artLIVE – Sự kết hợp giữa vẻ đẹp của vàng và cái không hoàn hảo của vết nứt tạo nên một sự hài hòa tuyệt đẹp từ nghệ thuật Kintsugi
Lịch sử của nghệ thuật Kintsugi
Kintsugi được biết đến với cái tên Kinsukuroi bắt nguồn từ các từ ‘Kin’ (vàng) và ‘tsugi’ (hàn gắn), có nghĩa là hàn gắn bằng vàng. Vì vậy, Kintsugi là nghệ thuật sửa chữa đồ gốm thủ công bị vỡ bằng cách dùng chất liệu sơn mài phủ lên hoặc trộn thêm với bột vàng, bạc hay bạch kim để hàn gắn các mảnh vỡ. Những vết sẹo và vết nứt của đồ gốm vỡ được hàn gắn lại với nhau trở thành tâm điểm và biến những món đồ tưởng chừng như đã hỏng trở nên độc đáo và tinh tế.
Nghệ thuật này xuất hiện vào thế kỷ thứ 15 khi một nhà cai trị quân sự Ashikaga Yoshimasa gửi một trong những chiếc bát uống trà của mình về Trung Quốc để sửa chữa. Tuy nhiên, khi nó được trả lại, Yoshimasa không hài lòng khi thấy chiếc bình được sửa chữa bằng những lớp kim loại khó coi nên ông đã tìm một thợ thủ công địa phương tìm ra phương pháp khôi phục khác.
Ashikaga Yoshimasa yêu cầu các nghệ nhân tìm ra phương pháp nhấn mạnh các vết nứt trên bát, thay vì cố gắng che giấu chúng. Điều này đã thúc đẩy những người thợ thủ công đương thời tìm ra một phương pháp mới khiến chiếc bình đó trở nên đẹp hơn từ những vết nứt đó. Từ đó nghệ thuật Kintsugi ra đời, theo thời gian, nghề thủ công này trở nên phổ biến đến mức mọi người không chỉ ở Nhật Bản mà còn nhiều nước trên thế giới biết đến.
Mặc dù, đây là một loại hình nghệ thuật cổ xưa, nhưng Kintsugi cũng đã được các nghệ nhân áp dụng như một cách tái chế các vật phẩm để giảm lãng phí không cần thiết. Thay vì vứt bỏ một chiếc bình hoặc cốc vỡ, loại hình nghệ thuật này khuyến khích chúng ta chấp nhận sự không hoàn hảo trong mọi đồ vật và xem chúng như một khía cạnh khác góp phần tạo nên vẻ đẹp của nó.
Phương pháp hàn gắn Kintsugi
Nghệ thuật Kintsugi truyền thống sử dụng sơn mài urushi và bột gạo để kết dính các đồ gốm lại với nhau.
Quá trình sửa chữa bắt đầu bằng việc chọn các mảnh vỡ và vá chúng bằng keo dán, sau đó thêm lớp bột gốm để làm chắc chắn. Khi bề mặt đã khô, các nghệ nhân sơn lớp vàng hoặc bột vàng lên các nứt, tạo ra một sự tương phản rực rỡ với bề mặt gốm.
Kỹ thuật này đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế, và những nghệ nhân làm việc với các thành phần như bột vàng, keo đặc cũng như bột gốm để vá các chỗ nứt và khuyết điểm trên vật bị vỡ. Đặc trưng của kỹ thuật này chính là các đường và vết nứt sau khi được lấp đầy vàng trở thành những đường chỉ sáng bóng, làm nổi bật những phần hư hỏng trước đó thành những chi tiết đẹp mắt.
Có ba phương pháp phổ biến được sử dụng trong nghệ thuật Kintsugi:
Phương pháp phục hồi: Đối với phương pháp này, vật dụng được sửa chữa bằng cách trám đường nối mảnh trên các cạnh nứt. Các đối tượng được dán lại với nhau bằng keo vàng. Đây là kỹ thuật Kintsugi phổ biến nhất, cũng chính những đường vân nối lấp lánh này đã định hình nên loại hình nghệ thuật Kintsugi.
Phương pháp thay thế: Những món đồ được khôi phục bằng cách thay thế các mảnh vỡ hoàn toàn bằng mảnh thế (vàng, bạc hay bạch kim). Phương pháp này lý tưởng cho đồ gốm sứ bị sứt mẻ hoặc các bộ phận bị vỡ không thể sửa chữa.
Phương pháp ghép nối: Người nghệ nhân sẽ sử dụng các mảnh có hình dạng tương tự từ các đồ gốm vỡ khác, kết hợp hai tác phẩm khác nhau thành một sản phẩm duy nhất. Cái khó của phương pháp này là tìm các bộ phận ăn khớp với nhau.
Nghệ nhân Mio Heki xem nghệ thuật Kintsugi như một phép màu
Trong nhiều năm qua, Mio Heki được biết đến như một nghệ nhân Kintsugi nổi tiếng ở Nhật Bản. Cô ấy đã sử dụng chất liệu urushi để sửa chữa các bảo vật truyền thống của chùa chiền, mọi thứ từ những tòa nhà lớn đến những đồ vật nhỏ bé, một công việc mà cô ấy thấy rất có tính giáo dục.
Mio Heki nói rằng: “Tôi tin rằng urushi là phép thuật. Tôi rất bị thu hút bởi lịch sử và sức mạnh của nó. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những đồ vật được làm bằng sơn mài urushi có niên đại hơn 9.000 năm. Nó là một vật liệu mạnh mẽ và hoàn toàn tự nhiên. Cây Urushi mọc khắp châu Á nhưng kỹ thuật sơn mài khác nhau, tất nhiên là do nền văn hóa khác nhau của chúng ta nhưng cũng tùy thuộc vào thổ nhưỡng và khí hậu mà cây phát triển. Tôi thấy nghệ thuật sơn mài của Nhật Bản vô cùng tinh tế. Tôi nghĩ nó liên quan đến tâm hồn Nhật Bản.”
Trên khắp thế giới, cây sơn mài cao, Toxicodendron vernicifluum, được biết đến với nhiều tên gọi. Ở Nhật Bản, từ urushi được sử dụng cho cả cây sơn mài và nhựa cây màu trắng đục mà nó tạo ra. Một cây chỉ cho khoảng 200 gram urushi trong suốt vòng đời của nó.
Độ ẩm ở Nhật Bản tạo ra một môi trường hoàn hảo cho sơn mài làm từ urushi vừa khô vừa cứng bằng cách hấp thụ độ ẩm từ không khí, cần độ ẩm khoảng 70% và nhiệt độ khoảng 20-24 độ C. Khi được sử dụng làm keo, phải mất khoảng hai tuần để urushi khô. Tùy thuộc vào sự kết hợp của urushi, Heki thường cất giữ những đồ vật mà cô ấy đang làm trong muro – một chiếc tủ gỗ được thừa kế từ dì của cô ấy. Bằng cách này, cô ấy có thể kiểm soát và duy trì môi trường cần thiết, giữ ẩm bằng cách phun nước vào tủ.
Bên cạnh đó, nghệ nhân Mio Heki chia sẻ về những những khó khăn trong việc thực hiện sửa chữa những món đồ bằng phương pháp Kintsugi: “Thời gian rất quan trọng trong nghề thủ công kintsugi. Tôi rất tập trung khi làm việc. Đôi khi tôi thực sự có thể kết nối với phần mà tôi đang sửa chữa. Giống như tôi đang trò chuyện với đồ vật mà qua đó tôi biết được cả chủ nhân và tác phẩm. Tôi thực sự hạnh phúc khi có thể giúp tạo ra những câu chuyện cuộc đời mới thông qua nghề thủ công của mình.”
Những mùi hương quen thuộc bao quanh bàn làm việc của Heki, một hỗn hợp của mùi hương ngọt ngào và sắc nét của chất liệu urushi. Với đôi bàn tay được đào tạo và chuyển động nhanh nhẹn, Heki trộn urushi và đất, nhào hỗn hợp trên một viên thủy tinh bằng thìa gỗ. Đất được thu thập từ khu vực Yamashina ở Kyoto và sau đó được nghiền thành bột mịn.
Sử dụng đất địa phương là truyền thống của các nghệ nhân Kintsugi ở Kyoto, nơi đất được biết đến là rất giàu có để làm nguyên liệu thô cho bột mài mòn, thu hút những người thợ thủ công từ khắp Nhật Bản. Sau đó, Heki sử dụng hỗn hợp đã được gia công kỹ lưỡng làm lớp nền để lấp đầy các lỗ và vết nứt của các mảnh bị hư hỏng.
Heki tiếp tục chia sẻ: “Hầu hết các nghệ sĩ kintsugi không muốn làm việc với kính vỡ. Đó là một vật liệu khó sửa chữa. Bề mặt của thủy tinh nhạy cảm hơn gốm nên khó đánh bóng và lắp ráp hơn, nhưng tôi thích thử thách. Tôi chỉ sử dụng sơn mài nguyên chất làm keo dán khi ghép các mảnh thủy tinh lại với nhau, không bao giờ sử dụng bất kỳ phẩm màu hay bột bánh gạo nào vì nó làm cho hỗn hợp đặc hơn và do đó đòi hỏi nhiều công sức hơn.”
Mặc dù có những khó khăn trong việc thực hiện kỹ thuật Kintsugi nhưng Mio Heki vẫn luôn cố gắng vượt qua để giữ cho nghề thủ công truyền thống của người Nhật luôn tồn tại. Cô ấy cũng đã dành thời gian chia sẻ kiến thức của cô thông qua tổ chức các buổi hội thảo tại xưởng vẽ và tại nhà. Cô thỉnh thoảng cũng có dạy các lớp kintsugi ở Châu Âu.
Nghệ thuật Kintsugi – yêu những điều không hoàn hảo
Kintsugi có thể được coi là một phép ẩn dụ mạnh mẽ cho khả năng phục hồi của con người. Mỗi chúng ta đều trải qua những khoảnh khắc đau đớn, mất mát và chấn thương có thể khiến chúng ta bị tổn thương về mặt cảm xúc. Tuy nhiên, chúng ta có thể chọn sửa chữa những vết thương đó và biến chúng thành một thứ gì đó đẹp đẽ và có giá trị giống như nghệ thuật sửa chữa Kintsugi.
Thay vì che giấu hoặc phủ nhận vết thương của mình, bạn có thể coi chúng là cơ hội để phát triển và trở nên mạnh mẽ hơn. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng những vết sẹo tình cảm không định nghĩa chúng ta là ai, nhưng là một phần lịch sử và làm nên con người của chúng ta.
Tương tự như Kintsugi của Nhật Bản, chúng ta có thể học cách xem những món đồ sứt mẻ hay hư hỏng là đẹp đẽ và có giá trị, đồng thời nhớ rằng lịch sử của chúng ta khiến chúng ta trở nên độc đáo và quý giá.
Vì vậy, sửa chữa theo nghĩa này là, vết nứt trở thành vết sẹo đẹp. Đây là một trong những chìa khóa tạo nên sự kiên cường của con người, giúp dũng cảm đối mặt với những khó khăn của cuộc sống.
Nghệ thuật Kintsugi mang nguồn cảm hứng mới mẻ trong thời hiện đại
Ngày nay, nghệ thuật Kintsugi đã vượt qua khỏi đất nước Nhật Bản, nó được xem như nguồn cảm hứng bất tận của những người nghệ sĩ. Họ đã ứng dụng kỹ thuật cũng như triết lý của Kintsugi vào trong quá trình thực hiện các sản phẩm và chất liệu trên khắp thế giới.
Đặc biệt, Bảo tàng Metropolitan ở New York, hay Smithsonian, đã tổ chức các cuộc triển lãm để nói về nghệ thuật độc đáo và ý nghĩa này.
Nghệ sĩ người Anh – Karen Lamonte đã tạo ra một hiệu ứng nổi bật đến công chúng khi cô không ngần ngại sử dụng kỹ thuật Kintsugi để nối những mảnh vải nhỏ lại với nhau thành những bộ trang phục mới lạ trong bộ sưu tập của mình. Victor Solomon, người lấy cảm hứng từ các phương pháp của Kintsugi của người Nhật để sửa chữa một sân bóng rổ bị nứt ở phía nam Los Angeles vào năm 2020.
Nghệ sĩ người Brazil – Tatiane Freitas đã phá vỡ mọi ranh giới giữa hai phong cách thiết kế cổ điển và đương đại. Bằng cách sử dụng nhựa acrylic để sửa chữa đồ nội thất bằng gỗ bị hỏng mang đến những món đồ có vẻ đẹp khác biệt. Chất nhựa trong suốt nhưng việc sửa chữa không nhằm mục đích ngụy trang. Thay vào đó, chất liệu acrylic này còn nổi bật trên nền gỗ, tạo nên sản phẩm táo bạo, cũ gặp mới.
Với tinh thần tôn trọng và nhận thức về tác động tích cực của việc chấp nhận và hiểu sự không hoàn hảo trong cuộc sống, nghệ thuật Kintsugi đã trở thành biểu tượng văn hóa quan trọng của người Nhật Bản và cũng trở thành một nguồn cảm hứng cho nhiều người trên toàn thế giới.
Tham khảo
kyotojournal.org
wheelandclay.com
invaluable.com
classbento.com.au
forbes.com