Thể thao – Liều thuốc bổ cho tâm trí con người

Diệu Linh

|

16:08 01/03/2024

Share

artLIVE – Thể thao được xem là phương thuốc tự nhiên vô cùng hiệu quả giúp giảm căng thẳng, tăng cường sự nhạy bén cho não bộ cũng như cải thiện các vấn đề về tâm lý của con người.

Xoa dịu nỗi căng thẳng

Cuộc sống hiện đại khiến con người không thể tránh khỏi tình trạng thường xuyên gặp phải căng thẳng. Gánh nặng về kinh tế, mâu thuẫn trong hôn nhân, thậm chí cả tình trạng tắc nghẽn giao thông,… cũng trở thành những nguyên nhân khiến ta đối diện cùng sự áp lực, mệt mỏi. Lâu dài, tình trạng này có thể gây ra những căn bệnh nguy hiểm như tăng huyết áp, ung thư,… ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.

Tập thể dục là một phương pháp mang lại sự thư giãn và nhẹ nhõm cho cơ thể đang đối diện với quá nhiều áp lực. Dù không thể loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân tạo ra sự mệt mỏi nhưng người luyện tập thể thao thường xuyên sẽ có khả năng quản lý cơn căng thẳng của mình tốt hơn. 

the_thao
Thể thao xoa dịu sự căng thẳng trong đời sống hằng ngày. Ảnh: internalartsmaster.

Các bài tập thể chất, như chạy bộ, thái cực quyền, yoga,… có thể khiến bạn xao lãng khỏi những yếu tố gây khó chịu trong đời sống hằng ngày bằng cách chuyển hướng năng lượng cảm xúc sang những khía cạnh vui vẻ, tích cực. Về lâu dài, thể thao sẽ giúp lối sống của bạn trở nên lành mạnh hơn.

Tăng cường sự nhạy bén của bộ não

Bộ não của chúng ta rất mềm dẻo, linh hoạt và có thể phát triển các kết nối thần kinh mới trong suốt cuộc đời. Chính vì thế, ta có thể không ngừng chăm sóc cho nó thông qua các bài tập thể thao. Tiến sĩ Arthur Kramer, nhà thần kinh học tại trường Đại học Illinois–Urbana Champaign (Mỹ) cho biết: “Nhìn chung, tập thể dục giúp tăng chức năng não, cải thiện khả năng duy trì trí nhớ và các khía cạnh nhận thức quan trọng khác lên tới 20%”.

Bạn có biết rằng tuy bộ não chỉ chiếm 2% trọng lượng tổng cơ thể nhưng lại ngốn tới 15% lưu lượng máu. Tập thể dục làm tăng lưu lượng máu đến não, giúp máu chảy qua các động mạch của não được linh hoạt và không bị tắc nghẽn. 

Các bài tập giúp tim đập mạnh như chạy, đạp xe và bơi lội là cách tốt nhất để cải thiện sức khỏe não bộ. Tiến sĩ Arthur Kramer khuyến nghị chúng ta nên tập ít nhất một giờ mỗi ngày, ba ngày một tuần. Tương tự như hiệu quả tuyệt vời mà quá trình vận động thể chất mang lại cho tim mạch, não bộ của ta cũng sẽ được tiếp thêm sức mạnh từ việc rèn luyện thể thao.

image 161
Chúng ta có thể không ngừng chăm sóc cho bộ não thông qua việc luyện tập thể thao. Ảnh: swimming.org

Cải thiện các bệnh về tâm lý 

Trong quá trình tìm hiểu về mối liên hệ giữa tâm trí và cơ thể, các nhà khoa học nhận ra hoạt động thể chất sẽ giúp con người cải thiện tâm trạng và giảm bớt các triệu chứng bệnh tâm lý. 

Trầm cảm

Trầm cảm là một tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến trên toàn thế giới, với khoảng 5% dân số trưởng thành trên toàn cầu gặp phải trầm cảm ở các mức độ khác nhau. Trầm cảm khiến tâm trạng người bệnh chán nản, làm gián đoạn giấc ngủ, gây mất hứng thú với các hoạt động trong đời sống,… Thậm chí, người mắc căn bệnh này thường đối mặt với những suy nghĩ làm tổn thương đến cơ thể của mình.

Vận động cơ thể thường xuyên được chứng minh có thể tạo ra những thay đổi trong quá trình sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh như norepinephrine, dopamine và serotonin. Từ đây, các tế bào thần kinh sẽ giao tiếp với nhau tốt hơn, giúp tăng cường các mạch trong não để điều chỉnh tâm trạng của con người. 

Các chuyên gia gợi ý người bệnh trầm cảm nên tăng cường thời gian tập luyện theo khuyến nghị 30 phút mỗi ngày bằng cách chia thời gian đó thành những khoảng rất nhỏ – chẳng hạn như 5 đến 10 phút mỗi lần. Điều này sẽ giảm bớt cảm giác mất đi hứng thú, dễ chán nản thường gặp và tạo thói quen bền vững cho các bệnh nhân về lâu dài.

the_thao
Chia nhỏ thời gian tập luyện sẽ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Ảnh: Outside Online.

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) 

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến khiến người mắc phải có thể gặp khó khăn trong việc chú ý, gây ra các hành vi bốc đồng, hiếu động thái quá,… Căn bệnh này nảy sinh từ việc mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh trong não, chủ yếu là dopamine. 

Với mục đích tăng cường sự tập trung cũng như giảm bớt các hành vi bốc đồng, các bệnh nhân ADHD thường được chỉ định điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục cũng có thể điều chỉnh nồng độ dopamine trong não, trở thành một trong các phương pháp điều trị tuyệt vời cho căn bệnh này.

Rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực là tình trạng sức khỏe tâm thần gây ra những thay đổi bất thường về tâm trạng và mức năng lượng của con người. Căn bệnh này khiến tâm lý của người bệnh trở nên thất thường, từ đó ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, các mối quan hệ xung quanh,…

Bên cạnh các phương pháp điều trị truyền thống như sử dụng thuốc chống loạn thần, liệu pháp tâm lý,… thì tập thể dục cũng được chứng minh có thể ổn định tâm trạng cho các bệnh nhân rối loạn lưỡng cực.

Cụ thể, hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm bớt sự thay đổi tâm trạng và thúc đẩy cảm giác hạnh phúc ở những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Bên cạnh đó, tập thể dục cũng hạn chế các tác dụng phụ của nhiều loại thuốc được dùng để điều trị căn bệnh này. 

the_thao
Tập thể dục có thể tạo ra cảm giác hạnh phúc. Ảnh: inc.com.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

OCD không phải là một căn bệnh tâm lý hiếm gặp trong thời đại ngày nay. Nó đẩy người bệnh vào tình trạng bị ám ảnh trong tâm trí và cưỡng bức trong hành vi, khiến họ không thể kiểm soát và chỉ muốn lặp đi lặp lại các suy nghĩ, hành động ấy, thậm chí cả khi chúng có thể khiến bản thân gặp nguy hiểm.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, chứng rối loạn này có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của người bệnh. Phương pháp điều trị phổ biến nhất là dùng thuốc, ví dụ như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SRI), kết hợp với liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) – một loại liệu pháp tâm lý nhắm vào các hành vi cụ thể.

Trong một nghiên cứu năm 2017 ở 56 người trưởng thành mắc OCD, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự suy giảm đáng kể các triệu chứng OCD sau chương trình tập thể dục nhịp điệu kéo dài 12 tuần. Ngoài ra, họ còn nhận thấy sự giảm bớt cảm giác lo lắng và trầm cảm – hai triệu chứng thường gặp ở những người mắc OCD. Điều này cho thấy rằng tập thể dục thường xuyên có thể là một phương pháp điều trị bổ sung có lợi cho bệnh nhân OCD.

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)

Sống sót sau một tai nạn nguy hiểm, trải qua một sự kiện đáng sợ,… chắc chắn là vận may vô cùng tuyệt vời đối với con người. Tuy nhiên, tâm trạng lo lắng hay nỗi lo sợ khi hồi tưởng lại sự kiện ấy có thể sẽ ám ảnh họ rất lâu về sau và thậm chí, gây ra căn bệnh rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).

Việc điều trị PTSD thường bao gồm quá trình dùng thuốc chống trầm cảm và tham gia trị liệu tâm lý (liệu pháp trò chuyện) để vượt qua những cảm giác tiêu cực liên quan đến sự kiện đau thương. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất thường xuyên cũng có thể giảm tâm trạng đau buồn, ám ảnh và sự nhạy cảm khi nảy sinh các kích thích trong tâm lý,…

Chính vì thế, việc tập thể dục thường xuyên kết hợp với các phương pháp điều trị truyền thống sẽ cực kỳ có lợi trong việc giải quyết các triệu chứng PTSD.

the_thao
Thể thao giúp ta giảm bớt những tổn thương trong tâm lý. Ảnh: heartandstroke.ca

Tham khảo:

Healthline

Experience Life by Life Time

The National Institute of Mental Health (NIMH)