artLIVE – Quartet for the End of Time được nhà soạn nhạc người Pháp, Olivier Messiaen, sáng tác trong trại tù binh chiến tranh. Bản nhạc bắt nguồn từ đức tin Kito giáo sâu sắc, lấy cảm hứng từ sách Khải Huyền.
Một số nhà âm nhạc học thường nhận định Quatuor pour la fin du Temp – Quartet for the End of Time của Olivier Messiaen là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của thế kỷ XX.
Đầu Thế chiến thứ II, nhà soạn nhạc được triệu tập để phục vụ quân sự. Đến tháng 5 năm 1940, ông bị bắt và được đưa đến trại tù binh chiến tranh ở Görlitz, Silesia, Đức. Vào mùa đông 1940 – 1941, ông đã viết bản nhạc Quartet for the End of Time và biểu diễn cùng các tù nhân trong cùng trại giam.
Cảm hứng từ sách Khải Huyền
Messiaen được Quân đội Pháp gọi nhập ngũ vào năm 1939 với vai trò y tá bệnh viện. Ngay sau đó, ông bị quân Đức bắt và đưa đến Stalag VIII-A – trại tù binh chiến tranh ở Görlitz, Đức.
Theo nghệ sĩ vĩ cầm Jean Le Boulaire, người biểu diễn trong buổi ra mắt bản nhạc, điều kiện trong trại rất khắc nghiệt: gần 50.000 tù nhân Pháp và Bỉ bị dồn vào 30 doanh trại với sức chứa chỉ 500 tù nhân mỗi khu vực. Các tù nhân không được ăn uống đầy đủ và không được bảo vệ khỏi thời tiết lạnh giá.
“Khi đến trại, tôi bị lột hết quần áo, giống như tất cả các tù nhân khác. Dù trần truồng, tôi vẫn bám chặt vào một túi nhỏ đựng những bản nhạc thu nhỏ để tự mình an ủi khi cảm thấy đau khổ. Người Đức coi tôi hoàn toàn vô hại, và vì họ vẫn yêu âm nhạc nên họ không những cho phép tôi giữ bản nhạc mà một sĩ quan còn đưa cho tôi bút chì, tẩy và một ít giấy nhạc. Thế là tôi bắt đầu sáng tác”.
Nhà soạn nhạc Olivier Messiaen bộc bạch.
Bản nhạc Quartet for the End of Time bao gồm một chuỗi tám khúc nhạc được lấy cảm hứng từ một đoạn trong sách Khải Huyền, chương 10:
“Tôi thấy một thiên sứ uy dũng khác từ trời xuống, mình mặc mây trời, đầu đội cầu vồng, mặt sáng rực như mặt trời, chân như trụ lửa. Thiên sứ cầm trên tay một cuốn sách mở ra, đặt chân phải trên biển, chân trái trên đất, và kêu lên một tiếng lớn như tiếng gầm sư tử, liền có bảy tiếng sấm đáp lời.
Thiên sứ đứng trên biển và đất đưa tay phải lên trời. Thiên sứ thề trước Đấng hằng sống đời đời, Đấng sáng tạo trời cùng mọi vật trên trời, đất cùng mọi vật dưới đất, biển cùng mọi vật trong biển rằng: “Sắp hết thời hạn rồi! Ngày nào thiên sứ thứ bảy thổi kèn. Đức Chúa Trời sẽ hoàn tất chương trình huyền nhiệm của Ngài, như đã báo trước cho các đầy tớ Ngài, là các tiên tri”.
Nhà soạn nhạc giải thích ý định ban đầu của bản thân là không mang chủ ý diễn tả trạng thái bị giam cầm, mà ông mong muốn chạm đến sự khởi đầu của vĩnh cửu – thời khắc khi thời gian bị xóa bỏ.
Ông cũng giải thích: “Tại sao bản nhạc này có tám chương? Bảy là con số hoàn hảo, Thiên Chúa tạo ra vạn vật trong sáu ngày và ngày thứ bảy là ngày Sa-bát thiêng liêng. Chương thứ bảy kéo dài sự sống vào cõi vĩnh hằng và trở thành ngày thứ tám của ánh sáng bất diệt, của nền hòa bình bất biến”.
Bản nhạc chứa màu sắc và thanh âm của loài chim
Messiaen bắt đầu hình thành bản nhạc bằng các chương thử nghiệm trong vài tác phẩm trước đó của ông. Bản nhạc thanh bình Louange à l’éternité de Jésus – Ca ngợi sự vĩnh cửu của Chúa Jesus dành cho cello và piano gần như dựa trên một phần của khúc Fête des belles eaux – Lễ kỷ niệm vùng nước tươi đẹp.
Khúc Abîme des oiseaux – Vực thẳm của những con chim được sáng tác cho nghệ sĩ kèn clarinetist Henri Akoka trước khi cả hai được chuyển đến Görlitz, Đức. Khi Messiaen được cấp quyền sử dụng đàn piano, ông bắt đầu sáng tác năm chương còn lại. Intermède – Interlude là chương đầu tiên được viết hoàn toàn trong trại và được diễn tập trong phòng tắm của trại giam.
Buổi biểu diễn đầu tiên diễn ra vào tối ngày 15 tháng 1 năm 1941 và đối với nhiều người tham dự, đây là lần đầu tiên họ được nghe nhạc thính phòng.
Messiaen nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi nhìn thấy màu sắc khi nghe âm thanh, nhưng tôi không nhìn màu sắc bằng mắt mà nhận biết trong đầu mình”. Chính vì vậy, màu sắc cũng được xuất hiện trong những ký âm của ông.
Trong phần piano của Vocalise, pour l’Ange qui annonce la fin du Temps – Vocalise for the Angel Who Announces the End of Time, Messiaen đề cập đến hàng loạt hợp âm “xanh – cam”.
Messiaen dường như đã được truyền cảm hứng từ màu sắc huyền ảo của sách Khải Huyền, hoặc cũng có thể lấy cảm hứng từ việc nhìn thấy cực quang – thứ mà lần đầu tiên nhà soạn nhạc nghĩ là ảo giác do đói và lạnh gây ra trong mùa đông năm 1940 – 1941.
Bên cạnh đó, nhà soạn nhạc người Pháp còn có niềm đam mê đặc biệt với tiếng hót của loài chim. Ông thường ghi chú và đưa giai điệu của loài chim vào âm nhạc của mình. Ông từng viết: “Những giai điệu và nhịp điệu có được sự tự do tối thượng là từ tiếng hót của loài chim”.
Trong Quartet for the End of Time, tiếng hót của chim sáo và chim sơn ca cũng được xuất hiện: đàn violin réo rắt như chim sơn ca và kèn clarinet thánh thót như chim sáo. Phần độc tấu kèn clarinet dài gần tám phút Abîme des oiseaux – Vực thẳm của những chú chim là một chuyến du ngoạn, tận hưởng sự hòa quyện giữa thiên nhiên và sắc màu tâm linh.
Quartet for the End of Time – Kết thúc hay khởi đầu?
Đối với Messiaen, ông theo đuổi một ý tưởng rằng sự vĩnh hằng sẽ bắt đầu khởi sắc ngay khi dòng chảy của thời gian kết thúc. Âm nhạc của Messiaen phụ thuộc vào những nhịp không đều, như trong tự nhiên: nước gợn sóng không đều, cành cây đung đưa không đều, mây chuyển động không đều.
I. Liturgy of crystal – Lễ thánh của tinh thể: Sự thức tỉnh của các loài chim: một con chim hoặc một người chơi solo đầy ngẫu hứng. Đây tựa hồ như sự im lặng hài hòa của thiên đàng.
II. Vocalise, for the angel who announces the end of Time – Âm nhạc, cho thiên thần thông báo sự kết thúc của thời gian: Phần thứ nhất và phần thứ ba gợi lên sức mạnh của thiên thần hùng mạnh.
III. Abyss of the birds – Vực thẳm của loài chim, độc diễn đàn Clarinet: Những con chim đối nghịch với thời gian, khao khát về ánh sáng, về các vì sao, về những khúc ca vui vẻ.
IV. Interlude: Khúc nhạc của một nhân vật đi ra hơn các phong trào khác nhưng liên quan đến họ, tuy nhiên, bởi các tham chiếu giai điệu khác nhau.
V. Praise to the eternity of Jesus – Khen ngợi sự vĩnh cửu của Chúa Jesus: Một đoạn nhạc dài của tiếng chuông tràn ngập với tình yêu và sự kính trọng về sự vĩnh cửu. Giai điệu vang lên đầy hùng vĩ, đáng kinh ngạc.
VI. Dance of fury, for the seven trumpets – Vũ điệu của cơn thịnh nộ, cho bảy cây kèn: Nhịp điệu của khúc nhạc là cao trào độc đáo nhất của tác phẩm.
VII. Cluster of rainbows, for the angel who announces the end of Time – Tập hợp những cầu vồng, cho thiên thần loan báo sự kết thúc của thời gian: Ở đây gặp lại một số đoạn từ chuyển động thứ hai. Những giai điệu và âm thanh có trật tự, những sắc thái và hình thức quen thuộc, sau giai đoạn chuyển tiếp này bắt đầu đi vào cái không thực và chịu đựng một vòng xoáy, một sự thâm nhập chóng mặt của những âm thanh và màu sắc.
VIII. Praise to the immortality of Jesus – Khen ngợi sự bất tử của Chúa Jesus: Nó đề cập cụ thể hơn đến khía cạnh con người của Chúa Jesus. Người được sống lại từ cõi chết để truyền lại sự sống cho loài người. Đó chính là tình yêu toàn diện nhất.
Tham khảo
laphil.com
classicalnotes.net
bible.com