artLIVE – Bên cạnh câu chuyện thú vị về nguồn gốc, lễ hội hóa trang, Halloween còn tạo ra được sự thu hút thông qua những món bánh mới lạ được trang trí vô cùng bắt mắt.
Halloween là một lễ hội được tổ chức vào ngày 31-10 hàng năm. Truyền thống của Halloween bắt nguồn từ lễ hội Samhain cổ xưa của người Celtic. Vào thế kỷ thứ VIII, Đức Giáo Hoàng Gregory III chỉ định ngày 1-11 là thời điểm tôn vinh các vị Thánh. Thời gian sau, hai ngày lễ lớn này được kết hợp thành lễ Halloween, dần phát triển thành một ngày của các hoạt động để tụ tập, hóa trang và ăn uống.
Nguồn gốc lễ hội Halloween
Nguồn gốc của Halloween bắt nguồn từ lễ hội Samhain cổ xưa của người Celtic. Thời điểm này trong năm đánh dấu sự kết thúc của mùa hè, mùa thu hoạch, mở ra một mùa đông tối tăm lạnh lẽo – giai đoạn mà người Celtic cho rằng gắn liền với cái chết của con người. Trong văn hóa của người Celtic cổ, năm mới bắt đầu vào ngày 1-11, chính vì vậy họ tin rằng vào đêm trước năm mới, lằn ranh giữa hai thế giới người sống và người chết trở nên mờ nhạt.
Người Celtic tin rằng trong lễ Samhain, linh hồn của tổ tiên đã khuất có thể tự do đi lại giữa thế giới của người sống. Những linh hồn này có khả năng bói toán, cảnh báo về những rắc rối sẽ xuất hiện trong cuộc sống. Vào thời kỳ này, dân làng thường cúng bái đồ ăn và rượu cho tổ tiên với hy vọng có thể liên lạc được với những người thân trong gia đình đã khuất.
Để tránh những cuộc viếng thăm của các linh hồn không mong muốn, người sống sẽ mặc những trang phục ma quái – giả vờ trở thành những linh hồn. Sau đó, họ tổ chức một cuộc diễu hành để dẫn dắt những linh hồn không được chào đón ra khỏi làng. Khi lễ hội kết thúc, họ thắp lại những ngọn lửa đã được dập tắt vào buổi tối hôm đó. Ngọn lửa thiêng liêng giúp bảo vệ họ trong mùa đông sắp tới.
Câu chuyện về những món bánh truyền thống trong Halloween
Bánh linh hồn – Soul cake
Nguồn gốc của bánh linh hồn tồn tại nhiều giả thuyết, có người nói rằng chiếc bánh này được trao đi trong đêm đốt lửa trại như một cuộc xổ số: nếu ai chọn trúng chiếc bánh cháy, người đó sẽ trở thành vật hiến tế để đảm bảo mùa màng được bội thu vào năm tới. Cũng có một số người cho rằng những chiếc bánh linh hồn có thể đã được ném quanh một khu vực để xoa dịu những linh hồn ma quỷ bị kết án lang thang trong hình hài động vật.
Tuy vậy, đến thế kỷ thứ VIII, bánh linh hồn dần được văn minh hóa. Những chiếc bánh này thường được trao cho trẻ em, người nghèo hoặc những người ăn xin đi từ nhà này sang nhà khác để cầu nguyện cho người đã khuất. Theo truyền thống, mỗi chiếc bánh được cho đi, một linh hồn dưới Luyện ngục được giải thoát và cứu rỗi. Tục tặng và ăn bánh linh hồn thường được xem như nguồn gốc của truyền thống “trick or treat” (cho kẹo hay bị ghẹo) trong thời hiện đại.
Bánh linh hồn được làm từ các nguyên liệu đơn giản như bột mì, trứng, sữa,… Trước khi đem nướng, chúng thường được vẽ một chữ thập lên trên mặt để biểu thị mục đích là “bố thí cho người chết”.
Bánh câm – Dump cake
Bánh câm cũng như cách thức làm ra nó đã trở thành một hoạt động truyền thống được ghi nhận như việc khắc đèn bí ngô, treo cây tầm gửi vào dịp Giáng Sinh trong văn hóa phương Tây. Trong niềm tin của người Tây phương khi ấy, bánh câm có ý nghĩa tiên tri, giúp các cô gái nhìn thấy được bạn đời tương lai trong giấc mơ.
Phương pháp làm ra những chiếc bánh câm cần được thực hiện từng bước như sau: Hai ba cô gái tụ tập trong bếp vào đêm khuya. Trong sự im lặng hoàn toàn, họ phải nướng một chiếc bánh đơn giản bao gồm bột mì, nước và muối. Mỗi cô gái nên đánh dấu chiếc bánh bằng tên viết tắt của mình, sau đó cho vào lò nướng mà không nói một lời.
Sau khi lấy bánh ra khỏi lò, các cô gái bẻ bánh, thỉnh thoảng mỗi người cắn một miếng rồi bắt đầu lùi về giường của mình. Sau khi đặt bánh dưới gối, khi ngủ họ sẽ mơ thấy người chồng tương lai.
Trong dân gian vẫn tồn tại một số câu chuyện về việc làm ra những chiếc bánh câm mang màu sắc kinh dị. Đôi khi, những người bạn trai cũng đích thân xuất hiện trước mặt các cô gái. Một cuốn sách xuất bản năm 1816 mô tả “vài phút sau nửa đêm, người chồng sắp cưới của cô ấy sẽ xuất hiện và đặt tay lên phần bánh có ghi tên cô ấy”. Các nguồn khác lại cho rằng ngay khi chiếc bánh mì bị bẻ gãy, một bóng đen sẽ xuất hiện và đuổi theo các cô gái, và chỉ khi nhảy lên giường, họ mới được an toàn.
Bánh Barmbrack
Barmbrack là một loại bánh mì men có thêm nho khô. Bánh mì gắn liền với lễ Halloween và xuất xứ từ Ireland. Barmbrack thường được bán dưới dạng viên tròn dẹt, ăn kèm với bơ và một tách trà. Bột của Barmbrack ngọt hơn bánh mì sandwich nhưng không đậm như những loại bánh ngọt khác. Đồng thời, nho khô được ngâm qua đêm trong trà lạnh hoặc rượu cũng góp phần tạo thêm hương vị và kết cấu độc đáo cho loại bánh này.
Barmbrack là trung tâm của phong tục Halloween trong văn hóa của người Ireland. Những ổ bánh mì này có thể được trang trí trên mặt bằng hình động vật hoặc chim. Theo truyền thống, nhiều đồ vật được giấu trong bánh trước khi nướng, đây có thể xem như là một loại trò chơi bói toán. Trong bánh có: một hạt đậu, một cây gậy, một mảnh vải, một đồng xu nhỏ (ban đầu là đồng sáu xu bạc), một chiếc nhẫn và một hạt đậu nữa.
Mỗi món đồ giấu bên trong đều mang một ý nghĩa riêng biệt đối với người nhận: Hạt đậu mang hai ý nghĩa, người đó sẽ không lấy chồng vào năm đó hoặc tương lai sẽ không có tiền bạc. Cây gậy sẽ có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc hoặc liên tục xảy ra tranh chấp. Vải hoặc giẻ rách sẽ gặp xui xẻo hoặc nghèo khó. Đồng xu sẽ được may mắn hoặc giàu có. Chiếc nhẫn sẽ được kết hôn trong năm tới.
Bánh Halloween hiện đại được biến tấu mới lạ
Từ những năm 1950 cho đến nay, lễ hội Halloween cũng như những món bánh truyền thống dần có sự thay đổi, được biến tấu để thu hút và thích ứng hơn với nhu cầu của thời đại. Sau Thế chiến thứ Hai, bánh quy bí ngô và phù thủy được làm bằng khuôn cắt bánh trở thành một mặt hàng phổ biến trong dịp lễ này. Những chiếc bánh phủ lớp kem tươi màu cam và đen tượng trưng cho màu của bí ngô, vụ thu hoạch mùa thu và cái chết.
Qua nhiều năm, bánh ngọt trong Halloween phát triển một cách đa dạng. Bên cạnh những chiếc bánh linh hồn, bánh câm hay bánh Barmbrack, những chiếc bánh quy, bánh cookie, bánh cupcake hay bánh kem cũng dần được trang trí theo chủ đề Halloween. Những chiếc bánh được tạo nên bằng các màu sắc chủ đạo trong mùa lễ hội như tím, cam, đen, đỏ,…
Các nghệ nhân sử dụng một cách đa dạng những hình thù trang trí quen thuộc như hồn ma, Jack O’ Lanterns, những con nhện, ma cà rồng hoặc người sói, phù thủy… để tạo hình cho sản phẩm của mình. Những chiếc bánh xinh đẹp không chỉ khơi gợi sự thích thú từ các bạn nhỏ mà đến cả những người trưởng thành cũng không thể phủ nhận sức hấp dẫn đặc biệt của chúng.
Tham khảo
history.com
npr.org
oakden.co.uk
pbs.org
foodtimeline.org
atlasobscura.com