artLIVE – Triển lãm Whoop Whoop trình hiện nỗi đau của thực tại ẩn sau những nét vẽ về một thiên đường đẹp đẽ, giúp người xem thấu hiểu và chấp nhận những mâu thuẫn trong đời thường.
Ngày 28-10, Vin Gallery (TP. HCM) giới thiệu đến người yêu thích nghệ thuật bộ sưu tập Whoop Whoop của nghệ sĩ Katharina Arndt. Triển lãm trưng bày những tác phẩm được thể hiện qua các chi tiết độc đáo và chân thực. Họa sĩ đã sử dụng các mô típ gãy gọn ngây thơ, đầy màu sắc để thể hiện thế giới quan nghệ thuật của riêng mình.
Giới thiệu về Katharina Arndt
Katharina Arndt sinh năm 1981, cô là một họa sĩ đến từ Đức, hiện tại đang sống và hoạt động nghệ thuật tự do giữa Berlin và Barcelona. Cô học Mỹ thuật tại trường Nghệ thuật Braunschweig và sau đó lấy bằng Thạc sĩ Mỹ thuật dưới sự hướng dẫn của John Armleder.
Những bức tranh đầy màu sắc của cô mỉa mai thẩm mỹ tiêu dùng của đại chúng ở thời điểm hiện tại, tái hiện một xã hội suy đồi, phong phú bằng cách tự họa cuộc sống hàng ngày của chính cô trong thời đại kỹ thuật số.
Chủ nghĩa bề mặt về xã hội, văn hóa vật chất trở thành yếu tố chính xuất hiện xuyên suốt những tác phẩm của Katharina Arndt. Giữa một thời đại màn hình điện thoại được quẹt vô số lần trong một ngày, thân máy nhẵn bóng, sự mượt mà ấy như một phép ẩn dụ cho những phản kháng, lên án sự giả tạo, hời hợt và cố chấp.
Katharina chọn lựa các chất liệu nhân tạo như vải latex, vải sơn mài, mica cùng sơn acrylic bóng và bút marker để kiến tạo nên những tác phẩm. Đối với nữ họa sĩ, công việc này như một biểu đồ phản ánh tâm lý của xã hội tiêu dùng theo chủ nghĩa thực chứng đang cố gắng thoát khỏi cái chết của chính mình.
Tuyên ngôn về nghệ thuật đầy độc đáo
Nghệ sĩ Katharina Arndt yêu thích văn hóa tục tĩu, đó là những gì cô chia sẻ trong một buổi trò chuyện về việc thực hành sáng tác của mình: “Tôi thích cách các cô gái techno ăn diện trên bãi biển ở Barcelona, xăm những hình xăm tồi tàn và uống mojitos rẻ tiền từ những chiếc cốc nhựa”.
Có thể thấy, lăng kính nghệ thuật của nữ họa sĩ thường phóng chiếu tới những hình ảnh vui tươi, quá mức phù phiếm: một phụ nữ khỏa thân hút xì gà và nằm dài trong chiếc áo khoác lông rộng thùng thình, hay một cặp đôi vừa nhâm nhi rượu, vừa thưởng thức một bộ phim tình ái. Tuy vậy, tất cả những nhân vật ấy đều đồng thời bị sao nhãng bởi mạng xã hội.
Nữ họa sĩ đã quen thuộc với vị trí của một người quan sát mọi thứ từ bên ngoài, chứng kiến và ghi chép lại những khoảnh khắc hưng phấn, khoái lạc xung quanh dưới nét vẽ của mình. Lớn lên tại miền Đông nước Đức – nơi trải qua sự bùng nổ ly kỳ của chủ nghĩa tiêu dùng sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Chính những trải nghiệm này đã tác động lớn đến các tác phẩm hội họa của cô.
Tuy nhiên, việc đóng vai người ngoài cuộc dường như chưa thỏa mãn được người nghệ sĩ. Trong những năm tiếp theo, họa sĩ Katharina đã thực hành hội họa và điêu khắc theo một cách riêng, nỗ lực khám phá cách hoạt động của chủ nghĩa thoát ly tiêu dùng.
Cô tìm hiểu và nghiên cứu những cảm giác phấn khích dễ dàng có được từ góc nhìn của một người tham gia tích cực. Cô nhận ra sự tận hưởng niềm vui ngắn ngủi trong một thế giới phần nhiều là ảm đạm đã nảy sinh những giằng co bởi ham muốn, mâu thuẫn, căng thẳng. Nữ họa sĩ đã tái hiện đầy đủ tất cả những điều đó vào trong tranh vẽ của mình.
Tìm kiếm sự cân bằng việc thấu hiểu những nỗi đau trong thực tại
Giữa những vẻ ngoài mỹ miều, hào nhoáng của mỹ phẩm làm đẹp trên mạng xã hội, Katharina Arndt ẩn giấu các dấu tích còn sót lại của thực tế đầy trần trụi.
Trong tác phẩm, nhân vật phơi bày làn da rám nắng – kết quả của sự cháy nắng đau đớn, tay và chân lấm tấm lông. Quảng cáo trên những trang tạp chí bóng bẩy tuyên bố rằng: “Bạn không thơm”. Tất cả những chi tiết này ngầm thể hiện hai mặt của cuộc sống: niềm vui trong lúc tận hưởng trải nghiệm, nhưng đồng thời nhắc nhở về sự tồn tại của những đồng điệu không vốn có trong cuộc đời thực.
Có lẽ còn một thông điệp mạnh mẽ hơn cả cuộc sống “thực” mà Arndt thể hiện trong những khung cảnh thiên đường của cô, đó chính là lời bộc bạch cho những thực tế đau đớn ẩn nấp bên ngoài khung tranh. Trong cùng một vùng Địa Trung Hải ấm áp, nơi những nhân vật của cô vui chơi thì trên thực tế, có vô số người dân tị nạn đang phải vật lộn và đau khổ với cuộc sống thường nhật.
Trong các tác phẩm của Arndt, những thú vui thoáng qua của cuộc sống được đáp ứng bằng sự nhiệt tình, niềm vui và lòng biết ơn, nhưng luôn bị mâu thuẫn bởi cách trải nghiệm không đồng đều, cả trong cuộc sống cá nhân và giữa các tầng lớp khác nhau của xã hội. Thiên đường nơi đây, nhưng chúng dành cho ai và cho đến khi nào?
Bằng cách hóa thân trở thành các nhân vật, Arndt tự đặt mình vào luồng năng lượng phức tạp mà cô đang truy vấn thông qua tác phẩm của mình. Thay vì ngồi yên và phán xét, cô đắm chìm trong những mâu thuẫn giằng xé, tìm cách thừa nhận bản chất phù phiếm trong thế giới hỗn loạn này.
Nữ họa sĩ cũng thừa nhận khả năng tầm thường hiển nhiên của vẻ đẹp và niềm vui, ngay cả khi chúng chỉ thoáng qua và đầy giả tạo. Việc sử dụng phong cách vẽ tranh ngây ngô trong tác phẩm của Arndt phản ánh sự chân chất có chủ ý. Từ những hoàn cảnh và tầng lớp khác nhau, người xem có thể tìm thấy sự giải thoát khỏi thực tế đáng lo ngại của cuộc sống.
Katharina Arndt chia sẻ: “Những khoảnh khắc thú vị trên Insta là điều gì đó phi thường và đặc biệt, không phải cuộc sống bình thường. Không ai có thể chịu đựng được điều này mọi lúc”. Nữ họa sĩ hy vọng rằng, thông qua các sáng tác của mình, người xem có thể tự mình tìm thấy sự cân bằng. Từ đó, người xem có thể hiểu ra niềm vui và sự châm biếm luôn đan xen vào từng khoảnh khắc. Chúng đóng vai trò như những hòn đảo nhỏ để ta tạm trú ẩn trong cuộc sống đầy bão giông, và tìm cách đón nhận tất cả trong sự viên mãn bất hòa.
Những tác phẩm trong triển lãm Whoop Whoop chính là những dấu ấn đặc trưng, xuất hiện như một công cụ để diễn đạt những vật thể phi vật chất đã ám ảnh cuộc sống nhân loại, đặc biệt là trong thế giới ảo. Triển lãm Whoop Whoop được diễn ra đến hết ngày 30-11 tại Vin Gallery.
Tham khảo và nguồn ảnh: BTC.