artLIVE – Các loại gia vị Ấn Độ như tiêu đen, bạch đậu khấu, đinh hương, thì là Ai Cập,… luôn mang đến những sáng tạo bất ngờ cho các tín đồ đam mê ẩm thực trên khắp thế giới.
Gia vị làm nên bản sắc của ẩm thực Ấn Độ
Vốn là quốc gia tỷ dân đa sắc tộc và tôn giáo, Ấn Độ luôn mang trong mình nét đẹp đa dạng, thể hiện rõ nhất qua khía cạnh ẩm thực truyền thống. Từ các món ăn vỉa hè dung dị đến các món ăn nhà hàng đắt đỏ, tất cả đều toát lên hương sắc lôi cuốn của các loại gia vị đậm đà.
Các nhà khảo cổ học cho rằng gia vị đã len lỏi vào đời sống người dân Ấn Độ từ khoảng 2000 năm trước công nguyên. Văn tự Ayurvedic cổ đại đã từng ghi chép lại công dụng của các loại gia vị như tiêu đen, đinh hương, hoa hồi trong ẩm thực, y học, và thực hành tôn giáo.
Mặc dù phải chịu cảnh đô hộ của các nước Châu Âu trong suốt thế kỷ 15 và 16, đầu mối giao thương của tiểu lục địa Ấn Độ vẫn không ngừng phát triển. Các loại gia vị xuôi theo những con tàu buôn đến với Anh, Pháp, Bồ Đào Nha mang theo cả nét đặc sắc của ẩm thực Ấn Độ.
Ngay cả những vị khách hàng khó tính nhất cũng phải “chịu hàng” trước hương vị cay nồng của tiêu đen, ngọt dịu thanh mát của nhục đậu khấu, và hương khói vấn vít nơi đầu mũi của thì là Ai Cập.
Tiêu đen
Tiêu đen là loại gia vị bản địa của Ấn Độ, chủ yếu được canh tác ở vùng Western Ghats and Malabar và dần lan rộng ra các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Bề ngoài tiêu đen trông có vẻ đơn giản nhưng quá trình gieo trồng chúng lại phức tạp hơn nhiều. Các yếu tố tự nhiên như thổ nhưỡng, nhiệt độ, và lượng mưa cũng dễ dàng ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng của cây. Điều này phần nào lý giải được giá cả đắt đỏ của loại gia vị này.
So với ẩm thực Pháp, Mỹ ưa chuộng hương vị nhẹ nhàng của tiêu trắng, ẩm thực Ấn Độ lại đề cao hương vị mạnh mẽ có phần lấn lướt của những hạt tiêu đen xay nhuyễn. Bên cạnh ưu điểm về hương vị, tiêu đen cũng hỗ trợ giảm các triệu chứng cảm cúm, các bệnh về đường tiêu hoá, và giúp giảm lượng cholesterol xấu trong máu.
Bạch đậu khấu
Bạch đậu khấu cùng họ với gừng và nghệ là một trong những loại gia vị không thể thiếu trong ẩm thực Ấn Độ. Hạt của chúng có thể được rang sơ cho vào các món hầm hay súp hoặc giã nhuyễn trộn cùng các loại gia vị khác dùng làm sốt ướp.
Đối với những ai chưa quá quen thuộc với ẩm thực Ấn Độ, họ sẽ khó phân biệt được hương vị của bạch đậu khấu và nhục đậu khấu khi chế biến món ăn bởi chúng mang nhiều nét tương tự. Cả hai đều có vị nồng của thông xanh, vị chua nhẹ của chanh và thanh mát của lá bạc hà, riêng nhục đậu khấu sẽ có thêm nốt hương khói thoang thoảng.
Không chỉ góp mặt trong các món mặn điển hình như cà ri Ấn Độ, Kheer, hay chai, bạch đậu khấu còn là nguyên liệu yêu thích của các đầu bếp bánh ngọt. Một chút bột nhục đậu khấu nồng ấm sẽ khiến cho mẻ bánh quy nóng hổi thêm phần hấp dẫn.
Đinh hương
Đinh hương đã được ứng dụng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt của con người từ thời cổ đại. Một số tài liệu lịch sử thời nhà Hán còn lưu lại những bài thuốc sử dụng đinh hương để khử mùi trong khi người Ấn Độ đã sớm sử dụng chúng như nguyên liệu nấu ăn hoặc bảo quản thực phẩm.
Đinh hương thực chất là phần búp non xanh của cây, được người nông dân thu hoạch rồi phơi khô đến khi chuyển sang màu nâu sậm và toả ra mùi thơm nồng ấm. Búp hoa đinh hương khô có thể được hầm trực tiếp với rau củ và thịt để tăng hương vị hoặc giã nhuyễn rồi trộn chung với các loại thảo mộc khác như hoa hồi, quế, hồ tiêu, trần bì tạo nên hỗn hợp ngũ vị hương.
Đối với các công thức sử dụng đinh hương để nêm nếm, bạn cần chú ý thật kỹ đến định lượng của đầu bếp vì một khi “vung tay quá trán” vị hăng nồng sẽ phá hỏng cả món ăn.
Thì là Ai Cập
Thì là Ai Cập cùng họ với cây mùi tây nhưng hương vị của chúng lại không có nhiều điểm tương đồng. Thì là sở hữu vị hăng nồng, hơi chua nhẹ, và thoảng mùi đất còn mùi tây thì thiên về nét thanh mát của cây cỏ.
Thay vì sử dụng thì là Ai Cập riêng lẻ để nêm nếm, người Ấn lại thích biến tấu chúng để tạo nên các hỗn hợp gia vị dành riêng cho từng món ăn. Chẳng hạn như món súp dals và thịt nướng nồi đất (tandoor) sẽ cần dùng đến bột thì là, cỏ cà ri, ớt bột để dậy lên hương vị tự nhiên của thịt tươi. Đồng thời, loại gia vị này cũng giúp các món chay Ấn Độ như súp đậu phụ, salad khoai tây, cà rốt, và bí đỏ nướng trở nên thơm ngon đậm đà hơn.
Thì là Ai Cập còn giàu các hợp chất kháng viêm tự nhiên như terpene, phenolic, flavonoid and alkaloid được biết đến với công dụng hỗ trợ tiêu hoá, kháng khuẩn, và ngăn ngừa bệnh béo phì.
Fenugreek
Fenugreek hay còn được biết đến với tên gọi cỏ cà ri là “gương mặt thân quen” trong nhiều công thức nấu ăn Ấn Độ, nhất là món cà ri gà béo ngậy.
Nếu nếm thử lá và hạt Fenugreek tươi hẳn bạn sẽ phải nhăn mặt trước vị đắng nồng có phần “khó chịu” của chúng. Bất ngờ thay, sau khi hoà cùng các nguyên liệu nấu ăn khác Fenugreek lại chuyển sang vị ngọt nhẹ nhàng tương tự như vị si rô lá phong.
Đầu bếp Ấn Độ thường dùng cối giã nhuyễn hạt Fenugreek với tiêu đen, bột ớt paprika, lá húng quế để tạo nên hỗn hợp gia vị “ăn liền” hoặc áp chảo phần lá và hạt để lấy tinh dầu thơm phức.
Bên cạnh việc sử dụng Fenugreek như một gia vị nấu ăn, các gia đình Ấn Độ còn rang thơm phần hạt rồi pha với trà thảo mộc. Họ tin rằng loại trà này giúp điều tiết lượng mỡ trong máu, tăng cường sức khỏe sinh sản cho nam giới, và kích thích tuyến sữa của phụ nữ mang thai. Ba nhà khoa học Vida Ghasemi, Masoomeh Kheirkhah, và Mohsen Vahedi đã khảo sát 78 người phụ nữ uống trà thảo mộc Fenugreek trong suốt thai kỳ và cho thấy lượng sữa mẹ của họ tăng rõ rệt.
Hiển nhiên, kho tàng gia vị đồ sộ của ẩm thực Ấn Độ sẽ không chỉ gói gọn trong các loại nguyên liệu kể trên những những chúng lại là những gì tinh hoa nhất. Gia vị Ấn Độ không đơn thuần thêm sắc thêm hương cho món ăn mà còn mang lại giá trị y học quý giá, giúp tăng đề kháng và cải thiện sức khỏe con người.
Tham khảo:
allrecipes.com
schoolofindianhistory.in
tilda.com
healthline.com
mccormick.com
thekitchn.com