Kiến trúc độc đáo của ngôi trường nằm giữa sa mạc 

Diệu Linh

|

10:29 15/11/2023

Share

artLIVE – Ngôi trường Rajkumari Ratnavati nằm giữa một sa mạc khô cằn tại Jaisalmer (Ấn Độ). Tuy nhiên, trẻ em tại đây vẫn có thể thoải mái học tập trong điều kiện mát mẻ nhờ vào kiến trúc độc đáo của ngôi trường này.

Ươm mầm con chữ xuống mảnh đất cằn cỗi

Nằm ở miền Bắc Ấn Độ, thị trấn sa mạc Jaisalmer là một trong những khu vực có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất ở quốc gia này. Vào mùa hè, nhiệt độ tại đây có thể lên đến 49 độ C. Sự bất lợi về mặt điều kiện tự nhiên dẫn đến việc Jaisalmer phải đối mặt thêm rất nhiều khó khăn liên quan đến kinh tế, xã hội,…

Nhiều hộ dân ở thị trấn này rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn. Công tác giáo dục dành cho trẻ em, đặc biệt là các bé gái ở nơi đây đối diện với rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ biết chữ của phụ nữ chỉ dao động trong khoảng 36%.

kien_truc_doc_dao
Bé gái tại Jaisalmer gặp nhiều khó khăn trong việc học tập.

Nhận thức được điều này, CITTA – tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ phát triển một số cộng đồng gặp thiệt thòi về kinh tế hoặc vị trí địa lý trên thế giới đã tổ chức trung tâm GYAAN – một dự án giáo dục hướng đến việc hỗ trợ giáo dục cho giới nữ tại vùng nông thôn Jaisalmer.

Tổ chức ra đời với mong muốn tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, tạo điều kiện để các cô gái có thể tự do phát triển và tự chủ về kinh tế. Chính vì vậy, trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati ra đời, là sự kết hợp giữa CITTA cùng với nữ kiến trúc sư Diana Kellogg nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp nhận giáo dục của trẻ em gái tại vùng này.

Diana Kellogg là người sáng lập của Diana Kellogg Architects – một công ty chuyên về các dự án nhà ở cao cấp ở New York (Hoa kỳ). Sau hơn 20 năm làm nghề, cô quyết định dành thời gian của mình cho những dự án cộng đồng với mong muốn có thể tạo ra sự thay đổi cho xã hội. Những thiết kế của Diana Kellogg là sự kết hợp khéo léo giữa vẻ đẹp của kiến trúc truyền thống cùng các kỹ thuật xây dựng hiện đại. Đặc biệt, tính bền vững trở thành tiêu chí hàng đầu trong hành trình sáng tạo của nữ kiến trúc sư này.  

Rajkumari_Ratnavati
Diana Kellogg luôn nỗ lực để tạo ra những dự án cho cộng đồng.

Chiếc “điều hòa” tự nhiên giữa lòng sa mạc

Tháng 11/2021, trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati chính thức đi vào hoạt động. Ngôi trường có vẻ ngoài nổi bật và độc đáo, trở thành điểm nhấn đặc biệt giữa sa mạc Thar. Trường có 10 phòng học với sức chứa 400 học sinh từ khối mẫu giáo đến lớp 10. Đặc biệt, dù ở giữa một sa mạc rộng lớn nhưng trẻ em tại đây vẫn có thể thoải mái học tập trong môi trường mát mẻ mà không cần tới điều hòa. Nhiệt độ của bên trong ngôi trường này thường thấp hơn từ 1-6 độ C so với bên ngoài.

Rajkumari_Ratnavati
Rajkumari Ratnavati nổi bật giữa không gian sa mạc rộng lớn.

Để làm được điều này, Diana Kellogg cùng các cộng sự của mình đã nghiên cứu kỹ càng về những biện pháp làm mát không gian được ứng dụng trong kiến trúc từ xưa đến nay. Ngôi trường Rajkumari Ratnavati có cấu trúc hình elip giúp nó có thể điều hòa luồng không khí mát mẻ. Diana Kellogg sử dụng vật liệu chính cho công trình này là đá sa thạch vì nó có tính năng ưu việt trong việc chống chịu được với biến đổi khí hậu.

Đội ngũ thiết kế cũng lấy cảm hứng từ các tòa nhà khác trong khu vực để lắp đặt bức tường jali – một hình dạng lưới đá để đón gió vào sân chơi ở bên trong cũng như che ánh nắng mặt trời. Những phòng học bên trong ngôi trường có lớp tường được lót bằng vữa vôi giúp làm mát tự nhiên và giải phóng hơi ẩm. Trần nhà cao và cửa sổ giúp giải phóng nhiệt trong lớp học. 

kien_truc_truong_hoc
Bức tường jail góp phần điều hòa không khí cho ngôi trường.
Rajkumari_Ratnavati
Các lớp học với không gian thoáng đãng.

Ngôi trường cũng được lắp đặt hệ thống mái che bằng tấm năng lượng mặt trời cung cấp bóng mát và điện. Đây được xem là nỗ lực đáng kể trong việc tận dụng tối ưu những nguồn tài nguyên tự nhiên sẵn có nhằm tiết kiệm chi phí cũng như bảo vệ môi trường. Đồng thời, kết cấu kiến trúc này cũng đảm bảo sự an toàn cho các bé gái tại nơi đây.

Sự cổ vũ cho cộng đồng bản địa 

Không chỉ mang đến một không gian học tập dễ chịu ở giữa sa mạc trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đội ngũ thiết kế còn gửi gắm những thông điệp độc đáo. Đối với nữ kiến trúc sư Kellogg, cấu trúc hình elip của ngôi trường được truyền cảm hứng từ những biểu tượng của sự nữ tính – như trứng và tử cung. Cô gọi đó là một “cái ôm thật chặt” dành cho cộng đồng phụ nữ tại ngôi làng này – đối tượng thụ hưởng chính của dự án.

Rajkumari_Ratnavati
Khối tròn là một đặc trưng của kiến trúc ngôi trường.

Bên cạnh đó, Rajkumari Ratnavati mang theo đặc trưng của kiến trúc bản địa bằng cách chú trọng vào sự tối giản. Bên trong ngôi trường được trang trí bằng những tấm thảm thủ công với họa tiết truyền thống như một cách ca ngợi sự tài hoa và khéo léo của người dân nơi đây. Người sáng lập tổ chức CITTA, Michael Daube, cho biết rằng ông muốn tạo ra một dự án tích cực nhằm tôn vinh nền văn hóa truyền thống lẫn hiện đại vốn rất đặc sắc của Ấn Độ.

Rajkumari_Ratnavati
Phòng sinh hoạt được trang trí bằng những tấm thảm đa sắc màu.

Dự án trường học nữ sinh Rajkumari Ratnavati đã giành được chiến thắng trong Giải thưởng Kiến trúc năm 2023 của Viện Kiến trúc sư Mỹ (AIA). Dự án này không chỉ là cây cầu nối mang đến tri thức cho trẻ em gái tại Jaisalmer mà còn cổ vũ sự tự tin và mở ra những cánh cửa tươi sáng trong tương lai dành cho các em.

Rajkumari_Ratnavati
Rajkumari Ratnavati đã góp phần thay đổi cuộc sống của những em bé nông thôn tại thị trấn Jaisalmer.

Ảnh: Vinay Panjwani

Tham khảo:

nytimes.com

architectural-review.com

cittaindia.org