Kiến trúc bản địa – Sự hoà hợp giữa kiến trúc và bản sắc địa phương

Trang Dương

|

9:12 10/08/2023

Share

artLIVE – Bảo vệ và gìn giữ kiến ​​trúc bản địa có thể giúp bảo tồn lịch sử, nét đặc trưng trong kiến trúc, đồng thời, là cách để tôn vinh truyền thống văn hóa, bản sắc của một địa phương.

Dù không thật sự phổ biến, nhưng kiến ​​trúc bản địa là một phần không thể thiếu trong tổng thể nhà ở của nhiều địa phương. Những ngôi nhà có cấu trúc mang bản sắc truyền thống sẽ gắn kết hơn với cảnh quan xung quanh. Đây là kết quả của sự khéo léo và ý thức gìn giữ văn hoá bản địa bền vững của gia chủ.

Kiến trúc bản địa là gì?

Kiến trúc bản địa là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả kiến ​​trúc truyền thống hoặc bản địa được thiết kế và có thể xây dựng bằng vật liệu và tài nguyên sẵn có địa phương. Các công trình mang kiến trúc bản địa sẽ có công năng phù hợp với lối sống và khí hậu nơi đó.

kien_truc_ban_dia
Công trình nhà cộng đồng và homestay thể hiện tinh thần đổi mới nhưng vẫn giữ được bản sắc địa phương tại Hà Giang. Ảnh: Vu Xuan Son

Tính bản địa trong kiến trúc thể hiện các giá trị văn hóa, truyền thống và lịch sử của một địa điểm hoặc cộng đồng cụ thể và có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa và thế giới quan người dân tại địa phương.

Những yếu tố tạo nên công trình có kiến trúc bản địa

Vật liệu có sẵn tại địa phương

Nhà ở được sử dụng vật liệu đặc trưng của địa phương trong xây dựng là một trong những cách mang kiến trúc bản địa vào toàn bộ công trình. Những vật liệu như đá núi lửa tại Santorini (Hy Lạp) hay gỗ dừa trên đảo Koh Samui (Thái Lan) mang nét đặc trưng bản địa vào cho những công trình nơi đây. Điểm cộng của phương thức này là giá thành vật liệu rẻ, dễ dàng tìm thấy tại nơi xây dựng nên tiết kiệm được chi phí vận chuyển vật tư.

koh_samui
Sảnh khách sạn Holiday Inn Samui được làm từ gỗ cây dừa tại đảo Koh Samui. Ảnh: Onion Studio.

Thiết kế tập trung vào công năng

Công trình có thiết kế tập trung vào công năng hơn nhưng vẫn cố gắng hoàn thiện mặt thẩm mỹ. Những kĩ sư, thợ xây dựng địa phương sẽ có những kinh nghiệm riêng và áp dụng phù hợp. Kiến trúc bản địa thường được thiết kế chú trọng đến chức năng, phản ánh nhu cầu, nguồn lực, giá trị văn hóa và thời tiết, khí hậu tại địa phương. Ví dụ, người ta có thể xem xét hướng của ngôi nhà khi định vị các cửa sổ để đảm bảo nhà luôn thoáng mát ở vùng nhiệt đới, hoặc chọn các vật liệu đặc trưng có khả năng giữ nhiệt, kín gió cho nơi khí hậu lạnh.

hanok_korea
Nhà Hanok được dùng đá tảng lớn để cản gió, chống lại cái lạnh dai dẳng tại Hàn Quốc. Ảnh: Trazzy Blog.

Gắn kết cộng đồng

Kiến trúc bản địa thường được tạo ra và duy trì bởi chính cộng đồng người bản địa hoặc người yêu thích văn hóa tại địa phương. Điều này có thể thúc đẩy ý thức sở hữu và niềm tự hào của người dân trong cộng đồng, đồng thời có thể là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng sự gắn kết.

santorini
Những ngôi nhà mái bằng, màu xanh và trắng đặc trưng tại đảo Santorini. Ảnh: Andrew Mayovskyy.

Chúng ta sẽ thấy một số nét tương đồng về kiến ​​trúc bản địa trong một khu dân cư cùng địa phương. Những ngôi nhà này có thể giống nhau ở các vật liệu được sử dụng hoặc các phong cách thiết kế tương tự. Thông qua đó, ta có thể hiểu sâu hơn về các điểm riêng trong tập quán, văn hóa của cộng đồng của họ.

Bảo tồn lịch sử

Kiến trúc bản địa là một phần giá trị của di sản kiến ​​trúc, văn hóa ở một địa điểm cụ thể. Bảo vệ giữ gìn kiến ​​trúc bản địa có thể giúp bảo tồn lịch sử và bản sắc của một cộng đồng, đó cũng có thể là một cách quan trọng để tôn vinh truyền thống văn hóa của quá khứ.

starbucks_hoi_an
Chi nhánh Starbucks có kiến trúc “nhập gia tùy tục” tại phố cổ Hội An. Ảnh: Starbucks

Kiến ​​trúc bản địa là một nguồn tài nguyên quý giá cho các kiến ​​trúc sư đương đại khai thác. Không chỉ cung cấp nhiều kiến ​​thức và nguồn cảm hứng cho các công trình được thiết kế bền vững, mà tính bản địa trong kiến trúc còn khắc họa được bối cảnh văn hóa và lịch sử.

Khi được sử dụng kết hợp với các nguyên tắc thiết kế đương đại, kiến ​​trúc bản địa có thể tạo ra các công trình tối ưu công năng sử dụng. Đồng thời phản ánh các giá trị và truyền thống của cộng đồng. Hơn nữa, đây cũng có thể là một giải pháp tuyệt vời để mang lại cảm giác về bản sắc, tính cách và tính nối tiếp lịch sử, văn hóa cho một địa phương. Nhìn chung, sự kết hợp giữa kiến ​​trúc bản địa và kiến trúc đương đại có thể dẫn đến một sự pha trộn hài hòa vừa sáng tạo vừa tôn trọng quá khứ.

Tham khảo:

thespruce.com

urbandesignlab.in