‘Xé truyện bước ra’ – Khi văn chương thôi nằm yên trên trang giấy

Thanh Ngọc

|

15:52 21/04/2025

Share

artLIVE – Ngày 19/4, sự kiện ‘Xé truyện bước ra’ diễn ra tại Cà Phê Thứ Bảy, đánh dấu lần trở về Việt Nam đầy xúc cảm của nhà văn – đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc. 

Trong buổi sáng rực rỡ ánh nắng, ‘Xé truyện bước ra’ mở ra như một cánh cửa dẫn lối vào thế giới nghệ thuật sống động, nơi nhân vật không còn nằm yên trên trang giấy, mà hiện hữu trên sân khấu, sống động qua từng phần trình diễn của các nghệ sĩ – những người đồng hành thân thiết cùng nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc.

Nhà văn Minh Ngọc cùng NSƯT Thành Lộc và đạo diễn Leon Lê tại sự kiện ‘Xé truyện bước ra’
NSƯT Thành Lộc cùng nhà văn Minh Ngọc và đạo diễn Leon Lê tại sự kiện ‘Xé truyện bước ra’ (từ trái quay phải)

Sự kiện được tổ chức bởi Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Cà Phê Thứ Bảy, với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng như nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, NSƯT Thành Lộc, diễn viên Minh Phượng, đạo diễn Leon Lê, diễn viên Minh Dự cùng nhiều khách mời đặc biệt. 

Nguyễn Thị Minh Ngọc – Nhà văn ‘giữ một cơn bão trong lòng bàn tay nhỏ

Nhà văn Minh Ngọc cùng diễn viên Minh Phượng tại sự kiện ‘Xé truyện bước ra’
Nhà văn Minh Ngọc cùng diễn viên Minh Phượng tại sự kiện ‘Xé truyện bước ra’

Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, người vẫn được mệnh danh là ‘người kể chuyện – trên giấy, trên màn ảnh, trên sân khấu’  là một gương mặt kỳ cựu trong giới nghệ thuật Việt Nam. Sinh năm 1953 tại Bà Rịa – Vũng Tàu, tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh năm 1980, bà từng là giảng viên tại chính ngôi trường này. 

Với hơn 30 vở kịch được dàn dựng, trên 70 kịch bản truyền thống và đương đại, hàng trăm kịch bản phim truyền hình cùng các công trình nghiên cứu sân khấu. Đặc biệt, bà là người Việt đầu tiên đưa tác phẩm Việt Nam lên sân khấu Off Broadway tại New York (Mỹ) với vai trò tác giả, đạo diễn và diễn viên của các vở “The Missing Woman” (Người đàn bà thất lạc, 2008), “We are”… (Chúng tôi là…, 2011).

Nhà văn - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc đang tâm tình với khán giả 
Nhà văn – đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc đang tâm tình với khán giả 

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng từng nhận định về nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: “Điểm đặc biệt của Minh Ngọc là ở nghệ thuật xây dựng nhân vật và lối văn tự nhiên, giản dị mà lôi cuốn, rất miền Nam, dễ hiểu, hơi bình dân… Truyện Minh Ngọc có nhiều đối thoại, và có lẽ vì kinh nghiệm sân khấu như một đạo diễn và diễn viên, các đối thoại ấy của chị linh động, gần như tả trực tiếp”.

Hồ nước mùa xuân’ – Nỗi lòng viết bằng mực ký ức của những phụ nữ

Trong lần trở về này, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc mang theo ‘Hồ nước mùa xuân’ – tuyển tập truyện ngắn được bà tuyển chọn kỹ lưỡng từ gần 80 tác phẩm viết trong nhiều thập kỷ sáng tác. 

Cuốn sách ‘Hồ nước mùa xuân’ - ‘đứa con nhỏ’ của nhà văn Minh Ngọc 
Cuốn sách ‘Hồ nước mùa xuân’ – ‘đứa con nhỏ’ của nhà văn Minh Ngọc 

Tác phẩm như một dòng chảy nữ tính, dịu dàng nhưng không yếu đuối, với 21 truyện ngắn khai thác sâu sắc và đa chiều thân phận người phụ nữ hiện đại. Khi lật giở ‘Hồ nước mùa xuân’, bạn đọc dễ dàng nhận ra nhân vật của tác giả là người nữ đương đại, từ gái mới lớn, người tình, người mẹ, người phiêu lưu, kẻ cao sang, đến người cùng khốn, người nô lệ, kẻ hy sinh… 

Mỗi truyện ngắn lấy nhân vật người nữ làm trung tâm, mượn yếu tố gia cảnh, bối cảnh xã hội – thời đại để cảm nhận và bóc tách các lớp vỏ tâm lý của họ ở nhiều độ tuổi. 

‘Hồ nước mùa xuân’ - Nơi những thân phận phụ nữ được khắc họa rõ nét
‘Hồ nước mùa xuân’ – Nơi những thân phận phụ nữ được khắc họa rõ nét

Cũng từ điểm neo là các nhân vật nữ, tác giả dẫn dắt người đọc đi sâu vào mối tương quan giữa cá nhân và cộng đồng, giữa thân phận và xã hội, nơi đời sống bên ngoài không ngừng biến động, đồng vọng với những xao động âm thầm trong ‘hồ nước cảm xúc’ của từng nhân vật.

Trong Hồ nước mùa xuân, có một trích đoạn ngắn đậm chất điện ảnh và thổn thức thế này: “Tôi chợt đứng lại. Thấy nước và cái hơi mát lạnh của nó quyến-rũ-như-chưa-bao-giờ-quyến-rũ-như-thế. Ngó xuống gương nước. Thấy Lê. Thấy ‘xì ke của tôi’. Thấy cô ca sĩ khóc. Thấy con chó nhỏ ngơ ngẩn dưới lòng hồ. Và thấy đâu độ hai trăm năm mươi mốt ngàn lẻ bảy mươi chín cô gái khác đang thò đầu soi mình xuống gương nước như tôi… Và tôi thắng lại kịp nỗi khát khao được nhúng người vào nước mát. Tôi sợ chốn đông người…”

Khán giả chăm chú đọc từng lời văn trong ‘Hồ nước mùa xuân’ 
Khán giả chăm chú đọc từng lời văn trong ‘Hồ nước mùa xuân’ 

Từng câu văn, từng dấu chấm đều chạm khẽ vào dáng vẻ và tâm trạng nhân vật, tại đó người phụ nữ hiện lên đầy đủ trong mọi sắc thái: tổn thương và khát vọng, yếu đuối và mạnh mẽ, cả trong những khoảnh khắc tĩnh lặng nhất nhưng lại vang vọng sức mạnh nội tâm sâu thẳm. 

Sự kiện ‘Xé truyện bước ra’ đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn ngân vang, nhẹ nhàng và trong veo như những giọt nước trong ‘Hồ nước mùa xuân’. Có lẽ, điều đọng lại trong lòng người tham dự là một cảm xúc sâu lắng, được khơi lên từ trái tim biết rung động trước vẻ đẹp mong manh và đa đoan của con người.

Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam