artLIVE – Ẩm thực truyền thống được xem như ‘văn hoá phi vật thể’ truyền tải những giá trị vật chất và tinh thần quý báu của mỗi quốc gia trên thế giới. Độc đáo từ cách phối trộn nguyên liệu cho đến phương pháp nấu ăn, ẩm thực mỗi vùng miền đều mang trong mình phong vị đặc sắc rất riêng.
Nếu bạn là một người đam mê ẩm thực thì ắt hẳn đã từng nghe qua câu thành ngữ “Dân dĩ thực vi thiên” (Dân lấy ăn làm trời – tạm dịch). Câu thành ngữ này cốt yếu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ẩm thực đối với đời sống con người.
Từng vùng lãnh thổ khác nhau sẽ có những nguyên liệu đặc sản và phương pháp chế biến đặc trưng tạo nên màu sắc độc nhất vô nhị của mỗi quốc gia.
Vịt quay Bắc Kinh – Trung Quốc
Ẩm thực Trung Hoa luôn được biết đến với những món ăn được chế biến công phu kết hợp với nhiều gia vị “bí truyền” mang đến trải nghiệm đầy đủ sắc, hương, vị cho thực khách.
Món vịt quay Bắc kinh với lớp gia vịt vàng ruộm, mỏng giòn cùng lớp thịt vịt mọng nước xuất thân từ vùng đất Hàng Châu trù phú sau đó dần lan truyền đến Nam Kinh và các vùng đất lân cận. Sau này, khi hoàng đế thứ ba của nhà Minh dời đô đến Bắc Kinh, món vịt quay dần được phổ biến khắp cả nước.
Theo như ghi chép lịch sử, để làm được món vịt quay Bắc Kinh phục vụ cho hoàng thất Trung Hoa, các vị đầu bếp phải sử dụng một loại vịt đặc biệt được nuôi và giết thịt trong vòng 60 ngày.
Trước khi đem nướng trong lò đất, vịt phải được làm sạch, ướp với hỗn hợp gia vị gồm nước tương, gừng giã nhuyễn, tiêu, đinh hương, và nhồi với hành lá. Sau bước sơ chế, vịt sẽ được xiên và nướng trên lửa trong nhiều giờ cho đến khi lớp da ngoài ngả nâu và giòn ruộm còn thịt vịt vẫn mềm ẩm, và có độ dai nhất định.
Khi phục vụ, người đầu bếp sẽ dùng dao khéo léo tách lớp da ngoài, thịt, và xương vịt để tạo nên ba món ăn riêng biệt. Lớp da vịt thơm béo được cuốn với lớp bánh kếp mỏng, dưa leo, và hành lá rồi chấm với nước sốt tương mặn ngọt trong khi thịt vịt sẽ được xào với mì và xương vịt sẽ được rang muối thơm lừng.
Nasi Goreng – Indonesia
Sẽ là một sơ suất vô cùng lớn nếu như bạn đến ghé thăm đất nước vạn đảo Indonesia mà lại bỏ qua món ăn truyền thống Nasi Goreng.
Từ món cơm chiên phổ thông có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu, người Indonesia đã tự tay sáng tạo nên món Nasi Goreng bằng cách cho thêm kecap manis (nước tương Indonesia) và terasi (mắm tôm Indonesia). Chính độ ngọt vừa phải của nước tương kecap manis và vị umami đậm đà của terasi đã tạo nên hương vị và sắc nâu đặc trưng của món Nasi Goreng.
Khác với những món ăn truyền thống của một số quốc gia đòi hỏi nhiều bước chuẩn bị phức tạp, cách nấu Nasi Goreng đơn giản hơn nhiều.
Trước tiên, đầu bếp sẽ chiên cơm, trứng, hành lá trong chiếc chảo sâu lòng. Sau khi các nguyên liệu được đảo cho tơi xốp, đầu bếp nhanh tay cho kecap manis và terasi vào tiếp tục nấu thêm 5-10 phút rồi tắt bếp, cho ra dĩa và dùng kèm với trứng chiên lòng đào.
Bên cạnh các nguyên liệu cơ bản như cơm trắng, trứng, và hành lá, người ta còn kết hợp nhiều loại protein khác như thịt gà, hải sản, và đậu hũ để tăng hương vị và dinh dưỡng cho món ăn.
Beef Stroganoff – Nga
Món Beef Stroganoff là sự giao thoa tinh tế giữa hai nền ẩm thực Pháp – Nga tạo nên một món thịt bò hầm thịnh soạn.
Yếu tố chính quyết định độ ngon của món Beef Stroganoff nằm ở bí quyết chọn thịt của đầu bếp sao cho thịt sau khi hầm vẫn giữ được độ mềm mại và thấm đều gia vị. Phần thịt thăn ngoại và thăn nội bò là hai lựa chọn tuyệt vời nhất cho món này.
Thịt thăn sau khi được cắt mỏng sẽ được chiên sơ cho cháy cạnh trong một chiếc chảo lớn và mỏng trước khi mang đi hầm. Phương pháp này giúp thịt bò giữ được độ “mọng nước” và không bị khô.
Sau khi xử lý xong phần thịt bò hảo hạng, đầu bếp bắt đầu sơ chế các nguyên liệu khác như nấm, hành tây cắt lát và chuẩn các gia vị cơ bản như muối, tiêu đen, và mù tạt Dijon.
Tất cả nguyên liệu sẽ được hầm trong một chiếc nồi lớn cùng kem sữa và bơ trong khoảng 40-45 phút để cho ra một món bò hầm béo ngậy khó cưỡng.
Người nga thường dùng món Beef Stroganoff kèm với cơm trắng thơm dẻo hoặc bánh mì nướng giòn tan để cảm nhận được sự bùng nổ hương vị và kết cấu món ăn trong khoang miệng.
Empanadas – Argentina
Món bánh Empanadas với lớp vỏ bánh nướng vàng giòn ôm lấy lớp nhân thịt được nêm nếm đậm đà sẽ đưa thực khách chu du vào mảnh đất Argentina đa sắc tộc.
Món Empanadas đã theo chân người Tây Ban Nha du nhập vào Argentina từ những năm 1500 sau công nguyên và dần được người dân bản địa sáng tạo thành nhiều phiên bản khác nhau.
Khi đặt chân đến Argentina, thật không khó để bạn tìm thấy những quán ăn lề đường bày bán món Empanadas vì đây cũng là món ăn đường phố tuổi thơ của người dân xứ này.
Phiên bản bánh Empanadas với phần nhân phô mai, hải sản tôm mực tươi mới là món khoái khẩu của nhiều khách du lịch. Trong khi đó, một số khác lại yêu thích phiên bản tráng miệng nhân hạt bùi béo và trái cây tươi mới.
Feijoada – Brazil
Món Feijoada không chỉ là món ăn truyền thống mà nó còn xuất hiện nhiều trong văn hoá xã hội của người dân Brazil.
Trước đây, người Brazil thường nấu món ăn này vào thứ Tư trong tuần và cả gia đình sẽ cùng quây quần bên nhau để thưởng thức. Đây được xem là dịp mọi người ngồi lại với nhau vừa tận hưởng món ngon vừa chia sẻ và truyền thụ lại kinh nghiệm sống cho lớp con cháu.
Nguyên liệu chính của món Feijoada gồm dầu ô liu, sườn heo, đậu đen, xúc xích hun khói, hành tây, cà chua, lá nguyệt quế khô, tỏi băm và các gia vị khác… Các nguyên liệu đa dạng được hầm nhừ trên lửa nhỏ tạo nên một món ăn đậm vị thịt và thảo mộc đặc trưng.
Ngoài việc mang lại trải nghiệm vị giác tuyệt vời, món ăn này cũng cung cấp lượng lớn chất xơ từ đậu đen, vitamin từ rau củ, và protein tốt cho sức khỏe.
Ẩm thực cũng như văn hoá bởi vì nó mang tính truyền thừa và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ vùng đất này sang vùng đất khác. Có thể nói, khi bạn đặt chân đến bất kỳ một quốc gia nào, dù chưa nhuần nguyễn ngôn ngữ, nhưng vẫn cảm có thể cảm nhận được vẻ đẹp của họ thông qua ẩm thực.
Tham khảo:
nationalgeographic.co.uk
foodrepublic.com
holidify.com
recipetineats.com
curiouscuisiniere.com