Mã Morse đã hình thành và phát triển như thế nào?

Subin

|

9:27 25/12/2023

Share

artLIVE – Mã Morse là hệ thống ký tự được chuẩn hóa theo một cách đặc biệt để truyền thông tin và thường dùng trong lĩnh vực viễn thông, quân đội và hàng không. Vậy mã Morse có nguồn gốc từ đâu và phát triển như thế nào?

Định nghĩa của mã Morse

Mã Morse hay còn gọi là mã Moóc-xơ – một hệ thống biểu diễn thông điệp bằng cách sử dụng các ký tự được tạo ra từ sự kết hợp của hai ký hiệu cơ bản: “gạch” và “chấm” có nghĩa là “dash” và “dits”. Mỗi ký hiệu Morse tương ứng với một ký tự chữ cái, số hoặc một ký tự đặc biệt. Mã Morse quốc tế được mã hóa 26 chữ cái tiếng Anh từ A đến Z, gồm một số chữ cái tiếng khác, chữ số Ả Rập và một số ký tự đặc biệt. Điểm đặc trưng của nó là không phân biệt chữ hoa và chữ thường.

morse
Mã Morse khi mã hóa bảng chữ cái. Ảnh: makingfriends.com

Trong mã Morse, “gạch” thường được biểu diễn bằng một dãy âm thanh dài hoặc một dấu nét dài trên giấy (-), trong khi “chấm” được biểu diễn bằng một dãy âm thanh ngắn hoặc một dấu nét ngắn trên giấy (•).  Thêm vào đó, dấu chấm là đơn vị thời gian cơ bản và thời lượng của dấu gạch ngang là ba lần đó. Khi khoảng thời gian không có tín hiệu được gọi là khoảng trắng, tức sẽ tương đương với thời lượng của một dấu chấm. Các chữ cái trong một từ sẽ cách nhau bằng một khoảng trắng bằng thời gian của ba dấu chấm, trong khi giữa các từ sẽ tách nhau một khoảng trắng tương ứng của bảy dấu chấm.

Sự ra đời của mã Morse

Mã Morse được phát minh bởi một người Mỹ tên là Samuel Finley Breese Morse (1791 – 1872), ông không chỉ là nhà phát minh tài ba mà còn là một họa sĩ nổi tiếng. Trước khi phát minh ra điện báo, hầu hết các tin nhắn gửi xa đều được truyền đi bởi những người đưa tin ghi nhớ hoặc chuyển đi bằng văn bản. Điều này khiến tin nhắn bị gián đoạn và thậm chí chậm hơn khi gửi thư bằng một con ngựa. 

morse
Cha đẻ của mã Morse, nhà phát minh và họa sĩ Samuel F.B. Morse. Ảnh: britannica.com

Sau thời gian, hệ thống cơ học còn được gọi là điện báo semaphore ra đời cho phép người dùng có thể gửi tin nhắn trực tiếp bằng cách sử dụng cờ. Nhưng điểm hạn chế của hệ thống này là buộc người nhận phải ở đủ gần để nhìn thấy người gửi và cũng không thể sử dụng vào ban đêm.

Vào năm 1838, Samuel Morse cùng Alfred Vail và Joseph Henry đã tạo ra một thiết bị điện báo, nó cho phép gửi tin nhắn qua khoảng cách xa bằng cách sử dụng các xung điện để báo hiệu cho máy tạo dấu trên băng giấy chuyển động. Tuy nhiên cần có mã để dịch các dấu trên băng giấy thành tin nhắn văn bản có thể đọc được và Samuel Morse đã phát triển phiên bản đầu tiên của mã Morse.

morse
Phiên bản máy điện báo đầu tiên của Samuel Morse. Ảnh: laboiteverte.fr

Mã Morse ban đầu được thiết kế để truyền thông tin qua dây cáp. Hệ thống này bao gồm các ký hiệu được bằng cách tạo ra bằng cách mô phỏng các ký tự, chữ cái và số theo dãy tín hiệu ngắn và dài. Các mã này được chuyển thành xung điện sau đó được gửi qua dây cáp và được giải mã ở đầu còn lại để giải mã thông điệp gốc.

morse
Samuel Morse cùng chiếc điện báo mã Morse của mình năm 1857. Ảnh:  laboiteverte.fr

Mục đích của Samuel Morse là giữ mã càng ngắn càng tốt, nghĩa là những chữ cái phổ biến nhất phải được mã hóa ngắn nhất. Ông đã nảy ra một ý tưởng và liền chạy đến một tờ báo địa phương của mình. Ông đã đếm số lượng mỗi chữ cái vì vào thời gian đó, các tòa soạn in báo bằng cách ghép các chữ cái riêng lẻ thành một khối, sau đó phủ mực chúng và ép giấy lên trên. Sau đó, ông Samuel Morse phát hiện ra rằng chữ “e” có nhiều hơn bất kỳ chữ cái nào khác nên nó đã được mã hóa ngắn nhất với một dấu chấm. Điều này cũng một phần giải thích vì sao dường như thứ tự bảng chữ cái và các ký tự trong mã Morse không có mối quan hệ rõ ràng nào.

Mã Morse lan rộng trên toàn cầu như thế nào?

Điện báo đường dài đã lan rộng một cách chóng mặt trong vài thập kỷ và mã của Samuel Morse cũng như vậy. Trong thời gian Nội chiến, Tổng thống Abraham Lincoln đã sử dụng nó để theo dõi các diễn biến trên chiến trường.

Tuy nhiên khi mã Morse được áp dụng ở những nước khác đã có một vài vấn đề nảy sinh. Để giải quyết những điều này, thanh tra điện báo người Đức là Friedrich Clemens Gerke đã đơn giản hóa hệ thống mã Morse vào năm 1848, trong đó ông đã loại bỏ các dấu gạch ngang quá dài và sửa lại nhiều mã số cùng chữ cái riêng lẻ.

morse
Bảng mã Morse của Mỹ, các lục địa và quốc tế. Ảnh:  laboiteverte.fr

Phiên bản mã Morse sau khi được chỉnh sửa và bổ sung thì bản mới được xem là “mã Morse quốc tế”. Trong khi đó, phiên bản gốc được gọi là “mã Morse của Mỹ” vì bên cạnh việc sử dụng trong thời gian Nội chiến thì bản này gần như không còn được sử dụng vào ngày nay. 

Tín hiệu cấp cứu mã Morse quốc tế SOS (• • •- – -• • •) được chính phủ Đức sử dụng lần đầu tiên vào năm 1905 và trở thành tín hiệu cấp cứu tiêu chuẩn trên toàn thế giới chỉ vài năm sau đó. Vì tính chất dễ nhớ và đơn giản chỉ với ba dấu chấm và theo sau là ba dấu gạch ngang nên chúng được chọn làm tín hiệu khẩn cấp.

morse
Tín hiệu SOS và mã Morse. Ảnh: de.phaidon.com

Hiện nay, mã Morse vẫn được phổ biến với các nhà điều hành đài báo trên khắp thế giới. Đồng thời nó cũng thường được sử dụng như tín hiệu khẩn cấp cũng như được gửi bằng nhiều thiết bị khác nhau.

Tham khảo:

nrich.maths.org

wonderopolis.org

internationaljournalofresearch.com