artLIVE – Âm nhạc kết nối con người qua giai điệu và cảm xúc, nhưng để hiểu và làm chủ nó, người học cần một nền tảng vững chắc về hòa âm và sáng tác. Giữa bối cảnh khan hiếm tài liệu chuyên sâu tại Việt Nam, ‘Hòa âm & Sáng tác: Từ khám phá đến sáng tạo’ của nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu xuất hiện như một viên ngọc quý, mở ra cơ hội học hỏi và sáng tạo cho cộng đồng yêu nhạc.
Nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu – Người truyền lửa cho âm nhạc
Nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu, sinh năm 1957, là một nghệ sĩ với niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt. Ông từng theo học tại Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký và Đại học Bách Khoa TP.HCM trước khi định cư tại Pháp vào năm 1979. Dù thành công trong lĩnh vực kỹ thuật, nhưng âm nhạc mới thực sự là con đường ông chọn để cống hiến trọn vẹn tâm huyết.
Với hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật, ông đã sáng tác hơn 600 tác phẩm, từ ca khúc, truyện ca đến nhạc kịch. Đồng thời, ông còn giảng dạy tại Nhạc viện Sen Hồng TP.HCM, truyền đạt kinh nghiệm quý báu của mình cho thế hệ sau. Tất cả những kiến thức và trải nghiệm ấy được ông chắt lọc trong ‘Hòa âm & Sáng tác: Từ khám phá đến sáng tạo’ – một cuốn sách mang đến lộ trình học tập bài bản, dễ tiếp cận dành cho những ai yêu âm nhạc.
Hiểu – Ứng dụng – Sáng tạo: Hành trình làm chủ âm nhạc
Một trong những điểm nổi bật của cuốn sách là hệ thống kiến thức được trình bày mạch lạc, giúp người đọc từng bước nắm vững hòa âm và ứng dụng vào thực tế. Ngay từ chương đầu tiên, tác giả giới thiệu những nền tảng quan trọng như bộ khóa, quãng và thang âm. Bên cạnh lý thuyết cơ bản, sách còn giúp người học hiểu rõ mối quan hệ giữa các yếu tố này thông qua hệ thống vòng tròn quãng 5 – một công cụ không thể thiếu trong sáng tác và phối khí.
Ở chương tiếp theo, độc giả sẽ được khám phá thế giới của hợp âm, từ những cấu trúc cơ bản đến các biến thể nâng cao. Tác giả hướng dẫn cách sử dụng hợp âm sáng tạo để tạo nên sự hài hòa mà vẫn giữ được cá tính âm nhạc riêng. Các kỹ thuật như nốt căng (tension notes), đảo hợp âm, đổi tông hay cách sử dụng hợp âm để tạo cảm xúc đều được giải thích rõ ràng, giúp người học dễ dàng áp dụng vào thực tế sáng tác.
Qua tới chương ba, tác giả sẽ tập trung vào việc xây dựng một bài hát hoàn chỉnh, từ đoạn mở đầu, chủ đề chính, tiền điệp khúc, điệp khúc đến đoạn chuyển tiếp và kết thúc. Tác giả cũng chia sẻ cách viết lời ca, kết hợp giai điệu với hòa âm để tạo nên một tác phẩm giàu cảm xúc.
Đưa hòa âm đến gần hơn với người yêu nhạc
Điểm khác biệt của cuốn sách không chỉ nằm ở phương pháp truyền đạt mà còn ở sự đa dạng trong chất liệu âm nhạc. Tác giả giới thiệu cách ứng dụng âm nhạc điệu thức Trung cổ và âm nhạc ngũ cung Việt Nam, giúp người đọc tìm thấy sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, từ đó phát triển phong cách sáng tác mang dấu ấn cá nhân.
Trước đây, các tài liệu chuyên sâu về hòa âm và sáng tác chủ yếu nằm trong thư viện các trường nhạc, khó tiếp cận, trong khi sách phổ thông lại thiếu chiều sâu, nhưng ‘Hòa âm & Sáng tác’ đã phá vỡ rào cản này, đưa kiến thức chuyên môn đến gần hơn với người yêu nhạc. Nhờ cách trình bày logic, dễ hiểu, người đọc có thể từng bước nâng cao khả năng cảm thụ và sáng tác mà không bị quá tải bởi lý thuyết khô khan.
Nhạc sĩ Lê Thanh Xuân – Giám đốc Nhạc viện Sen Hồng TP.HCM nhận xét: ‘Cuốn sách này được coi như một giáo trình về hòa âm và sáng tác, đúc kết từ quá trình miệt mài học tập và nghiên cứu của anh. Hòa âm & Sáng tác của Nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu sẽ đem đến cho quý độc giả, quý bạn yêu âm nhạc nói chung và bộ môn sáng tác nói riêng những kiến thức cơ bản và nâng cao để trao đổi học tập, sáng tác và đạt được hoài bão âm nhạc của mình.’
Với nội dung chuyên sâu nhưng vẫn gần gũi, ‘Hòa âm & Sáng tác: Từ khám phá đến sáng tạo’ thực sự là một cuốn sách quý dành cho những ai đam mê âm nhạc. Dù bạn là người mới bắt đầu hay một nhạc sĩ đang tìm kiếm những góc nhìn mới, cuốn sách sẽ là người bạn đồng hành đáng tin cậy trên hành trình chinh phục âm nhạc.
Cuốn sách ‘Hòa âm & Sáng tác: Từ khám phá đến sáng tạo‘ sẽ chính thức ra mắt độc giả vào sáng Chủ nhật, ngày 30/03/2025, tại Nhạc viện Sen Hồng, 179AB Bình Thới, Phường 9, Quận 11, TP. Hồ Chí Minh.
Ảnh: Nhà sách Phương Nam