Vì sao phong cách Bauhaus lại có ảnh hưởng đến nền nghệ thuật hiện đại? 

Annie Nguyen

|

15:33 27/10/2023

Share

artLIVE – Tuy trường phái chỉ tồn tại được 14 năm nhưng phong cách Bauhaus lại có một sự ảnh hưởng sâu sắc đến nền nghệ thuật hiện đại.

Trong suốt thế kỷ XX, nhiều phong cách khác nhau đã gây ảnh hưởng đến nghệ thuật hiện đại. Tuy nhiên, sự khác biệt của phong cách Bauhaus với những phong cách khác đó chính là nó bao gồm nhiều loại phương tiện, chất liệu cũng như nguyên tắc. Cho đến ngày nay, phong cách Bauhaus có thể được xem như một trong những phong cách thiết kế, kiến trúc quan trọng nhất mọi thời đại. 

phong_cach_Bauhaus
Bauhaus có thể được xem như một trong những phong cách thiết kế, kiến trúc quan trọng nhất mọi thời đại. Ảnh: masterclass.com. 

Nguồn gốc hình thành phong cách Bauhaus

Phong cách Bauhaus ra đời tại Staatliches Bauhaus, ban đầu nó là một trường nghệ thuật ở Đức hoạt động từ năm 1919 đến năm 1934. Kiến trúc sư người Đức – Walter Gropius hoàn toàn không đồng ý trước sự công nghiệp hóa chóng mặt của thời đại, chất lượng nghệ thuật và tính nhân văn bị lãng quên, sự rạn nứt sâu sắc giữa mỹ thuật (hội họa và điêu khắc) và nghệ thuật ứng dụng (thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa và kiến trúc).  

phong_cach_Bauhaus
Chân dung kiến trúc sư Walter Gropius. Ảnh: nybooks.com. 

Gropius đã sử dụng từ “bau” trong tiếng Đức có nghĩa là “xây dựng”. Tuy nhiên, sự quan tâm của ông không chỉ dừng lại ở kiến trúc mà ông khát khao thống nhất tất cả các môn nghệ thuật – thủ công dưới một mái nhà. Đồng thời, có thể thành lập một ngôi trường để kết hợp mỹ thuật với nghệ thuật ứng dụng. 

Trong khi trường Bauhaus ngừng hoạt động vào năm 1933, phong cách Bauhaus vẫn tiếp tục, khai sinh ra một hình thức kiến ​​trúc mới tạo ra những thiết kế đơn giản, đẹp, tiện dụng và có thể sản xuất hàng loạt. 

Những đặc trưng trong phong cách Bauhaus

Đặc điểm của kiến trúc Bauhaus bao gồm những hình dạng chức năng, các hình dạng trừu tượng mà ít được sử dụng để trang trí, cách phối màu đơn giản, vật liệu công nghiệp cơ bản như bê tông, thép và kính cùng với thiết kế đề cao tính toàn diện. 

Hình dạng chức năng

Đặc trưng của phong cách Bauhaus có rất ít hoặc gần như không tồn tại sự tô điểm hay trang trí, thay vào đó là tập trung chú ý vào thiết kế tổng thể hợp lý. Nhiều tòa nhà Bauhaus có mái bằng để tạo ra một cái nhìn hình học đơn giản hay những chiếc ghế được giữ bằng một ống thép có chiều dài góc cạnh. 

phong_cach_Bauhaus
Những thiết kế theo phong cách Bauhaus có thiết kế tập trung vào các hình dạng hình học. Ảnh: archdaily.com. 

Những thiết kế theo phong cách Bauhaus tập trung vào chức năng tiện dụng và đơn giản với các hình dạng hình học và một vài chi tiết không liên quan. Nổi bật nhất, các hình dạng trừu tượng ít được sử dụng trong trang trí lại trở nên rất phổ biến trong phong cách Bauhaus. 

Cách phối màu đơn giản

phong_cach_Bauhaus
Bauhaus hướng đến sự gắn kết và đơn giản nên cách phối màu thường chỉ giới hạn ở những gam cơ bản. Ảnh: architecturaldigest.com. 

Phong cách Bauhaus hướng đến sự gắn kết và đơn giản nên cách phối màu thường chỉ giới hạn ở những gam cơ bản như trắng, xám và be. Trong thiết kế nội thất, tông màu đỏ hoặc vàng, xanh thường được sử dụng. Đôi khi các tông màu cũng được kết hợp với nhau nhưng thường theo những cách có chủ ý. 

Vật liệu công nghiệp

Vì mục đích của phong cách Bauhaus ban đầu tập trung vào sự đơn giản và chủ nghĩa công nghiệp nên nó thường kết hợp ít vật liệu khác nhau nhất có thể. Những vật liệu được chọn lựa cũng là những vật liệu có tính công nghiệp, hiện đại bao gồm kính, bê tông hay thép. 

phong_cach_Bauhaus
Bauhaus sử dụng những vật liệu có tính công nghiệp, hiện đại bao gồm kính, bê tông hay thép. Ảnh: thetimes.co.uk. 

Bất đối xứng trong sự thống nhất

Phong cách Bauhaus hướng tới sự cân bằng thị giác thông qua sự bất đối xứng trong những thiết kế. Tính đối xứng thường được xem như là quá công nghiệp và không có trái tim nghệ thuật. Do đó, các nhà thiết kế của Bauhaus đã làm việc để kết hợp, cân bằng các tòa nhà và căn phòng bằng cách hợp nhất các yếu tố tương đồng xuyên suốt mà không tạo ra cả hai mặt hoàn toàn giống nhau. 

phong_cach_Bauhaus
Tòa nhà Bauhaus tại Dessau ở Đức. Ảnh: bauhaus-dessau.de. 

Một ví dụ điển hình cho điều này là tòa nhà Bauhaus ở Dessau – Đức, có nhiều hình dạng và góc độ khác nhau nhưng vẫn gắn kết với màu sơn trắng và thiết kế cửa sổ rộng rãi.

Thiết kế toàn diện

Một trong những nguyên lý thiết yếu trong phong cách Bauhaus là tích hợp các kỹ thuật vào mọi yếu tố của cuộc sống, bao gồm thiết kế thành phố, góc phố, kiến ​​trúc tòa nhà, thiết kế nội thất, thiết bị, dụng cụ ăn uống và kiểu chữ. Cách tiếp cận tích hợp, toàn diện này yêu cầu kiến trúc sư phải đặt các nguyên lý lên hàng đầu trong mọi lựa chọn khi thiết kế một căn phòng hoặc tòa nhà.

Triết lý trong phong cách Bauhaus và nguyên tắc thiết kế

Hình thức đi cùng với chức năng 

Phương châm chính của phong cách Bauhaus là “hình thức đi theo chức năng”. Điều này có thể hiểu là tạo ra những thiết kế hiện đại và tinh tế đồng thời tập trung vào chức năng của tất cả các yếu tố. 

phong_cach_Bauhaus
Kiến trúc The Haus Am Horn tại Weimar, Đức. Ảnh: bauhaus-dessau.de. 

Trong các thiết kế của Bauhaus, khi hình dạng của vật thể hỗ trợ chức năng của nó thì các thành phần trực quan cũng phải đảm bảo tính thẩm mỹ. Bằng cách loại bỏ việc sử dụng các yếu tố trang trí phụ, các nghệ sĩ Bauhaus đã tìm cách nắm bắt được bản chất của đồ vật. Nói cách khác, Bauhaus được thành lập dựa trên triết lý đơn giản, không phô trương và không rườm rà, ưu tiên chức năng hơn tính thẩm mỹ.

Đề cao chủ nghĩa tối giản

Một đặc điểm quan trọng trong nhiều thiết kế của Bauhaus là sự đơn giản. Mục tiêu của các nghệ sĩ Bauhaus là làm cho tác phẩm trở nên dễ hiểu, cho dù họ đang làm việc với kiểu chữ, thiết kế áp phích, minh họa hay hơn thế nữa. 

phong_cach_Bauhaus
The Masters’ Houses tại Dessau, nước Đức. Ảnh: bauhaus-dessau.de. 

Con đường đạt được khả năng tiếp cận, thiết thực và duy trì giá trị thẩm mỹ rất đơn giản. Không gian trắng, hình thức không cầu kỳ nhưng ấn tượng và màu sắc cơ bản được sử dụng để tạo nên vẻ đẹp từ sự đơn giản.

Đổi mới phương pháp thiết kế

Đối với Bauhaus, ý tưởng cũng quan trọng như công việc thiết kế thực tế. Đây là một phong cách yêu cầu cao với sự phát triển của các phương pháp sản xuất thiết kế mới. Từ đó có thể tìm ra những cách tiếp cận mới và những phương thức tư duy thay thế. 

Các nghệ sĩ Bauhaus tin rằng những cách học và sáng tạo đổi mới sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận và hiểu thế giới. Sự đổi mới vẫn là một khía cạnh quan trọng trong thiết kế hiện đại, đi đôi với sự sáng tạo. Nếu chúng ta muốn phát triển các ý tưởng ban đầu và các giải pháp tốt hơn, thiết kế cần phải ở trạng thái đổi mới liên tục.

Sự ảnh hưởng của phong cách Bauhaus đến nghệ thuật hiện đại

Bằng cách kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, phong cách Bauhaus đã tạo ra Gesamtkunstwerk, nghĩa là “tác phẩm nghệ thuật toàn diện”. Với Bauhaus, nhiều loại hình nghệ thuật có thể giao tiếp và ảnh hưởng lẫn nhau thay vì tồn tại riêng biệt trong các trường phái hội họa, điêu khắc và kiến ​​trúc khác nhau.

Chính vì điều này mà phong cách Bauhaus tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực, có tầm ảnh hưởng lớn đến nền nghệ thuật hiện đại. Bauhaus đã cách mạng hóa lĩnh vực thiết kế thời đó, thay đổi cách tiếp nhận thẩm mỹ, hướng tới những tòa nhà và đồ nội thất, vật liệu đơn giản, tiện dụng. Những ảnh hưởng này tiếp tục xuyên suốt, được nhìn thấy trong nghệ thuật và kiến trúc hiện đại, đặc biệt là trong chủ nghĩa tối giản Scandinavia. 

phong_cach_Bauhaus
Chủ nghĩa tối giản Scandinavia ảnh hưởng từ phong cách Bauhaus. Ảnh: kreiner.vn. 

Bauhaus có tác động lớn đến xu hướng nghệ thuật và kiến ​​trúc ở Tây Âu, Canada, Hoa Kỳ và Israel trong những thập kỷ sau khi nó sụp đổ. Một số nghệ sĩ Bauhaus đã thiết kế và xây dựng hơn 4.000 tòa nhà Bauhaus, được gọi là Thành phố Trắng ở Tel Aviv, Israel và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2003. 

phong_cach_Bauhaus
Thành Phố Trắng tại Tel Aviv, Israel và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2003. Ảnh: wikipedia.org. 

Phong cách Bauhaus vẫn là một trong những trường phái thiết kế có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX và là một phần quan trọng của lịch sử nghệ thuật.

Tham khảo

blog.depositphotos.com

masterclass.com

architectureanddesign.com.au