artLIVE – Để trang bị cho trẻ sức khỏe tốt nhất khi tham gia hoạt động thể thao, ba mẹ cần lưu ý đến việc bổ sung đầy đủ khoáng chất, xây dựng kế hoạch dinh dưỡng phù hợp, uống đủ nước,…
Ăn uống là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng tác động đến quá trình luyện tập thể thao ở trẻ em. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp trẻ bổ sung năng lượng, tăng sức bền và tự tin chinh phục những cột mốc mới. Trong bài viết ngay hôm nay, hãy cùng artLIVE điểm danh những lưu ý đặc biệt về chế độ ăn dành cho trẻ em trong quá trình vận động nhé!
Xây dựng kế hoạch dinh dưỡng phù hợp
Trong một số môn thể thao, trẻ em sẽ cảm thấy bản thân cần tăng hoặc giảm trọng lượng cơ thể để đạt được thành tích tốt nhất.
Với những bộ môn chú trọng đến ngoại hình như khiêu vũ hoặc thể dục dụng cụ, trẻ có thể gặp tình trạng áp lực phải giảm cân để có được một ngoại hình cân đối. Tuy nhiên, những thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn kiêng cấp tốc hoặc sử dụng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc,… có thể khiến trẻ kém về sức khỏe, sức bền và khả năng tập trung trở nên suy yếu.
Ngược lại, khi trẻ tìm cách tăng cân quá nhanh để tham gia các bộ môn thể thao đòi hỏi thể lực như bóng đá, việc ăn quá nhiều mà không có chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể khiến trẻ tăng cân thay vì cơ bắp. Chính vì thế, nếu bé đối mặt với nhu cầu cần tăng hoặc giảm cân, ba mẹ có thể tìm đến các chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một kế hoạch ăn uống lành mạnh và phù hợp với trẻ.
Bổ sung đầy đủ khoáng chất
Canxi và sắt là hai khoáng chất quan trọng đối với các vận động viên nhí. Nếu như canxi giúp xương thêm chắc khỏe thì sắt sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy đến các bộ phận trong cơ thể.
Để bổ sung canxi, ba mẹ có thể thêm vào khẩu phần ăn của bé các sản phẩm từ sữa ít béo (như sữa, sữa chua, phô mai,…) và các loại rau lá xanh như bông cải xanh, bắp cải, măng tây,…
Ngoài ra, thực phẩm giàu chất sắt như cá ngừ, thịt bò, ngũ cốc nguyên hạt,… cũng là sự lựa chọn không thể bỏ qua nếu ba mẹ muốn tăng cường dinh dưỡng cho các vận động viên nhí. Một bữa với ăn với đa dạng nhóm chất giúp các bé thêm khỏe khoắn, tự tin chinh phục các bộ môn thể thao mình yêu thích.
Lưu ý về tình trạng tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa khi chạy bộ là một tình huống phổ biến ở người lớn và cả trẻ em. Có một số giả thuyết giải thích tại sao chạy bộ có thể gây tiêu chảy và táo bón. Một ý kiến cho rằng thời gian ruột phải co giật kéo dài sẽ khiến quá trình tiêu hóa và đưa thức ăn qua ruột trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, cũng có nghiên cứu cho rằng trong quá trình chạy, máu của con người sẽ bị đẩy ra khỏi ruột gây rối loạn quá trình tiêu hóa.
Dù là với lí do nào, tình trạng này cũng khiến cho quá trình luyện tập thể thao của trẻ trở nên vô cùng khó chịu. Chính vì thế, nếu trẻ có dạ dày đặc biệt nhạy cảm, tốt nhất bạn nên tránh cho trẻ ăn những món có chứa caffeine, vị cay và giàu chất xơ ở giai đoạn trước hoặc trong khi vận động. Để đảm bảo sức khỏe cho các vận động viên nhí, trước khi tập luyện hoặc thi đấu ta nên cho trẻ dùng các món ăn quen thuộc thay vì thử những món mới.
Thời điểm ăn khi thi đấu
Ngày thi đấu là thời điểm vô cùng quan trọng. Hiệu suất thi đấu của trẻ sẽ phụ thuộc một phần vào loại thực phẩm trẻ đã ăn trong vài ngày, thậm chí vài tuần qua. Chế độ ăn giàu carbohydrate, vừa phải protein và ít chất béo sẽ vô cùng lý tưởng cho các vận động viên nhí.
Trước khi luyện tập hoặc thi đấu, trẻ có thể ăn một bữa ăn nhẹ gồm các thực phẩm có chứa carbohydrate dễ tiêu hóa, chẳng hạn như trái cây, bánh quy giòn hoặc bánh mì.
Các chuyên gia khuyên rằng trẻ nên ăn trong vòng 30 phút sau khi hoạt động ở cường độ cao, và chờ sau đó 2 tiếng để ăn uống như bình thường. Cơ thể con người lúc này cần bổ sung năng lượng nên hãy ăn uống đầy đủ, cân bằng giữa protein và carbs.
Vì cơ thể của mỗi đứa trẻ khác nhau, vì vậy ba mẹ hãy tìm hiểu điều gì phù hợp nhất với con bằng cách cho con thử nghiệm chế độ ăn phù hợp từ trước. Việc chuẩn bị kỹ càng về dinh dưỡng sẽ giúp con có đầy đủ sức khỏe và năng lượng cho việc luyện tập, thi đấu.
Uống đầy đủ nước
Mất nước có thể làm giảm năng lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe và thành tích của trẻ. Ta không thể dựa vào cơn khát để biết liệu trẻ có bị mất nước hay không, vì khát là dấu hiệu cho thấy cơ thể đã thiếu nước rất lâu và dần rơi vào tình trạng “báo động”.
Khi tham gia bộ môn thể thao quen thuộc – chạy bộ, trẻ em nên uống nước trước khi chạy và sau mỗi 15-20 phút trong suốt quá trình chạy. Sau khi hoàn thành đường chạy, trẻ cũng cần uống nước để phục hồi lại lượng nước đã bị mất khi chảy mồ hôi.
Trước khi vận động, phụ huynh nên lưu ý tránh cho trẻ em sử dụng đồ uống có ga và nhiều đường vì chúng sẽ gây khó chịu cho dạ dày của bé. Đặc biệt, nếu bé vận động ở cường độ cao trong thời gian dài, ta có thể bổ sung các loại đồ uống thể thao chứa carbohydrate và chất điện giải để bé phục hồi nhanh chóng hơn.
Tham khảo:
rightasrain.uwmedicine.org
kidshealth.org