artLIVE – Tối chủ nhật vừa qua, màn trình diễn giữa hiệp Super Bowl của Kendrick Lamar nhanh chóng thu hút sự chú ý, bùng nổ cộng đồng mạng với hơn 29 triệu lượt xem chỉ sau 1 ngày lên sóng.
Vào tối 9/2/2025, màn trình diễn được mong đợi nhất Super Bowl Halftime Show 2025 tại New Orleans (thuộc tiểu bang Louisiana tại Hoa Kỳ) của Kendrick Lamar đã chính thức diễn ra. Tại đây, Lamar – rapper từng giành giải Pulitzer – đã mang đến một câu chuyện về người Mỹ gốc Phi và vị trí của họ trong dòng chảy lịch sử nước Mỹ.

Giữa bầu không khí sôi động ở New Orleans (thuộc tiểu bang Louisiana tại Hoa Kỳ), khi khán giả cùng nhau rap theo những bản hit như Humble hay ca khúc diss giành giải Grammy Not Like Us, Lamar và dàn nghệ sĩ da màu đã biến sân khấu thành một bức tranh tràn ngập những ẩn ý chính trị và dấu ấn lịch sử.
Dưới đây là sáu ý nghĩa ẩn giấu trong màn trình diễn đầy sức nặng của Lamar.
Uncle Sam / Uncle Tom
Mở đầu màn trình diễn, nam diễn viên Samuel L. Jackson xuất hiện trong bộ vest đỏ, trắng, xanh cùng chiếc mũ chóp cao, gợi lên hình ảnh quen thuộc của Uncle Sam – biểu tượng đại diện cho lòng yêu nước Mỹ, vốn thường được khắc họa là một người đàn ông da trắng.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Jackson mang đến một góc nhìn khác về Uncle Sam. Khi một người đàn ông da màu đảm nhận vai trò này, nó trở thành một tuyên bố mạnh mẽ về việc tái định nghĩa lòng yêu nước từ góc nhìn của người Mỹ gốc Phi.

Không dừng lại ở đó, trong phần phát biểu của mình, Jackson còn mang dáng dấp của một nhân vật khác – Uncle Tom. Nhân vật này bắt nguồn từ tiểu thuyết Uncle Tom’s Cabin (Túp lều của bác Tom) của Harriet Beecher Stowe, xuất bản năm 1852, dùng để chỉ những người Mỹ gốc Phi quay lưng với cộng đồng và văn hóa của mình, sẵn sàng phục tùng người da trắng.
Hơn thế nữa, trong một khoảnh khắc của màn trình diễn, Jackson đã chỉ trích Lamar là “quá ồn ào, quá liều lĩnh, quá hạ lưu” lặp lại những định kiến thường được gán cho người Mỹ gốc Phi và văn hóa hip-hop.
Cuộc cách mạng
Kendrick Lamar mở đầu màn trình diễn với câu nói đầy ẩn ý: “Cuộc cách mạng sắp được phát sóng; Các người chọn đúng thời điểm nhưng sai người rồi.”
Lời tuyên bố này gợi nhắc đến bài thơ The Revolution Will Not Be Televised (Cuộc cách mạng sẽ không được phát sóng) của Gil Scott-Heron, ra đời năm 1971. Bài thơ nhấn mạnh rằng sự thay đổi không đến từ truyền thông hay các tập đoàn lớn, mà phải bắt nguồn từ chính con người, đồng thời chỉ trích cách truyền thông che đậy bạo lực phân biệt chủng tộc.

Tuy nhiên, cụm từ “sai người” mà Lamar đề cập khiến nhiều người dùng mạng xã hội suy đoán rằng anh đang ngầm công kích Tổng thống Donald Trump, người cũng có mặt tại sự kiện vào tối ngày hôm đó.
Trước đó, dù Trump từng nhận được sự ủng hộ từ một số nghệ sĩ hip-hop nổi tiếng như Lil Wayne và Kodak Black, Lamar lại luôn giữ lập trường đối lập. Trong các ca khúc như The Heart Part 4 và XXX., anh đã thẳng thắn chỉ trích Trump và các chính sách gây bất bình đẳng chủng tộc của ông.
Có thể thấy, Lamar dường như biến buổi diễn hành một tuyên ngôn mạnh mẽ về bất công chủng tộc, sự thay đổi xã hội và chính trị. Câu nói của anh vừa có thể là một thông điệp chung về cuộc cách mạng, vừa có thể là một lời công kích ngầm nhắm vào Trump.
Tình trạng tù đày hàng loạt
Ẩn ý không dừng lại ở khâu trang phục như Uncle Sam / Uncle Tom hay lời nói “sai người”, nó bao gồm cả bối cảnh. Khi Lamar cùng dàn vũ công da màu của mình di chuyển trên sân khấu, khán giả dần nhận ra rằng họ đang trình diễn trong khung cảnh một sân tù.

Sự sắp đặt này không phải ngẫu nhiên, nó được thiết kế để lên án tình trạng giam giữ hàng loạt và sự bất công trong hệ thống tư pháp Mỹ, nơi mà người Mỹ gốc Phi bị bỏ tù với tỷ lệ cao hơn nhiều so với người da trắng, ngay cả khi phạm cùng một tội danh.
Dù chưa từng ngồi tù nhưng Lamar thường xuyên đề cập đến tác động của hệ thống tư pháp đối với cộng đồng da màu. Anh từng góp giọng trong ca khúc Freedom của Beyoncé, kêu gọi “mở cổng nhà tù giữa những sa mạc rộng lớn”, ám chỉ mong muốn xóa bỏ những bất công trong hệ thống giam giữ.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Lamar dùng sân khấu trực tiếp để phản ánh thực trạng bất bình đẳng trong hệ thống tư pháp. Tại lễ trao giải Grammy 2016, anh đã khiến khán giả sửng sốt khi bước lên sân khấu trong bộ đồ tù nhân, dẫn đầu một nhóm vũ công bị xích chân, trong khi các nhạc công chơi nhạc bên trong những buồng giam.

Những hình ảnh này chính là lời tố cáo mạnh mẽ về sự bất công mà người da màu phải đối mặt trong xã hội Mỹ.
Lá cờ Mỹ
Dàn vũ công của anh khoác lên mình trang phục đỏ, trắng, xanh dương, đây là ba màu biểu tượng của quốc kỳ Mỹ. Dường như cảm thấy điều đó chưa đủ rõ ràng, họ còn cùng nhau tạo thành hình ảnh lá cờ khi biểu diễn ca khúc Humble.
Trong một khoảnh khắc, tất cả vũ công đồng loạt cúi xuống, nâng lưng lên không trung. Hình ảnh này ngay lập tức làm dấy lên nhiều suy đoán trên mạng xã hội. Nhiều người tin rằng động tác này tượng trưng cho việc nước Mỹ được xây dựng trên lưng những người nô lệ da màu, những người đã bị bóc lột công sức để tạo nên nền kinh tế và sự thịnh vượng của đất nước.

Ngay sau đó, đội hình thay đổi các vũ công tách ra, đứng thành hai nhóm ở hai bên Lamar.
Hình ảnh lá cờ bị chia cắt dường như ẩn dụ cho sự chia rẽ chính trị đang bao trùm nước Mỹ. Lamar cũng nhấn mạnh thông điệp này trong câu hát: “Đây là một sự chia rẽ văn hóa.”
40 mẫu đất và một con la
Trước khi bước vào phần trình diễn ca khúc Not Like Us, Lamar rap cùng dàn bè: “40 mẫu đất và một con la, chuyện này lớn hơn âm nhạc.” Câu rap này ám chỉ đến lời hứa bồi thường cho người Mỹ gốc Phi sau khi chế độ nô lệ kết thúc.
Vào ngày 16/1/1865, Tướng William T. Sherman của quân đội Liên minh miền Bắc đã ban hành Mệnh lệnh Đặc biệt số 15, trong đó quy định rằng mỗi gia đình từng bị bắt làm nô lệ sẽ được cấp 40 mẫu đất để bắt đầu cuộc sống mới.

Tuy nhiên, lời hứa này chưa bao giờ được thực hiện, và cho đến nay, nó vẫn là một chủ đề gây tranh cãi trong các cuộc thảo luận về bồi thường và công bằng lịch sử cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi.
Serena Williams
Samuel L. Jackson xuất hiện trong màn trình diễn của Lamar đã đủ bất ngờ, nhưng sự góp mặt của huyền thoại quần vợt Serena Williams còn gây chấn động hơn.
Williams không chỉ khuấy động sân khấu mà còn được xem như một đòn công kích trực diện nhắm vào bạn trai cũ – rapper Drake, người bị chỉ trích trong ca khúc Not Like Us.
Thậm chí, Williams còn thực hiện điệu crip walk – một điệu nhảy đặc trưng với những bước chân phức tạp, có nguồn gốc từ Crips, băng đảng da màu ở Nam California.
Giống Lamar, Williams sinh ra và lớn lên tại Compton – cái nôi của hip-hop và văn hóa đường phố. Màn trình diễn của cô khiến nhiều người nhớ đến chiến thắng lịch sử trước Maria Sharapova tại Thế vận hội 2012, khi cô cũng thực hiện điệu crip walk trên sân quần vợt.

Thời điểm đó, Williams hứng nhiều ý kiến trái chiều. Một số cho rằng điệu nhảy này “kém tinh tế” và “thô thiển”, thậm chí cổ xúy bạo lực băng đảng. Trong khi đó, những người ủng hộ lại lên tiếng bảo vệ cô, chỉ trích sự thiên vị và phân biệt chủng tộc trong những phản ứng tiêu cực này.
Ngoài ra, Williams đã nhắc lại câu chuyện cũ một cách đầy hài hước. Trong một video đăng tải trên mạng xã hội, nữ vận động viên từng bốn lần giành huy chương vàng Olympic chia sẻ: “Trời ơi, tôi đã không crip walk như vậy ở Wimbledon đâu. Ooh, chắc chắn tôi sẽ bị phạt mất!”
Màn trình diễn Super Bowl của Kendrick Lamar như phản ánh bản sắc và vị trí của người Mỹ gốc Phi trong xã hội Mỹ. Nó đặt ra câu hỏi về lòng yêu nước, phê phán những định kiến áp đặt lên cộng đồng da màu, đồng thời kêu gọi một sự thay đổi trong cách nhìn nhận văn hóa hip-hop cũng như vai trò của người Mỹ gốc Phi trong lịch sử và hiện tại.
Tham khảo:
thehill.com
nytimes.com