Tagging Graffiti: Ấn ký độc đáo của 3 nghệ sĩ đường phố huyền thoại

Annie Nguyen

|

8:04 17/04/2024

Share

artLIVE – Tagging Graffiti được các nghệ sĩ sử dụng để lưu lại tên tuổi, nghệ danh trên những mặt phẳng nơi công cộng như toà nhà, cầu vượt, ga tàu điện ngầm. Đơn giản và trực tiếp, các nghệ sĩ như Cliff 159, Taki 183, Lady Pink,… đã vận dụng Tagging làm nên tên tuổi của mình.

Tagging Graffiti – Loại hình nghệ thuật đường phố lâu đời

Khái niệm Tagging Graffiti hiện đại nở rộ từ thập niên 60-70 tại các thành phố lớn trên thế giới như New York, Philadelphia, hay London để đáp lại khát vọng thể hiện cái tôi độc tôn của những kiếp người nhỏ bé vô danh.

Ngang dọc những con đường lớn và hẻm nhỏ của các khu đô thị sầm uất, không khó để chúng ta nhìn thấy những chữ ký cá nhân được vẽ theo phong cách Graffiti. Những ấn ký được sơn phết muôn hình vạn trạng: vệt sơn đen trắng đơn giản cũng có và những khối màu sặc sỡ cũng chẳng thiếu. Tựu chung, chúng được gọi là Tagging Graffiti.

nghe-si-duong-pho
Tagging nở rộ từ thập niên 60-70 tại các thành phố lớn. Ảnh: Up Magazine.

Các tác phẩm tagging thường là tên riêng, nghệ danh, hoặc chữ ký cách điệu của nghệ sĩ nhưng đôi khi chúng cũng có thể là những câu nói khẳng định chủ quyền như “I was here – Tôi đã đến đây (tạm dịch)”.

Tagging được xem là phương pháp “đánh dấu lãnh thổ” đơn giản và có phần thô bạo. Các nghệ sĩ đường phố theo trường phái này sẽ chọn những địa điểm công cộng hút mắt và tụ cập dân cư đông đúc nhất để gửi gắm “tên tuổi” của mình. Một số nghệ sĩ đường phố “nổi loạn” thậm chí đã chọn vẽ tagging lên các kiến trúc văn hoá lịch sử gây nên làn sóng tranh cãi dữ dội.

tagging-graffiti-tren-tuong
Tagging là những câu nói “đánh dấu chủ quyền”. Ảnh: Pinterest.

Sau vài thập niên không ngừng đấu tranh, các nghệ sĩ đường phố chân chính đã nhận được sự công nhận của chính quyền và người dân. Các thành phố lớn đã chỉ định những địa điểm riêng biệt nơi nghệ sĩ có thể thỏa sức sáng tạo kiệt tác của mình.

Từ đó, Tagging không ngừng phát triển và dần chia tách thành nhiều phong cách nhỏ hơn như Tags, Throw-ups, Dubs, và Piece.

Những nghệ sĩ đường phố Tagging Graffiti ‘đời đầu’

TAKI 183

TAKI 183 có thể không phải là nghệ sĩ đường phố lẫy lừng nhất mọi thời đại nhưng ông lại là người đặt nền móng đầu tiên cho nghệ thuật Tagging tại Mỹ.

Taki 183, tên thật là Demetrius, là nghệ sĩ người Hy Lạp sinh sống tại đường số 183, khu Washington Heights, phía bắc thành phố Manhattan. Khu phố nơi ông sống phần lớn là dân nhập cư Cuba, Cộng hòa Dominica và là nơi tụ tập ưa thích của các băng đảng. Chúng có thói quen dùng sơn viết biệt hiệu băng nhóm của mình để đánh dấu địa bàn và phân chia lãnh địa.

nghe-si-duong-pho-taki-183
Taki 183 là người đặt nền móng cho nghệ thuật Tagging tại Mỹ. Ảnh: CAPFI Solutions.

Chịu ảnh hưởng từ nhỏ, Demetrius cảm thấy việc để lại tên tuổi ở những nơi mình đặt chân đến là một ý tưởng táo bạo nhưng độc đáo nhằm gây ấn tượng với công chúng. Ông đã sáng tạo nên chữ ký TAKI 183 ghép từ tên viết tắt “Dimitraki” trong tiếng Hy Lạp và địa chỉ nơi ông sống.

Vào những năm 1967 đến 1969, dòng chữ TAKI 183 viết bằng bút sơn bắt đầu xuất hiện khắp nơi trong thành phố, từ những bức tường Broadway, các trạm tàu điện ngầm, hay trên các ống nước cứu hoả.  

Những dòng chữ này đã gây được chú ý với cánh phóng viên của tờ New York Times và họ đã viết một bài báo tựa đề “Taki 183 Spawns pen-pals” tiết lộ danh tính của nghệ sĩ này.

to-bao-new-york-times-taki-183
Bài báo “Taki 183 Spawns Pen Pals” của tờ New York Times. Ảnh: Beyond the Street.

Blade

Steven D.Ogburn, hay còn được biết đến với nghệ danh Blade, được mệnh danh là “Ông vua của nghệ thuật đường phố”.

Những năm đầu thập niên 1970, bối cảnh xã hội sôi động là nguồn cảm hứng bất tận của các nghệ sĩ đường phố, cho phép họ tự do thổi hồn vào các tác phẩm graffiti táo bạo.

Khác với phần lớn nghệ sĩ lựa chọn khắc hoạ xã hội qua các bức tranh mural, Blade phóng đại tính cách của con người và thế giới quan cá nhân của họ thông qua Tagging Graffiti.

nghe-si-duong-pho-blade
Blade đã vẽ hơn 5,000 tác phẩm tagging graffiti trên các chuyến tàu điện ngầm. Ảnh: Widewalls.

Bên cạnh tài năng kết hợp các kiểu chữ 3D bay bổng giàu tính tượng hình cùng cách phối màu tạo độ tương phản nổi bật, trí óc sáng tạo của Blade còn hé lộ qua cách ông chọn chủ thể gửi gắm tác phẩm. Ông dành một thập kỷ sự nghiệp (1972 – 1982) vẽ hơn 5,000 tác phẩm tagging graffiti trên các chuyến tàu điện ngầm trải khắp thành phố New York.

Năm 1984 đánh dấu bước đột phá trong sự nghiệp của Blade khi ông quyết định mang Tagging Graffiti từ đường phố vào phòng triển lãm tranh. Ông sử dụng nhiều chất liệu sáng tác như sơn phun, màu acrylic, và bút dạ vẽ trên nền canvas trắng, tạo nên những khối chữ 3D đa góc nhìn. 

Những tác phẩm tâm huyết này dần tạo được tiếng vang và được trưng bày tại các bảo tàng nổi tiếng như Whitney Museum of American Art, Rock and Roll Hall of Fame and Museum, hoặc Musée national des Monuments Français,…

trien-lam-tagging-graffiti
Blade mang Tagging Graffiti vào phòng triển lãm. Ảnh: Beyond the Street.

Futura

Trước khi trở thành bậc thầy abstract graffiti nổi tiếng toàn cầu như hiện tại, nghệ sĩ người Mỹ Leonard Hilton McGurr đã có được chỗ đứng nhất định trong cộng đồng tagging.

Được biết đến với cái tên Futura hoặc Futura 2000, ông bắt đầu hành trình theo đuổi nghệ thuật đường phố vào những năm 70-80 của thế kỷ trước. Đồng thời, ông cũng là thành viên nổi trội trong nhóm nghệ sĩ đường phố đương đại, đi liền với các tên tuổi như Jean-Michel Basquiat, Keith Haring và Dondi White.

nghe-si-tagging-graffiti-futura
Futura theo đuổi nghệ thuật đường phố từ những năm 70-80 thế kỷ trước. Ảnh: Strip Art le Blog.

Phong cách Tagging của Futura đa chiều và phức tạp, ông không chỉ để lại chữ ký của bản thân mà biến hoá chúng thành những tác phẩm nghệ thuật. Cụ thể hơn, từ trung tâm chữ ký ban đầu, ông phác hoạ thêm những hình ảnh, đường nét mang hơi hướng trừu tượng tạo nên một tổng thể độc đáo. 

Không chỉ dừng lại ở những tác phẩm tagging trên tường hoặc trạm tàu ẩm thấp, Futura truyền tải cá tính nghệ thuật của mình qua những lần kết hợp với các ban nhạc và thương hiệu thời trang quốc tế. Ông nhận vẽ minh hoạ bìa đĩa đơn cho nhóm nhạc rock The Clash, cùng các thương hiệu thời trang như Nike hoặc Louis Vuitton tạo nên những màn “streetwear collab” bùng nổ.

futura-ket-hop-nike
Futura kết hợp với nhãn hàng Nike ra mắt bộ sưu tập giày bùng nổ. Ảnh: GQ.

Tham khảo:

eden-gallery.com

upmag.com

taki183.net

beyondthestreets.com

widewalls.ch

ericfirestonegallery.com

sothebys.com

avantarte.com