artLIVE – Trong thế giới này vẫn luôn tồn tại những điều bí ẩn tuyệt vời, muôn màu muôn vẻ chưa có lời giải đáp. Điển hình như những câu chuyện thú vị về thế giới động vật xung quanh đang đợi các bạn nhỏ khám phá.
Các loài động vật cũng giống như chúng ta, đều có cuộc sống và thế giới riêng biệt. Bên cạnh tên gọi, giống loài hay hình dạng, màu sắc mà các bạn nhỏ biết đến qua lời kể của ông bà, cha mẹ thì thế giới động vật vẫn còn ẩn chứa vô vàn những sự thật bí ẩn đầy thú vị khác.
1. Động vật cũng có “dấu vân tay”
Cũng giống như con người, các loài động vật đều có riêng cho mình “dấu vân tay” làm dấu hiệu nhận dạng cho từng cá thể loài. Tuy nhiên, “dấu vân tay” của động vật có kết cấu đa dạng hơn, phụ thuộc vào đặc tính ở từng loài.
“Dấu vân tay” của loài chó ở mũi. Kết cấu mũi của chó được tạo thành từ ba lớp da, lớp ngoài cùng hình thành các rãnh. Mỗi con chó đều có kết cấu mũi khác nhau, đây cũng là dấu hiệu để loài chó xác định “danh tính” của nhau.
Với một số loài động vật như hổ hay ngựa vằn, “dấu vân tay” của chúng chính là các hình vân sọc độc đáo xuất hiện trên cơ thể. Không con hổ hay ngựa vằn nào có họa tiết sọc trên lông giống nhau. Chính đặc điểm thú vị này đã giúp các nhà sinh vật học, nhà bảo tồn theo dõi độ tuổi, sức khỏe, mật độ di cư hay sự di chuyển của chúng trong môi trường tự nhiên.
Một số loài động vật dưới nước cũng có “dấu vân tay” riêng biệt, đối với cá mập voi chính là các dấu chấm trên da, có hình dạng trông giống ngôi sao. Mỗi cá thể cá mập voi đều có những dấu chấm khác nhau, không hề bị trùng lặp.
2. Khỉ Rhesus giao tiếp với con bằng ngôn ngữ riêng
Mỗi khi giao tiếp với trẻ sơ sinh, người lớn thường có xu hướng giao tiếp với một loại hình “ngôn ngữ” khác, tưởng chừng chỉ là những từ ngữ vô nghĩa. Tuy nhiên, “ngôn ngữ” này đã được các nhà khoa học xác định và có cho mình một thuật ngữ riêng – “Motherese”. Motherese mô tả cách người lớn hoặc người mẹ nói chuyện với trẻ nhỏ.
Có một sự thật thú vị rằng điều này cũng xuất hiện trong thế giới động vật. Khỉ Rhesus trưởng thành được ghi nhận rằng sử dụng một ngôn ngữ riêng để nói chuyện với khỉ con, khác với ngôn ngữ chúng sử dụng để giao tiếp với những con trưởng thành.
Khỉ Rhesus là loài linh trưởng thường được nhìn thấy ở Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Afghanistan và Trung Quốc. Khi một cá thể khỉ cái ở gần một con khỉ con xa lạ, nó sẽ tạo ra những âm thanh như một giai điệu the thé – được gọi là “girney” để giao tiếp với “đứa trẻ”, thiết lập một mối quan hệ thân thiện.
Girney cũng được sử dụng để thu hút sự chú ý của khỉ con đang đi lang thang khỏi mẹ, đảm bảo rằng chúng không rời khỏi lãnh thổ hay lạc khỏi bầy. Có một điều thú vị là khỉ cái không dùng girney với con của chính mình.
3. Mèo bị rụng móng vuốt là điều bình thường
Thỉnh thoảng, các bạn nhỏ thường bắt gặp móng vuốt của những chú mèo nhà mình rụng quanh nhà và trở nên lo lắng. Tuy nhiên, việc này là một điều hết sức bình thường.
Mèo thường xuyên rụng móng vuốt. Đây là một quá trình tự nhiên diễn ra định kỳ, khoảng từ hai đến ba tháng một lần. Móng vuốt là một bộ phận quan trọng đối với loài mèo, vì chúng thường sử dụng móng để phòng thủ, leo trèo cũng như săn mồi.
Khi lớp móng cũ bên ngoài bị mòn đi, nó sẽ bong ra, để lộ một bộ móng vuốt mới sắc bén hơn. Để giảm việc móng mèo bị rụng quá nhiều, các bạn nhỏ có thể tự tay làm nên những đồ mài móng từ thùng xốp, bìa giấy cũ để những bạn mèo có thể tự mình loại bỏ đi lớp móng vuốt cũ.
4. Cá sấu ăn đá để hỗ trợ tiêu hóa
Cá sấu là động vật bao cấp nhất của loài bò sát, được tìm thấy khắp nên trên thế giới. Chúng thường sống ở gần các vùng nước ngọt như sông, hồ và cả đầm lầy.
Thức ăn của cá sấu thường là động vật có vú như hươu, lợn rừng,… chim và cá. Cá sấu nghiền con mồi bằng bộ hàm khỏe mạnh của mình rồi nuốt trọn chứ không thể nhai hoặc xé thức ăn thành từng miếng nhỏ hơn.
Chính vì vậy, để hỗ trợ tiêu hóa, cá sấu thường nuốt thêm những viên đá nhỏ. Các viên đá này có vai trò phá vỡ thức ăn thông qua tác động cơ học, từ đó giúp việc tiêu hóa của cá sấu trở nên dễ dàng hơn. Điều này cũng đảm bảo rằng cá sấu có thể hấp thụ toàn bộ con mồi mà không hề lãng phí bất kỳ phần nào.
Dạ dày của cá sấu được cấu tạo thành hai phần để phù hợp với cơ chế này: phần thứ nhất là một túi cơ để chứa các viên đá – nơi thức ăn được nghiền nát, còn phần thứ hai sẽ tiêu hóa thức ăn với sự trợ giúp từ axit dạ dày.
Một số cá thể cá sấu khác cũng nuốt đá để tăng thêm trọng lượng cơ thể, giúp chúng lặn sâu và lâu hơn khi ở dưới nước, giữ được thăng bằng khi bơi.
5. Vì sao sâu ăn nhiều trước giai đoạn tạo kén?
Quá trình của một chú sâu hóa thành bướm trải qua bốn giai đoạn: trứng – sâu – nhộng – bướm. Bướm đẻ trứng trên lá, trứng nở thành sâu. Sâu sau quá trình phát triển sẽ tạo thành kén, trở thành nhộng. Nhộng ở trong kén một thời gian sẽ lột xác thành bướm.
Trong giai đoạn hình thành nhộng, sâu sẽ không ăn bất cứ thứ gì. Tuy nhiên, trước đó, sâu bướm lại ăn rất nhiều, để có thể tích trữ lượng lớn chất dinh dưỡng cho cơ thể. Điều này giúp cho những chú sâu sống sót trong quá trình tạo kén, thành nhộng, đợi đến lúc hóa thành bướm mà không cần bất kỳ thức ăn nào.
Tham khảo
champak.in