artLIVE – Triển lãm Chuyện kể Tôi. Tôi kể chuyện là hành trình tìm kiếm cái tôi hợp nhất của mỗi người nghệ sĩ. Con đường đó chứa đựng đầy những hình ảnh, ký ức của quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Triển lãm nhóm Chuyện kể Tôi. Tôi kể chuyện là không gian mà nơi thời gian không còn trôi theo dòng chảy của nó. Tại đây, những người nghệ sĩ đánh dấu lại các vệt ký ức bằng màu sắc cá nhân độc đáo, được đặt trong căn tính cộng đồng, quốc gia và trên cả thế giới. Triển lãm mở ra hành trình tìm kiếm, ghi tạc lại những lời tường thuật tựa hồ như tồn tại bên lề của chốn lãng quên, trên con đường tìm kiếm con người đích thực của họ.
Giải thưởng Dogma 2023 với chủ đề “Tự họa – Tự kể”
Giải thưởng Dogma được thành lập từ năm 2010, dưới sự tài trợ độc lập của Bộ sưu tập Dogma. Giải thưởng được tổ chức mỗi hai năm, năm 2023 là lần thứ tám giải thưởng Dogma được diễn ra. Dogma hướng đến việc khuyến khích và hỗ trợ cho các nghệ sĩ chú tâm vào hành trình sáng tạo, ở bất kỳ hình thức sáng tác nào.
Tự họa đã có một bề dày phát triển đáng ghi nhận trong lịch sử văn minh loài người, được đóng góp bởi các nghệ sĩ tìm cách diễn đạt chính bản thân mình nhằm tạo nên những góc nhìn ẩn dụ đối với nền văn hóa và bối cảnh xã hội mà họ đang tồn tại. Đó chính là tinh thần của Giải thưởng.
Năm 2023, Giải thưởng Dogma kêu gọi nghệ sĩ thực hành kể, ráp nối lại từng mảnh chuyện về nỗ lực tìm hiểu thêm về thế giới đầy khúc mắc, về những rường mối liên kết giữa quá khứ với thực tại, giữa cái tôi và ý nghĩa nhất nguyên của cuộc sống. Dogma khuyến khích nghệ sĩ bộc bạch, thổ lộ tâm tư của bản thân về “sự đời”.
Giải thưởng Dogma không giới hạn về độ tuổi tham gia, không giới hạn về hình thức sáng tác cũng như chất liệu. Nghệ sĩ có thể thỏa sức sáng tạo các tác phẩm qua tranh vẽ, in ấn, tạc tượng, sắp đặt, nhiếp ảnh, video, nghệ thuật kỹ thuật số (digital art) và sáng tác đa chất liệu (mixed media).
Giải thưởng Dogma 2023 đề cao tính khôi hài và châm biếm, thể hiện được hoàn cảnh cá nhân của người nghệ sĩ phóng chiếu lên hiện thực rộng lớn hơn. Đồng thời, Dogma cũng mong muốn các nghệ sĩ sử dụng các chất liệu khác biệt, mang lại những trải nghiệm và ý nghĩa độc đáo, đáng chú ý.
Cuối cùng, việc có tuyên ngôn của nghệ sĩ kèm theo tác phẩm là cực kỳ quan trọng, để bổ sung, giải thích thêm ý nghĩa cho lựa chọn riêng của nghệ sĩ đối với chất liệu cũng như quá trình tư duy, hình thành ý tưởng.
Ngày 27-5, Dogma công bố danh sách 10 nghệ sĩ đoạt giải trong cuộc thi lần này. Tất cả những nghệ sĩ đều có cách kể chuyện vô cùng độc đáo thông qua các tác phẩm nghệ thuật dày đặc những tầng lớp ý nghĩa. Những tác phẩm đoạt giải được trưng bày trong triển lãm Chuyện kể Tôi. Tôi kể chuyện từ ngày 10-10.
Tôi kể chuyện đi tìm chính tôi giữa thế giới xa lạ
Trong chủ đề Tự kể lần này của Dogma, nhiều nghệ sĩ đã thể hiện cho người xem hành trình đi tìm kiếm bản ngã của chính mình. Việc đi tìm cái tôi cá nhân là hết sức quan trọng trên con đường nghệ thuật của mỗi người nghệ sĩ.
Thổi/thở – Bùi Đức Thảo
Nghệ sĩ Bùi Đức Thảo mang đến triển lãm một video trình diễn. Tác phẩm ghi lại quá trình nghệ sĩ thổi căng một quả bóng, sau đó lại bị chính quả bóng ấy “nuốt chửng”.
Bùi Đức Thảo cho rằng việc cố gắng thực hiện hành động thổi cùng hình ảnh bản thân lúc mờ, lúc tỏ cũng thể hiện sự cố gắng điều hướng trong cuộc sống và trong việc thực hành nghệ thuật, đầy bối rối, lạc lõng. Thế giới liên tục vận hành với một lượng thông tin và chất xúc tác khổng lồ khiến cho con người cảm thấy bị tê liệt trước dòng chảy ấy.
Chất liệu thể hiện là video vừa giữ được phần nào cảm giác chân thực của việc trình diễn, đồng thời giới hạn của khung hình cũng tạo nên bố cục cho hình ảnh.
Biền biệt bay bay – Đặng Thùy Anh
“Tôi nghĩ tới những tác phẩm trình diễn của mình đầu tiên, khi gặp hai từ “kể chuyện”. Ngày nhận được lời mời trước đây để tham gia “cover” một trình diễn, tôi cũng suy nghĩ nhiều về cái tôi, bản thể, hay một sự nguyên bản nào đó, liệu một trình diễn rất nặng danh tính có thể thay hình đổi dạng trong các bối cảnh khác nhau hay không?” – Đặng Thùy Anh chia sẻ.
Tác phẩm bao gồm ảnh in kỹ thuật số, một đụn sữa bột sẽ dần tan chảy từng ngày thành chất lỏng đặc trong quá trình tiếp xúc với không khí. Đặng Thùy Anh đặt tên tác phẩm là Biền biệt bay bay như một lời cố tạm biệt những đánh đổi về sự chia ly và từ bỏ, những bất lực khi bản thân cứ quăng hạt sữa vào trong không trung để biểu tình cho chính nỗi đau thầm kín nhất.
Chiếu – Keith Khanh Truong
Áp dụng những kỹ thuật in risograph lên chiếu đan tay từ sợi, Keith Khanh Truong muốn tái định nghĩa vai trò của chiếu Việt Nam truyền thống. Nghệ sĩ bắt đầu tìm tòi kỹ thuật dệt và tính vật chất của nó, cùng lúc phản biện lại mối quan hệ giữa chiếu với những khái niệm truyền thống về gia đình, hôn nhân và giới tính.
“Tôi gắn kết những ký ức về chiếc chiếu với nơi mà mọi câu chuyện bắt đầu. Từ những lễ nghi tiệc tùng liên quan đến cưới hỏi, thờ cúng tâm linh, đám tang đến lễ đón Tết, tụ tập đánh bài, nhậu nhẹt, hay cả những bữa ăn hàng ngày… Tất cả đều diễn ra trên tấm chiếu.” – Keith Khanh Truong chia sẻ.
Bằng cái nhìn riêng tư về tính vật chất, nghệ sĩ muốn lật đổ, tái định hình những giá trị xưa nay vốn gắn liền với chiếu. Tác phẩm là những khao khát muốn thoát khỏi những quy tắc dị tính thông thường đã luôn bị áp đặt. Nghệ sĩ cho người thưởng lãm thấy được trăn trở chính yếu của bản thân: Bằng cách nào để những cá nhân vừa có thể nhìn nhận và tái tạo hình ảnh của mình, vừa có thể chấp nhận lịch sử và thấu hiểu được đức tin?
Mẹ, Chị, Em, Cô, Dì, Bà… – Nguyễn Việt Trinh (Chin)
Chin mang đến tác phẩm sắp đặt 24 ảnh in kỹ thuật số, được đổ resin trong hộp acrylic. 24 bức ảnh trải dài kể lại câu chuyện cá nhân của nghệ sĩ – cô gái 24 tuổi, là nạn nhân của miệt thị ngoại hình từ chính những người trong gia đình và bản thân trong quá khứ.
Tác phẩm cũng là lời phản biện cho những độc hại, sai lệch, biến tướng của đấu tranh nữ quyền trong giai đoạn hiện tại. Tác giả muốn tôn vinh vẻ đẹp của tính nữ thông qua những hình ảnh, những khoảnh khắc bắt được trong cuộc sống đời thường.
Những chiếc hộp trong suốt như những định kiến vô hình mà xã hội đang áp đặt lên tính nữ, kể cả những áp đặt của giới nữ lên chính mình. Lớp resin trong suốt bám chặt lấy hình ảnh như những định kiến đã ăn sâu, trở thành điều mặc định.
Cảnh quan rạng nở – Đỗ Hà Hoài
Tác phẩm của nghệ sĩ Đỗ Hà Hoài là một tượng điêu khắc bằng bê tông, lấy cảm hứng từ chứng dị ứng thông qua trải nghiệm cá nhân khi ăn bánh mì. Nghệ sĩ ví sự dị ứng, từ thể chất lẫn tinh thần với các phản ứng của bản thể: khi xúc cảm con người bị kích động và xâm lấn bởi thông tin trên mạng xã hội trực tuyến.
Đỗ Hà Hoài hữu hình hóa đau thương bằng nghệ thuật điêu khắc. Đứng giữa một thời đại đầy biến động, nơi con người dễ dàng bị hòa tan trong cộng đồng, tác phẩm của Đỗ Hà Hoài lột tả được những cảm thức của tinh thần bằng khái niệm Dị Ứng Bên Trong – một trạng thái tâm lý dẫn đến những phản ứng thụ động của bản thể trước tác động của xã hội.
Nghệ sĩ Đỗ Hà Hoài chia sẻ: “Cơ thể” ở đây có thể là chính tôi, “cơ thể” cũng có thể là một ngôi nhà, cũng có thể là hiện thân của cả xã hội. Sự hiện diện dù dưới dạng một “cơ thể” hay đức tin, suy cho cùng cũng là một “cơ thể”. Tất thảy, đều chịu phơi nhiễm trước những dị nguyên vô chừng”.
Triển lãm Chuyện kể Tôi. Tôi kể chuyện vẫn tiếp tục chào đón khách thưởng lãm đến hết ngày 31-12 tại Không gian 27A.
Tham khảo và Nguồn ảnh: Dogma Prize.