artLIVE – ‘Tại sao chúng ta lại ở đây?‘ – tên tác phẩm sân khấu, đồng thời cũng là câu hỏi khiến ta bâng khuâng nghĩ mãi, để rồi đối thoại với chính mình, với thế giới, như một cách để tiếp tục tồn tại.
‘Tại sao chúng ta lại ở đây?’- tựa đề của tác phẩm sân khấu thứ hai thuộc Tân Hậu Trường được viết và đạo diễn bởi Duy Vũ, lấy cảm hứng từ hành trình luyện tập của lớp diễn xuất tại Xí Nghiệp Điện Ảnh Thăng Long – một cộng đồng của những đạo diễn, diễn viên độc lập và không gian cho người yêu điện ảnh tại Hà Nội.
Tân Hậu Trường là dự án phi lợi nhuận do XplusX Studio khởi xướng (đạo diễn – scenographer Hà Nguyên Long sáng lập) – studio hoạt động trong lĩnh vực thiết kế không gian và nghệ thuật trình diễn, hiện diện tại cả Pháp và Việt Nam. Dự án đồng hành cùng Viện Goethe Hà Nội và Manzi Art Space, với mong muốn hỗ trợ và nuôi dưỡng các tiếng nói mới trong lĩnh vực sân khấu và nghệ thuật trình diễn đương đại tại Việt Nam.
Đặc biệt, Viện Goethe Hà Nội cũng đóng một vai trò quan trọng trong dự án. Đơn vị đã hoạt động từ năm 1997 nhằm thúc đẩy giao lưu văn hoá giữa Việt Nam, Đức và châu Âu. Trong nhiều năm qua, Goethe-Institut đã không ngừng kiến tạo các chương trình nghệ thuật đa dạng, đưa văn hoá Đức đến gần hơn với công chúng Việt Nam, đồng thời mở ra không gian đối thoại phong phú giữa hai nền văn hoá.
Tác phẩm sân khấu có thời lượng 120 phút, với sự tham gia của các diễn viên trẻ: Minh Phương, Hoàng Phương, Xuân Phúc, Gia Linh và Tuệ Minh. Ý tưởng tác phẩm bắt đầu từ một khoảnh khắc đời thường: khi đọc lại kịch bản vừa viết, đạo diễn Duy Vũ bất chợt tự hỏi: “Tại sao mình lại làm việc này? Tại sao lại gặp những con người này? Tại sao, mỗi tuần, chúng tôi đều trở lại phòng tập – thay vì làm điều gì khác?”. Câu hỏi ấy không ngừng đau đáu trong anh và chính nó đã trở thành mạch nguồn cho toàn bộ vở diễn.
Tác phẩm bắt đầu trong một căn hộ nhỏ – một căn phòng giữa tầng cao của thành phố, nơi bốn diễn viên đang ngồi chờ đạo diễn. Trước mặt họ là một kịch bản hoàn toàn mới, chưa có lời chỉ dẫn, chưa có định hướng. Trong khi chờ đợi, họ cùng nhau đọc lời thoại, chia sẻ về những gì vừa xảy ra trong đời sống riêng, và rồi, họ thử diễn. Thế nhưng, càng diễn, họ càng bước sâu vào một mê cung khác, nơi chính họ, trong vai nhân vật hay chính bản thân mình, đặt ra câu hỏi: Tại sao chúng ta lại ở đây?
PHƯƠNG: Mỗi năm, ở Việt Nam, cứ mỗi 1000 người thì có 5 người rưỡi chết. Là nửa triệu trên một trăm triệu.
PHÚC: Một người chết vì bệnh. Một người chết vì già. Một người chết vì trước đó họ được sinh ra. Một người chết và những người còn sống tuyên bố: Họ đã lên niết bàn. Thiên đường. Cõi trên. Thoát luân hồi.
PHƯƠNG: Họ là ai? Những người khác biệt. Nhưng cùng chung một tên.
PHÚC: Một người nói lời tạm biệt thiên đường đang sống. Rồi chết vào hư không.
Không cao trào, không kịch tính, không lật mở, những đoạn hội thoại ấy hiện ra như thể người ta đang nói chuyện trong căn bếp, ngoài hành lang, hay trước gương soi buổi sáng. Mỗi lời thoại là một mảnh ghép rời nhưng chính sự rời rạc ấy lại chạm tới một tầng sâu hơn – nơi ý niệm không cần hoàn chỉnh mà vẫn đủ sức làm người nghe ngưng lại, để nghĩ.
Tại sao chúng ta lại ở đây? – một câu hỏi không chỉ được lặp lại trong kịch bản mà còn vang vọng trong chính tâm trí của mỗi người xem. “Ở đây” có thể là phòng diễn, là sân khấu, là căn nhà, là thành phố hay thế giới,…là bất kỳ nơi nào ta đang tồn tại và tự hỏi liệu sự hiện diện ấy có ý nghĩa gì chăng?
Giống như cách Cao Hành Kiện từng viết trong vở kịch Giữa sống và chết: “Thế giới này hữu hình… thế giới này mù mịt… thế giới này như gió… thế giới này như mộng… thế giới này thô tháo… thế giới này huyên náo…”
Và trong cái hữu hình mù mịt đó, mỗi người chọn cho mình một lý do để sống: người vì ăn, người vì cống hiến, người vì tận hưởng, người chỉ đơn giản vì sống. Có người tin rằng mình được sinh ra với một sứ mệnh, có người chỉ lặng lẽ đi qua đời này như một cái bóng. Dù là ai đi chăng nữa, thì câu hỏi vẫn ở đó, đa nghĩa, không hồi kết.
Cũng như nghệ thuật, điều làm nên chiều sâu không nằm ở câu trả lời, mà ở việc ta dám đặt câu hỏi. Bởi mọi câu trả lời đều đa dạng, mơ hồ, không chắc chắn như chính thế giới ta đang sống, những gì bạn thấy, chưa chắc đã là tất cả sự thật.
Vở diễn ‘Tại sao chúng ta lại ở đây?’ sẽ diễn ra vào lúc 20:00 các ngày 25, 26 & 27/4/2025 tại Phòng triển lãm Manzi, số 2 ngõ Hàng Bún, Ba Đình, TP. Hà Nội.
Ảnh: Manzi Art Space