artLIVE – Trịnh Lữ – con trai cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã viết hơn 388 trang sách với 600 hình ảnh và tranh vẽ thuật lại toàn bộ sự nghiệp về người cha của mình – gắn liền phong cách thiền họa qua quyển Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương
Vì sao quyển sách lại đặc biệt
Tác phẩm không chỉ dành riêng cho độc giả Việt Nam, mà còn dành cho bạn bè quốc tế yêu nền mỹ thuật Đông Dương. Với phiên bản song ngữ Việt–Anh, sách tiếp cận được đa dạng người đọc và truyền tải thông điệp của cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc ra khắp nơi trên thế giới.
Quyển sách bao gồm ba phần chính Cuộc đời và sự nghiệp, Di sản đặc biệt, và Bình luận, tưởng niệm, mang lại cái nhìn toàn diện về họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và tác phẩm của ông.
Đặc biệt, phần hai của quyển sách chứa đựng chi tiết về các di sản của ông, từ thời sinh viên cho đến những tác phẩm minh họa, tranh sơn ta và từ Ấn tượng đến Thiền họa. Đây là một điểm nhấn quan trọng để độc giả có thể chiêm nghiệm và hiểu rõ hơn về sự phát triển của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc trong lĩnh vực hội họa.
Trong phần này, độc giả được bước vào thế giới nghệ thuật của Trịnh Hữu Ngọc, khám phá cách ông vẽ và tư duy hội họa. Qua việc so sánh và đối chiếu những tác phẩm của ông với bút pháp của những họa sĩ như Victor Tardieu, Joseph Inguimberty, Alix Aymé – những người mà Trịnh Hữu Ngọc kính trọng, độc giả thấy rõ hơn về sự ảnh hưởng và nguồn cảm hứng bất tận mà các nghệ sĩ này đã mang lại cho ông.
Cuộc đời thầm lặng trải qua nhiều giai đoạn
Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc có một cuộc đời thầm lặng và trải qua nhiều gia đoạn khác nhau trong chiến tranh và xã hội đổi mới. Ông ra đời vào ngày 6 tháng 10 năm 1912 tại Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Thuở nhỏ ông được mẹ nuôi dạy ở nhà cùng với hai em gái và một em trai, học tiếng Pháp và chữ quốc ngữ ở Trường tiểu học Bắc Giang.
Khi trưởng thành, ông được thầy Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ cho làm chân giúp việc trong xưởng vẽ phố Halais. Sau đó, được thầy nhận làm học trò trong lớp dự bị luyện thi vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1933, Ông chính thức đỗ vào trường và là những thế hệ học sinh đầu tiên của Khoa Hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. (Trích trang 10)
Cố họa sĩ chọn sơn dầu làm chất liệu chính nhưng vẫn dự nhiều lớp sơn mài, kiến trúc… Suốt quá trình học tập, kỹ năng và phong cách của cố họa sĩ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hai thầy Victor Tacdieu và Joseph Inguimberty – kết hợp các tiêu chuẩn mỹ học cổ điển Hy Lạp và cách nhìn của các bậc thầy ấn tượng Pháp. Việc kết hợp này đã giúp ông phát triển một phong cách riêng, phản ánh sự hài hòa và tinh tế trong tác phẩm của chính mình.
Với tài năng đặc biệt của mình, cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã gặt hái được nhiều thành công như xưởng gỗ MÉMO Ébénisterie, minh họa Sách Hoa xuân, Báo Tri tân… Xưởng gỗ MÉMO của ông rất nổi tiếng thời đó nhưng bị đóng cửa dưới chế độ mới như mọi doanh nghiệp tư nhân khác. Gia đình ông chuyển về số nhà 108 Quán Thánh sống và mở lớp dạy vẽ, rồi lớp học cũng bị đóng cửa vì luật thời đó cấm trường tư.
Đến năm 1968, ngôi nhà của ông bị bom Mỹ phá hủy và Thành phố cấp cho ông 250 mét vuông ở đầu làng phủ Tây Hồ. Ông bèn nhặt nhạnh gỗ lạt còn dùng được ở ngôi nhà đổ nát 108 Quán Thánh, buộc thành bè, nổi bằng mấy thùng phuy đi mượn, chèo chống sang bán đảo Phủ Tây Hồ dựng túp nhà sàn tự thiết kế, sau này được gọi là Lều Vịt ở Hồ Tây, rồi một mình nương náu ở đó, đọc, vẽ, dịch, thực hành Yoga, tiếp đãi bạn bè. (Trích trang 33)
Triển lãm duy nhất tại Hà Nội
Sau buổi tiếp tướng Trần Độ tại Lều Vịt Hồ Tây, đồng ý để Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm cá nhân duy nhất trong đời từ ngày 7 đến ngày 27 tháng 4 năm 1988, tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Đặt một chiếc kỷ còn lại của nhà MÉMO, trên đó bày bức tượng đồng chân dung Victor Tardieu, một bức ảnh chân dung Nam Sơn và một ảnh chân dung Hồ Chí Minh, ông nói: “Tôi thành họa sĩ là nhờ hai thầy Tardieu và Nam Sơn, còn Cụ Hồ là người chấp nhận tôi là họa sĩ…”. Đó là lần đầu tiên ở Việt Nam, một cựu sinh viên Mỹ thuật Đông Dương công khai bày tỏ lòng biết ơn tới hai bậc thầy đã có vai trò cực kỳ quan trọng trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam. Cụ bắt đầu được gọi là Nghệ sĩ Thiền họa Tây Hồ. (Trích trang 40)
Đến năm 1989, hầu như ngày nào cũng ông cũng đi vẽ trên chiếc xe đạp cũ của mình và hiện tại khoảng 200 bức tranh sơn dầu còn được giữ lại. Cuối năm 1990, ông đã mang gần 300 bức tranh phong cảnh và tĩnh vật của mình sang trưng bày tại Paris theo lời mời của tổ chức trao đổi văn hóa Pháp Việt, nhưng không ký và không bán.
Được biết, vào những năm cuối cùng của cuộc đời, ông không viết di chúc, chỉ dặn rằng: “Các con lớn cả rồi, biết phải sống với nhau như thế nào rồi. Mà bố cũng chẳng có gì để lại cho các con, ngoài ý thức sống tự lập và khả năng biết vẽ biết đàn, biết học biết làm tử tế mọi việc cần làm…” (Trích trang 44)
Cố họa sĩ mất vào ngày 7-7-1997, ở tuổi 85. Mộ chí của cụ nằm trên đồi cao ở công viên tưởng niệm Thiên Đức, có dòng chữ: “Thiết kế nội thất là để thúc đẩy một nếp sống. Mắt nhìn tay vẽ là một lối Thiền ai cũng có thể theo được.”
Di sản tinh thần của cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc
Những di sản được giới thiệu trong quyển sách là toàn bộ sản phẩm lao động của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Tác giả Trịnh Lữ đã lưu trữ và tìm kiếm được chủ yếu trong hai lĩnh vực chính đó là hội họa và thiết kế nội thất.
Đối với lĩnh vực hội họa, tác giả đã mở ra cánh cổng để độc giả bước vào thế giới của nền Mỹ thuật Đông Dương. Mở đầu là một số bức chân dung tự họa của cố họa sĩ thời sinh viên.
Cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc không nhìn mẫu vẽ như một motif trang trí giống thầy Imguimberty, hoặc như một nghiên cứu hình họa cổ điển theo phong cách của thầy Tardieu. Ông chỉ thích vẽ ra được cái nét sống riêng biệt của người mẫu, cái vẽ riêng của họ lúc ấy. (Trích trang 50)
Nắng bờ ao rất có thể là một trong những tranh được Huy chương Vàng tại Salon 1939. Đôi cây ngoài ruộng mùa đông không có chữ ký, nhưng được tìm thấy trong hồ sơ 1939. Cách dụng bút và bảng mầu rất giống nhau. Ông đã dùng cả bút và dao pha mầu để vẽ hai bức này. Hình trích phóng to bằng thật cho thấy những nhát bút no sớn rất mạnh mẽ ông dùng dể diễn tả sinh động vòm lá cây khô héo màu đông.
Còn đối với lĩnh vực thiết kế nội thất, đồ gỗ MÉMO 47 được huy chương bạc Salon 1939.
Hai kiểu tủ nhỏ đều thấy để tên người đặt làm là bà Pernés – để chọn một hay làm cả hai? Có thể thấy phong cách của đồ gỗ nhà MÉMO 47 trong năm khởi nghiệp đầu tiên đã bộc lộ tinh thần làm mới các hình thức cổ truyền để thúc đẩy một mỹ cảm đơn giản, duyên dáng và tiện dụng hơn. Từ khi dọn về l9 Jean Soler và thương hiệu chỉ là MÉMO từ năm 1940 đến năm 1954, Trịnh Hữu Ngọc vẫn tiếp tục tinh thần ấy và khẳng định đã được thẩm định mỹ thuật Đông Dương đương thời cho sản phẩm nội thất gỗ của mình.
Tại các phần tiếp theo của quyển sách, Artlive sẽ tiếp tục đưa các bạn khám phá những nội dung thú vị về nghệ thuật và di sản văn hóa của thời kỳ Đông Dương qua cuốn sách họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương.