artLIVE – Chef Trung Lê – bếp trưởng của khách sạn Autograph Sài Gòn mang trên mình triết lý ẩm thực: “Đưa những món ăn đường phố của Việt Nam lên một tầm cao mới’’.
Trung Lê và hành trình chinh phục đam mê bằng những nỗ lực
Trung Lê – tổng bếp trưởng của khách sạn Autograh Sài Gòn, đồng thời anh cũng là giám khảo khách mời của vòng chung kết artLIVE Pizza Championship 2023, một trong hai cuộc thi thuộc khuôn khổ sự kiện Taste of Saigon by artLIVE.
Anh bắt đầu niềm yêu thích ngành ẩm thực từ khi phụ bếp cho nhà hàng của gia đình tại Úc vào năm 15 tuổi, bằng những công việc đơn giản như chạy bàn, pha chế. Sau một thời dài phụ gia đình dần dần có hứng thú với công việc làm bếp, thích nhìn khung cảnh bận rộn trong bếp, anh cảm thấy bếp không chỉ là nơi sản xuất những món ăn ngon, bếp còn là một nơi đầy màu sắc, nơi mà mọi thứ đều hoàn hảo hòa quyện cùng nhau. Anh bắt đầu thích thú và theo đuổi công việc nấu nướng, và sự yêu thích này ngày càng trở nên mạnh mẽ.
Chef Trung Lê vào bếp năm 17 tuổi, vẫn là đi từ những công việc đơn giản nhất là phụ bếp, có những lúc phụ trách luôn công việc rửa chén. Sau 10 năm, khi đứng ở vị trí bếp chính tại nhà hàng của gia đình. Chef Trung cảm thấy không hài lòng, anh muốn bản thân mình cần phải làm một điều gì đó, không thể chỉ dừng lại vị trí này mãi được. Bằng sự yêu thích và mong muốn được gắn kết với nghề này, anh đặt mục tiêu cho bản thân và bắt đầu hành trình chinh phục đam mê của mình. Anh đã dành 4 năm để học chuyên ngành về nấu ăn.
Bắt đầu từ vị trí số 0
Trong hành trình tìm đường đến với sự nghiệp ẩm thực, Chef Trung đã dành nhiều thời gian quý báu để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm. Anh không ngừng chủ động tham gia hỗ trợ các sự kiện của các khách sạn tại Melbourne, Úc. Cơ hội luôn thuộc về những người chăm chỉ và cố gắng. Trong một lần hỗ trợ sự kiện tại khách sạn Grand Hyatt Melbourne, anh nhận được lời mời làm việc từ bếp tổng của khách sạn.
Khởi đầu lại từ con số 0 dù đã có mười năm kinh nghiệm đứng bếp tại nhà hàng của gia đình, từ vị trí thấp nhất trong môi trường khách sạn quốc tế. Chef Trung cho rằng, việc khởi đầu từ một vị trí khiêm tốn sẽ làm nền móng cho sự phát triển hướng tới những thành tựu lớn lao trong tương lai. Trong giai đoạn khởi đầu, anh đã phải đối mặt với nhiều khó khăn và đòi hỏi sự kiên nhẫn cũng như sức mạnh tinh thần để vượt qua áp lực công việc. Chef Trung chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là sự đam mê với nghề bếp, và sau những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy bạn sẽ thấy mọi cố gắng đều xứng đáng.”
Câu chuyện chính là tâm hồn của món ăn
Đối với Trung Lê, mỗi sản phẩm, mỗi món ăn không chỉ là một phần ẩm thực, mà còn chứa đựng một câu chuyện sâu sắc. Câu chuyện này chính là linh hồn, tâm hồn của món ăn. Khi anh tạo ra một thực đơn, không chỉ đơn thuần là viết ra thật nhiều món ăn mà còn tập trung vào câu chuyện ẩn sau từng món. Anh nghiên cứu sâu để hiểu rõ tại sao món ăn này lại được lựa chọn, tại sao nguyên liệu này được ưu ái hơn những nguyên liệu khác. Luôn đặt tâm huyết để mỗi món ăn đều một mang dấu ấn và tâm hồn riêng biệt của mình.
Mỗi món ăn của Trung Lê là một tác phẩm đa tầng lớp, kết hợp hài hòa nhiều hương vị khác nhau. Đôi khi, trong cùng một món ăn, anh chế biến theo hai hoặc ba cách để luôn mang đến sự bất ngờ và thú vị cho thực khách. Tất cả những điều này tạo nên một bản hòa tấu trong khoang miệng, tạo một cảm giác trầm bổng hơn.
Ba điều để tạo ra sự thành công
Chef Trung Lê đã chia sẻ một số điều quan trọng về cách quản lý hệ thống công việc quy mô lớn. Theo anh, để thành công trong việc quản trị con người, có ba điều quan trọng mà chúng ta cần tập trung và áp dụng. Đầu tiên, chính là cần xác định rõ mong đợi. Chef Trung Lê nhấn mạnh: “Mình cần phải nói ra mong đợi của mình là gì”. Điều này sẽ đảm bảo rằng mọi người trong nhóm hiểu rõ mục tiêu và mục đích của công việc.
Thứ hai, sau khi đã nói rõ mong đợi của mình là gì, đối với những ai chưa hiểu sẽ hỗ trợ và hướng dẫn. Việc này đảm bảo rằng mọi người hoàn thành công việc đúng cách. Chef Trung cũng chia sẻ thêm: “Không nên chấp nhận kết quả dưới mức mong đợi. Để mọi người luôn cố gắng hết sức đạt được mục tiêu và không thỏa hiệp với chất lượng thấp hơn.”
Cuối cùng, phương pháp bậc thang. Đây là phương pháp quản lý những cấp độ chính, mà từ đó, những người quản lý cấp độ chính sẽ quản lý những người quản lý cấp độ phụ. Ví dụ bậc thang có 100 bậc, thì sẽ có 10 bậc thang chính và anh sẽ quản lý 10 bậc thang chính đó. Điều này giúp tạo ra một hệ thống quản lý hiệu quả, giúp xử lý vấn đề và sai sót một cách nhanh chóng.
Triết lý ẩm thực: “Đưa những món ăn đường phố của Việt Nam lên một tầm cao mới’’
Triết lý ẩm thực của chef Trung Lê: “Đưa những món ăn đường phố của Việt Nam lên một tầm cao mới”. Hiện tại, anh không ngừng thể hiện triết lý này bằng cách áp dụng những yếu tố độc đáo và đẳng cấp vào các món ăn truyền thống, sáng tạo bằng cách sử dụng nguyên liệu cao cấp từ khắp thế giới và áp dụng các phương pháp nấu nướng quốc tế để biến những món ăn cổ truyền Việt Nam trở nên đặc biệt hơn.
Mục tiêu của anh là mang những hương vị đậm chất Việt Nam đến gần hơn với các thực khách tại các khách sạn 5 sao. Món ăn của Việt Nam không chỉ đơn thuần là các món ăn đường phố mà còn là một trải nghiệm hương vị độc đáo, một trải nghiệm sẽ luôn ấn tượng trong tâm trí của khách hàng.