artLIVE – Xuất hiện từ những năm 80 của thế kỷ XX, aerobic dần trở thành một xu hướng mới trong cộng đồng thể thao, được nhiều người yêu thích và bắt đầu tập luyện.
Thuật ngữ “aerobic” có nghĩa là “có oxy” và đề cập đến việc sử dụng oxy trong quá trình trao đổi chất hoặc tạo ra năng lượng của cơ thể. Aerobic, còn được biết đến với cái tên Thể dục nhịp điệu, thường được thực hiện ở cường độ vừa phải trong thời gian dài.
Một buổi tập bao gồm giai đoạn khởi động, sau đó là ít nhất 20 phút tập thể dục từ trung bình đến cường độ cao, liên quan đến việc tác động nhóm cơ lớn và thời gian thư giãn ở cuối cùng.
‘Aerobic’ bắt nguồn từ đâu?
Aerobic hay thể dục nhịp điệu là một hình thức tập luyện phổ biến ở Mỹ vào cuối thế kỷ XX. Thuật ngữ “aerobic” được tiến sĩ Kenneth H. Cooper, một bác sĩ phẫu thuật của Lực lượng Không quân đặt ra trong một cuốn sách cùng tên xuất bản năm 1968.
Ban đầu, thể dục nhịp điệu là một bài kiểm tra sức khỏe tim mạch dựa trên khả năng chạy trong một cuộc chạy bộ – một nhiệm vụ được sử dụng trong huấn luyện quân sự. Công việc này được cộng đồng y tế vô cùng tán thành, góp phần tạo nên sự phổ biến của aerobic trong thời kỳ đó.
Vào cuối thập kỷ, aerobic trở thành một hình thức tập thể dục đặc biệt, kết hợp các bài tập luyện trị liệu truyền thống với phong cách khiêu vũ dành cho những ai không thể tập các môn thể thao cường độ cao, chủ yếu là phụ nữ.
Cuốn Aerobic được xuất bản năm 1968, bao gồm các chương trình tập thể dục khoa học như chạy, đi bộ, bơi lội và đi xe đạp. Cuốn sách ra đời vào thời điểm tình trạng suy nhược và lười vận động ngày càng gia tăng trong dân chúng nói chung. Các dữ liệu của Cooper cung cấp cơ sở khoa học cho hầu hết các chương trình thể dục nhịp điệu hiện đại, hầu hết đều dựa trên mức tiêu thụ oxy tương đương.
Trong những năm sau đó, người ta nhận thấy rằng những loại bài tập này cũng hữu ích cho cộng đồng. Từ đó, những biến thể khác nhau dần ra đời như thể dục nhịp điệu khiêu vũ, thể dục nhịp điệu bước, thể dục nhịp điệu dưới nước, thể dục nhịp điệu tác động cao và thấp…
Jackie Sorenson – một cựu vũ công trở thành chuyên gia thể dục đã phát minh ra điệu nhảy aerobic vào năm 1968 cho Đài Truyền hình Lực lượng Vũ trang sau khi đọc cuốn sách của Cooper. Judi Sheppard Missett, người tạo ra Jazzercise, một hình thức nhảy aerobic khác trên nền nhạc jazz, bắt đầu mở các lớp học của riêng mình vào năm 1969.
Trong hai thập kỷ tiếp theo, khiêu vũ và thể dục nhịp điệu dần lan rộng khắp nước Mỹ và các quốc gia khác. Số người tập thể dục nhịp điệu chỉ riêng ở Hoa Kỳ tăng cao, ước tính từ 6 triệu người trong năm 1978 lên 22 triệu người vào năm 1987.
Thể dục nhịp điệu cũng được cho là rất hiệu quả trong việc nâng cao mức độ thể lực tổng thể. Các lớp học được tổ chức tại phòng tập thể dục, trung tâm cộng đồng địa phương, trường học và nhà riêng. Ngay cả những người cao tuổi cũng được khuyến khích tham gia.
Cơn sốt thể dục nhịp điệu trên toàn thế giới
Đến năm 1980, thể dục nhịp điệu nhanh chóng trở thành một xu hướng quốc gia, thoát ly khỏi phạm vi phòng tập và mở rộng đến các phương tiện truyền thông. Các bài tập aerobic đã xuất hiện trên sách hướng dẫn từ cuối những năm 1970, nhưng sự ra đời của các buổi tập aerobic được quay video vào đầu những năm 1980 đã đưa cơn sốt này đến với một thị trường rộng lớn hơn.
Ấn tượng hơn cả là khả năng tiếp thị tổng hợp dường như không giới hạn của bộ môn thể thao này. Những mặt hàng liên quan như quần áo, giày dép, âm nhạc, sách, tạp chí và thực phẩm đã phát triển một cách mạnh mẽ.
Nhận thấy thị trường thể dục nhịp điệu dành cho nữ có tiềm năng sinh lợi, các nhà sản xuất giày thể thao hàng đầu đã bắt đầu tiếp thị những đôi giày được thiết kế đặc biệt cho hoạt động thể dục nhịp điệu.
Cơn sốt thể dục nhịp điệu đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phổ biến trở lại của nhạc khiêu vũ vào những năm 1980. Thể dục nhịp điệu cũng được đưa vào điện ảnh, như trong Perfect (1982) – một bộ phim truyền hình có mục đích điều tra thế giới bẩn thỉu của các câu lạc bộ thể dục thể chất và những người hướng dẫn thể dục nhịp điệu của họ.
Vào cuối những năm 1980, thể dục nhịp điệu đã trở thành một hiện tượng quốc tế thu hút các học viên từ Peru cho đến Liên Xô. Hơn nữa, thể dục nhịp điệu bắt đầu thu hút ngày càng nhiều nam giới tham gia. Với sự hấp dẫn ngày càng tăng, môn thể dục nhịp điệu dần trở nên chuyên nghiệp hóa.
Sự ra đời của các giải đấu chuyên nghiệp
IDEA – Hiệp hội Thể dục khiêu vũ Quốc tế, AFAA – Hiệp hội Thể dục nhịp điệu Hoa Kỳ và các tổ chức thể dục khác đã phát triển các chương trình chứng nhận huấn luyện viên để đảm bảo việc hướng dẫn tốt hơn và an toàn hơn. Các lớp học trở nên có tổ chức và thứ bậc hơn, tạo ra một nền văn hóa thể dục nhịp điệu siêu cạnh tranh.
Những người tham gia tranh nhau giành được những vị trí tốt nhất bởi người hướng dẫn, thực hiện các động tác một cách chính xác nhất. Từ đó, các cuộc thi thể dục nhịp điệu chuyên nghiệp dần xuất hiện, chẳng hạn như Giải vô địch thể dục nhịp điệu quốc gia lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1984 hay Giải vô địch thể dục nhịp điệu thế giới được tổ chức lần đầu vào năm 1990.
Ngoài ra, bộ môn này bắt đầu xuất hiện sự đa dạng vào thời kỳ những năm 1990. Các lớp thể dục nhịp điệu chuyên biệt nhảy theo nhiều kiểu khác nhau, từ tác động thấp đến hip – hop hay salsa. Đồng thời, những người hướng dẫn thể dục nhịp điệu bắt đầu khám phá các chế độ tập luyện khác nhau, chẳng hạn như luyện tập theo vòng, plyometrics, thể dục nhịp điệu bước, thể dục nhịp điệu dưới nước…
Tham khảo
encyclopedia.com
thisismeex333.tripod.com