artLIVE – Trong dịp Tết, mâm ngũ quả đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu trên bàn thờ cúng của người Việt. Ngoài việc mong cầu một năm mới đầy đủ tài lộc, ấm no thì mâm ngũ quả còn chứa đựng triết lý âm dương – ngũ hành độc đáo.
Vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, trong gia đình mỗi người Việt vẫn thường xuất hiện một biểu tượng quen thuộc, mang đậm nét văn hóa Việt Nam – mâm ngũ quả. Dù ở miền Bắc, miền Trung, hay miền Nam, dù được trưng bày bởi các loại trái cây khác biệt nhưng mâm ngũ quả đều mang nhiều ý nghĩa an khang, thuận lợi cho ngày đầu năm mới.
Bên cạnh đó, mâm ngũ quả của người Việt còn chứa đựng triết lý âm dương – ngũ hành vô cùng độc đáo. Tuy nhiên, mâm ngũ quả hiện nay dần được thay đổi, mang ý nghĩa trang trí cho không gian nhiều hơn là màu sắc tâm linh.
Nguồn gốc chứa đựng hồn cốt văn hóa Việt Nam
Theo một số tài liệu, trong kinh “Vu Lan Bồn” – Ullambana Sutra do Phật thuyết cho Mục Liên về cách cứu mẹ ông khỏi kiếp ngạ quỷ có nhắc đến việc chuẩn bị mâm ngũ quả dưới hình thức “trái cây năm màu” để cúng dường chư Tăng. Trong quan niệm nhà Phật, trái cây năm màu tượng trưng cho “ngũ thiện căn”: tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt).
Mâm ngũ quả ẩn chứa triết lý âm dương – ngũ hành cùng niềm tin, tín ngưỡng của người Việt. Ngũ quả được thể hiện cho năm hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Đây cũng được xem như năm yếu tố cấu thành nên vũ trụ. Đồng thời, “ngũ” cũng chính là ước mơ của người Việt về “ngũ phúc lâm môn” – phú (giàu), quý (sang), thọ (sống lâu), khang (mạnh khỏe) và ninh (bình an) trước thềm một năm mới sắp đến.
Truyền thống từ xưa cho đến nay, mâm ngũ quả thường hay xuất hiện nải chuối xanh. Màu xanh của chuối được xem là “Hành Mộc”. Nải chuối trông như hình một bàn tay nâng đỡ, đại diện cho sự sung túc, đùm bọc và gắn kết. Giữa nải chuối thường là quả bưởi màu vàng ứng với “Hành Thổ”, mang ý nghĩa cầu phúc lộc.
Đại diện của “Hành Hỏa” trên mâm là những loại trái cây có màu đỏ, thường là dưa hấu hoặc quýt và “Hành Kim” – một loại quả có màu trắng sáng như đào, quả roi. Ứng với “Hành Thủy” chính là các loại trái cây có màu đen, sẫm như mận hoặc hồng xiêm…
Phỏng chiếu theo thuyết âm dương – ngũ hành thì mâm ngũ quả còn là sự tượng trưng cho luật cân bằng của vũ trụ cũng như cuộc sống của con người. Người xưa quan niệm màu xanh của hoa quả mang tính âm, trái chín có tính dương. Mâm ngũ quả còn tượng trưng cho hương vị của cuộc sống mà con người phải trải qua: ngọt, đắng, chua, cay, mặn.
Sự cân bằng của thuyết âm dương còn được thể hiện qua con số “5”. Số “5” là dấu hiệu của sự liên hợp, là con số trung tâm của sự hòa hợp thăng bằng. Chính vì vậy, số “5” có thể được xem như sự hôn phối giữa bản nguyên trời (số 3) và bản nguyên đất mẹ (Số 2).
Theo quan niệm phương Đông Cổ đại, trong quy luật trời đất các quy luật phổ biến đều có sự xuất hiện của số “5”: ngũ vị, ngũ sắc, ngũ thanh, ngũ tạng, ngũ phương, ngũ giác. Số “5” thường được coi là số của Địa Cầu: là tổng số của bốn khu vực chính cộng với trung tâm – được xem như vũ trụ hiển lộ, sự giao thoa chặt chẽ giữa Âm và Dương, giữa Thiên và Địa.
Có thể thấy, số “5” trong tâm thức người Việt là biểu hiện chung của sự sống và “ngũ quả” biểu trưng cho thành quả lao động của một năm. Việc bày mâm ngũ quả ngày Tết còn làm tròn đầy hơn đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, mang những kết tinh, thành phẩm từ công sức của người lao động dâng lên trời đất, tổ tiên. Đây chính là một phong tục đẹp đẽ trong nét văn hóa bao đời nay.
Mâm ngũ quả trong văn hóa ba miền
Tùy theo điều kiện ở từng vùng miền cùng với văn hóa, bản sắc riêng biệt nên cách bày mâm ngũ quả cũng khác nhau. Thông thường, mâm ngũ quả tại miền Bắc chú trọng và vẫn giữ được nét văn hóa âm dương – ngũ hành, còn mâm ngũ quả ở miền Trung hay miền Nam coi trọng mặt nghĩa của loại quả, thể hiện khí chất, sự thuận lợi về thiên nhiên.
Mâm ngũ quả ở miền Bắc
Mâm ngũ quả của người miền Bắc vẫn được trưng bày theo thuyết ngũ hành trong văn hóa phương Đông, quan niệm vạn vật dung hòa cùng trời đất vẫn còn được biểu trưng. Chính vì vậy, mâm ngũ quả cũng phải phối theo năm màu: kim – trắng, mộc – xanh, thủy – đen, hỏa – đỏ, thổ – vàng.
Những loại trái cây như chuối, bưởi, đào, hồng, quýt, quất, lê… thường được dùng để bày biện trong mâm ngũ quả tại miền Bắc. Đặc biệt, nải chuối là thứ cần phải có. Bởi, theo quan niệm văn hóa, nải chuối có hình dáng như bàn tay ngửa, hứng lấy những gì tinh túy nhất của mùa Xuân để đọng thành quả ngọt.
Mâm ngũ quả ở miền Trung
Do điều kiện đất đai cằn cỗi, cùng khí hậu khắc nghiệt, ít hoa màu nên trái cây hay đặc sản địa phương khá khan hiếm. Mâm ngũ quả của người miền Trung phần nào giản lược nhất, ít câu nệ hình thức trình bày cũng như ý nghĩa.
Mặt khác, người miền Trung do chịu sự giao thoa văn hóa giữa miền Bắc – Nam nên mâm ngũ quả vẫn bày biện đủ: chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài, cam, lê – ki – ma, thanh long…
Mâm ngũ quả ở miền Nam
Mâm ngũ quả ở miền Nam thường được nhận xét là cầu kỳ hơn, đặc biệt là trong khâu chọn lựa trái cây. Nếu như chuối là loại quả quan trọng trong mâm cúng ở miền Bắc thì ở miền Nam, chuối lại được xem như một trong những thức quả bị kiêng kỵ.
Những gia đình miền Nam thường hạn chế bày biện trái cây có tên mang ý nghĩa xấu nên mâm trái cây của họ không có lê (“lê lết”), chuối (“chúi nhủi”) hoặc cam (“cam chịu”)… và không chọn trái có vị đắng, cay.
Người miền Nam bày mâm ngũ quả với mong muốn: “Cầu sung vừa đủ xài”, gửi gắm ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với năm loại quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ, đỏ lòng để cầu may mắn.
Dù cho cách lựa chọn trái cây hoặc hình thức trình bày có sự khác biệt giữa ba miền nhưng mâm ngũ quả Tết vẫn được xem như một nét đẹp văn hóa được gìn giữ và lưu truyền qua bao thế hệ người Việt Nam. Mâm ngũ quả đã trở thành một biểu tượng thể hiện tâm thức, tín ngưỡng và thẩm mỹ trong ngày Tết. Đồng thời, nó cũng bộc bạch được ước mơ cho một năm mới vạn an, vạn phúc.
Tham khảo
vtc.vn
giadinhonline.vn