artLIVE – Trà sữa là thức uống quen thuộc với mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bạn có biết rằng hương vị ngọt ngào của nó từng gây nên một cuộc tranh chấp kéo dài cả thế kỷ, hay đã từng xuất hiện món lẩu trà sữa trân châu?
Tranh cãi hàng thập kỷ về nguồn gốc
Nếu một lần đến với Đài Loan, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những cửa hàng bán tai lợn chiên giòn, cá viên dai dai hay bún gạo hàu,… ở khắp mọi nơi. Ẩm thực đường phố của quốc gia châu Á này thường gây ấn tượng cho du khách bởi những món ăn có kết cấu độc đáo, từ mềm mịn, dai giòn đến đặc sánh. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi nơi đây lại quê hương của trà sữa trân châu – loại thức uống khiến những tín đồ hảo ngọt phải “mê mẩn”.
Xuất hiện ở Đài Loan vào những năm 80 của thế kỷ 20, những viên trân châu dai mềm vui miệng biến trải nghiệm nhâm nhi cốc trà sữa thơm béo trở nên thú vị hơn cả. Tuy nhiên, bạn có biết rằng cha đẻ thực sự của món ăn này vẫn còn là câu hỏi gây tranh cãi đến tận ngày nay?
Vào năm 1986, quán trà Chun Shui Tang (thành phố Đài Trung) và Hanlin (thành phố Đài Nam) – đều tuyên bố đã phát minh ra trà sữa trân châu. Ông Liu Han-Chieh – chủ cửa hàng Chun Shui Tang kể lại rằng ông đã thử nghiệm bỏ những viên bột sắn dây vào trà sữa để tăng thêm sự hấp dẫn. Trong khi đó, chủ quán trà Hanlin – Tu Tsong He lại được truyền cảm hứng từ các món chè truyền thống được bày bán ở chợ gắn liền với tuổi thơ ông.
Liu Han-Chieh (trái) và Tu Tsong He (phải) – hai nghệ nhân được cho là cha đẻ của trà sữa trân châu. Ảnh: Deal Town/Hanlin Tea Room.
Dù không thể xác minh chính xác cả hai câu chuyện, nhưng sự tranh giành bản quyền gay gắt giữa hai cửa hàng đã dẫn đến vụ kiện kéo dài hàng thập kỷ. Sự việc chỉ thực sự ngã ngũ vào năm 2019 khi tòa án kết luận rằng không cần phải tranh cãi xem ai là người phát minh ra trà sữa trân châu, vì nó vốn không phải là một sản phẩm được cấp bằng sáng chế.
Trà sữa trân châu – biểu tượng về văn hóa
Khác với những “đàn em” nổi lên thành một hiện tượng rồi lại “chóng tàn” như trà mãng cầu hay trà chanh giã tay, trà sữa trân châu tuy đã xuất hiện từ lâu nhưng vẫn giữ được sức hút tuyệt đối của mình. Thậm chí, thức uống này còn dần trở thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu.
Trà sữa trân châu du nhập vào Mỹ nhờ sự xuất hiện của làn sóng người nhập cư Đài Loan vào những năm 90. Ban đầu, thức uống này chỉ phổ biến trong cộng đồng người Mỹ gốc Á. Tuy nhiên, bài hát “Bobalife” của hai anh em youtuber người Mỹ gốc Hoa Andrew và David Fung cho ra mắt vào năm 2013 đã dần biến thức uống này trở thành một cơn sốt với tất cả mọi người tại nơi đây.
Giống như các mặt hàng tiêu dùng khác đã trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng như cơm, bánh bao, phở, nước tương…, trà sữa trân châu cũng trở thành một đại biểu cho bản sắc văn hóa của người gốc Á tại xứ sở cờ hoa.
Ngày nay, trà sữa trân châu trở thành hiện tượng văn hóa trên toàn thế giới. Những cửa hàng trà sữa mọc lên ở khắp các khu phố và nhận được sự yêu thích của mọi lứa tuổi. Thậm chí, nó còn được các “ông lớn” về ẩm thực như McDonald’s, Starbucks,… thêm vào thực đơn của mình. Từ phim ảnh, âm nhạc cho đến ký tự emoji trên điện thoại, trà sữa trân châu đã chứng minh được sức hút bền bỉ theo thời gian của mình tới tận ngày nay.
Ngày quốc tế trà sữa trân châu
Sự phổ biến của trà sữa trân châu lan rộng đến mức thức uống này đã có một ngày lễ kỷ niệm riêng cho mình.
Từ năm 2018, nhằm tôn vinh cộng đồng những người đam mê trân châu đang ngày càng phát triển trên khắp thế giới cũng như kỷ niệm ngày thành lập, công ty trà sữa lớn nhất nước Mỹ Kung Fu Tea (trụ sở tại New York) đã chọn ngày 30/4 là ngày trà sữa trân châu.
Đều đặn hàng năm, không chỉ Kung Fu Tea mà các thương hiệu trà sữa khác cũng liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi, sự kiện,… hấp dẫn để chào mừng ngày lễ đặc biệt này.
Món lẩu… trà sữa
Lẩu làm từ trà sữa? Nghe tưởng chừng khó tin nhưng năm 2019, cửa hàng Avery Cafe tại Richmond (Canada) đã từng “gây sốt” nhờ vào món ăn độc lạ này!
Món lẩu này được đặt trong một nồi tròn truyền thống của Trung Hoa, nổi bật với chiếc ống nhỏ để truyền hơi nóng từ than bên dưới làm nóng phần thức ăn trong nồi. Thực khách có thể lựa chọn dùng nóng hoặc lạnh tùy ý.
Những nguyên liệu ăn kèm như trân châu, khoai dẻo, kem, thạch,… được sắp xếp bắt mắt bên trong lòng nồi. Về phần nước cốt lẩu, thực khách có thể lựa chọn giữa các hương vị trà sữa tùy thích. Đặc biệt, trải nghiệm ẩm thực sẽ càng thêm trọn vẹn nếu bạn dùng kèm các loại “nước chấm” như chocolate, dâu tây, xoài,…
Kể từ khi xuất hiện, món ăn sáng tạo này đã thu hút vô vàn sự quan tâm của cộng đồng tín đồ yêu thích trà sữa trân châu.
Mẹo uống trà sữa tốt cho sức khỏe
Dù là sự lựa chọn hàng đầu khi giải khát của nhiều người, trà sữa kỳ thực lại không phải là một món ăn giàu dinh dưỡng. Trân châu không chứa nhiều vitamin, hàm lượng khoáng chất và chất xơ mà chỉ chứa lượng lớn carbohydrate. Chính vì thế, ăn nhiều trân châu có thể gây ra tình trạng bị táo bón.
Tuy nhiên, nếu bạn trót say mê thức uống hấp dẫn này và không thể từ bỏ nó, hãy thử giảm lượng đường (hoặc bỏ hoàn toàn) và thay bằng sữa tươi ít béo. Bên cạnh đó, hãy thử dùng trà xanh hoặc matcha – những loại trà giàu dinh dưỡng và chất chống oxy hóa.
Đặc biệt, bạn cũng có thể chọn những món ăn kèm như trái cây, hạt chia,… để thay thế cho trân châu. Điều này sẽ giúp cho cốc trà sữa của bạn trở nên bổ dưỡng mà vẫn không mất đi hương vị ngọt ngào, thơm ngon.
Tham khảo:
firstclasse.com.my
daysoftheyear.com
nationalgeographic.com
travellingwelshman.com
604now.com