artLIVE – Đối với nghệ sĩ YênKhê, bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng cần dấu ấn riêng. Giữa vô vàn thực hành nghệ thuật đã và đang diễn ra trên thế giới, làm sao để tìm thấy cho mình một ‘ngôn ngữ’ nghệ thuật riêng biệt?
Trần Nữ YênKhê sinh ra tại Đà Nẵng, sau đó cô theo gia đình đến và sống tại Paris, nước Pháp. Từ năm 10 tuổi, cô đã mong muốn được vẽ nhưng chưa có cơ hội. Đến năm 18 tuổi, nữ nghệ sĩ bắt đầu theo đuổi nghệ thuật với đa dạng lĩnh vực: hội họa cho đến điện ảnh.
Nghệ sĩ YênKhê từng theo học tại École Camondo, một trường tư danh giá về thiết kế và kiến trúc nội thất tại Paris, Pháp. Sau cuộc gặp gỡ với đạo diễn Trần Anh Hùng và trở thành “nàng thơ” trong nhiều bộ phim nổi tiếng của anh, cô thực hành vẽ song song với sự nghiệp diễn xuất của mình. Bản thân cô nhận thấy không có gì quá khác biệt giữa các vai trò họa sĩ, diễn viên, nhà thiết kế…
Nữ nghệ sĩ quan niệm rằng, điều quan trọng nhất trong hành trình theo đuổi nghệ thuật chính là việc biết cách đưa ra những câu hỏi “tự vấn” cụ thể và phù hợp với bản thân. Từ đó, người nghệ sĩ mới có can đảm thử, suy ngẫm để hiểu và tìm ra được thứ “ngôn ngữ” nghệ thuật riêng biệt của chính mình.
Với tư cách là một họa sĩ, tranh của cô không tồn tại ý nghĩa hay bất kỳ thông điệp, không kể chuyện cũng không mang vào bất kỳ một hình dáng quen thuộc nào. Đây chính là hành trình nữ nghệ sĩ tìm kiếm một ngôn ngữ riêng để đặc tả cảm xúc của bản thân ngay tại thời điểm đó. Ngoài ra, những tác phẩm cũng không được đặt tên, YênKhê không muốn chỉ dẫn người xem theo bất kỳ lối mòn nào mà khuyến khích người xem đi tìm con đường riêng, phụ thuộc vào sự vận động của nội tâm.
‘Với tôi, chuyển động chính là sự sống’
Trong triển lãm đầu tay ở Việt Nam mang tên White Blank được diễn ra từ ngày 24 tháng 10 đến ngày 30 tháng 12 năm 2023 tại không gian Galerie Quynh, nghệ sĩ Trần Nữ YênKhê trưng bày các tác phẩm từ điêu khắc cho đến tranh vẽ được sáng tác trong và sau thời điểm dịch Covid.
Ở triển lãm, mỗi chất liệu đều được nữ nghệ sĩ nâng niu, để chúng trở thành một phần “nối dài” với cả cơ thể. Với YênKhê, điều quan trọng nhất chính là truyền được rung động vào chất liệu.
Hai thứ quan trọng khi cô khởi đầu điêu khắc, chính là tác động của ánh sáng và dao động. Sự tương tác giữa chất liệu và ánh sáng gần như không thể tồn tại thiếu nhau, nếu không có ánh sáng thì sẽ không thể nhìn thấy sự đa diện trong điêu khắc.
Với nữ nghệ sĩ, chuyển động là thứ vô cùng quan trọng, vì nó chính là sự sống. Nếu không có dao động, thứ đó coi như đã chết. Mỗi tác phẩm sau khi được hoàn thành đều có riêng cho nó một sự vận động và sự “sống” riêng biệt mà ngay cả tác giả cũng không có “quyền năng” can thiệp hay kiểm soát.
Đắm chìm một năm với hành trình sáng tác, điều này dường như mở ra cho chính nữ nghệ sĩ một cơ hội đặc biệt để khám phá bản thân. Thời điểm ấy, cô dường như có cảm giác trở về trong “hang” để bảo vệ mình, và cái hang này không hề tăm tối như xưa mà đã có ánh sáng, có sự tự sắp xếp.
Không gian tranh chứa đựng sự đối thoại mang tính nhị nguyên
Cô thực hiện điêu khắc vào năm 2021, bắt đầu vẽ tranh giai đoạn ngay sau dịch Covid. Nữ nghệ sĩ cho biết, thời điểm ấy cô dần phản tư lại với những thông tin xung quanh, để cho bản thân băn khoăn về tính nhị nguyên của mọi đối tượng.
Từ cảm hứng ấy, nữ nghệ sĩ mong muốn mang sự đối thoại vào trong những tác phẩm của mình: liệu có thể gói gọn những suy tư ấy vào không gian phẳng trên giấy vẽ hay không?
YênKhê lựa chọn màu trắng để thử nghiệm xem mình có thể làm được gì với nó. Màu trắng là một bắt đầu mạo hiểm, vì nó không kể chuyện, mà quan trọng là sự phóng chiếu nội tâm của người nghệ sĩ lên đó. Suốt thời gian sáng tác, cô đắm mình hoàn toàn vào “cái trắng”, nó mở ra một cuộc hành trình mới, cho phép nữ nghệ sĩ khám phá những ngóc ngách chưa từng được nhìn thấy.
Khi xem tranh, người xem sẽ thấy ngôn ngữ của màu trắng rất nhẹ, có lúc ta phải cố gắng nhìn nó. Đồng thời, có những liên hệ với khối hình họa kiến trúc với gam màu rực rỡ, khó chịu và chói mắt. Trong tranh như tồn tại một phép thử dành cho hai loại ngôn ngữ, liệu chúng có nảy sinh bất kỳ sự đối thoại nào hay không? Đôi mắt của người xem không thể nhìn rõ hai vật thể cùng lúc mà phải di chuyển qua lại, sự chuyển động trong không gian ấy gợi mở một chuyến hành trình mới.
Dù cho hai “ngôn ngữ” cùng xuất hiện trên toan vẽ hoàn toàn khác biệt, nhưng chắc chắn vẫn tồn tại những đối thoại. Đối với nghệ sĩ YênKhê, điều quan trọng nhất trong triển lãm White Blank chính là có thể tạo nên một “ngôn ngữ” độc nhất của riêng mình. Đây chính là một thách thức gay go nhất với một người thực hành nghệ thuật.
Cô vô cùng hứng thú và muốn thử nghiệm với tinh nhị nguyên giữa hai thái cực đối nghịch: hai ngôn ngữ, hai phương pháp, hai quan điểm. Nữ nghệ sĩ hy vọng người xem cũng có thể chia sẻ cảm giác này: “Sau khi hành trình của tôi kết thúc, chuyến phiêu lưu của bạn sẽ chính thức mở ra”.