artLIVE – Cờ vây là một bộ môn thể thao trí tuệ lâu đời. Những quân cờ đen trắng đơn giản có thể được biến hóa linh hoạt thông qua các nước đi của người chơi để làm nên một trò chơi thú vị và giàu tính sáng tạo.
Diện mạo của cờ vây trong lịch sử thế giới
Cờ vây là một trong những bộ môn thể thao trí tuệ lâu đời nhất trên thế giới. Trò chơi này ra đời hơn 2.500 năm trước tại Trung Quốc với cái tên 圍棋 (wéi qí), có nghĩa là “trò chơi xung quanh”.
Có nhiều giai thoại xoay xung quanh nguồn gốc của cờ vây, trong đó truyền thuyết về vua Nghiêu được nhiều người công nhận nhất. Vào thời Nghiêu Đế, ông đã được những vị tiên hướng dẫn trò cờ vây để về dạy cho cậu con trai Đan Chu ngỗ nghịch của mình. Quả thật, sau khi học được thành thạo bộ môn này thì tính tình của cậu đã trở nên tốt hơn xưa.
Tuy Trung Quốc là nơi khai sinh nhưng cờ vây thực sự phát triển khi du nhập vào Nhật Bản vào trước thế kỷ thứ 8. Cờ vây, trong tiếng Nhật là 囲碁 (igo), dần được ưa chuộng trong triều đình. Bắt đầu từ khi ấy, Hoàng tộc đưa ra nhiều phần thưởng cho người chơi cờ vây giỏi, dần thúc đẩy sự phát triển của bộ môn này tại nơi đây.
Tại Nhật có bốn trường phái cờ vây lớn là Honinbo, Hayashi, Inoue và Yasue. Sự cạnh tranh giữa bộ tứ này đã chuyên nghiệp hóa bộ môn cờ vây, góp phần tạo ra một bảng xếp hạng người chơi chuyên nghiệp. Bảng này được chia làm chín cấp bậc, trong đó người giữ thứ hạng cao nhất sẽ được gọi là 名人 (meijin) – tức chuyên gia. Danh hiệu này chỉ được trao tặng cho người chơi duy nhất vượt trội hơn tất cả những người cùng thời với mình.
Cờ vây không chỉ là một bộ môn thể thao trí tuệ phổ biến tại các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,… mà dần xuất hiện ở các quốc gia phương Tây. Bắt đầu từ thế kỷ 17, các du khách phương Tây từng đến Viễn Đông đã lan truyền về trò chơi này.
Tuy nhiên, mãi đến năm 1880, khi Oskar Korschelt – một nhà hóa học và kỹ sư người Đức từng có nhiều năm làm việc tại Nhật Bản giới thiệu bộ môn này trong những bài báo và sách của mình, cờ vây mới thực sự phổ biến tại châu Âu. Trong tiếng Anh, người ta dùng từ “Go”, mượn trực tiếp từ tên tiếng Nhật “igo”, để chỉ cờ vây.
Những quy tắc cơ bản trong cờ vây
Cờ vây là một trò chơi dạng chiến lược dành cho hai người. Một kỳ thủ sẽ cầm quân cờ trắng và bên còn lại sẽ cầm quân cờ đen. Hiểu theo một cách đơn giản, nhiệm vụ của người chơi là dùng những quân cờ để “bành trướng” lãnh thổ của mình cũng như chiếm được những quân cờ đối thủ.
Các quy luật của cờ vây kỳ thực rất đơn giản. Một bàn cờ tiêu chuẩn dùng trong thi đấu gồm 19×19 đường kẻ (ngoài ra có kích thước 9×9 hay 13×13 dành cho người mới tập chơi). Trận đấu bắt đầu với bàn cờ trống, quân đen sẽ đi trước. Tuy nhiên, trong trường hợp đấu cờ chấp thì quân trắng sẽ được đi trước, quân đen sẽ đặt sẵn số quân được chấp xuống bàn cờ.
Trên bàn cờ, giao điểm của đường kẻ ngang và dọc được gọi là điểm nút hay nút. Người chơi sẽ lần lượt đặt các quân cờ trên các nút còn trống. Nếu một quân cờ bị các quân cờ khác màu bao vây ở những điểm gần kề thì nó sẽ “bị bắt”.
Trong khoảng thời gian chơi, người chơi có quyền bỏ lượt nếu không muốn đi tiếp. Ván cờ sẽ chỉ kết thúc khi cả hai bên cùng bỏ lượt đi của mình. Lúc này, ta sẽ tiến hành đếm lãnh thổ, những quân cờ đã “bắt” được cũng như komi – điểm cộng dành cho quân trắng (vì đã phải đi sau quân đen). Người chơi nào có số điểm cao hơn sẽ giành được chiến thắng.
Sức hấp dẫn từ sự đơn giản
Cờ vây là một loại hình trò chơi đã xuất hiện từ lâu đời nhưng không ngừng thu hút người yêu thể thao trí tuệ ở khắp mọi nơi nhờ vào sự thú vị trong quá trình chơi. Nếu như trong cờ vua, ta có thể thực hiện được khoảng 20 nước đi mở đầu thì với cờ vây, người chơi có thể lựa chọn một trong… 361 nước đi để bắt đầu ván cờ của mình.
Không những vậy, xuyên suốt trò chơi các kì thủ cũng có thể thỏa sức lựa chọn vô vàn nước đi. Chính vì thế để chiếm thế thượng phong, người chơi phải lập kế hoạch trước cho những nước cờ của mình. Những người chơi mới bắt đầu sẽ phải hình dung ra cục diện của ván cờ, chuẩn bị những phương án cho nước đi tiếp theo của mình và lường trước được phản ứng của đối thủ.
Việc luyện tập và nâng cao kỹ năng của mình sẽ giúp người chơi cờ vây rèn luyện được khả năng hình dung, ghi nhớ và lập kế hoạch. Từ đây, có thể thấy trò chơi mang tính linh hoạt cao này là một cơ hội tuyệt vời để con người rèn luyện trí não cũng như phát huy tối đa sự sáng tạo của mình.
Tham khảo:
The British Go Association
Irish Go Association
Liên đoàn Cờ Việt Nam
Báo Pháp luật