artLIVE – Bản giao hưởng số 4 chính là bản nhạc hay nhất trong suốt sự nghiệp sáng tác của Tchaikovsky. Tác phẩm tồn tại như những tiếng vang của Định mệnh và cảm xúc trong lòng nhà soạn nhạc.
Bản giao hưởng số 4 – Symphony No.4 được viết ở cung Fa thứ. Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Nga bắt đầu phác thảo những phần đầu tiên từ mùa xuân năm 1877 và hoàn thành bản giao hưởng vào tháng 12 cùng năm.
Bản giao hưởng dành riêng cho Nadezhda von Meck
Sau mối nhân duyên đầy bí ẩn với Nadezhda von Meck – một góa phụ và sau này trở thành nhà bảo trợ, nàng thơ trong con đường sáng tác của Tchaikovsky, nhà soạn nhạc nổi tiếng bắt đầu phác thảo nên những chương đầu tiên của Bản giao hưởng số 4 – Symphony No.4.
Bản nhạc được Tchaikovsky viết riêng cho Nadezhda với lời đề tựa: “Dành tặng cho người bạn của tôi”. Mối quan hệ giữa cả hai người đến từ sự đồng điệu trong tâm hồn, trong cảm xúc, dù chưa một lần gặp gỡ chính thức, nhưng họ vẫn song hành cùng nhau, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống.
Có thể nói, Bản giao hưởng số 4 hiện diện như một nhân chứng cho tình cảm của họ. Nadezhda von Meck chưa từng đồng ý hay cho phép bất kỳ nhà soạn nhạc nào sáng tác riêng cho bà một tác phẩm, nhưng Tchaikovsky đã trở thành một ngoại lệ.
Dù cho danh tính của Nadezhda vẫn luôn được giữ kín trong bóng tối, nhưng tình cảm và mối quan hệ mật thiết giữa họ là điều không thể che giấu. Tchaikovsky đã từng viết trong lá thư của mình khi gửi đến cho Nadezhda: “Hình ảnh của bà xuất hiện trong từng tiết nhịp tôi soạn nên”.
“Đây là bản giao hưởng hay nhất trong sự nghiệp của tôi”
Bản giao hưởng số 4 được soạn cho một dàn nhạc gồm sáo piccolo, kèn oboe, kèn clarinet (A, B-flat), kèn bassoon, kèn trumpet, kèn trombone, kèn tuba, chũm chọe, trống bass, violin cello và bass.
Tác phẩm bao gồm bốn phần: Phần đầu tiên là Andante sostenuto — Moderato con anima (Fa thứ – Fm, 424 ô nhịp). Phần thứ hai mang tên Andantino in modo di canzona (Si giáng thứ – Bb, 304 ô nhịp). Phần thứ ba chính là Scherzo, Pizzicato ostinato, Allegro (Fa trưởng – F, 414 ô nhịp); Và phần cuối cùng, Allegro con fuoco (Fa trưởng – F, 293 ô nhịp).
Một màn trình diễn hoàn chỉnh của bản giao hưởng sẽ được kéo dài từ 40 phút đến 45 phút.
Bản giao hưởng số 4 được đề cập đến lần đầu trong những bức thư nhà soạn nhạc gửi đến Nadezhda von Meck từ đầu tháng 5 năm 1877: “Tôi đang say mê với một bản giao hưởng , mà tôi bắt đầu viết vào mùa đông…”. Không lâu sau, Tchaikovsky bắt đầu dàn dựng bản giao hưởng.
Ngày 24 tháng 8, ông cập nhật trong thư với Nadezhda rằng: “Bản giao hưởng của chúng ta đang tiến triển một chút. Tôi sẽ đặc biệt cẩn thận khi dàn dựng chương đầu tiên – nó rất dài và phức tạp, nhưng theo tôi, đó cũng là chương hay nhất. Ba chương còn lại đơn giản hơn nhiều và việc phối hợp chúng sẽ rất thú vị. Scherzo sử dụng hiệu ứng dàn nhạc mới do tôi tự thiết kế”.
Từ tháng 12 trở đi, Tchaikovsky bắt đầu làm việc trên phần phối khí của bản giao hưởng. Quá trình này gần như không bị gián đoạn.
“Tôi không chỉ chăm chỉ soạn nhạc cho bản giao hưởng của mình mà còn hoàn toàn say mê với công việc này. Chưa có tác phẩm dàn nhạc nào trước đây khiến tôi phải tốn nhiều công sức và làm tôi cảm thấy yêu mến đến như vậy”.
Khi bản giao hưởng được hoàn tất, Tchaikovsky viết rằng: “Điều gì đang được mong đợi từ bản giao hưởng này? Liệu nó có thể tồn tại sau khi tác giả biến mất? Hay nó sẽ ngay lập tức rơi vào vũng sâu không đáy của sự lãng quên?”.
Bản giao hưởng được trình diễn lần đầu tiên tại Moscow, Nga trong buổi hòa nhạc của Hiệp hội Âm nhạc Nga vào ngày 22 tháng 10 năm 1878, do Nikolay Rubinstein chỉ huy và ngày 25 tháng 11, ngày 7 tháng 12 cùng năm tại Saint Petersburg, Nga do Eduard Nápravník chỉ huy.
Những tiếng vang của Định mệnh
Phần đầu tiên: Andante sostenuto — Moderato con anima
Bản giao hưởng mở đầu bằng motif âm nhạc mạnh mẽ ở những chiếc kèn Cor. Phần đầu tiên có thể xem như hạt nhân của cả tác phẩm và Tchaikovsky đánh giá đây là phần hay nhất.
Nó tượng trưng cho số phận, sức mạnh của Định mệnh ngăn cản sự thúc đẩy Hạnh phúc đạt được mục tiêu, Định mệnh đảm bảo rằng Hạnh phúc sẽ không trọn vẹn, liên tục đầu độc linh hồn con người. Đó là một lực lượng bất khả chiến bại mà không bao giờ có thể bị đánh bại — chỉ đơn giản là chịu đựng, vô vọng.
Điều này được thể hiện qua một giai điệu trong đàn violin nhẹ nhàng và ai oán, nhưng nhanh chóng phát triển thành một trạng thái đầy thống khổ.
Đột nhiên, giai điệu xáo trộn đầy cảm xúc của chiếc kèn clarinet vang lên:
“Không phải tốt hơn là thoát khỏi thực tế và đắm mình trong những giấc mơ sao?” – Tchaikovsky tự hỏi chính mình. Một giai điệu du dương, mơ màng xuất hiện trong tiếng vĩ cầm:
“Bỗng dưng một giấc mơ ban ngày dịu dàng và ngọt ngào xuất hiện. Một hình ảnh con người rạng rỡ, hạnh phúc nào đó vội vã lướt qua và vẫy gọi chúng ta rời đi”. Âm nhạc ngày càng lớn dần, một đoạn hân hoan như thể xóa nhòa đi phần mở đầu đầy tuyệt vọng: “Mọi thứ u ám buồn vui đều bị lãng quên. Đây rồi, đây rồi—hạnh phúc!”
Niềm vui này mau chóng tan vỡ khi motif Định mệnh mở đầu lại xuất hiện trong tiếng kèn, như thể một tiếng vang vọng về từ chiến trường:
“Đây chỉ là những giấc mơ ban ngày và Định mệnh đã đánh thức chúng ta khỏi chúng”. Sự hỗn loạn của dàn nhạc tạo nên sự trở lại cao trào của giai điệu đau khổ. Những giấc mơ và ảo ảnh về hạnh phúc mới chớm nở, cuối cùng lại bị số phận đánh bại.
Gần cuối, một giai điệu hoài cổ ngọt ngào xuất hiện trong tiếng gió rừng, nhưng trở nên tối dần đầy thất thường: “Và do đó, toàn bộ cuộc sống là một sự xen kẽ không ngừng giữa thực tế khắc nghiệt với những giấc mơ thoáng qua, những ảo mộng về hạnh phúc… Không có thiên đường nào tồn tại…” – Tchaikovsky nói về phần đầu tiên trong lá thư gửi cho Nadezhda.
Phần thứ hai: Andantino in modo di canzona
Phần thứ hai của bản giao hưởng thể hiện một khía cạnh khác của nỗi buồn, bắt đầu bằng một đoạn solo oboe. Những giai điệu khắc họa nên một buổi tối ảm đạm, thời khắc mà những kỷ niệm, những khốn khổ trong quá khứ trở lại và gặm nhấm tâm hồn mỗi người. Giai điệu được truyền đến từ đàn cello và kết thúc bằng một điệp khúc sôi động .
Giai điệu trở lại với cách phối khí đa dạng và trở nên ấm áp hơn, càng lúc càng cuồng nhiệt hơn. Âm thanh gợi lên bao nhiêu khoảnh khắc hạnh phúc khi sự nhiệt huyết của tuổi trẻ trỗi dậy.
Sau đó, giai điệu mở đầu quay trở lại, gây ra một sự tương phản đối lập. Tiếng nhạc càng lúc càng chìm xuống, chạm tới điểm thấp nhất ảm đạm, gói gọn những kỷ niệm đau thương, những mất mát không thể nguôi ngoai. Tiếng kèn bassoon lặp lại trong phần cuối của giai điệu mở đầu: “Vừa buồn, vừa ngọt ngào khi đắm chìm trong quá khứ…”.
Phần thứ ba: Scherzo. Pizzicato ostinato. Allegro
Phần thứ ba của bản giao hưởng không biểu thị một cảm xúc cụ thể. Đây là những hình ảnh mơ hồ có thể lướt qua trí tưởng tượng sau khi uống một chút rượu và cảm nhận được trạng thái choáng váng trong cơn say.
Dàn nhạc bao gồm các dây pizzicato đã làm rõ được tính tương phản, diễn tả được hình ảnh những người nông dân say rượu và một bài hát đường phố với tiếng kèn gỗ, đan xen của tiếng vang của những chiếc kèn đồng. Những hình ảnh này hiện lên không có điểm chung nào với thực tế. Chúng kỳ lạ, hoang dã và không mạch lạc…
Phần thứ tư: Allegro con fuoco
Phần cuối cùng được bắt đầu với những nốt nhạc dồn dập với tốc độ chóng mặt. Sự dồn giã của âm thanh này gợi lên hình ảnh của một lễ hội công cộng, xen kẽ với âm hưởng của một bài hát dân gian Nga – “In the Field a Birch Tree Stood”.
“Hãy đi ra ngoài giữa mọi người. Hãy xem họ có thể tận hưởng như thế nào, hết lòng đầu hàng những cảm giác vui vẻ. Hãy hình dung niềm vui lễ hội của những người bình thường”.
Cuộc vui tiếp tục cho đến khi motif của Định mệnh xuất hiện trở lại một cách đầy kịch tính, nhà soạn nhạc giải thích: “Bạn vừa mới quên được chính mình và bị cuốn theo niềm vui của người khác thì Định mệnh lại xuất hiện và nhắc nhở bạn về chính mình”.
“Người khác không quan tâm đến bạn, họ cũng không nhận thấy bạn cô đơn và buồn bã. Ôi, họ đang tận hưởng làm sao! Họ hạnh phúc biết bao khi mọi tình cảm của họ đều đơn giản và dễ hiểu”.
“Hãy tự trách mình và đừng nói rằng mọi thứ trên đời này đều đáng buồn. Niềm vui là một sức mạnh đơn giản nhưng mạnh mẽ. Hãy vui trong niềm vui của người khác. Chí ít, bạn vẫn có thể tiếp tục cuộc sống của mình”. – Tchaikovsky diễn giải trong thư về Bản giao hưởng số 4 của chính mình.
Tham khảo
houstonsymphony.org
en.tchaikovsky-research.net