artLIVE – Tết Nguyên Đán đã trở thành một trong những dịp quan trọng trong văn hóa nhiều nước Châu Á. Bên cạnh Việt Nam, một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cũng tổ chức và ăn mừng Tết Nguyên Đán với những hoạt động và phong tục truyền thống.
Bên cạnh một số những hoạt động chung như sum họp, đoàn tụ gia đình chung nhất thì mỗi nước đều có riêng những nghi lễ đón chào năm mới. Bởi ảnh hưởng bởi màu sắc văn hóa bản địa, cách thức đón Tết Nguyên Đán của mỗi nước trở nên khác biệt từ hoạt động cho đến các món ăn thường ngày.
Phong tục đón Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc
Ở Trung Quốc, Tết Nguyên Đán còn được gọi là Lễ hội mùa xuân (春节), đây được xem như là lễ hội long trọng nhất trong năm. Người Trung Quốc tập trung vào việc loại bỏ những điều xấu hay những gì không vui ở năm cũ để chào đón cái mới, cái tốt.
Phong tục chuẩn bị đón năm mới
Trước thềm năm mới, người Trung Quốc bắt đầu dọn dẹp và trang trí nhà cửa. Họ quan niệm rằng khi dọn dẹp sẽ loại bỏ bụi bẩn và những vận “xui rủi” của năm cũ. Họ sẽ tắm rửa, trau chuốt bản thân một cách kỹ lưỡng, sắm sửa quần áo mới để có thêm nhiều vận may vào năm mới.
Trang trí là một hoạt động quan trọng, không thể bỏ qua của người Trung Quốc. Họ các hình cắt giấy (窗花) trên cửa sổ và các bức tranh dân gian trên tường, treo đèn lồng đỏ trong và ngoài nhà, treo câu đối (春联) trên cửa ra vào, treo một chữ “may mắn” (福) trên lối vào chính để chào đón Thần Tài (财神).
Đường phố, quảng trường thành phố và những nơi công cộng khác cũng được trang trí bằng biểu ngữ, cờ, chậu hoa, cây cam… để tăng thêm không khí lễ hội. Đào, mận và hoa thuỷ tiên vàng được nhìn thấy nhiều nhất vì chúng được cho là mang lại may mắn.
Những phong tục truyền thống
Tết là dịp đoàn tụ gia đình quan trọng, người Trung Quốc đều giữ phong tục trở về quê nhà trong thời điểm này. Các thành viên sẽ cùng gặp gỡ, quây quần để trò chuyện cùng với nhau.
Trong ngày Tết, bữa tối đêm giao thừa là cực kỳ quan trọng, được gọi là Nian Ye Fan (年夜饭). Vào ngày đầu tiên trong năm mới, họ sẽ cùng nhau thắp hương cho tổ tiên, các thành viên lớn tuổi trong gia đình sẽ gửi hồng bao (红包) cho thế hệ nhỏ hơn để cầu may cho họ.
Vào đêm giao thừa, theo truyền thống, mọi người sẽ thắp nến hoặc đèn dầu để canh thức suốt đêm: điều này được gọi là Shou Sui (守岁). Bằng cách này, họ xua đuổi mọi điều xui xẻo và mong chờ một năm mới may mắn.
Có nhiều hoạt động khác nhau dành cho Shou Sui, chẳng hạn như ăn nhẹ, uống trà và ăn bánh Nian Gao (年糕 – Bánh năm mới), sau đó cùng chơi mạt chược, cờ vua hoặc đơn giản là trò chuyện quanh bếp.
Vào thời khắc chuyển giao sang năm mới, họ sẽ đốt pháo lên để ăn mừng. Vào ngày đầu năm mới và vài ngày tiếp theo, bạn bè sẽ đến thăm nhà và gửi những lời chúc may mắn cho nhau.
Theo truyền thống, một số hoạt động sẽ được kiêng kỵ vì họ quan niệm những điều này sẽ không mang lại may mắn cho gia đình. Điển hình như người Trung Quốc không ra khỏi nhà bằng cửa sau vào ngày đầu năm, những thành viên lớn tuổi cũng tránh la mắng trẻ con vào những ngày này. Đặc biệt, họ không quét nhà hay vứt rác cho đến mùng năm Tết để có thể giữ vận may.
Phong tục đón Tết Nguyên Đán tại Hàn Quốc
Tết Nguyên Đán ở Hàn Quốc còn được gọi là Seollal. Cũng giống như trong văn hóa Trung Quốc, Tết Nguyên Đán cũng là một dịp để mọi người ở Hàn Quốc trở về sum vầy với gia đình. Vào ngày đầu năm mới, người Hàn sẽ thực hiện nghi thức Sebae (세배) truyền thống, đây được xem như một phong tục quan trọng nhất đối với văn hóa Hàn Quốc.
Các nghi thức quan trọng
Sebae là hành động quỳ trên mặt đất và cúi đầu thật sâu sao cho tay cũng đặt trên mặt đất. Những người trẻ tuổi thực hiện Sebae trước những người lớn tuổi và gửi những lời chúc tốt đẹp vào ngày đầu năm mới. Người Hàn thường mặc trang phục truyền thống Hanbok (한복) khi thực hiện Sebae.
Sau đó, những người lớn tuổi cầu may cho những người trẻ và thưởng tiền cho họ. Phong tục này được gọi là Sebaetdon (세뱃돈).
Một truyền thống quan trọng khác là Charye (차례). Thuật ngữ này dùng để mô tả việc thờ cúng tổ tiên trong dịp Tết Nguyên Đán. Thức ăn được bày ra trên bàn để dâng lên tổ tiên, phía sau là bài vị của gia đình. Ngoài ra, vào dịp năm mới, người Hàn Quốc thường đến thăm mộ tổ tiên để tỏ lòng thành kính, đặc biệt là phần mộ ông bà quá cố.
Ngắm mặt trời mọc và ăn bánh gạo
Người Hàn Quốc sẽ thức đến nửa đêm giao thừa và đợi ngắm nhìn khung cảnh mặt trời mọc của ngày đầu tiên trong năm. Họ quan niệm rằng xem mặt trời mọc – Haedoji (해돋이) sẽ mang lại may mắn và thực hiện được những mong ước trong năm.
Các gia đình bắt đầu buổi sáng Seollal bằng một bát bánh Tteokguk. Đây chính là món súp truyền thống vào dịp Tết Nguyên Đán, được làm bằng bánh gạo cắt lát. Tteokguk thường có thêm thịt và những thứ khác, chẳng hạn như rong biển.
Trong quan niệm của người Hàn Quốc, món ăn này tượng trưng cho sự trường thọ và một khởi đầu mới. Người Hàn Quốc tin rằng món ăn này sẽ mang lại may mắn. Hình tròn của những lát bánh gạo liên tưởng đến các đồng xu, tượng trưng cho giàu có, thịnh vượng. Món súp bánh gạo tượng trưng cho sự trường thọ và một khởi đầu mới.
Người Hàn Quốc tin rằng ăn Tteokguk sẽ mang lại may mắn và tuổi thọ. Hình tròn của những lát bánh gạo tượng trưng cho đồng xu, tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng. Món ăn này không chỉ là một bữa ăn mà còn được xem như một nghi lễ, một lời cầu nguyện cho sự an lành và thịnh vượng.
Phong tục đón Tết Nguyên Đán tại Singapore
Singapore là một trong những quốc gia cũng đón Tết Nguyên Đán âm lịch như Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc. Singapore có cộng đồng người Hoa sinh sống đông đúc, chính vì vậy phong tục đón Tết cũng chịu ảnh hưởng khá nhiều từ nền văn hóa Trung Quốc.
Các phong tục đón Tết truyền thống
Một trong những nghi lễ quan trọng nhất của Tết Nguyên đán ở Singapore là bữa tối đoàn tụ, diễn ra vào đêm giao thừa. Vào đêm này, các gia đình thường quây quần lại để thưởng thức một bữa tối thịnh soạn. Bữa ăn tượng trưng cho sự đoàn kết và hòa hợp của toàn thể đại gia đình.
Vào những ngày đầu năm mới, cả trẻ em mà người lớn sẽ mặc trang phục mới với tông màu chủ đạo là màu đỏ, hoặc những màu sáng, rực rỡ. Bạn bè và gia đình sẽ đến thăm và gửi những lời chúc tốt đẹp đến nhau.
Mỗi gia đình hoặc cá nhân sẽ mang theo những chiếc hộp giấy sặc sỡ có một cặp cam hoặc quýt. Đây là loại trái cây không thể thiếu khi đến thăm nhà vào dịp Tết Nguyên Đán trong văn hóa Singapore. Họ quan niệm rằng cam và quýt tượng trưng cho vàng. Trẻ em và người lớn chưa lập gia đình sẽ nhận được những phong bao lì xì đựng tiền thay vì quà Tết.
Tiền lì xì được gọi là tiền Ya Sui (压岁) nhằm cầu tài lộc cho người nhận. Trong quá khứ, Ya Sui được tặng dưới dạng một chuỗi tiền xu và mang ý nghĩa xua đuổi tà ma.
Lễ hội đón mừng Tết Nguyên Đán
Bên cạnh những phong tục đón Tết truyền thống, các lễ hội mừng năm mới cũng được rất nhiều người tham gia. Phố Waterloo là một trong những trung tâm tổ chức lễ hội trong dịp Tết Nguyên Đán.
Khu vực này nằm ngay cạnh Đền Kwan Im Thong Hood Cho, ngoài ra còn có hai ngôi đền nổi tiếng thờ Phra Phrom (Phật bốn mặt được tôn kính của Thái Lan). Do đó, nhiều người mua hàng tận dụng cơ hội để cầu nguyện cho cả Kwam Im (Quan Âm) và Phra Phrom để được may mắn khi mua sắm các mặt hàng lễ hội năm mới.
Vào đêm giao thừa, hàng nghìn tín đồ cũng sẽ đổ về chùa Kwan Im Thong Hood Cho để cầu nguyện lúc nửa đêm. Đối với một số Phật tử Singapore, nghi lễ này được coi là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong năm.
Những lời cầu nguyện được thực hiện gần nửa đêm tại các ngôi chùa và đền thờ nổi tiếng. Những lời cầu nguyện như vậy được quan niệm mang lại sự bình an và phước lành cho cả năm mới. Đền Waterloo Street Kwan Im Thong Hood Cho là địa điểm hàng đầu ở Singapore cho hoạt động này. Các khu vực trong và xung quanh ngôi chùa nổi tiếng luôn đông đúc từ tối muộn cho đến quá nửa đêm vào đêm giao thừa.
Tham khảo
rmg.co.uk
tripsatasia.com
holidappy.com
brunel.net
90daykorean.com