Nhục đậu khấu và 7 sự thật thú vị bạn chưa biết

Diệu Linh

|

8:21 07/03/2024

Share

artLIVE – Nhục đậu khấu có vị ngọt nhẹ, bùi và the độc đáo. Chúng từng là một loại gia vị đắt đỏ, được săn lùng nhờ vào hương vị quyến rũ. Bên cạnh đó, nhục đậu khấu cũng sở hữu công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe của con người như điều trị cảm cúm, hỗ trợ tiêu hóa, giảm đau,… 

Quê hương có 1-0-2 của nhục đậu khấu

Nhục đậu khấu có nguồn gốc từ quần đảo Banda (Indonesia) – nơi vốn được mệnh danh là ‘Quần đảo gia vị’. Trong lịch sử, nơi đây nổi tiếng là nguồn cung cấp hạt nhục đậu khấu duy nhất trên thế giới, khiến loại gia vị này trở thành mặt hàng được săn lùng ráo riết trong thị trường thời cổ đại. 

nhuc_dau_khau
Nhục đậu khấu có nguồn gốc từ Indonesia. Ảnh: Aqua Expeditions.

Những thế kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ hai, người dân Bandan phát triển việc trồng hạt đậu khấu. Giống hạt đậu khấu Bandana có hương vị và tác dụng tuyệt hảo. 

Ngày nay, hạt nhục đậu khấu được trồng ở nhiều vùng nhiệt đới, bao gồm Ấn Độ, Sri Lanka, vùng Caribe và một số vùng của Nam Mỹ. Những hạt nhục đậu khấu được trồng ở các vùng khác nhau sẽ có hương vị đặc trưng cho vùng khí hậu nơi chúng được trồng. Tuy vậy, nhục đậu khấu Bandana vẫn trở thành tiêu chuẩn cho các loại nhục đậu khấu ở vùng khác. 

Đổi nhục đậu khấu lấy… một thành phố

Bạn có biết rằng hạt nhục đậu khấu đã từng được săn lùng đến mức người Hà Lan từng trao đổi một thành phố của mình để đổi lấy việc độc quyền mua bán nhục đậu khấu?

Theo nhà sử học Eric Tagliacozzo – Giáo sư Lịch sử tại Đại học Cornell (Mỹ), vào những năm 1600, “người Hà Lan và người Anh gần như bám đuôi nhau trên toàn cầu”. Bên cạnh việc tranh giành lãnh thổ, họ còn đưa ra mọi nỗ lực để kiểm soát việc buôn bán gia vị – lĩnh vực được ví như cây hái ra tiền. 

nhuc_dau_khau
Quân lính giám sát việc thu hoạch nhục đậu khấu. Ảnh: Reiner Lesprenger.

Nhục đậu khấu, lúc này nổi tiếng với hương vị độc đáo và các tác dụng tuyệt vời dành cho sức khỏe, có phần bị thổi phồng một cách thái quá, khiến chúng trở thành một trong những cây gia vị được săn lùng nhất lúc bấy giờ.

Quê hương của hạt đậu khấu – quần đảo Banda vốn nằm trong tay người Anh. Người Hà Lan luôn khao khát sở hữu nó để chiếm thế độc quyền mua bán. Chính vì thế, họ quyết định đổi thành phố Manhattan – nơi trước đây người Anh từng nắm quyền kiểm soát để lấy quần đảo Banda. Lúc bấy giờ, đây được xem như một thương vụ ngọt ngào đối với người Hà Lan.

Cấu tạo độc đáo của cây nhục đậu khấu

Là một loại thực vật vùng nhiệt đới, cây nhục đậu khấu có tán rậm rạp, xen kẽ với những nhánh tỉa ra. Phiến lá hình bầu dục màu xanh đậm đan xen với những bông hoa vàng hình vuông. Quả của cây nhục đậu khấu có lớp vỏ dày, khi chín sẽ tách thành hai nửa chạy dọc theo chiều dài của quả. 

Bên trong của quả nhục đậu khấu chứa một hạt màu nâu tím bóng, bao phủ xung quanh là một lớp vỏ màu đỏ thẫm được gọi là “aril”. Đặc biệt, cả hai bộ phận này đều có thể sử dụng được. 

nhuc_dau_khau
Lớp vỏ đỏ thẫm bao phủ bên ngoài hạt nhục đậu khấu. Ảnh: Slurrp.

Phần hạt nhục đậu khấu sẽ được sấy khô trong vòng sáu đến tám tuần để rồi tỏa ra mùi thơm đậm đà. Trong giai đoạn này, lớp vỏ “aril” bên ngoài cũng khô lại và nứt ra, khi đem đi nghiền sẽ được phần bột nhục đậu khấu.

Ẩn chứa hương vị của ngày Giáng sinh

Nếu yêu thích Giáng sinh – một ngày lễ của sự sum vầy và niềm vui, chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên được hương vị của nhục đậu khấu. Loại thực vật này có hương thơm nhẹ tựa gỗ thơm, không khỏi gợi nhắc ta về một cái ôm ấm áp giữa mùa đông lạnh giá.

Bên cạnh đó, khi nếm nhục đậu khấu, ta có thể cảm nhận được sự cân bằng tinh tế giữa hương vị ngọt ngào dịu nhẹ và chút bùi cùng the the cuốn hút. Sự phức tạp trong các tầng hương vị biến nó trở thành nguyên liệu lý tưởng cho các món ăn từ mặn đến ngọt. 

Những món ăn đặc trưng của mùa đông như bánh nướng mặn, mì ống,… đến các món tráng miệng như bánh ngọt,… sẽ không thể nào trọn vị nếu thiếu đi hương thơm nồng nàn từ nhục đậu khấu. Thậm chí, những cốc sữa nóng với chút nhục đậu khấu nồng nàn còn trở thành thức uống quen thuộc với nhiều tín đồ ẩm thực khi đông về.

nhuc_dau_khau
Sự kết hợp hoàn hảo giữa sữa và nhục đậu khấu. Ảnh: Through The Fibro Fog.

Chu du vòng quanh bản đồ ẩm thực thế giới

Nổi tiếng từ lâu với hương vị khó lòng cưỡng lại và sự linh hoạt trong việc kết hợp với các món ăn, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu như nhục đậu khấu trở thành một nguyên liệu không thể thiếu đối với các nền ẩm thực lớn trên khắp thế giới cho đến ngày nay. 

Tại Indonesia – quê hương của mình, nhục đậu khấu thường được sử dụng trong các món súp hầm. Trong khi đó, tại Ấn Độ và các quốc gia Trung Đông thì nó lại là nguyên liệu không thể thiếu trong hỗn hợp gia vị để làm nên những món ăn đặc trưng như garam masala, cà ri,… 

nhuc_dau_khau
Món súp bí đỏ nhục đậu khấu hấp dẫn. Ảnh: Australia ‘s best recipes.

Chẳng những phổ biến ở phương Đông, nhục đậu khấu còn trở thành một phần không thể thiếu trong món bánh bí ngô đặc trưng dịp Lễ Tạ ơn tại Mỹ.

Tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe

Không chỉ là một gia vị hấp dẫn trong căn bếp của bạn, nhục đậu khấu kỳ thực còn trở thành “phương thuốc” hữu ích hỗ trợ sức khỏe con người. Một nghiên cứu năm 2006 công bố trên Tạp chí Thực phẩm Thuốc (Journal of Medicinal Food) chỉ ra rằng tất cả thành phần trong bột nhục đậu khấu đều có đặc tính kháng khuẩn. 

nhuc_dau_khau
Nhục đậu khấu có đặc tính tuyệt vời cho sức khỏe con người. Ảnh: Tilda Rice.

Ngoài ra, nghiên cứu năm 2013 công bố trên Tạp chí Kỹ thuật di truyền và Công nghệ sinh học cho biết có 32 hợp chất trong nhục đậu khấu có hoạt tính chống ôxy hóa, giãn cơ,… Tinh dầu được chiết xuất từ quả nhục đậu khấu chứa hợp chất tương tự như tinh dầu bạc hà, có đặc tính giảm các cơn đau. Chính vì thế, người ta thường sử dụng chúng để điều trị các căn bệnh về đường tiêu hóa, điều hòa kinh nguyệt, cảm lạnh,…

Từ cảm giác hưng phấn đến… trúng độc

Được biết đến như loại gia vị thơm ngon và hấp dẫn, bạn có ngạc nhiên nếu biết được rằng thực ra nhục đậu khấu lại có thể khiến con người trở nên hưng phấn và thậm chí… trúng độc.

Thật vậy! Nhục đậu khấu có chứa một chất hóa học tạo ra cảm giác hưng phấn, được gọi là myristicin. Đây là một hợp chất được tìm thấy tự nhiên trong tinh dầu của một số loại thực vật như mùi tây, thì là và đặc biệt nhiều nhất trong nhục đậu khấu. 

Khi đi vào cơ thể con người, sự phân hủy myristicin tạo ra một hợp chất ảnh hưởng đến hệ thần kinh giao cảm, dẫn tới các tác dụng phụ như ảo giác, chóng mặt, buồn nôn,… 

Ngoài những tác dụng phụ ngắn hạn kể trên, con người thậm chí còn phải đối mặt với nhiều rủi ro nguy hiểm hơn khi tiêu thụ quá nhiều loại gia vị này. Theo nghiên cứu trường hợp từ Trung tâm Ngộ độc Illinois, từ 10 gam (khoảng 2 thìa cà phê) hạt nhục đậu khấu cũng đủ gây ra các triệu chứng ngộ độc. 

Trong những trường hợp không may, chất myristicin có thể gây suy nội tạng hoặc dẫn đến tử vong nếu kết hợp cùng một số loại thuốc khác.

Tham khảo: 

Atlas Obscura

Tasting Table

Science Direct

Healthline