artLIVE – Lần đầu tiên tại Vương quốc Anh, một triển lãm đặc biệt sẽ được tổ chức để tôn vinh nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Sơn mài từ lâu đã được ví là “quốc hồn, quốc túy” trong mỹ thuật Việt Nam, một nghề truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, hình thành từ chất liệu sơn ta đặc biệt chỉ có tại Việt Nam.
Sơn mài – Nét đẹp “khó chiều” trong nền mỹ thuật Việt Nam
Trải qua bao thế hệ, sơn mài vẫn giữ vững vị thế, trở thành niềm tự hào của nhiều làng nghề nổi tiếng như Hạ Thái, Tiên Nộn, Cát Đằng, Tương Bình Hiệp… với những nghệ nhân điêu luyện kỹ thuật sơn son, thếp vàng, sơn quang, sơn mài, đắp nổi, khảm.
Nằm trong số những làng nghề sơn mài tiêu biểu, Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội) đã có bề dày lịch sử lâu đời, đồng thời cũng là nơi nhiều hoạ sĩ đỉnh cao về sơn mài thuở đầu nền mỹ thuật Đông Dương đến học nghề và biến sơn mài thành nghệ thuật. “Thiếu nữ bên đầm sen”, tác phẩm đầu tiên đánh dấu nghệ thuật sơn mài cẩn trứng của danh họa Nguyễn Gia Trí cũng là ký ức của chính hoạ sĩ với hồ sen đầu đình làng Hạ Thái, nơi ông bắt đầu mày mò nghiên cứu sơn mài.
Một sản phẩm sơn mài đòi hỏi sự công phu lẫn thời gian, cần hai đến ba tháng để hoàn thiện cho sản phẩm không có khảm, chạm hay vẽ thủ công nhiều. Sản phẩm sơn mài cơ bản nào cũng đều trải qua ít nhất 15 đến 20 công đoạn, mỗi công đoạn đều phải có các bước: Bôi trơn, kẹp sơn, mài, đánh bóng.
Vào những năm 1991-1992, nhờ sự hỗ trợ của một số kiều bào, làng nghề dần khởi sắc, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Nhờ đó mà người dân vừa gắn bó với nông nghiệp, vừa có cơ hội duy trì và phát triển nghề truyền thống.
Tuy nhiên, thời kỳ đó, sơn mài chủ yếu phục vụ thị trường bình dân với chất lượng thấp. Nhận thấy nguy cơ mai một, nhiều thợ làng đã quyết tâm thay đổi. Họ không chỉ nâng cao tay nghề mà còn kết hợp kiến thức về ngoại ngữ và luật thương mại để phát triển làng nghề một cách bài bản. Qua đó, sơn mài Hạ Thái dần khẳng định vị thế trên thị trường. Không chỉ riêng sơn mài, các ngành nghề thủ công truyền thống khác như gốm, đá, bạc cũng được chú trọng bảo tồn và phát triển.
Nghề sơn mài – Hành trình giữ lửa đầy gian nan
Một trong những yếu tố cốt lõi làm nên giá trị của sơn mài Việt Nam là sơn ta – loại nhựa cây tự nhiên tương tự mủ cao su. Tuy nhiên, sơn ta rất “khó tính”, chỉ có thể sử dụng trong điều kiện nóng ẩm. Nếu thời tiết hanh khô, quá trình làm sơn mài sẽ gặp nhiều trở ngại. Người thợ phải làm việc trong môi trường có độ ẩm phù hợp, nhưng ngay cả những nghệ nhân lành nghề cũng có thể bị dị ứng với sơn ta.
Quy trình làm sơn mài đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, thường phải trải qua từ 15-20 công đoạn như bôi trơn, kẹp sơn, mài… Mỗi chất liệu khác nhau như gỗ, tre hay gốm đều có cách xử lý riêng. Đặc biệt, với cốt gốm – một chất liệu không thấm hút sơn, lớp sơn chỉ tạo thành màng phủ bên ngoài, đòi hỏi tay nghề cao để đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ.
Không chỉ vậy, giá thành cao, quy trình sản xuất phức tạp, yêu cầu kỹ thuật khắt khe khiến sơn mài truyền thống khó cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp. Để giảm chi phí và đẩy nhanh tiến độ, nhiều cơ sở sản xuất đã chuyển sang sử dụng sơn Nhật hoặc sơn nhựa hạt điều thay thế.
Những nghệ nhân gắn bó với nghề suy nghĩ rằng làm thủ công phải có cái duyên, phải yêu và hiểu nghề thì mới theo đuổi lâu dài. Trước đây, thấy khách nước ngoài sẵn sàng mua những sản phẩm kém chất lượng với giá cao, các nghệ nhân vừa xót xa cho họ, vừa tiếc cho nghề sơn mài truyền thống đang dần bị lãng quên.
Kỳ công đến thế nhưng thực tế đáng buồn cho hay là trên thị trường hiện nay, nhiều sản phẩm sơn mài kém chất lượng bị bày bán tràn lan, làm mất đi giá trị thực sự của nghề. Những người yêu nghề chỉ mong muốn khách quốc tế khi đến Việt Nam sẽ được chiêm ngưỡng và trân trọng những tác phẩm sơn mài tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa, thay vì những sản phẩm công nghiệp đại trà với giá cao ngất ngưởng nhưng thiếu hồn của sản phẩm.
Triển lãm sơn mài Việt Nam tại Anh – Cơ hội lan tỏa giá trị nghệ thuật
Không để những nghệ nhân chân chính phải thất vọng, lần đầu tiên, một triển lãm chuyên biệt về sơn mài Việt Nam sẽ được tổ chức tại Phòng trưng bày SOAS, London (Anh), từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra cùng lúc với ba cột mốc quan trọng: kỷ niệm 80 năm Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam (1945), 50 năm Ngày Thống nhất đất nước (1975) và 100 năm thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925).
Triển lãm sẽ trưng bày khoảng 80 tác phẩm sơn mài, tái hiện hành trình phát triển của loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Từ những năm 1920, sơn mài đã có sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, nhờ vào sự hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam và Pháp. Trải qua các giai đoạn chiến tranh và hòa bình, sơn mài đã không ngừng phát triển hơn, khẳng định vị thế trong nền mỹ thuật đương đại.
Đây vừa là dịp để tôn vinh nghệ thuật sơn mài Việt Nam vừa là cơ hội để thế giới hiểu hơn về giá trị, sự tinh tế và bản sắc độc đáo của dòng tranh này. Đây chính là bước tiến quan trọng giúp nghệ thuật sơn mài vươn xa, khẳng định vị thế trên bản đồ mỹ thuật thế giới.
Triển lãm sẽ khai mạc trong dịp Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức lễ Quốc khánh và tiếp tục diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Nghệ thuật Châu Á tại London vào tháng 11/2025.