Triển lãm ‘Ravissement – Mê Man’- Lạc giữa mê cung ký ức và hiện tại

Thanh Ngọc

|

13:59 21/03/2025

Share

artLIVE – Cánh cửa giữa quyền lực và giai cấp liệu có thật sự tồn tại? Những câu hỏi lơ lửng trong tiềm thức liệu có lời giải đáp? Và liệu triển lãm ‘Ravissement – Mê Man’ có thể đánh thức bạn?

Triển lãm ‘Ravissement – Mê Man’ của nghệ sĩ Bùi Công Khánh sẽ dắt công chúng vào một mê cung thị giác, nơi ranh giới giữa cái quen và cái lạ, giữa hữu hạn và vô hạn dần tan biến. 

Không gian buổi triển lãm ‘Ravissement – Mê Man’ của nghệ sĩ Bùi Công Khánh
Không gian buổi triển lãm ‘Ravissement – Mê Man’ của nghệ sĩ Bùi Công Khánh

Bùi Công Khánh sinh năm 1972 tại Đà Nẵng là một nghệ sĩ đa năng, sáng tác tập trung vào di sản văn hóa, bản sắc dân tộc và ký ức lịch sử. Anh là một trong những nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được công nhận trên trường quốc tế vào những năm 1990—giai đoạn nghệ thuật Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới mạnh mẽ. 

Không ngừng thử nghiệm với trình diễn, sắp đặt, video và hội họa, anh tìm kiếm và khám phá sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, từ đó tạo nên một tiếng nói nghệ thuật riêng biệt. Các tác phẩm của anh đã được triển lãm rộng rãi khắp Đông Nam Á và nhiều nơi trên thế giới, góp phần định hình diện mạo nghệ thuật Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Trạng thái ‘mê man’ và thức tỉnh của người thưởng lãm
Trạng thái ‘mê man’ và thức tỉnh của người thưởng lãm

 Sinh ra tại Đà Nẵng – một thành phố ven biển từng là căn cứ quân sự quan trọng trong chiến tranh Việt Nam và lớn lên ở Hội An – nơi từng là thương cảng giao thương sầm uất giữa nhiều nền văn hóa, họa sĩ Bùi Công Khánh mang vào nghệ thuật của mình những suy tư sâu sắc về lịch sử. 

Các tác phẩm của anh khai thác các lớp lang văn hóa Việt Nam, phản ánh sự bền bỉ của dân tộc cũng như những căng thẳng giữa di sản thuộc địa, chủ quyền chính trị và sự phát triển kinh tế.

‘Ravissement – Mê Man’ –  Thế giới nội tâm của nghệ sĩ

Triển lãm ‘Ravissement – Mê Man’ mở ra một thế giới đắm chìm trong suy tưởng – nơi nghệ thuật không chỉ là sự sáng tạo, mà còn là hành trình dài của cảm xúc, ký ức và những chất vấn về hiện thực. Đây cũng là sự kiện đánh dấu bước chuyển mình của Gate Gate Gallery, từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh, mang đến không gian trưng bày mới kết hợp giữa nghệ thuật và trải nghiệm văn hóa đương đại.

Điểm nhấn của triển lãm là hình tượng trái tim sắt, một biểu tượng quen thuộc trong thực hành nghệ thuật của Bùi Công Khánh, gợi lên những nghịch lý trong kết nối hiện đại: vừa cơ học, vừa thân mật. 

Tác phẩm tuy đơn giản nhưng mang hàm ý sâu sắc của Bùi Công Khánh
Tác phẩm tuy đơn giản nhưng mang hàm ý sâu sắc của Bùi Công Khánh

 Thông qua ngôn ngữ điêu khắc, Bùi Công Khánh khai thác chất liệu thủ công truyền thống để đặt ra những câu hỏi về sự giao thoa giữa di sản văn hóa và những biến động chính trị, xã hội đương đại. Điều này được thể hiện rõ trong tác phẩm ‘Màu sắc thực’ (2023), anh sử dụng một cột điêu khắc cao 5,5 mét, được xếp từ các bình trụ gốm màu xanh coban, trắng và đỏ thẫm, gợi lên sự giằng co giữa tự do và ràng buộc. 

Trong khi đó, ‘Màn che gió’(2019–2020) là một bình phong gồm 23 tấm gỗ mít, loại gỗ từng được dùng để đóng thuyền đánh cá, được chạm khắc tinh xảo, kết hợp với họa tiết hoa mai kim loại, tạo nên cuộc đối thoại đầy ẩn ý giữa truyền thống và hiện đại.

Vật chất, giai cấp và những câu hỏi chưa có lời giải

Bao quanh triển lãm là những vật thể bị kéo dài, nén lại hoặc phân tách, hiện thân cho sự va chạm giữa vật chất, giai cấp và chủ nghĩa tiêu dùng. ‘Cổng Cam Kết Gia Đình’ (2014) mô phỏng một cánh cổng gỗ khắc ghi tiêu chuẩn “gia đình văn hóa”, đây là một chính sách nhà nước từ thập niên 1990 nhằm định hình lối sống lành mạnh và khuôn mẫu gia đình kiểu mẫu. Một trật tự tưởng chừng bền vững nhưng luôn bị thử thách bởi dòng chảy của thời đại.

AD 4nXf TV57jixHlEwEnpqK5WGudZKQKLQl a3Z7Hj0bgXy ZAD2ZuA3j0GQZuOjbFCh6faC6EUmxuYZUFTSeS t6lNH2 TojjwXzOdwZQwVuWCUN E7qatCEP6abwUwtvbQismDJ
Tác phẩm sắp đặt tại triển lãm Ravissement – Mê Man’

Hai tác phẩm ‘Khu ổ chuột Sài Gòn’ và ‘Khi chúng ta mơ quá lâu’  khai thác sự giao thoa giữa công nghệ kỹ thuật số và vật liệu đời thường để phản ánh những tác động vô hình của giai cấp và quyền lực. Những tấm gỗ xếp chồng, mái tôn, máy quay giám sát kéo người xem trở lại ký ức cá nhân của nghệ sĩ. Trong khi đó, chiếc giường cổ với video lặp vô tận tạo ra một không gian mơ hồ giữa ngủ và thức, như thể quá khứ và hiện tại hòa tan vào một miền ký ức chập chờn, nửa nhớ nửa quên.

Bước vào không gian tràn ngập âm thanh và hình ảnh, người xem dần chìm trong ranh giới mơ hồ giữa nghĩa vụ cộng đồng và sự kháng cự cá nhân. Tựa như tinh thần của ‘Ravissement – Mê Man’, những sắp đặt trong triển lãm gợi nhắc đến triết lý vô vi của Đạo giáo – nơi buông bỏ kiểm soát,  nơi chạm đến bản chất thực tại một cách rõ ràng nhất. 

AD 4nXdo7Vy3NmDI6CtoY6CiQsnnzCH1Z32nYPbAmdjepUsvSTquop
Rõ ràng và mơ hồ đan xen ngay chính với người thưởng lãm 

Những tác phẩm của Bùi Công Khánh không áp đặt bất kỳ ý niệm nào, mà thay vào đó, mở ra những câu hỏi bỏ ngỏ, chờ đợi được soi chiếu và định nghĩa qua lăng kính của bối cảnh và người thưởng lãm.

Triển lãm ‘Ravissement – Mê Man‘ sẽ chính thức mở cửa đón công chúng từ ngày 18/03 – 02/05/2025 tại không gian mới của Gate Gate Gallery, tọa lạc trên Tầng 3, 230/18 Pasteur, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Nguồn ảnh: Gate Gate Gallery