Thực cảnh và giả cảnh, sôi động và bất động

Tác giả: Đạo diễn Phạm Hoàng Nam

|

22:04 30/12/2023

Share

artLIVE – Thực cảnh là một giải pháp cho ngành du lịch nếu biết khai thác đúng và hiệu quả. Sức hút của một điểm đến du lịch gồm bốn yếu tố bản địa cốt lõi: Thiên nhiên, lịch sử, văn hoá, tâm linh.

Cuối năm, thực cảnh sôi động khắp nơi. Đi xem show thực cảnh của một đứa em từ hôm trước rồi mà bận quá chưa viết. Xem về lại có đứa em khác rủ làm thực cảnh. Lúc đang làm show thì đứa em khác nữa xin bay đi làm thực cảnh khác nữa…

Cảm giác rất vui, nên chia sẻ lên đây vài bài học thú vị trong sổ tay của mình từ khi trực tiếp đi xem và tìm hiểu khái niệm “thực cảnh” đầu năm 2008 ở Quế Lâm (Trung Quốc) cho đến cuối năm 2022 ở Vendee (Pháp).

THỰC CẢNH – Real Landscape: Khi văn hoá dẫn dắt kinh tế

Vào những năm 1970 thế kỷ trước, ở làng Nam Đan tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) có một cậu bé vừa ham đọc sách vừa mê kịch nghệ nên mới 17 tuổi đã có tác phẩm riêng về văn học và kịch bản sân khấu. Cậu bé mơ một ngày làm gì đó đặc biệt cho quê hương, là vùng tự trị dân tộc Choang của mình. Chàng thanh niên ấy tên là Mai Soái Nguyên.

Cảnh đẹp tuyệt vời của dòng sông Lệ với những ngọn núi như tranh thuỷ mặc, cùng với truyền thuyết dân gian về Lưu Tam Kiệt, người phụ nữ có một giọng hát huyền thoại và một số phận bi ai từ thời Đường ở vùng Dương Sóc, Quế Lâm, khiến Mai Soái Nguyên quyết làm một tác phẩm đặc biệt tại địa điểm này. Ông Mai, lúc đó đã là lãnh đạo ngành văn hoá địa phương, khăn gói lên Bắc Kinh thuyết phục bằng được đạo diễn đình đám Trương Nghệ Mưu về hợp tác.

Và kết quả là siêu phẩm “Ấn tượng Lưu Tam Tỷ” ra đời năm 2004, gây chấn động cùng với khái niệm hoàn toàn mới mẻ “show diễn Thực cảnh”. Vở diễn cũng gây đột phá về mặt công nghệ biểu diễn và sân khấu ngoài trời rộng lớn, ấn tượng ở màn biểu diễn hàng trăm chiếc bè tre bản địa tạo đội hình trên sông với màn phơi vải độc đáo, những màn trình diễn đèn led lập trình đồng bộ trên trang phục cổ truyền của hàng trăm diễn viên, chuyển động trên những lối đi đóng ngầm sát dưới mặt nước… và điều quan trọng nhất của thực cảnh này, là dựa vào cảnh thực của thiên nhiên với dòng Lệ Giang và phông nền là 12 ngọn núi xung quanh.

thuc_canh
Hình ảnh trong buổi biểu diễn “Ấn tượng Lưu Tam Tỷ”. Ảnh: chinadiscovery.com

Vở diễn ngoài trời hàng đêm đã kéo dài 20 năm qua với hơn 500 diễn viên, hơn 3000 khán giả mỗi đêm này đã mở ra một trang mới cho ngành biểu diễn và tác động sâu sắc đến ngành văn hoá du lịch của Trung Quốc. Vở diễn đã thay đổi bộ mặt mới cho cả một vùng nông ngư nghiệp nghèo thành điểm du lịch hấp dẫn. Nó mở ra một trào lưu các vở diễn thực cảnh với mỗi vở hàng trăm diễn viên diễn hàng ngày trên khắp các điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc sau này.

Vở diễn sử dụng toàn bộ diễn viên là người dân địa phương diễn hàng đêm thông qua việc đào tạo song song diễn và học ở trường nghệ thuật địa phương do chính show diễn dựng nên, hai ông Mai và Trương đã sáng tạo ra không chỉ một tác phẩm tuyệt vời mà cả một ngành công nghiệp văn hoá cho du lịch, mang lại thu nhập và công ăn việc làm cho nhiều người, nhiều thế hệ. Vở diễn khai mào mô hình kinh tế đêm cho du lịch và là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế qua văn hoá truyền thống hiệu quả và ý nghĩa. Ngoài ra, nó còn là một chiến lược quốc gia dùng văn hoá để thực hiện những nhiệm vụ chính trị và sắc tộc một cách hiệu quả và mềm mại.

Trương Nghệ Mưu không dựng “Lưu Tam Tỷ” một mình, ông phối hợp với ê kíp gồm hai cộng sự tài năng là Phạm Việt (Fan Yue) và Vương Châu Cư (Wang Chaoge) để rồi kể từ thành công của “Ấn tượng Lưu Tam Tỷ” họ đã tạo thành một “tam giác sắt ấn tượng” (impressive iron triangle), cùng nhau cho ra đời lần lượt một loạt các vở thực cảnh đình đám mang tên “Ấn Tượng” khác nhau ở khắp các địa điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc.

thuc_canh
Bộ ba cộng sự ăn ý: Vương Châu Cư, Trương Nghệ Mưu và Phạm Việt (từ trái qua). Ảnh: tv.sohu.com

Mỗi vở thực cảnh của bộ ba này đều mang một dấu ấn đặc biệt về cách thể hiện và công nghệ biểu diễn mới lạ. Đều biểu diễn dựa vào cảnh quan thiên nhiên, nhưng ngoài vở thực cảnh Lưu tam Tỷ, “Ấn tượng Lệ Giang” là show diễn ban ngày với sân khấu đắp nhiều tầng dựa vào phông nền là Ngọc Long tuyết sơn, “Ấn tượng Tây Hồ” lại là sân khấu trên mặt nước với chiếc quạt màn hình nước khổng lồ, “Ấn tượng đảo Hải Nam” với màn bikini vui nhộn trên biển hay hai vở “Ấn tượng Đại Hồng Bào” về nghệ thuật trà đạo nổi tiếng trên núi Vũ Di và “Ấn tượng Phổ Đà” về Phật Giáo ở Châu Sơn với sân khấu và khán đài quay vòng tròn 360 độ… Một số giải pháp về ánh sáng và đèn led đồng bộ phong cách rất Trung Hoa còn được bộ ba này áp dụng trong lễ khai mạc Olympic hoành tráng năm 2008 một cách đầy ấn tượng và choáng ngợp.

thuc_canh
“Ấn tượng Lệ Giang” gây choáng ngợp cho công chúng. Ảnh: visityunnanchina.com

Mai Soái Nguyên đi tiếp một con đường hơi khác khi tách ra riêng. Nếu những vở thực cảnh của bộ ba Trương, Vương, Phạm thiên về sử dụng công nghệ và hoà trộn những yếu tố văn hoá, lịch sử bản địa với văn hoá thế giới, thì ông Mai lại dựa vào những tích chuyện hay nhân vật thuần chất truyền thống và nguyên bản của từng địa phương với vở diễn cùng với tài biên kịch của mình để dàn dựng những tác phẩm có yếu tố cốt truyện.

Mai Soái Nguyên đã dàn dựng và sản xuất hơn hai mươi vở thực cảnh ở khắp các vùng du lịch Trung Quốc theo cách có cốt truyện này, điển hình như vở diễn về Thiếu lâm tự ở Hà Nam, vở “Thiên Môn Hồ Ly Tiên” ở trên núi Trương Gia Giới, vở về Khổng Tử trên những bậc thang ở Sơn Đông, về Công chúa Văn Thành ở Tây Tạng, về Hoàng đế Khang Hi ở Hà Bắc, về Gia Cát Lượng ở Hồ Bắc…và “Ký Ức Hội An” ở Việt Nam.

thuc_canh
Hình ảnh vở thực cảnh “Công chúa Văn Thành”. Ảnh: xzxw.com

Ngay khi đến Việt Nam dàn dựng “Ký ức Hội An” – vở diễn thực cảnh ngoài Trung Quốc đầu tiên của mình, Mai Soái Nguyên chia sẻ với báo giới tham vọng “dùng phương thức Trung Quốc kể câu chuyện thế giới tại nước ngoài… Sau này chúng tôi sẽ theo “con đường tơ lụa” trên biển để có nhưng bước đi chiến lược vươn tới Singapore, Malaysia, Campuchia…”. Có lẽ vì vậy nên “Ký ức Hội An” mang chút dáng dấp Trung Hoa và gây dư luận trái chiều tại Việt Nam về yếu tố này.

thuc_canh
 Show diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”. Ảnh: Hoi An Memories Land

Mai Soái Nguyên không phải người nghĩ ra hình thức “thực cảnh” đầu tiên trên thế giới, ông chỉ là “cha đẻ” của hình thức Thực cảnh phong cách Trung Hoa (Chinese style fantasy landscape). Nếu không kể những show diễn ngoài trời “giả cảnh” hàng ngày có từ lâu tại các công viên gỉai trí chủ đề dạng như Disney Land, thì có lẽ vở diễn thực cảnh đúng nghĩa đầu tiên trên thế giới là vở “Cinéscénie” ở làng Vendee thuộc vùng Pay De La Loire của Pháp.

Vở diễn cũng bắt đầu từ ước mơ và tâm huyết của một chàng trai tài năng ở địa phương tên là Philippe de Villiers, người xuất thân từ tiểu thuyết gia sau này trở thành một trong những lãnh đạo ngành văn hoá và chính trường Pháp giống như Mai Soái Nguyên. Phillipe cũng bắt đầu từ việc mua lại một lâu đài bỏ hoang trên một khu đất quê ông để tái hiện một câu chuyện lịch sử địa phương.

thuc_canh
Philippe de Villiers – cha đẻ của vở diễn thực cảnh đầu tiên trên thế giới. Ảnh: leparisien.fr

Đây mới là vở thực cảnh có cốt truyện, lớn nhất và diễn lâu nhất thế giới, ra đời từ năm 1978 cho đến hôm nay vẫn còn tiếp tục diễn với qui mô ngày càng lớn. Vở diễn về câu truyện thời trung cổ này có nhiều kỷ lục chưa vở thực cảnh nào ở Trung Quốc phá được, tồn tại hơn 40 năm tới nay với hơn 4000 diễn viên tình nguyện, được đào tạo từ các trường địa phương và từ 15 ngôi làng trong vùng, diễn trên một bối cảnh rộng 23 hecta, 13 nghìn chỗ ngồi, hàng nghìn bộ trang phục kết hợp hàng trăm con ngựa và thú nuôi, hàng trăm máy phóng, lazer, pháo hoa, hàng nghìn thiết bị âm thanh ánh sáng…

Vở thực cảnh “Cinescenie” của Philippe de Villiers đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết tâm của Mai Soái Nguyên sau này khi ra ý tưởng và quyết dồn tâm huyết cho vở thực cảnh “Ấn tượng Lưu Tam Tỷ” tại Quảng Tây. Vì vậy, sự kế thừa và ảnh hưởng văn hoá qua lại giữa đông và tây là một dòng chảy tự nhiên. Nó cũng dẫn tới một bài học khác tiếp theo về khái niệm “ảnh hưởng” hay “sao chép”.

GIẢ CẢNH – Dublitecture. Khi kinh tế dẫn dắt văn hoá

Trong cuốn sách “Original Copies” tác giả Bianca Bosker đã nghiên cứu và phân tích về hiện tượng Shanzai (fake) ở Trung Quốc từ những năm 1990. Người ta nhái và làm giả mọi thứ, từ chiếc điện thoại, túi xách tới kiến trúc của những khu dân cư và thương mại, giải trí lớn, biến Trung Quốc thành một xứ sở fake nổi tiếng thế giới. Hiện tượng “dubltecture”, tức là sao chép kiến trúc ở Mỹ chỉ sử dụng trong các công viên chủ đề hay ở khu phố cờ bạc như Vegas, thì ở Trung Quốc người ta bê nguyên cả những thành phố thế giới vào trong nhưng dự án bất động sản.

Bianca Bosker thấy rằng khi kiếm được tiền nhiều và nhanh, với tâm lý khoa trương, trưởng giả và thái độ cạnh tranh với những giá trị phương Tây, những “đại gia” mới ở Trung Quốc mong muốn trở thành “quí tộc, hoàng gia, thượng lưu…” ngay và luôn bằng cách thể hiện mọi thứ từ fake đến hàng hiệu lên cuộc sống “sang chảnh” của mình như biểu tượng của sự giàu có và thành công.

Nắm bắt tâm lý và trào lưu đó, các nhà đầu tư bất động sản, được bật đèn xanh từ hệ thống kiểm duyệt địa phương, đã cho ra đời những khu phố sao chép hệt châu Âu trong kiến trúc, mời cả những kiến trúc sư nổi tiếng từ phương Tây thiết kế cho sang xịn mịn. Dân Trung Quốc không cần đi đâu xa đã có cả tinh hoa thế giới từ Paris đến New York, từ London đến Venice xung quanh để check in và tự sướng.

Trong lĩnh vực giải trí, phong trào sao chép các hình tượng văn hoá Mỹ diễn ra ồ ạt ở nhiều cấp độ, bất chấp mọi luật lệ về bản quyền. Vụ lùm xùm nổi tiếng giữa tập đoàn Disney và tập đoàn Vạn Đạt (Wanda) về bản quyền các nhân vật bị nhái là đỉnh điểm của tệ nạn sao chép và vi phạm bản quyền ở Trung Quốc…

Nhưng rồi nhân gì sẽ ra quả nấy, vô số những thị trấn “nhái”, đầu tư hoành tráng đã trở thành những thành phố ma bởi những giá trị sao chép chỉ tạo được sự hiếu kỳ mà không bền vững. Ông Alexander Scheutz, thị trưởng thành phố Hallstatt, Áo được mời đến khánh thành thành phố fake của mình ở Trung Quốc đã chốt lại ngắn gọn: “Họ đã xây thành phố này chỉ trong hai năm, nhưng đối với tôi, đó không thể là một Hallstatt. Thành phố của chúng tôi đã phát triển qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm. Bạn có thể sao chép vẻ ngoài kiến trúc nhưng không thể sao chép phần hồn là lịch sử và văn hoá được.”

thuc_canh
Ngôi làng Hallstatt nguyên mẫu (trên) và phiên bản ‘fake’ ở tỉnh Huệ Châu – Trung Quốc (dưới). Ảnh: zafigo.com

Giới chức hiểu và giới đầu tư ở Trung Quốc thấm điều này, nên những dự án về kiến trúc và giải trí như vậy sau đó đã không được khuyến khích, những giá trị văn hoá truyền thống được nghiên cứu và khuyến khích phát triển. Hàng trăm trí thức và nhà báo Trung Quốc đã họp để tìm ra những biểu tượng giải trí bản địa qua kho tàng văn hoá phong phú thay vì nhái các biểu tượng phương Tây. Các kiến trúc sư đã bắt đầu áp dụng những yếu tố bản địa vào kiến trúc trong nước và phát triển ra ngoài biên giới.

Trung Quốc đã bừng tỉnh và thay đổi. Với chủ thuyết “Nhất đới, nhất lộ”, họ đã vươn vòi bạch tuộc ra khắp nơi, song hành cả kinh tế và văn hoá. Trong lĩnh vực giải trí kết hợp bất động sản, nhiều dự án được chính phủ Trung Quốc bật đèn xanh và tài trợ cho không chỉ cho vay tiền mà còn đưa cả các nghệ sĩ và sản xuất mang ảnh hưởng Trung Hoa tới các nước trong vành đai để không chỉ thiết kế các nhà hát mà còn dàn dựng cả những vở diễn thực cảnh hoành tráng tại chỗ.

Có thể kể một ví dụ điển hình và vở thực cảnh “Ấn tượng Melaka” do chính Vương Châu Cư – người đồng đạo diễn với Trương Nghệ Mưu trong các vở thực cảnh đình đám trong nước, trực tiếp thiết kế và thực hiện tại Malaysia năm 2018. Dự án nhà hát 360 độ này đang giữ kỷ lục lớn nhất Đông Nam Á này nằm trong một khu bất động sản phức hợp kiến trúc hiện đại kết hợp với truyền thống bản địa. Nội dung vở diễn hoàn toàn về lịch sử và văn hoá bản địa và là điểm nhấn thu hút du lịch mạnh mẽ của Malaysia. Những dự án dạng này bên cạnh việc truyền bá văn hoá còn làm sôi động dòng chảy kinh tế của bất động sản.

thuc_canh
Hình ảnh trong vở thực cảnh “Ấn tượng Melaka”. Ảnh. kyluc.vn

Trông người ngẫm được gì cho ta:

– Thực cảnh là một giải pháp cho ngành du lịch nếu biết khai thác đúng và hiệu quả. Sức hút của một điểm đến du lịch gồm bốn yếu tố bản địa cốt lõi: Thiên nhiên, lịch sử, văn hoá, tâm linh.

– Trong bốn yếu tố trên, dựa vào cảnh thực của thiên nhiên là yếu tố “thực cảnh” quan trọng nhất thay vì xây dựng những “cảnh giả”. Những khu giải trí và công viên chủ đề hay khu tổ hợp thương mại trang trí bằng cảnh trí giả (theming) không nằm trong khái niệm thực cảnh này.

– “Thực cảnh” không chỉ là cuộc chơi giải trí hay văn hoá thuần tuý, nó cần một tầm nhìn dài hạn cấp quốc gia qua sự kết hợp giữa quản lý văn hoá – nhà đầu tư – đội ngũ sáng tạo. Đây không chỉ là văn hoá, kinh tế, du lịch mà là quốc sách chính trị.

– Dù trong lĩnh vực gì, niềm đam mê, vai trò và tầm nhìn của một cá nhân lỗi lạc là quan trọng nhất. Philippe de Villiers và Mai Soái Nguyên là những thí dụ điển hình.

– Muốn có công nghiệp văn hoá thì trước hết cần công nghiệp sáng tạo, nơi không chấp nhận sự sao chép, vay mượn ý tưởng, tôn trọng, bảo vệ bản quyền và khai thác hiệu quả tính địa phương, tính bản địa. Nếu kiến trúc là một yếu tố “thực cảnh”trong bất động sản du lịch, nó không thể nằm ngoài tính nguyên bản này, vở diễn thực cảnh cũng vậy. Khách du lịch không đi nơi xa để tới xem bảo sao của chính quê họ.

– Thực cảnh đúng nghĩa là cuộc chơi tốn kém không chỉ làm một lần rồi bỏ. Vở diễn thực cảnh được diễn có bán vé hàng ngày tại một địa điểm và khác với một lễ hội phục vụ miễn phí cho khán giả truyền hình mang hình thức thực cảnh. Diễn thực cảnh lâu dài cần dựa vào nhân lực vật, lực địa phương. Thực cảnh dùng “văn công chuyên nghiệp” chỉ là sự kiện lễ hội để phát ti vi. Mục đích chính cho khán giả đến xem và trải nghiệm du lịch trực tiếp, khác với “du lịch qua màn ảnh nhỏ”. Xem pháo hoa trên tivi là một thí dụ.

– Chủ đề của thực cảnh thường nên tập trung vào câu chuyện và tính bản địa của địa phương và thiên nhiên của nơi diễn ra, không nên ôm đồm nhiều văn hoá vào một vở diễn hoặc mang văn hoá bản địa nơi này vào một địa phương khác.

– Cuộc chơi sáng tạo lớn cần sự đồng sáng tạo của một tập thể tinh nhuệ và ăn ý. Người ta biết nhiều đến một Trương Nghệ Mưu nhưng thực tế ông cũng không thể làm một mình thiếu sự phối hợp của nhiều tài năng khác nhau. Kinh nghiệm và thể nghiệm, truyền thống và hiện đại, công nghệ và thủ công được gắn kế hài hoà tạo thành công.

– Với người nghệ sĩ tỉnh táo và có tầm thì việc chứng minh mình là ai và có thể làm được gì chỉ là bước đầu, điều quan trọng là ảnh hưởng của tác phẩm tới công chúng, xã hội và dòng chảy sáng tạo.

– Khi thích nói về những thứ to lớn, “Khủng”, “Đại”, “Grand”… là vì ta đang nhỏ bé. Khi thích gọi những thứ mình làm là “thượng lưu, đẳng cấp, hoàng gia”… vì ta đang nghèo nàn, thiếu tự tin. Khi tự hào thái quá về những thứ “nhất thiên hạ” vì ta đang ở rất xa những cái đỉnh đó.

Chúc du lịch Việt ngày càng có thêm những thực cảnh đúng nghĩa.

Links tham khảo:

Vở thực cảnh “Ấn tượng Lưu Tam Tỷ”: https://www.youtube.com/watch?v=G94rHwWrZOY

Màn trình diễn Cinéscénie tại công viên giải trí Puy du Fou: https://www.youtube.com/watch?v=7sBC-Hd1wqE

Vở thực cảnh “Ấn tượng Tây Hồ”: https://www.youtube.com/watch?v=WRbkegPBOI8

Vở thực cảnh “Ấn tượng Lệ Giang”: https://www.youtube.com/watch?v=-q19JpBE2ac

Vở thực cảnh “Ấn tượng Đại Hồng Bào”: https://www.youtube.com/watch?v=flUvuNagJDk

Vở thực cảnh “Ấn tượng Hải Nam”: https://www.youtube.com/watch?v=tlWK2zZBkNQ