tư không dừng lại sau khi ánh đèn sân khấu đã tắt? Và làm thế nào để khán giả có thể dạn dĩ hơn khi nói về tác phẩm thể nghiệm? Đó là những câu hỏi gợi mở cho một cuộc đối thoại cởi mở và dài hơi.
Vở kịch Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn bao gồm hai suất diễn tiếng Anh – 16 giờ và tiếng Việt – 20 giờ vào ngày 16-12, tại phim trường Nam Đông, 204 Nơ Trang Long, Quận Bình Thạnh.