Vanilla – Hương liệu ‘tuy quen mà lạ’ đắt thứ 2 thế giới

Annie Nguyen

|

14:54 21/03/2024

Share

artLIVE – Vanilla được xướng tên là hương liệu đắt thứ 2 thế giới, chỉ sau Saffron. Bản thân Vanilla mang trong mình vô vàn bí mật đang chờ được bật mí: nguồn gốc, chủng loại, lợi ích,…

Vén màn lịch sử nguồn gốc của cây Vanilla

Vanilla là một loại gia vị phổ biến, có thể dễ dàng tìm thấy trong bất kỳ gian bếp nào từ Á cho đến Âu. Tuy được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực và cuộc sống, nhưng không phải ai cũng biết được câu chuyện lịch sử thú vị đằng sau loại hương vị này.

vanilla
Vanilla là một loại gia vị phổ biến. Ảnh: norohy.

Vanilla thuộc họ Phong Lan, còn gọi là với tên khoa học là Orchidaceae, với hơn 250,000 chi loài khác nhau. Vanilla lần đầu tiên xuất hiện và được canh tác bởi người Totonac ở Mexico.

Xuôi theo dòng lịch sử đến thế kỷ thứ 15, người Aztecs thành công đánh bại tộc người Totonac, biến họ thành thuộc địa, và buộc họ phải dâng Vanilla như cống phẩm. 

Chuyến hải trình của Vanilla vẫn tiếp diễn. Sau thất bại của đế chế Aztecs trước Tây Ban Nha, hầu tước Hernan Cortez xứ Valle de Oaxaca đã đích thân mang số lượng lớn Vanilla về nước và dâng lên cho hoàng gia.

tay-ban-nha
Tây Ban Nha thành công đánh bại đế chế Aztecs. Ảnh: Ancient Origins.

Sau khi đến được châu Âu, vanilla nhanh chóng nhận được sự săn đón nồng nhiệt của tầng lớp quý tộc và thượng lưu. Vanilla trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong vô số công thức nấu ăn từ sô cô la trắng cho đến kem và đồ ngọt.

Nhu cầu tăng nhưng sản lượng thu hoạch lại vô cùng ít ỏi đã khiến cho Vanilla trở thành một trong những hương liệu đắt đỏ nhất thế giới. 

Bốn chủng loại Vanilla phổ biến nhất hiện nay

Tương tự với rượu vang, sô cô la, và cà phê, Vanilla đến từ mỗi quốc gia khác nhau sẽ mang trong mình hương vị và nét đặc trưng riêng biệt.

Đặc biệt, tuỳ vào các yếu tố như khí hậu, thổ nhưỡng, và phương thức canh tác mà hạt sẽ ngọt béo, phảng phất hương hoa, hay thoảng hương trái cây dịu nhẹ.

Bốn chủng loại vanilla phổ biến nhất hiện nay gồm Mexico, Madagascar, Tahitian, và Uganda Vanilla.

cay-vanilla-tu-nhien
Vanilla được trồng phổ biến tại Mexico, Madagascar, Tahitian, và Uganda. Ảnh: Plumpods.

Hạt Mexico Vanilla

Mexico vốn là “quê hương” của loại hương liệu độc đáo này nên cũng không quá bất ngờ nơi đây sản sinh ra hạt Vanilla ngon nhất thế giới. Vanilla tại Mexico được thụ phấn hoàn toàn tự nhiên nhờ vào ong Melipona chỉ có thể tìm thấy tại quốc gia này.

ong-Melipona
Ong Melipona thụ phấn tự nhiên cho cây Vanilla. Ảnh: Veramexicana.

So với bốn chủng loại còn lại, Mexico Vanilla cho quả to và dày hơn. Về mặt hương vị, chúng mang đến cho người nếm khẩu cảm mềm mượt, hương thơm thoáng cay nồng quyện cùng mùi gỗ rõ nét.

Hạt Madagascar Vanilla

Madagascar là vùng trồng Vanilla cho sản lượng nhiều nhất thế giới. Về cơ bản, hạt Madagascar và Mexico Vanilla có hương vị khá tương đồng, vị thanh và béo bùi, duy chỉ khác nhau ở phương pháp thụ phấn cho cây.

Madagascar-vanilla
Madagascar là vùng trồng Vanilla cho sản lượng nhiều nhất thế giới. Ảnh: Atlas Obscura.

Tại Madagascar, người nông dân sử dụng phương pháp thụ phấn nhân tạo để đáp ứng được sản lượng thu hoạch khổng lồ hằng năm.

Hạt Tahitian Vanilla

Tahitian Vanilla được lai tạo hoàn toàn tự nhiên từ Mexico Vanilla cùng một chủng loại Vanilla quý hiểm khác chỉ được tìm thấy tại cánh rừng Belize thuộc Cộng hoà Guatemala.

Sở hữu nhiều tầng hương phức tạp như hoa hồi, caramel, kết hợp với cam thảo, Tahitian Vanilla không chỉ được sử dụng làm nguyên liệu nấu ăn mà còn phổ biến trong ngành công nghiệp sản xuất nước hoa.

nuoc-hoa-vanilla
Tahitian Vanilla dùng làm nguyên liệu sản xuất nước hoa. Ảnh: Wellington Frangrance.

Hạt Uganda Vanilla

Được thiên nhiên hết mực ưu ái kết hợp với sự hỗ trợ hết mình từ Chính phủ, Cộng hòa Uganda đã trở thành một trong ba quốc gia sản xuất Vanilla lớn nhất thế giới.

Uganda-vanilla
Uganda Vanilla có nồng độ Vanillin rất cao. Ảnh: poatvuganda.

Sở hữu nồng độ Vanillin (chiết xuất hương vani) cao hơn cả so với các chủng loại khác, chất lượng Vanilla của quốc gia Đông Phi này luôn được giới chuyên môn đánh giá cao.

Quy trình sản xuất và thu hoạch Vanilla

Thụ phấn tự nhiên và thụ phấn nhân tạo

Chẳng phải tự nhiên mà Vanilla được xem là loại hương liệu đắt thứ hai thế giới, chỉ sau nhuỵ hoa nghệ tây Saffron. Từ giai đoạn lai tạo, ươm mầm, thụ phấn, cho đến thu hoạch đều đòi hỏi người nông dân phải có kỹ thuật cao và kinh nghiệm phong phú.

Bạn có biết cây Vanilla phải mất từ 3 đến 5 năm để trưởng thành và sẵn sàng cho mùa thu hoạch đầu tiên không?

thu-hoach-vanilla
Cây Vanilla phải mất từ 3 đến 5 năm để trưởng thành. Ảnh: Morningchores.

Ngoài ra, quá trình thụ phấn thành hay bại còn đóng vai trò quyết định đến sản lượng của cây Vanilla. Trước khi con người tìm ra phương pháp thụ phấn nhân tạo, cây Vanilla được thụ phấn nhờ vào loài ong Melipona hoặc chim ruồi.

Vào năm 1841, khi cậu bé nô lệ Edmond Albius sinh sống tại vùng đảo Réunion phát hiện ra cách lai tạo Vanilla tự nhiên, nhân loại như “mở ra cánh cửa mới” cho ngành công nghiệp sản xuất hương liệu.

Quá trình thu hoạch hạt Vanilla

Chín tháng sau khi cây thụ phấn thành công và kết quả chín, nông dân sẽ bắt đầu quá trình thu hoạch.

Người ta chọn những trái Vanilla chín, hơi ngả vàng, dùng kéo khéo léo tách chúng ra khỏi cây, và tiến vào giai đoạn “sweating” (ủ hơi). Trái Vanilla chín được bọc trong lớp vải dày, đặt nơi thoáng khí và ủ trong vòng 3 đến 4 ngày.

phoi-kho-vanilla
Nông dân phơi Vanilla dưới ánh nắng mặt trời. Ảnh: tewetech.

Sau đó, nông dân tiếp tục phơi trái Vanilla dưới ánh nắng mặt trời trong một tháng cho đến khi chúng chuyển sang màu nâu đen và vỏ ngoài khô lại.

Vanilla ‘thổi hồn’ vào cuộc sống quanh ta

Vanilla được chế biến thành nhiều dạng khác nhau từ hạt tươi, bột Vanilla, hay chiết xuất tinh dầu nhằm đáp ứng cho những nhu cầu đa dạng trong đời sống con người.

chiet-xuat-vanilla
Chiết xuất Vanilla. Ảnh: Daily Meal.

Loại hương liệu đặc biệt này được sử dụng phổ biến nhất trong ẩm thực, đặc biệt là các món tráng miệng như kem tươi, bánh pudding, và sô cô la.

Bởi vì ẩm thực chính là môn nghệ thuật đòi hỏi người đầu bếp phải sáng tạo không ngừng nên Vanilla cũng dần xuất hiện trong các món hầm và hải sản để gia tăng hương vị món ăn.

Ngoài ra, Vanilla còn được sử dụng trong nền công nghiệp mỹ phẩm và dược phẩm bổ sung nhờ vào lượng lớn chất chống oxy hoá, kháng viêm được chiết xuất từ cây.

vanilla-thuc-pham-bo-sung
Vanilla được dùng trong dược phẩm bổ sung. Ảnh: Bulletproof.

Đối với các tín đồ nước hoa, thật chẳng phải điều khó khăn gì để tìm thấy nốt hương Vanilla quẩn quanh, len lỏi trong các tầng hương khác. Chính nốt hương ngọt ngào, thơm nồng mùi caramel đã tạo nên những lọ nước hoa lưu hương bền bỉ được nhiều người yêu thích.

Tham khảo:

nationalgeographic.com

greatist.com

spicesinc.com

veramexicana.com

nielsenmassey.com

wildwayoflife.com

healthline.com

baktoflavors.com