artLIVE – Nhắc đến cây ăn thịt, không ít người cảm thấy rùng mình bởi sự ‘hung dữ’ ẩn chứa trong cái tên của chúng. Tuy nhiên, cũng không ít người cảm thấy tò mò và muốn khám phá thế giới đầy bí ẩn của những sát thủ thực vật này. Hãy theo chân chúng mình tìm hiểu thế giới kỳ thú của loài cây đặc biệt này nhé!
Từ trước đến nay, con người biết đến việc cây hấp thụ chất dinh dưỡng thông qua quá trình hấp thu nước, muối khoáng, quang hợp, hoá học, chuyển hóa chất dinh dưỡng và lưu thông chất dinh dưỡng trong toàn bộ cây để sinh trưởng và phát triển. Khác với những người anh em “ăn chay” hiền hòa, cây ăn thịt sở hữu phương thức sinh trưởng và phát triển độc đáo: bẫy mồi, tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng từ côn trùng.
Chúng thường sinh sống ở những môi trường khắc nghiệt, nghèo dinh dưỡng như đầm lầy chua, đất đá sỏi. Để tồn tại, cây ăn thịt đã tiến hóa những cơ chế săn mồi tinh vi, biến thành những “thợ săn” cừ khôi trong thế giới tự nhiên. Sau đây là những sự thật thú vị về loài cây đặc biệt này:
Cây ăn thịt đa dạng về kích thước và hình dáng
Trên thế giới có hơn 700 loài cây ăn thịt phân bố rộng khắp các lục địa, từ vùng nhiệt đới ẩm ướt đến sa mạc khô hạn. Chúng có kích thước đa dạng, từ những loài nhỏ bé như cây bắt ruồi Venus (Dionaea muscipula) chỉ cao khoảng vài cen-ti-mét đến những gã khổng lồ như cây nắp ấm Nepenthes Rajah với chiều cao lên tới 2,5m và sở hữu chiếc ấm dài 41cm, có thể chứa đến gần 4 lít dịch tiêu hóa.
Cây ăn thịt sở hữu phương thức bẫy mồi phong phú
Mỗi loài cây ăn thịt sở hữu những “vũ khí” săn mồi độc đáo để thu hút và tiêu hóa con mồi. Một số bẫy phổ biến bao gồm:
- Bẫy sập: Loại bẫy này thường thấy ở cây bẫy ruồi. Lá cây có cuốn dẹt, rìa hình trái tim, phần cuối phiến lá là 2 thùy đính với nhau ở gân giữa, tạo nên cấu tạo bẫy kẹp. Hai thùy lá có khả năng sẽ đóng lại ngay lập tức khi bị con mồi kích thích. Phần rìa bên ngoài của 2 thùy được bao quanh bởi những sợi ria dài, cứng, có hình dạng giống như lông mi và đan lại với nhau để có thể giữ con mồi ở bên trong. Khi con mồi rơi vào bẫy, cây sẽ tiết ra dịch tiêu hóa biến chúng thành chất dinh dưỡng nuôi cây. Quá trình tiêu hóa diễn ra trong khoảng 5 – 12 ngày. Sau đó cái bẫy sẽ mở ra, tiếp tục quá trình thu hút côn trùng.
- Bẫy keo: Loại bẫy này sử dụng chất nhầy dính, các lông tuyến với chất keo trên lá để bẫy con mồi. Bề mặt lá phủ đầy những tuyến nhỏ xíu tiết ra chất nhầy dẻo. Khi côn trùng hạ cánh xuống phiến lá, chúng sẽ bị mắc kẹt vào lá. Con mồi giãy giụa càng mạnh, cơ thể nó càng bám chặt vào lá hơn. Lông tuyến của cây sẽ tiết ra chất tiêu hoá và con mồi sẽ bị “ăn” hoàn toàn trong một đến hai ngày. Điển hình là cây nắp ấm, cây gọng vó, cây butterwort,…
- Bẫy hút: Chúng không tiết ra men đặc biệt để làm tê liệt và hỗ trợ quá trình tiêu hóa con mồi như các loại bẫy khác. Thay vào đó, loại cây ăn thịt này sở hữu phần lá với hình dáng cái lưỡi dài cong ra ngoài trông giống như những con rắn Hổ mang. Chiếc lưỡi là chiếc bẫy chính, nó phát ra mùi hương quyến rũ để thu hút côn trùng và mở ra như đuôi của một con cá. Khi con mồi rơi vào bẫy, chúng lập tức bị hút lên đỉnh cây. Khi rơi vào bên trong con mồi bị chết đuối bởi loại nước loài cây này phát ra. Sau đó, con mồi sẽ bị phân hủy bởi vi sinh vật và vi khuẩn. Chất dinh dưỡng từ con mồi sẽ hòa quyện với nước và đây là nguồn dinh dưỡng để kích thích sự phát triển của cây ăn thịt.
Khả năng thích nghi phi thường của cây ăn thịt
Các loài cây ăn thịt đã tiến hóa để thích nghi với những điều kiện môi trường khắc nghiệt, nơi hiếm khan nguồn dinh dưỡng như đầm lầy, trong ao hồ, trên đất cát và phần lớn ở vùng nhiệt đới. Vì sống trong môi trường thiếu chất dinh dưỡng, các loài cây này đã lấy chất hữu cơ (protein) từ các côn trùng để cung cấp chất dinh dưỡng cho quá trình sống.
Hệ tiêu hóa độc đáo
Cây ăn thịt có hệ tiêu hóa chuyên biệt để phân biệt con mồi. Hệ tiêu hóa này bao gồm: enzim, axit và vi khuẩn có khả năng phân hủy protein và chất béo, carbohydrate từ con mồi, cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cây như nitơ, photpho, kali…
Cây ăn thịt không chỉ đơn thuần là những sát thủ thực vật mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cân bằng hệ sinh thái bằng cách kiểm soát số lượng quần thể côn trùng. Chúng còn là minh chứng cho sự đa dạng và kỳ diệu của thế giới tự nhiên.
Tham khảo
vedantu.com
edenproject.com