artLIVE – Kiến trúc của phòng trưng bày nghệ thuật Fig Tree tại Yeppoon được lấy ý tưởng từ mã Morse vô cùng độc đáo và tinh tế. Không gian thiết kế không chỉ mang hơi thở của sự sáng tạo mà còn tô đậm tinh thần nghệ thuật của phòng mỹ thuật.
Nổi bật nhưng vẫn giữ vững giá trị lịch sử
Hội đồng Livingstone Shire ủy quyền thiết kế phòng trưng bày nghệ thuật tại một thị trấn ven biển Yeppoon ở Queensland, Úc cho Design+Architecture vào năm 2020. Nhóm thiết kế chú trọng vào những điểm độc đáo của nơi đây: một khối nhà dốc nằm nép mình sau hai cây sung mang tính lịch sử cao và bên cạnh là Bưu điện đầu tiên của Yeppoon.
Để có thể giữ những yếu tố hiện đại của vùng ven biển Queensland, phòng trưng bày Fig Tree đã kết hợp sự thân thiện với môi trường với thiết kế đương đại để xây dựng công trình đơn giản và hiệu quả nhất. Thiết kế mái chóp nhọn cùng không gian mở đảm bảo tòa nhà có sự kết nối với cảnh quan thiên nhiên và tầm nhìn đẹp nhất ra bãi biển.
Phòng trưng bày nghệ thuật Fig Tree không chỉ tạo ra một không gian quan trọng cho các nghệ sĩ ở ven biển, mà còn lưu giữ và tôn vinh giá trị lịch sử quan trọng của địa phương. Quan trọng hơn, ý tưởng thiết kế giữ được sự nổi bật của phòng trưng bày nhưng vẫn tạo ra một sự hài hòa nhất định với cảnh quan xung quanh.
Vì vậy phòng trưng bày được thiết kế dựa trên dòng lịch sử phong phú của địa điểm, quả dứa và bồn tắm – điểm đặc trưng của những ngôi làng ven biển. Điều này sẽ giúp du khách khi bước vào phòng trưng bày Fig Tree, họ sẽ lập tức được ngắm nhìn những dấu ấn lịch sử của địa điểm cũng như khu vực xung quanh.
Mã Morse ẩn hiện sau hệ lam
Phòng trưng bày Fig Tree nằm cạnh bưu điện đầu tiên được thành lập tại Yeppoon vào tháng 8 năm 1883 và thiết bị điện báo mã Morse được lắp đặt ngay sau đó. Đầu những năm 1900, tổng đài điện thoại đã trở thành một phần của hoạt động kinh doanh bưu chính thông thường. Vậy nên, bưu điện tại Yeppoon mang giá trị về mặt lịch sử cùng những dịch vụ đáng giá mà nó đã đem lại trong quá khứ. Điều này cũng lí giải vì sao phòng trưng bày Fig Tree lấy ý tưởng thiết kế từ mã Morse.
Mã Morse được ẩn giấu sau hệ lam tạo nên sự nổi bật cho Fig Tree. Ảnh: amazingarchitecture.com
Ở phía trước của Fig Tree, các kiến trúc sư đã sắp đặt một hệ lam từ những tấm gỗ màu vàng và cam với hình dạng khác nhau. Mỗi tấm gỗ tượng trưng cho mỗi chữ cái của mã Morse (dấu gạch, dấu chấm, khoảng trống) cùng thiết kế với hoa văn tạo ra phiên âm của chữ “GALLERY”- Phòng trưng bày. Ý tưởng sáng tạo này không chỉ chạm vào sự tò mò của du khách về lịch sử của địa điểm mà còn khơi gợi họ tham gia vào các hoạt động tương tác để có thể khám phá sâu hơn về sự hình thành của nơi đây.
Nhìn từ bên ngoài, phòng trưng bày Fig Tree tựa như được ôm trọn bởi hai cây sung to lớn, tạo nên sự giao thoa tinh tế giữa kiến trúc hiện đại và giá trị lịch sử. Với thiết kế trang nhã mang sự đặc trưng của những làng ven biển, phòng trưng bày đã đáp ứng được yêu cầu về hiệu quả và phù hợp với kinh tế. Mặt tiền của tòa nhà được sử dụng các vật liệu đơn giản, thêm vào đó các chi tiết được thiết kế cho những mục đích nhất định từ đó mang lại sự dung dị và độc đáo cho tòa nhà.
Từ bãi đỗ xe phía đông, xuyên qua hai cửa sổ, mọi người có thể ngắm nhìn trước không gian trưng bày đầy màu sắc bên trong. Sự bố trí không gian thông minh đã gợi mở sự tò mò của những người đi ngang qua và đồng thời mời gọi họ bước chân và khám phá thế giới thú vị trong phòng trưng bày.
Lối vào cho khách tham quan được thiết kế bằng một dải đường dốc chạy dọc theo toàn bộ chiều dài của tòa nhà và được che mát bởi mái nhà. Thêm vào đó, độ sâu của đường dốc không chỉ ngăn cản ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào phòng trưng bày mà còn tạo nên không gian sáng tạo riêng biệt.
Sự kết nối hiện đại và cổ điển
Phòng trưng bày Fig Tree giúp mọi người có thể tiếp cận nghệ thuật, đồng thời truyền cảm hứng cho người tham gia và mang lại cảm giác quen thuộc của cộng đồng Yeppoon. Điều này được thể hiện qua sự cẩn thận và hiệu quả trong tất cả các chi tiết thiết kế. Bằng cách giữ lại tòa nhà Bưu điện ban đầu và kết hợp tính lịch sử của nó vào bảng quy hoạch tổng thể, điều này mang lại lợi ích kép trong việc kể lại câu chuyện của địa điểm theo dòng thời gian đồng thời giảm lượng khí thải carbon của toàn bộ dự án.
Phòng trưng bày Fig Tree được sơn màu trắng với diện tích không gian triển lãm rộng 68 mét vuông. Hai tòa nhà liền kề với bưu điện được kết nối bằng lối đi thông qua nhau, tạo nên sự liên kết liền mạch giữa tòa nhà cũ và tòa nhà mới. Tòa nhà bưu điện được cải tạo và kết nối với phòng trưng bày thông qua cây cầu gỗ cùng một cửa hàng nghệ thuật, phòng workshop của nghệ sĩ và phòng vệ sinh được sơn màu đen tạo nên sự tương phản với phòng trưng bày của Fig Tree.
Bên cạnh đó, hai giếng trời được sử dụng để chiếu sáng khu vực triển lãm với dòng ánh sáng vô cùng dịu nhẹ. Những bức tường sơn trắng của phòng trưng bày cho phép các tác phẩm nghệ thuật trong phòng giữ được sự nổi bật và truyền tải nội dung một cách tốt nhất.
Ngoài ra, phòng trưng bày Fig Tree còn được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng có thể điều chỉnh độ sáng cũng như hướng đèn để tạo sự khác biệt cho tác phẩm nghệ thuật. Trong khi trần nhà dốc được nâng cao tạo cảm giác thoải mái về không gian, thì những vách thạch cao được đục lỗ để giảm âm, đồng thời làm dịu đi sự đồng nhất với trần nhà.
Công trình được thiết kế để có thể chống chọi với lốc xoáy theo những cách sáng tạo nhất. Bên cạnh đó, tòa nhà cũng có lan can hỗ trợ cho người khuyết tật để bảo đảm yếu tố an toàn với vật liệu chống va đập. Với cửa sổ lớn giúp khách tham quan có thể ngắm nhìn quang cảnh bên ngoài, đồng thời phòng trưng bày có thể được lấp đầy bởi ánh sáng tự nhiên cũng như cải thiện khả năng cản gió.
Design+Architecture đã mang trên mình trách nhiệm quan trọng khi kết hợp thiết kế nghệ thuật hiện đại với lịch sử của địa phương. Có thể nói đây là một dự án thành công của nhóm thiết kế khi mọi người có thể trải nghiệm nghệ thuật độc đáo, nhưng đồng thời vẫn được ngắm nhìn những giá trị lịch sử quý giá.
Tham khảo:
designboom.com
amazingarchitecture.com
architecture.com.au