artLIVE – Ngày 19/11, triển lãm THẮM đã chính thức được giới thiệu đến công chúng, trưng bày và đồng thời lan tỏa nét đẹp của nghệ thuật Trúc Chỉ đến với đông đảo người thưởng lãm.
THẮM là triển lãm thứ hai được tổ chức bởi Trúc Chỉ Art, sau triển lãm NĂNG tại Đà Nẵng vào tháng 7-2023. Triển lãm THẮM thể hiện sự chín muồi về nghệ thuật ứng dụng cũng như bản sắc của Trúc Chỉ thông qua khả năng, biểu hiện, phạm vi sáng tạo và sự thích ứng với đời sống đương đại xuyên suốt 10 năm vừa qua.
Triển lãm trưng bày các tác phẩm được tạo nên bởi bàn tay tài năng của nhiều họa sĩ, đặt dấu mốc cho một chặng đường dài phía trước để cùng nghiên cứu, lan tỏa Trúc Chỉ trở thành một nét đẹp văn hóa mới của Việt Nam.
Trúc Chỉ – Một loại hình nghệ thuật giấy hoàn toàn mới
Trúc Chỉ chính là tên gọi của một loại hình nghệ thuật giấy mới tại Việt Nam, được hình thành và sáng tạo dựa trên nền tảng nghề giấy truyền thống. Năm 2012, nghệ thuật giấy này được dịch giả Bửu Ý định danh là Trúc Chỉ.
Theo ông, hình ảnh tre, trúc là một trong biểu tượng văn hóa trong tâm thức và tinh thần của người Việt. Trúc Chỉ khai thác hầu hết các nguyên liệu xơ sợi sẵn có và quen thuộc, xuất hiện trong cuộc sống thường nhật ở các vùng nông thôn Việt như rơm, tre, mía, chuối, bèo, bắp, dứa, dâu, lá, cỏ…
Trúc Chỉ có thể đứng riêng biệt và trở thành một tác phẩm nghệ thuật tự thân mang đậm ngôn ngữ đồ họa. Mặt khác, loại hình nghệ thuật này cũng sẵn sàng “đối thoại” với những tín hiệu tạo hình được đặt tiếp lên trên nó.
Loại hình nghệ thuật giấy mới này cũng có thể hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu đa dạng thuộc nghệ thuật ứng dụng như thiết kế sản phẩm, nội – ngoại thất, thời trang, trang sức… Bên cạnh đó, nó còn tồn tại như một chiếc cầu nối, kết hợp với các làng nghề thủ công truyền thống để cho ra mắt những nghệ phẩm độc đáo.
Trên hành trình xây dựng nên một giá trị văn hóa mới, hệ thống triết lý sáng tạo và những khả năng – biểu hiện của nghệ thuật Trúc Chỉ đã đề cao, lan tỏa sự giao thoa giữa hai lằn ranh truyền thống và hiện đại, cổ điển và đầy đổi mới, phù hợp với tinh thần cũng như sự vận động phát triển của đất nước.
Triển lãm THẮM trưng bày sự chín muồi trong bản sắc của nghệ thuật Trúc Chỉ
Nhiều họa sĩ tài năng cùng những tác phẩm tinh xảo đã được trưng bày trong triển lãm lần này. Các tác phẩm đều mang dáng dấp, ẩn chứa nét đẹp đậm đà hồn Việt. Có thể thấy, chủ đề chính của phần lớn tác phẩm đều xoay quanh những hình ảnh, biểu tượng thân thuộc trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt Nam.
Biểu tượng hoa sen, những con hạc, cánh cò, những rặng tre xuất hiện trong các tác phẩm với tần suất dày đặc. Bước vào triển lãm, người thưởng thức không chỉ bị choáng ngợp bởi không gian nghệ thuật thuần Việt mà còn được khơi dậy những xúc cảm đầy bình dị, thân quen trong tâm hồn.
Trong triển lãm THẮM, hình ảnh đầy mộc mạc, giản dị của hạt gạo cũng trở thành nguồn cảm hứng bất tận của người nghệ sĩ. Họa sĩ Nguyễn Phước Nhật đã khéo léo nhân cách hóa hình tượng hạt gạo thành người mẹ tảo tần nuôi con khôn lớn.
Người xem còn bắt gặp được những hình ảnh gần gũi, thân thương như cánh đồng quê nhà, thân cò lầm lũi, giọt mồ hôi, cơn mưa bất chợt… Tất cả những điều đó đã góp phần nuôi dưỡng từng ký ức, dù chỉ là mảnh ghép nhỏ nhoi nhất trong tâm hồn của mỗi người.
Họa sĩ sáng tạo dựa trên khả năng đối thoại của Trúc Chỉ và kỹ thuật in nổi (relief), sử dụng một gam màu trầm – ấm khơi gợi trong tiềm thức của người xem những miền ký ức khó quên.
THẮM phô diễn đến với người thưởng lãm vẻ đẹp tinh hoa trong văn hóa dân tộc Việt Nam, thông qua những biểu tượng, thông qua quang cảnh những lễ hội được họa sĩ tỉ mỉ khắc họa lại trên nền giấy.
Lễ hội mang một ý nghĩa rất to lớn trong đời sống tinh thần, văn hóa của người Việt Nam. Duy trì và tổ chức lễ hội có thể được xem như một cách thức giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống xưa cũ, củng cố ý thức của mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ về cội nguồn dân tộc.
Bên cạnh những bức tranh tinh xảo, khi đến với triển lãm THẮM, người thưởng lãm sẽ được chiêm ngưỡng những chiếc diều phượng đầy công phu. Đây có thể được xem như một sự đối thoại từ đương đại của nghệ thuật Trúc Chỉ với các chạm khắc hình rồng, phượng hơn 200 năm tuổi trên trần nhà của Hội quán Quảng Đông.
Diều Phượng có phần thân được chế tác bởi kỹ thuật đồ họa Trúc Chỉ bằng họa tiết Tứ thời Mai – Lan – Cúc – Trúc. Khung diều bằng tre, có thể lắp ráp và xếp gọn. Diều Phượng xòe ngang rộng 3 mét, và phần đuôi dài 7 mét tạo ra dáng vẻ mềm mại, uyển chuyển.
Diều Phượng là kết tinh từ sự giao thoa độc đáo giữa nghệ thuật Trúc Chỉ với nghệ thuật Diều truyền thống Huế. Diều Huế thường biểu đạt các biểu tượng, màu sắc cung đình như rồng, phượng, đại bàng, bướm, … nhằm tôn vinh các giá trị cung đình và giới thượng lưu.
Triển lãm THẮM vẫn tiếp tục được diễn ra và chào đón công chúng thưởng lãm đến hết ngày 2-1-2024 tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội.
Tham khảo
trucchiart.vn
Trúc Chỉ Garden