artLIVE – Biểu tượng Olympic đã trở nên quen thuộc trong tiềm thức của người yêu thích thể thao. Nó không chỉ đại diện một sự kiện quan trọng mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa thú vị.
Nhắc đến Olympic, người ta thường nghĩ đến những trận thi đấu đầy căng thẳng, những cuộc diễu hành kiêu hãnh của các vận động viên hay khoảnh khắc thắp đuốc mang tính lịch sử. Tuy nhiên, Thế vận hội Olympic vẫn còn có một số điều đáng lưu ý khác, chẳng hạn như những chiếc vòng biểu tượng Olympic.
Lịch sử hình thành Thế vận hội Olympic
Thế vận hội Olympic vốn dĩ được bắt nguồn từ các cuộc thi đấu thể thao từ thời Hy Lạp cổ đại những năm 776 trước Công Nguyên. Cuối thế kỷ XIX, Nam tước người Pháp Pierre de Coubertin đã tổ chức Thế vận hội hiện đại lần đầu tiên.
Hình ảnh năm vòng tròn với màu sắc khác nhau của Olympic đã trở nên quen thuộc trong tâm thức của nhiều người, đặc biệt là những khán giả yêu thích đón xem thể thao. Những chiếc vòng đã xuất hiện trên truyền thông đại chúng hơn 100 năm qua, nhưng vẫn có rất ít người thật sự hiểu được ý nghĩa ẩn đằng sau biểu tượng ấy.
Thế vận hội Olympic và biểu tượng của nó đều được hình thành nên bởi nhà sử học, nhà xã hội học, vận động viên và nhà cải cách giáo dục Pierre de Coubertin.
Bên cạnh việc nỗ lực cung cấp giáo dục thể chất cho học sinh tại Pháp, Coubertin đã tổ chức Đại hội đầu tiên trên thế giới, bao gồm các cuộc thi học giả và giáo dục thể chất tại Triển lãm toàn cầu Paris, nước Pháp năm 1889.
Năm năm sau, vào khoảng tháng 6 năm 1894, ông thành lập nên Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và đề xuất tổ chức Thế vận hội Olympic hiện đại lần đầu tiên tại Athens – Hy Lạp vào năm 1896, tại Paris – Pháp vào năm 1900.
Tầm nhìn của Coubertin ngay từ đầu về Thế vận hội Olympic chính là các cuộc thi đấu giữa những vận động viên ưu tú từ khắp nơi trên thế giới. Năm 1984, trong ấn bản thứ hai của Bản tin Olympic, ông đã giải thích cách thức tổ chức Thế vận hội: nó sẽ được diễn ra luân phiên giữa các quốc gia khác nhau.
Pierre de Coubertin đã viết rằng: “Mức độ thiên tài của từng dân tộc được thể hiện qua cách họ tổ chức lễ hội và tham gia thể thao như thế nào. Thế vận hội Olympic hiện đại sẽ thể hiện được tính chất thực tế, khiến cho chính nó trở nên vượt trội hơn những thế vận hội đã từng được diễn ra trước đó”.
Biểu tượng Olympic và những ý nghĩa được ẩn giấu
Thế vận hội Olympic năm 1912 được tổ chức ở Stockholm, Thụy Điển có thể được xem là thế vận hội đầu tiên có sự tham gia của các vận động viên đến từ năm châu lục: Châu Phi, Châu Á, Châu Âu, Châu Đại Dương (Úc và New Zealand) và sự kết hợp giữa Bắc – Nam Mỹ.
Lấy cảm hứng từ thứ đã trở thành một sự kiện thực tế mang tính chất toàn cầu, Coubertin đã quyết định thiết kế nên biểu tượng của Thế vận hội. Nó chính là những vòng tròn Olympic quen thuộc mà ta nhìn thấy hiện nay.
Biểu tượng này được sử dụng trong mọi Thế vận hội Olympic mùa hè cho đến mùa đông kể từ năm 1920, và gần như không hề bị thay đổi. Chỉ có duy nhất một ngoại lệ vào năm 1957, khi phiên bản của biểu tượng Olympic được giới thiệu với sự tăng nhẹ khoảng cách giữa những chiếc vòng. Tuy nhiên, đến năm 2010, IOC quyết định quay lại thiết kế và khoảng cách ban đầu của Coubertin và giữ nguyên biểu tượng ấy cho đến ngày hôm nay.
Theo văn hóa phương Tây, đặc biệt là niềm tin của người Hy Lạp quan niệm rằng chiếc nhẫn, cái vòng chủ yếu dùng để đánh dấu một sự gắn bó, để bó buộc. Nó xuất hiện như là biểu hiện của một sự liên kết, một thề nguyện, một cộng đồng, một số phận nối liền. Chính vì vậy, biểu tượng Olympic thể hiện một sự gắn bó, đoàn kết đầy mật thiết giữa người với người, và khi mở rộng ý nghĩa, cũng có thể hiểu là sự gắn bó giữa các quốc gia, các châu lục trên thế giới.
Trong một bài báo vào tháng 11 năm 1992 trên tạp chí chính thức của Ủy ban Olympic Quốc tế – Olympic Revue – nhà sử học người Mỹ Robert Barney đã giải thích ý tưởng về các vòng đan xen đã đến với Pierre de Coubertin khi ông đang chịu trách nhiệm phụ trách USFSA – một cơ quan hiệp hội được thành lập bởi sự liên kết giữa hai hiệp hội thể thao Pháp.
Biểu tượng của hiệp hội này là hai chiếc nhẫn đan vào nhau, giống như hình ảnh của hai chiếc nhẫn cưới. Nó xuất phát từ ý tưởng của bác sĩ tâm thần người Thụy Sĩ – Carl Jung, ông cho rằng hình ảnh đan xen giữa hai chiếc nhẫn đại diện cho dòng chảy liên tục không ngừng nghỉ và biểu trưng cho hình ảnh con người.
Biểu tượng Olympic bao gồm năm chiếc vòng đan xen và móc nối, kích thước mỗi chiếc vòng đều giống nhau. Điều này đã thể hiện một thông điệp đầy ý nghĩa: mỗi con người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia hay châu lục đều bình đẳng tại Thế vận hội này.
Theo như lời của Pierre de Coubertin: “Năm chiếc nhẫn này đại diện cho năm phần của thế giới hiện đã giành được sự ủng hộ của chủ nghĩa Olympic và sẵn sàng chấp nhận sự cạnh tranh dồi dào của nó”.
Màu sắc của biểu tượng cũng ẩn chứa những ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Coubertin đã chọn ra sáu màu sắc chính thức của Olympic, bao gồm: xanh lam, vàng, đen, xanh lá, đỏ và trắng. Năm 1913, khi ông giới thiệu biểu tượng này đến với đại chúng, mọi lá cờ của các quốc gia tham gia Thế vận hội đều có mặt trong màu sắc của biểu tượng.
Pierre de Coubertin đã phát biểu rằng: “Sáu màu kết hợp lại sẽ tạo ra màu sắc của tất cả các quốc gia. Và điều này không hề tồn tại bất kỳ một ngoại lệ nào”.
Dòng chảy phát triển của các vòng tròn Olympic
Trên thực tế, có đến bảy phiên bản “chính thức” của biểu tượng Olympic đang tồn tại, theo chia sẻ từ Ủy ban Olympic Quốc tế. Biểu tượng được yêu thích nhất vẫn là hình ảnh năm vòng tròn năm màu xuất hiện trên nền trắng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp không thể tái tạo màu của những vòng tròn, các phiên bản đơn sắc của chúng như xanh lam, vàng, đen, xanh lá, đỏ và trắng cũng là một lựa chọn thay thế có thể chấp nhận được.
Biểu tượng này đã có quá trình hình thành, phát triển và thay đổi trong một thời gian dài, bao gồm các phiên bản:
Năm 1913, biểu tượng ban đầu được thiết kế bởi Coubertin có năm vòng đan xen lẫn nhau màu xanh lam, vàng, đen, xanh lá cây và đỏ ở giữa nền trắng. Biểu tượng này được sử dụng vào năm 1914, tuy nhiên đến sáu năm sau, 1920, mới chính thức được trưng bày tại Thế vận hội.
Năm 1920, biểu tượng Olympic được ra mắt chính thức với công chúng tại Thế vận hội Olympic VII, được tổ chức tại Antwerp, Bỉ, dưới dạng lá cờ Olympic.
Năm 1957, sau 44 năm sử dụng biểu tượng những chiếc vòng, Ủy ban Olympic Quốc tế đã phê duyệt bản sửa đổi đầu tiên. Trên thực tế, nó chỉ có một chút khác biệt không đáng kể so với bản gốc của Coubertin. Hai vòng dưới được di chuyển xa hơn, cung cấp thêm không gian giữa các vòng tròn.
Năm 1986, Ủy ban Olympic Quốc tế cập nhật lại tiêu chuẩn đồ họa, mô tả về phiên bản chính thức của biểu tượng Olympic, hoàn chỉnh khoảng cách giữa mỗi vòng tròn.
Năm 2010, Ban điều hành Ủy ban Olympic Quốc tế quyết định tái sử dụng biểu tượng gốc – phiên bản được thiết kế bởi Coubertin với hình ảnh các vòng tròn được đan xen liền mạch.
Tham khảo
rd.com
logohistories.com