artLIVE – Nghệ thuật Trúc Chỉ không chỉ giữ được nét đẹp của nghề làm giấy truyền thống tại Việt Nam mà còn trở thành một chiếc cầu nối, là sự kết tinh cho những giao thoa giữa cái cũ và cái mới.
Tại Việt Nam, nghề làm giấy đã được hình thành và phát triển từ rất sớm, trong giai đoạn từ thế kỷ thứ III sau Công Nguyên. Người Việt cổ khi ấy đã biết sử dụng gỗ mật hương để chế tác nên một loại giấy bản – được gọi là giấy mật hương.
Những ngôi làng chuyên sản xuất giấy dần được phát triển, theo thư tịch cổ, vào khoảng thế kỷ XIII, làng Dịch Vọng bắt đầu xuất hiện nhiều gia đình chuyên làm nghề giấy. Đến thế kỷ XV, để đáp ứng nhu cầu xã hội trong việc học hành, thi cử, nhiều làng nghề làm giấy tại phường Yên Thái, vùng Bưởi ven Hồ Tây cũng bắt đầu phát triển.
Cho đến thời đại ngày nay, khi công nghệ và những kỹ thuật tân tiến bắt đầu chiếm thế thượng phong trong mọi lĩnh vực, những ngành nghề truyền thống dần mất đi vị thế và trở nên mai một. Những người yêu thích nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống quyết định “tái sinh” những giá trị cốt lõi của dân tộc, và Trúc Chỉ đã trở thành một đại diện tiêu biểu.
Từ nghệ thuật làm giấy truyền thống cho đến nghệ thuật Trúc Chỉ
Vào năm 2012, trong dòng chảy không ngừng nghỉ của mỹ thuật Việt Nam, một loại hình nghệ thuật giấy mới đã được sản sinh, nhà văn – dịch giả Bửu Ý gọi nghệ thuật này là Trúc Chỉ.
Trúc Chỉ được “lập chí” qua câu nói của Vua Khải Định: “Đặc trưng của một dân tộc được biểu thị qua các sản phẩm nghệ thuật. Đó là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, nghi lễ chính trị và hình ảnh tâm hồn của dân tộc đó…”.
Nghệ thuật này được sáng tạo nên với ý niệm cốt lõi: “Mang lại cho “giấy” có thêm khả năng thoát khỏi thân phận làm “nền” để trở thành một tác phẩm độc lập”. Nghệ thuật làm giấy Trúc Chỉ không chỉ tập trung khai thác các chất liệu từ tre như truyền thống mà còn sử dụng hầu hết các nguyên liệu xơ sợi sẵn có từ rơm, tre, mía, chuối, bèo, bắp, dứa, dâu, lá, cỏ…
Trong khoảng thời gian sau giai đoạn đổi mới, nền mỹ thuật Việt Nam cùng những họa sĩ đồ họa đối mặt với tình trạng thiếu giấy đặc chủng để phục vụ kỹ thuật in ấn. Bên cạnh đó, họ cũng khao khát tìm kiếm những biểu hiện khác của giấy – nền cho các bản in. Chính những lý do đó đã thúc đẩy họa sĩ Phan Hải Bằng “soi đường”, bắt đầu cuộc hành trình nghiên cứu và sáng tạo.
“Từ những thử nghiệm đầu tiên của tôi vào năm 2000, trải qua nhiều năm với nhiều chuyến điền dã, nghiên cứu ở Thái Lan, rồi Đống Cao (Bắc Ninh)…, thu được những kiến thức mới, các khái niệm mới bắt đầu xuất hiện. Tôi nhận thấy giấy có thể là một cái gì đó chứ không chỉ là giấy để in và tự hỏi “giấy có thể là một tác phẩm tự thân hay không?” – Họa sĩ Phan Hải Bằng chia sẻ.
Sau khi Họa sĩ Phan Hải Bằng kết thúc thời gian nghiên cứu tại Thái Lan và về nước, anh lập xưởng giấy đầu tiên trong trường Đại học Nghệ thuật Huế. Từ đó đến nay, Trúc Chỉ trở thành một hiện tượng, được xây dựng, vun đắp và lan tỏa bài bản đến với công chúng yêu thích nghệ thuật.
Những giá trị cốt lõi mà Trúc Chỉ hướng đến bao gồm thẩm mỹ – giáo dục – xã hội. Các thành tố này gắn bó, bổ sung và tương trợ cho nhau một cách mật thiết. Đối với nghệ thuật Trúc Chỉ, tính duy mỹ không chỉ tập trung và đề cao cái đẹp mà còn phải bao gồm các ứng xử phù hợp với truyền thống.
Nghệ thuật Trúc Chỉ và quy trình chế tác ra những sản phẩm giấy đặc biệt
Quy trình chế tác Trúc Chỉ bao gồm hai công đoạn chính. Đầu tiên, dựa trên cách thức làm giấy truyền thống, nguyên liệu thô sẽ được ngâm, nấu với vôi rồi nghiền, giã thành bột giấy. Sau đó, chúng được “seo” thành tấm giấy trên những khung “seo”.
Tiếp đó là đến quy trình Trúc Chỉ. Trên tấm giấy ướt, họa sĩ sẽ sử dụng một vòi phun tạo áp lực nước để thay đổi kết cấu xơ sợi, biến tấu nên sự khác nhau trong độ dày mỏng, với các hình ảnh đã được cắt trổ theo phác thảo.
Thao tác này được tiến hành nhiều lần, theo nguyên lý của kỹ thuật chế bản in khắc kim loại (etching) và in xuyên (seriegraphy), tạo nên nhiều lớp sắc độ, sắc nhị tinh tế.
Bên cạnh đó, họa sĩ còn có thể sử dụng vòi phun áp lực nước như một cây “bút vẽ” đặc biệt để vờn vẽ trực tiếp trên mặt tấm giấy ướt, tạo nên hiệu ứng đặc biệt. Đây cũng chính là yếu tố chủ yếu để tạo nên sự khác biệt và biểu hiện độc đáo của Trúc Chỉ.
Sự phong phú, linh hoạt trong biểu hiện từ nhiều loại xơ sợi hay hệ thống sắc độ, sắc nhị dựa trên thứ tự lớp dày mỏng của “trucchigraphy” chính là đặc tính riêng biệt của Trúc Chỉ.
Thuật ngữ kỹ thuật “đồ họa Trúc Chỉ” – trucchigraphy được hình thành từ sự vận dụng các yếu tố: quy trình chế tác giấy thủ công truyền thống, kỹ thuật tạo áp lực nước (khá phổ biến ở một số nước), và các nguyên lý của nghệ thuật đồ họa.
Khi được tương tác với ánh sáng, Trúc Chỉ sẽ cho ra những hiệu ứng đặc biệt: bề mặt những chỗ dày sẽ có sắc độ sáng, những chỗ mỏng sẽ cho sắc độ tối. Sự biến hóa linh động này chính là điểm thu hút, khơi gợi cảm hứng cho người xem, người sáng tạo về mặt nghệ thuật thị giác.
Toàn bộ tinh thần của nghệ thuật Trúc Chỉ được gói gọn trong biểu tượng “chiếc đòn gánh”, thường được đặt trang trọng tại các không gian của Trúc Chỉ. Dụng cụ truyền thống phổ biến trong đời sống này thể hiện sức mạnh nội lực và sự dẻo dai của năng lượng người mẹ thông qua đặc tính bền vững của chất liệu xơ sợi.
Có thể nói, Trúc Chỉ được sinh ra để tôn vinh giá trị của lòng tri ân và tính nhân văn một cách sáng tạo qua ngôn ngữ nghệ thuật đậm tính Việt. Trên hành trình xây dựng Nghệ thuật Trúc Chỉ, Nhà sáng lập – Họa sĩ Phan Hải Bằng vẫn luôn khẳng định: “Chúng tôi không thể là người quyết định sau cùng, mà quý vị với mỗi sự đồng hành của mình, sẽ là điều kiện quyết định đưa Trúc Chỉ trở thành giá trị văn hóa mới của Việt Nam”.
Tham khảo
giaybaobitoancau.com
trucchiart.vn
artsandculture.google.com