artLIVE – Những cây kem mát lạnh, ngọt ngào từ lâu đã là món ăn quen thuộc đối với mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, sự phát triển của nền ẩm thực trên thế giới đã cho ra đời những loại kem độc đáo có 1-0-2 vô cùng thú vị khiến nhiều người, đặc biệt là các em bé không khỏi ngạc nhiên.
Kem chặt Dondurma
Việc sở hữu nền ẩm thực lâu đời và phong phú từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, món kem chặt Dondurma – món ăn đến từ vùng đất này từ lâu đã nổi danh khắp thế giới nhờ vào sự độc đáo trong cách chế biến cũng như phục vụ.
Dondurma còn được gọi là kem Maras vì được tạo ra đầu tiên ở thành phố Maras. “Dondurma”, trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là đóng băng, dùng để mô tả loại kem siêu cứng có kết cấu đặc, dẻo quánh và béo ngậy. Độ kết dính cao, một trong những đặc trưng của loại kem này được tạo ra nhờ việc cho một loại nhựa thơm được gọi là “mastic”, có nguồn gốc từ đảo Chios vào trong hỗn hợp kem.
Bên cạnh đó, mùi vị độc đáo của kem Dondurma còn đến từ một thành phần đặc biệt là Salep, được lấy từ rễ cây phong lan trong những khu rừng tự nhiên. Nhờ vào sự đặc biệt của những nguyên liệu này mà kem Dondurma có mùi vị thơm nồng của nhựa thông cũng như hương vị ngọt ngào lạ miệng. Bên cạnh đó, các nguyên liệu mang đậm tính bản địa này cũng là lí do kem Dondurma hiếm khi xuất hiện ở các quốc gia khác.
Nếu lang thang trên những con phố cổ kính của Thổ Nhĩ Kì, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp người thanh niên bán kem mặc trang phục truyền thống đang dùng gậy để múc khối kem to, dài và nặng trong sự trầm trồ của du khách. Đặc biệt, họ còn nổi tiếng với khả năng trêu chọc khách hàng bằng những màn “đánh lừa” thị giác đầy điêu luyện, khiến nhiều du khách vui vẻ, thích thú, thậm chí “bực bội” vì bị chọc phá quá nhiều.
Kem Spaghettieis
Bên cạnh pizza, Spaghetti là một món ăn nổi bật của xứ sở hình chiếc ủng Italia. Tuy nhiên, món kem với cái tên Spaghettieis này kì thực lại ra đời tại Đức. Những năm 1960, xuất phát từ ý tưởng hiện thực hóa ước mơ được ăn kem thay vì những đĩa mì Spaghetti quen thuộc của trẻ em ở thành phố Mannheim, Dario Fontanella đã mày mò để tạo nên món kem với hình dáng hệt như một đĩa mì thơm ngon.
Người đàn ông sáng tạo này đã sử dụng máy ép Spätzle để tạo hình dạng sợi cho khối kem vani truyền thống. Sau đó, Dario Fontanella sử dụng nước sốt dâu tây để mô phỏng sốt cà chua đặc trưng trong mỗi đĩa mì. Để hoàn thiện món ăn của mình, người đầu bếp trang trí thêm dừa bào, hạnh nhân giã nhỏ hoặc vụn chocolate trắng lên trên món kem để thay thế cho phô mai Parmesan. Đặc biệt, kem spaghetti-eis còn có nhiều biến thể như kem được rắc chocolate đen và nhiều loại hạt lên để mô phỏng món Spaghetti Carbonara.
Trong suốt một khoảng thời gian dài, kem spaghetti-eis chỉ phổ biến ở một vài cửa hàng kem tại nước Đức trong những dịp đặc biệt. Tuy nhiên, dần dần nó đã trở nên phổ biến hơn với đông đảo công chúng trong nước cũng như nước ngoài. Thậm chí vào năm 2014, thành phố Mannheim đã trao tặng cho Dario Fontanella danh hiệu công dân cao quý nhất – “Bloomaulorden” nhờ phát minh ẩm thực có 1-0-2 này của mình.
Kem chiên
Những viên kem mát lạnh nay lại được đem chiên trong dầu nóng? Chuyện tưởng chừng không tưởng ấy hóa ra lại hoàn toàn khả thi với món kem chiên gây ấn tượng cho rất nhiều tín đồ ẩm thực trên toàn thế giới.
Tuy vào năm 1894, một công ty ở Philadelphia (Mỹ) đã được ghi nhận cho phát minh về kem chiên nhưng nguồn gốc thực sự của món ăn lạ lùng này tới nay vẫn chưa được xác định. Thoạt tiên, nhiều người cho rằng những thương nhân Trung Quốc đã giới thiệu món ăn này đến bạn bè phương Tây tại Hội chợ Thế giới Chicago (Mỹ) vào năm 1893. Dẫu vậy, cũng có nguồn cho rằng kem chiên từ lâu đã xuất hiện trong các nhà hàng tempura tại Nhật Bản hoặc thậm chí được truyền cảm hứng từ món tráng miệng đặc trưng làm tortilla và quế tại các nhà hàng Mexico.
Món ăn này tưởng chừng phức tạp này kì thực lại có cách chế biến vô cùng đơn giản. Chúng ta chỉ cần lấy một viên kem lạnh rồi lăn nó qua bột để tạo lớp vỏ bên ngoài. Sau đó, chiên nhanh viên kem trong dầu ở nhiệt độ cao để tránh làm kem tan chảy. Khi lớp vỏ đã vàng giòn, ta có thể vớt kem ra và trang trí với những nguyên liệu tùy thích như siro, trái cây tươi,…
Ở mỗi khu vực trên thế giới, kem chiên lại có một phiên bản khác nhau. Nếu như các quốc gia châu Á thường sử dụng bột chiên xù thì Mexico lại sử dụng bánh ngô, các loại hạt hoặc bánh quy để làm phần vỏ bao phủ bên ngoài. Tuy nhiên, dẫu được biến tấu với loại nguyên liệu nào thì kem chiên vẫn đều gây ấn tượng nhờ vào sự tương phản độc đáo khi thưởng thức món ăn. Lớp vỏ ấm nóng, giòn rụm ở bên ngoài bao bọc lớp kem mát lạnh, ngọt ngào ở bên trong khiến bất cứ ai từng nếm qua cũng phải ngạc nhiên thích thú.
Tham khảo:
baophapluat.vn
eiscafe-allegro.de
gulfnews.com
eiscafe-allegro.de
The Courie