Trường phái Hậu Ấn tượng và hành trình tìm kiếm cảm xúc trong vật thể

Annie Nguyen

|

15:36 11/03/2024

Share

artLIVE – Trường phái Hậu Ấn tượng không chỉ khắc họa phong cảnh, thiên nhiên hay sự vật theo dòng chảy nghệ thuật, mà còn tập trung tìm kiếm cảm xúc đằng sau mỗi vật thể. 

truong_phai_hau_an_tuong
Tác phẩm của họa sĩ Paul Gauguin thuộc “The Yorck Project”, 2002. Ảnh: vi.wikipedia.org. 

Hậu Ấn tượng là một trường phái nghệ thuật ở Pháp từ giữa thế kỷ XIX cho đến những năm đầu của thế kỷ XX. Sau thời hoàng kim của trường phái Ấn tượng, theo nhiều nhận định, Hậu Ấn tượng có thể được xem như một bước tiến mới, tiếp tục phát triển theo dòng chảy nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng có một số nhận xét cho rằng đây là một sự tách biệt đối với trường phái cũ. 

Cũng giống như trường phái Ấn tượng, các họa sĩ Hậu Ấn tượng không có phong cách hay tuyên ngôn chung, chỉ bộc lộ rõ những xu hướng độc đáo ở kỹ thuật vẽ, chẳng hạn như màu sắc được làm nổi bật và sự xuất hiện của phối cảnh đa điểm nhìn, dự đoán trước những tiến bộ của nghệ thuật trong thế kỷ mới.

Sự ly khai hay bước tiếp nối trường phái Ấn tượng? 

Tại thời điểm diễn ra triển lãm thuộc trường phái Ấn tượng cuối cùng ở Paris, Pháp năm 1886, một số họa sĩ đã thiết lập thêm một phong cách hội họa mới. 

Từ quan niệm “vẽ những gì mình thấy” của Édouard Manet, các họa sĩ vẫn tìm cách nắm bắt khoảnh khắc thoáng qua trong từng chuyển động của ánh sáng hay bóng phản chiếu. Tuy vậy, đã có một số thay đổi nhỏ trong thời kỳ này, khi họ bắt đầu chú trọng theo đuổi các chủ đề đậm chất trí tuệ, tinh thần hoặc cảm xúc nhiều hơn. 

truong_phai_hau_an_tuong
Tác phẩm “Le Rêve” của họa sĩ Henri Rousseau, 1910. Ảnh: vi.wikipedia.org.

Thuật ngữ “Hậu Ấn tượng” được nhà phê bình và họa sĩ người Anh – Roger Fry tạo ra vào năm 1910, khi ông đặt tên cho một triển lãm mà bản thân làm giám tuyển ở London, Anh – “Manet và những nghệ sĩ Hậu Ấn tượng”. Buổi triển lãm trưng bày nhiều tác phẩm từ các họa sĩ như Georges Seurat và Paul Gauguin…

Tên gọi này không nhằm để chỉ một triết lý hay bất kỳ cách tiếp cận nhất định nào mà dùng để đề cập đến những họa sĩ tiếp nối trường phái Ấn tượng, đồng thời phản ứng chống lại nó. Cụ thể, từ này dùng chỉ bốn “người khổng lồ” của nghệ thuật cuối thế kỷ XIX: Georges Seurat, Paul Gauguin, Vincent Van Gogh, Paul Cézanne cùng những người có liên quan. 

Không ai trong số các họa sĩ này thừa nhận thuật ngữ “Hậu Ấn tượng”. Roger Fry hợp tác với nhà phê bình văn học trẻ Desmond MacCarthy viết lời tựa cho quyển catalogue. Họ đã cùng nhau xác định và miêu tả những đặc điểm kết nối các thành viên của nhóm này. Fry và MacCarthy nhận thấy các họa sĩ này cùng phản ứng chống lại khuynh hướng tự nhiên của họa sĩ trường phái Ấn tượng và ưa tìm kiếm “ý nghĩa cảm xúc trong vật thể” nhiều hơn. Sau khi đặt thử một số tên cho nhóm này, họ chọn cụm “các họa sĩ Hậu Ấn tượng” . 

hoa_si_roger_fry
Chân dung họa sĩ Roger Fry. Ảnh: charleston.org.uk. 
truong_phai_hau_an_tuong
Tác phẩm “Wave” của họa sĩ Maurice Denis, 1916. Ảnh: vi.wikipedia.org.
truong_phai_hau_an_tuong
Tác phẩm “Les cypres a Cagnes” của họa sĩ Henri-Edmond Cross, 1908. Ảnh: vi.wikipedia.org.
truong_phai_hau_an_tuong
Tác phẩm của họa sĩ Vincent Van Gogh thuộc “The Yorck Project”, 2002. Ảnh: vi.wikipedia.org.

Khuynh hướng trừu tượng và mối quan tâm đến hình thể đơn thuần của tất cả họa sĩ Hậu Ấn tượng là nguồn cảm hứng lớn cho các nhà tiên phong của nghệ thuật trừu tượng. 

Bút họa của một số đại diện tiêu biểu

Georges Seurat (1859 – 1891)

hoa_si_georges_seurat
Chân dung họa sĩ Georges Seurat. Ảnh: vi.wikipedia.org.

Nếu như Claude Monet và Pierre-Auguste Renoir chọn cách xử lý ánh sáng và màu sắc theo trực giác qua việc vẽ nhanh tại chỗ, thì họa sĩ Georges Seurat lại áp dụng những kỹ thuật chính xác về quang học và màu sắc. 

Seurat không được xem như thành viên cốt cán của nhóm họa sĩ Hậu Ấn tượng vì ông chỉ có hai tác phẩm trưng bày tại triển lãm năm 1910. Tuy vậy, ông lại là người đưa ra những quyết định “ly khai” khỏi nguyên tắc của trường phái Ấn tượng. 

truong_phai_hau_an_tuong
Tác phẩm “Bathers at Asnières”, 1884. Ảnh: artuk.org. 

Tương tự như một số họa sĩ cùng thời kỳ, Seurat biết đến những lý thuyết mới nhất về tri giác màu sắc và vận dụng chúng vào các tác phẩm của mình. Từ sách Grammaire des Arts du Dessin – Quy tắc của các nghệ thuật hình họa, 1867 của nhà phê bình Charles Blanc, ông đã biết đến định luật tương phản đồng thời của lý thuyết gia màu sắc Michel Chevreul. 

Theo quy tắc này, các màu “bổ túc” như đỏ – lục sẽ được tăng thêm cường độ nếu như đặt cạnh nhau và ngược lại. Nam họa sĩ còn tham khảo sách Khoa học màu sắc hiện đại, 1879 của nhà vật lý học và họa sĩ nghiệp dư Mỹ – Ogden Rood. 

Quyển sách này đã cập nhật những ý tưởng của Chevreul về màu tương phản. Nó chia màu sắc theo ba thông số – quang độ, màu nguyên sắc, độ thuần và bao gồm một vòng tròn màu chi tiết thể hiện những tông bổ túc của 22 màu. 

truong_phai_hau_an_tuong
Tác phẩm “A Sunday on La Grande Jatte”, 1884. Ảnh: britannica.com. 
truong_phai_hau_an_tuong
Tác phẩm “Circus Sideshow”, 1887 – 1888. Ảnh: britannica.com.

Họa sĩ nhận thấy kỹ thuật vẽ màu của mình đạt hiệu quả tối đa khi dùng đầu bút lông để chấm màu. Ông gọi cách vẽ này là “phân điểm” – divisionist để nhấn mạnh rằng ông giữ các chấm màu tách rời. Tuy vậy, nhiều người đương thời lại thích sử dụng thuật ngữ “điểm họa” – pointillist để miêu tả kỹ thuật này hơn. 

Kỹ thuật của Seurat khác hẳn lối tiếp cận ngẫu hứng với những nhát cọ ngắn vẽ màu bổ túc chồng lấn nhau của họa sĩ trường phái Ấn tượng. 

Paul Cézanne (1839 – 1906)

hoa_si_paul_cezanne
Chân dung họa sĩ Paul Cézanne. Ảnh: i.pinimg.com. 

Phương pháp làm việc của Cézanne cũng chính là nguyên tắc trụ cột của trường phái Ấn tượng – vẽ tại chỗ, dù cho bản thân ông cũng chưa hoàn toàn đồng ý ở một số khía cạnh. Nam họa sĩ không thích việc nhấn mạnh hiệu ứng chuyển tiếp mà mong muốn tạo ra thứ gì đó vững chắc và lâu bền hơn. 

Cézanne hình thành cho mình sở thích vẽ đi vẽ lại một đề tài. Họa sĩ đã vẽ hơn 60 bức Mont Sainte-Victoire ở quê hương Provence. Nếu như Monet dùng tranh để tập trung vào hiệu ứng bề mặt, ánh sáng, bóng đổ hoặc điều kiện không khí thì Cézanne lại thăm dò bên dưới các yếu tố gây xao nhãng. Ông dần bỏ các vật thể như nhà cửa, đường sá đến khi phong cảnh được giản lược hết mức có thể, chỉ còn lại mảng hình và màu. 

truong_phai_hau_an_tuong
Tác phẩm “ The Bay of Marseilles”, 1885. Ảnh: lelang-lukisanmaestro.blogspot.com. 
truong_phai_hau_an_tuong
Tác phẩm “Jas de Bouffan”, 1885 – 1886. Ảnh: lelang-lukisanmaestro.blogspot.com. 

Cézanne đã tham dự triển làm với các nghệ sĩ Ấn tượng vào giữa thập niên 1870 trước khi định cư vĩnh viễn ở Aix-en-Provence và phát triển một loạt các kỹ thuật mất nhiều thời gian mà ông tuyên bố sẽ “tạo ra một trường phái Ấn tượng với thứ gì đó vững chắc và bền bỉ, như nghệ thuật trong bảo tàng”

Họa sĩ tỉ mỉ vẽ lại từng nét viền của các hình khối để nhấn mạnh đến cấu trúc hình học vốn có của chúng: tranh tĩnh vật với các loại trái cây là sự sắp xếp đan xen giữa hình cầu và hình bầu dục, còn phong cảnh lại được phân tách với bố cục của những mặt phẳng dọc, ngang hay chéo. 

Ông từ bỏ phối cảnh cổ điển: tất cả sự vật đều được vẽ rút gọn quy về một điểm tụ đơn lẻ. Thay vào đó, Cézanne đã khắc họa các yếu tố khác nhau với các phối cảnh khác nhau. 

truong_phai_hau_an_tuong
Tác phẩm “Madame Cezanne in the Greenhouse”, 1891 – 1892. Ảnh: lelang-lukisanmaestro.blogspot.com.

Vincent Van Gogh (1853 – 1890)

hoa_si_vincent_van_gogh
Chân dung họa sĩ Vincent Van Gogh năm ông 19 tuổi. Ảnh: vi.wikipedia.org.

Ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, màu sắc và phong cách của Van Gogh mang dáng vẻ u ám, tự nhiên. Sau khi họa sĩ đến Paris, Pháp vào năm 1886, bảng màu xuất hiện trong tranh dần trở nên tươi sáng hơn. 

truong_phai_hau_an_tuong
Ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, màu sắc và phong cách của Van Gogh mang dáng vẻ u ám. Ảnh: britannica.com. 

Việc tiếp xúc với nhiều họa sĩ, nhìn thấy và trải nghiệm đa dạng phong cách đã tác động phần nào đến kỹ thuật vẽ của ông. Van Gogh bắt đầu không muốn dùng hình thể và màu sắc như một phương tiện biểu cảm đơn thuần nữa. Đối với ông, thế giới thị giác có một sức hút quá đỗi mãnh liệt. 

Ông tự cho mình là “người của thiên nhiên, được bàn tay thiên nhiên dẫn dắt”. Với Van Gogh, có những lúc thiên nhiên dường như mang vẻ diệu kỳ, nhưng cũng có lúc một cánh đồng ngô vàng đơn giản lại ẩn chứa đầy sự hiểm nguy, gợi nên cảm giác bị hăm dọa cho người thưởng lãm. 

truong_phai_hau_an_tuong
Tác phẩm “Landscape at Saint-Rémy (Enclosed Field with Peasant)”, 1889. Ảnh: britannica.com. 
truong_phai_hau_an_tuong
Tác phẩm “The Starry Night”, 1889. Ảnh: britannica.com. 

Những tác phẩm sơn dầu của ông đã đẩy ngôn ngữ của hội họa lên đến đỉnh điểm. Tranh ông từ phong cảnh đến chân dung hay tĩnh vật đều phản ánh một khuynh hướng dễ kích động, bộc lộ sự cuồng nhiệt tôn giáo và nỗi lo âu chồng chéo, đan xen lẫn nhau.

Tham khảo 

Sam Phillips (Phạm Tấn Xuân Cao dịch), 2023, Isms – Hiểu về nghệ thuật hiện đại, Nhà xuất bản Thế giới. 

Nhiều tác giả, 2021, Nghệ thuật – Art – Khái lược những tư tưởng lớn, Nhà xuất bản Dân Trí. 

fashionnet.vn