artLIVE – Cờ tướng (Xiangqi) là một trong những bộ môn thể thao trí tuệ được yêu thích tại Việt Nam. Không chỉ là một bộ môn thu hút nhiều người chơi mà cờ tướng cũng có lịch sử về nguồn gốc vô cùng thú vị.
Nguồn gốc và xuất xứ của cờ tướng
Trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc, các cuộc chiến tranh đã diễn ra liên tiếp trong nhiều năm. Khi đó, một loại cờ mới được thiết kế theo hình thức dàn quân và đồng thời đây cũng là hình thức sớm nhất của cờ tướng Trung Quốc. Từ thời xa xưa, cờ tướng luôn được cả tầng lớp trí thức lẫn tầng lớp bình dân yêu thích.
Mặc dù nguồn gốc của cờ tướng vẫn chưa được xác nhận, nhưng xét theo các quy tắc thì cờ tướng ban đầu được phát minh ở Trung Quốc vào khoảng 200 năm trước Công Nguyên, bởi chỉ huy quân sự tên là Hàn Tín (Hán Xin hoặc Hahn Sheen). Trò chơi được thiết kế tượng trưng cho một trận chiến thực sự, được đội quân Hàn Tín dùng khi họ đang đợi ngoài trời để giữ lãnh thổ của mình. Loại cờ đầu tiên này có tên là “Trò chơi bắt Tương Kỳ”, trong đó “Tương Kỳ” là tên của người chỉ huy quân địch.
Vài năm sau chiến thắng của đội quân Hàn Tín, vì không được hoàng đế sủng ái nên vài trò chơi của ông trở nên ít phổ biến hơn thậm chí là bị cấm. Tuy nhiên, vào thời nhà Đường (thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ X sau Công Nguyên) trò chơi này đã được hồi sinh cùng một số quy tắc mới và các biến thể của trò chơi cũng được lan rộng khắp thế giới.
Sau thời nhà Tống, có ba hình thức cờ được hình thành. Một trong số đó là một loại cờ gồm 32 mảnh, được chơi trên một bàn cờ gồm 9 đường dọc và 9 đường ngang. Vào thời điểm đó, bàn cờ không có khoảng trống ở giữa là “Sông”, sau này mới được thêm vào. Qua thời gian, hình thức cờ tướng này đã tồn tại và phát triển cho đến ngày hôm nay.
Những cải tiến đầu tiên của cờ tướng
Với sự phát triển kinh tế và văn hóa thời nhà Thanh, cờ tướng đã bước sang một giai đoạn mới. Nhiều trường phái khác của cờ tướng cũng như người chơi cờ cũng trở nên nổi tiếng. Thêm vào đó, cùng sự phổ biến của cờ tướng, nhiều sách và cẩm nang về kỹ thuật chơi cờ cũng đã được ra đời. Chúng đó một vai trò quan trọng trong việc phổ biến cờ tướng Trung Quốc và những cải tiến trong kỹ thuật chơi ở thời hiện đại.
Theo đó, việc cải tiến đầu tiên và cũng quan trọng nhất đó là vị trí đặt quân cờ: chúng được đặt ở giao điểm các đường chứ không đặt tên từng ô và quân cờ di chuyển trên đường mà không phải nhảy từ ô này sang ô khác.
Từ đó, bàn cờ tăng thêm số điểm đặt quân từ 64 lên 81, số quân cờ ở hàng cuối tăng từ 8 lên 9. Quân Tướng được đặt ở trục giữa và hai bên của Tướng đều là quân Sĩ. Sau đó, bàn cờ được vẽ thêm hai đường chéo cho quân Sĩ, tức là chữ X trước quân Tướng, từ đó ta có “Cửu Cung”.
Ngoài ra, người Trung Quốc đã mất rất nhiều thời gian để tìm vị trí hợp lý cho quân Pháo. Cờ tướng cổ đại không có quân Pháo, đây cũng là quân cờ ra đời muộn nhất trong bàn cờ khi được bổ sung từ cuối thời nhà Đường (618 – 907). Tuy nhiên, để có được vị trí này thì hàng chốt phải bị đẩy lên rất xa về phía trước khiến các cờ thủ không dám tấn chốt vì sợ bị đối phương ăn mất.
Cũng chính vì điều này mà Sở hà Hán giới ra đời – khoảng trống ngăn giữa hai bên mà ngày nay gọi là “Sông”. Khi “Sông” xuất hiện trên bàn cờ thì có thêm 9 điểm đặt quân vì vậy bàn cờ tướng bây giờ đã tăng thêm 90 điểm so với 64 như cũ.
Cờ tướng hiện đại có gì?
Bàn cờ: Có hình chữ nhật với 9 đường dọc và 10 đường ngang cắt nhau tạo thành 90 điểm. Ngăn giữa bàn cờ là một khoảng trống được gọi là “Sông”, chia bàn cờ thành hai phần đối xứng bằng nhau.
Mỗi bên có một vùng quan trọng nhất là “Cửu Cung”- một hình vuông lớn với 4 ô vuông nhỏ, bên trong có 2 đường kẻ chéo, đây cũng chính là phạm vi của quân Tướng được di chuyển.
Quân cờ: Bộ cờ tướng gồm 32 quân và 7 loại quân, khi chơi 32 quân sẽ được chia đều cho 2 người chơi với màu sắc riêng biệt như đen – trắng hoặc trắng – đỏ, mỗi bên sẽ có những quân như: 1 quân Tướng – 2 quân Sỹ – 2 quân Tượng – 2 quân Xe – 2 quân Pháo – 2 quân Mã – 5 quân Tốt. Bạn cần phải nhận diện được từng quân cờ với ký hiệu, hình dáng cũng như tên gọi của chúng để có thể chơi được cờ tướng.
Tốt: Trước khi vượt sông quân Tốt chỉ có thể đi thẳng về phía trước 1 ô, sau khi đã vượt sông, quân Tốt được quyền đi sang trái hoặc phải tùy ý nhưng cũng chỉ trong phạm vi 1 ô.
Pháo: Có thể đi ngang hay dọc bất kể đâu và không bị giới hạn ô miễn là không có quân cản trước mặt. Tuy nhiên, Pháo muốn ăn quân địch phải nhảy qua 1 quân chứ không thể ăn trực diện.
Xe: Có phạm vi rộng khi có thể đi ngang, dọc khắp bản đồ miễn là không bị cản trên điểm đến, ngoài ra Xe có thể trực tiếp ăn quân địch trên đường di chuyển.
Mã: Có thể di chuyển ngang 2 ô và dọc một ô hoặc dọc 2 ô và ngang 2 ô tùy tình huống. Nếu có quân cờ khác cản ở đường ngang 2 hoặc đường dọc 2, Mã sẽ không di chuyển được.
Tượng: Đi chéo 2 ô ngang hoặc dọc, Tượng chỉ được ở bên vùng lãnh thổ của quân mình và không thể di chuyển nếu có quân cờ chặn trên đường chéo mà nó đi.
Sĩ: Luôn nằm trong vùng Cửu Cung và chỉ được phép đi chéo 1 ô.
Tướng: Luôn nằm trong vùng Cửu Cung chỉ được đi ngang hoặc dọc từng ô một.
Dù thoạt nhìn môn cờ tướng có vẻ khá phức tạp nhưng cách chơi lại vô cùng đơn giản cũng như sức hấp riêng của nó. Không chỉ giúp giải trí mà cờ tướng còn là bộ môn nâng cao trí tuệ hiệu quả. Điều này cũng lí giải vì sao môn cờ tướng luôn được mọi lứa tuổi yêu thích cho dù đã xuất hiện từ rất lâu.
Tham khảo:
chinaculture.org
ancientchess.com
vietnamchess.vn