artLIVE – Triển lãm danh giá Christian Dior: Designer of Dreams đã chính thức ra mắt tại Seoul (Hàn Quốc). Sự kiện lần này không chỉ là một bản hồi tưởng lịch sử gần 80 năm của Dior, mà còn là cuộc đối thoại đầy chất thơ giữa haute couture và bản sắc Hàn Quốc đương đại.
Dior đến Seoul – hành trình thời trang vượt thời gian và không gian
Sau thành công tại Bảo tàng Nghệ thuật Trang trí Musée des Arts Décoratifs ở Paris (Pháp) và sau đó là tại London (Anh), Thượng Hải và Thành Đô (Trung Quốc), New York (Mỹ), Doha (Qatar), Tokyo (Nhật Bản) và Riyadh (Ả Rập), triển lãm Christian Dior: Designer of Dreams tiếp tục dừng chân tại Dongdaemun Design Plaza ở Seoul (Hàn Quốc) từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 13 tháng 7 năm 2025.
Sự kiện đánh dấu lần hợp tác thứ tư giữa Dior và văn phòng kiến trúc OMA Shohei Shigematsu (New York, Mỹ). Các thiết kế trước đó gồm Dior: From Paris to the World tại Bảo tàng Nghệ thuật Denver (2018), Bảo tàng Nghệ thuật Dallas (2019), và Christian Dior: Designer of Dreams tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Tokyo (2022). Triển lãm năm nay tại Seoul giới thiệu gần 80 năm lịch sử sáng tạo của Dior và di sản văn hóa của Hàn Quốc.
Trong không gian Art Hall 1 rộng 2000 mét vuông, không có cột, với trần nhà cao 16 mét, các nhà thiết kế đã biến thách thức trở thành lợi thế: thay vì chia không gian thành các phòng trưng bày như truyền thống, triển lãm trở thành dòng chảy xuyên suốt để trình bày một câu chuyện thống nhất. Olivier Bialobos, phó giám đốc điều hành truyền thông và hình ảnh toàn cầu của Dior, cho biết: “Mỗi lần (trưng bày) đều có cùng một chủ đề nhưng với ý tưởng và trang phục khác nhau“.
Quá khứ hoá thân trong nghệ thuật thị giác
Triển lãm mở đầu với “30 Avenue Montaigne”, tái hiện xưởng may đầu tiên của Dior tại Paris thông qua những lớp màn bán trong in hình tư liệu lịch sử. OMA sử dụng ánh sáng và kỹ thuật xếp lớp biến không gian quen thuộc thành một thước phim thời trang mờ ảo, đan xen giữa thực tại và hoài niệm quá khứ.
Lấy cảm hứng từ madang – khoảng sân trong những ngôi nhà truyền thống hanok của Hàn Quốc – “The Garden” nổi bật với một chiếc bình nguyệt dài 12 mét, biểu tượng cho sự hài hòa và giản dị.
Điểm nhấn của khu vườn Christian Dior thể hiện qua nghệ thuật giấy tinh xảo của nghệ sĩ Hàn Quốc Kim Hyun Joo. Nghệ sĩ sử dụng hanji, giấy sợi dâu tằm truyền thống của xứ sở kim chi. Kim cùng với hơn 20 trợ lý đã dành hơn hai tháng để chế tác hàng chục nghìn chiếc lá, bông hoa, cành giấy và hai tuần sau đó để “trồng” riêng từng bông hoa giấy mà không sử dụng đến keo dán.
Trong không gian “The Dior Ateliers”, những mẫu váy toile trắng tinh khôi được nâng lên lơ lửng giữa không trung và phản chiếu bốn phía, gợi lên cảm giác ma mị bất tận. Hiệu ứng thị giác gợi lên tinh thần thẩm mỹ đặc trưng của Seoul: lặng lẽ mà mãnh liệt – nơi kỹ nghệ thủ công được nâng tầm đến cõi vũ trụ.
Dior qua lăng kính văn hoá Hàn Quốc
Không dừng lại ở đó, mỗi không gian trưng bày đều tái hiện di sản của Dior qua lăng kính văn hóa Hàn Quốc. Chẳng hạn phòng “Dior Legacy” gây chú ý với cấu trúc dạng dải ruy băng lấy cảm hứng từ nghệ thuật chắp vải jogakbo, tái hiện hành trình của các giám đốc sáng tạo của nhà mốt; Phòng “Lady Dior” lấy cảm hứng từ tủ sơn mài đỏ truyền thống, biến các khối mô-đun thành những bệ trưng bày điêu khắc cho chiếc túi biểu tượng. Ngoài ra còn có các điểm nhấn khác như các phòng “30 Avenue Montaigne,” “The New Look,” “Miss Dior” và “Colorama.”
Thay vì đi theo trình tự thời gian, OMA kiến tạo toàn bộ không gian triển lãm như một cuộc diễu hành xuyên suốt các tầng cảm xúc không gian. Những căn phòng luân phiên giữa sáng và tối, cong và thẳng, gần gũi và rộng mở, phản chiếu hành trình hàng thập kỷ của Dior giữa hai bản sắc: chủ nghĩa cổ điển và tinh thần đổi mới.
Ở chặng cuối của hành trình, “The Dior Ball” biến chiếc cầu thang ấn tượng của Maison thành một tác phẩm điêu khắc uốn lượn, nơi những chiếc váy dạ hội như đang khiêu vũ trong không gian. Không xa đó, “Stars in Dior” thay thế ánh đèn sân khấu truyền thống bằng một mạng lưới dây kim loại lấp lánh, bắt sáng và tán xạ như một chòm sao – kiến trúc của sự lấp lánh và phù du, tôn vinh vẻ đẹp của vũ trụ ngân hà.
Căn phòng J’Adore là một màn trình diễn sân khấu đúng nghĩa: hành lang dát vàng phủ gương phản chiếu, những màn hình video khổ lớn và những chai nước hoa phát sáng được tạo nên dưới bàn tay nghệ sĩ Jean-Michel Othoniel. Thay vì kết thúc bằng sự lặng lẽ trầm mặc, OMA chọn khép lại trải nghiệm bằng sự xa hoa rực rỡ – một cái kết hoàn hảo cho một thương hiệu luôn dám mơ lớn và thiết kế còn lớn hơn cả giấc mơ.
Di sản sống động
Mỗi thành phố tổ chức triển lãm đều được tuyển chọn những thiết kế riêng biệt, rút ra từ kho lưu trữ ngày càng đồ sộ của Dior với hơn 15.000 mẫu váy và 15.000 phụ kiện. Tại đây, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng khoảng 250 bộ váy, từ những thiết kế chưa từng được công bố, được săn lùng qua các phiên đấu giá, cho đến những bộ cánh đình đám từng xuất hiện trên thảm đỏ cùng Jisoo (Blackpink) hay Natalie Portman.
Kết hợp thời trang, không gian và văn hóa, Christian Dior: Designer of Dreams hiện đã mở cửa cho công chúng tại Art Hall 1, Dongdaemun Design Plaza, 281 Eulji-ro, Jung-gu, Seoul, Hàn Quốc từ ngày 19-4 đến 13-7-2025.
Tham khảo:
hypebeast.com
wwd.com
designboom.com