Trường phái Ấn tượng – Mở đầu giai đoạn nghệ thuật hiện đại 

Annie Nguyen

|

8:03 07/03/2024

Share

artLIVE – Trường phái Ấn tượng là một phong trào có sức ảnh hưởng rộng khắp và trở thành “trụ cột” của nghệ thuật hiện đại. Trường phái này phát triển toàn diện nhất ở Pháp trong những năm 1860, nhưng các biến thể lại phổ biến ở nhiều nơi khác. 

truong_phai_an_tuong
Tác phẩm “Porte de la Reine at Aigues-Mortes” của Jean-Frédéric Bazille, 1867. Ảnh: metmuseum.org.

Trường phái Ấn tượng là một trong những trào lưu mở đầu cho giai đoạn nghệ thuật hiện đại. Ra đời vào cuối thế kỷ XIX, trường phái Ấn tượng bắt đầu bởi một nhóm các nghệ sĩ Pháp khi họ tiến hành loại bỏ các quy ước, giới hạn của hội họa truyền thống. 

Các nghệ sĩ tập trung khai phá những nhận thức chủ quan của riêng mình, thay vì đi theo lối mòn cũ là chỉ đơn thuần phác họa một cách khách quan về thế giới. 

Thuật ngữ “Ấn tượng” bắt nguồn từ đâu?

Giai đoạn giữa thế kỷ XIX, hoàng đế Napoléon III thực hiện một số cải cách quan trọng ở Pháp. Với lĩnh vực nghệ thuật, Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp – Académie des Beaux-Arts nắm quyền kiểm định trong ngành nghệ thuật. 

Triển lãm Salon de Paris dưới sự điều hành của Viện Hàn lâm sẽ được tổ chức mỗi năm để trưng bày các tác phẩm của những họa sĩ thành danh. Tuy nhiên, có một yêu cầu đối với các tác phẩm: những chủ đề phải xoay quanh thần thoại, tôn giáo hoặc lịch sử thì mới có giá trị. 

Những họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng lại tạo nên sự đối lập rõ rệt trong các tác phẩm của họ. Điển hình như Édouard Manet đã mượn các chủ đề truyền thống nhưng lại chuyển dịch chúng sang phong cách hiện đại hơn. Các tấm toan vẽ thường in dấu những hình ảnh ngẫu nhiên, đặc trưng của đời sống đương đại. Điều này gây sốc cho những vị khách tham quan triển lãm. 

truong_phai_an_tuong
Tác phẩm “La Grenouillère” của Claude Monet, 1869. Ảnh: metmuseum.org. 

Mong muốn ly khai khỏi sự giới hạn trong nghệ thuật, các họa sĩ theo trường phái ấp ủ dự định tách khỏi Viện Hàn lâm để tự tổ chức triển lãm trưng bày cho riêng mình. Cuối cùng, triển lãm độc lập đầu tiên của các họa sĩ cũng được khai mạc vào ngày 15 tháng 4 năm 1874. 

Tên gọi của trường phái cũng xuất hiện trong thời điểm này, khi triển lãm diễn ra, nhà phê bình Louis Leroy đã viết bài cho tạp chí Le Charivari để châm biếm và không tán thành triển lãm. Trong đó, ông lấy nhan đề một bức tranh là Ấn tượng, Mặt Trời mọc (Impression, Sunrise, 1873) của họa sĩ Claude Monet này để bêu rếu, nhưng nó lại nhanh chóng được chính các họa sĩ tiếp nhận và chọn làm tên gọi cho cả trường phái nghệ thuật. 

truong_phai_an_tuong
Tác phẩm “Impression, Sunrise” của Claude Monet, 1873. Ảnh: magazine.artland.com. 

Trong giai đoạn từ năm 1874 – 1886, có tổng cộng tám triển lãm trường phái Ấn tượng đã được tổ chức. Triển lãm đầu tiên nhận về nhiều phản ánh tiêu cực, nhưng qua nhiều năm, thái độ của công chúng với phong cách này đã dần biến đổi. Triển lãm đầu tiên chỉ thu hút tổng cộng khoảng 3.500 lượt khách, đến triển lãm cuối cùng, mỗi ngày có khoảng 500 người tham quan. 

Đến năm 1886, các triển lãm đã hoàn thành mục đích ban đầu, thành công đạt được của triển lãm trường phái Ấn tượng là đã làm suy yếu vị thế gần như độc tôn của Viện Hàn lâm và khích lệ các nhóm nghệ sĩ khác. 

Các biến thể của trường phái Ấn tượng lan truyền đến Mỹ, trong các bức tranh của Mary Cassatt và Winslow Homer và đến Anh trong các tác phẩm của Walter Sickert hay nghệ sĩ Mỹ lưu trú như James Abbott McNeill Whistler. 

truong_phai_an_tuong
Tác phẩm “Summertime” của Mary Cassatt, 1894. Ảnh: wikiart.org. 
truong_phai_an_tuong
Tác phẩm “The Blue Boat” của Winslow Homer, 1892. Ảnh: collections.mfa.org. 
truong_phai_an_tuong
Tác phẩm “Belvedere, Bath” của Walter Sickert, 1917. Ảnh: tate.org.uk. 
truong_phai_an_tuong
Tác phẩm “Nocturne: Blue and Silver – Chelsea” của James Abbott McNeill Whistler, 1871. Ảnh: tate.org.uk. 

Tuy nhiên, vào đầu những năm 1880, các nghệ sĩ gốc Pháp đã làm việc độc lập với nhau và đa dạng hóa các kỹ thuật của họ, từ đó dẫn đến các phong trào tiếp theo hoặc phản ứng chống lại, đẩy trường phái Ấn tượng đi xa hơn. 

Bút họa trường phái Ấn tượng: Vẽ những gì mà bản thân nhìn thấy 

Các họa sĩ theo trường phái Ấn tượng thường vận dụng sự biến hóa của ánh sáng, bảng màu chưa qua pha trộn vào trong tranh vẽ. Họ tập trung vào việc nhận thức tri giác, vẽ những gì mà họ nhìn thấy hằng ngày và yêu thích môi trường sáng tác ngoài trời. 

Họa sĩ trường phái Ấn tượng không còn đánh giá cao những cảnh quan mang tính cổ điển, thay vào đó họ thể hiện khung cảnh người dân Paris tận hưởng cuộc sống đầy giản dị: giao lưu trong quán cà phê, bơi thuyền và dã ngoại bên bờ sông Seine, hoặc ở vùng quê. 

truong_phai_an_tuong
Tác phẩm “The Monet Family in Their Garden at Argenteuil” của Edouard Manet, 1874. Ảnh: metmuseum.org. 

Bên cạnh đó, các họa sĩ quan tâm đến việc “bắt” những khoảnh khắc thoáng qua mà giữ lại trong tranh. Một yếu tố độc đáo trong trường phái Ấn tượng là các họa sĩ thường vẽ ngoài trời, tìm kiếm mối quan hệ mật thiết hơn với thiên nhiên. 

Họ cho rằng cách duy nhất để truyền tải trọn vẹn những hiện tượng tự nhiên là hoàn thành tranh vẽ ở ngoài trời. Lối tiếp cận này đã đặt ra vấn đề thực tiễn là phải làm sao để hoàn thành tác phẩm ở điều kiện ánh sáng và thời tiết thay đổi? Giải pháp cho việc này là các họa sĩ phải làm việc thật nhanh, chọn khổ tranh tương đối nhỏ, đồng thời đơn giản hóa các dạng hình, thường không vẽ chi tiết hoặc thêm thắt đường viền rõ ràng. 

truong_phai_an_tuong
Tác phẩm “La promenade (Poppies)” của Claude Monet, 1873. Ảnh: magazine.artland.com. 

Lợi thế của trường phái Ấn tượng chính là không mất thời gian pha màu mà chỉ cần vẽ những vệt hoặc nét cọ ngắn để đạt được hiệu ứng. Tuy nhiên, các tác phẩm lại thường sơ sài hoặc không có bút họa rõ rệt, đây chính là nhược điểm, nhận về nhiều tranh cãi gay gắt. 

Từ khoảng những năm 1850, tranh in Nhật Bản bắt đầu xuất hiện ở phương Tây, với lối tiếp cận đầy mới mẻ đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào. Đa phần họa sĩ trường phái Ấn tượng đều chịu ảnh hưởng từ phong cách này ở mức nhất định. Ngoài ra, nhiếp ảnh cũng tác động mạnh đến quá trình sáng tạo. 

Những họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng nổi tiếng 

Camille Pissarro (1830 – 1903)

Họa sĩ Camille Pissarro được mệnh danh là “cha đẻ của trường phái Ấn tượng”. Ông và Edgar Degas đã tham gia tất cả các cuộc triển lãm theo trường phái Ấn tượng từ năm 1874 đến năm 1886.

hoa_si_camille_pissarro
Chân dung họa sĩ Camille Pissarro. Ảnh: wikimedia.org. 

Nam họa sĩ thường được biết đến với các bức họa phong cảnh đầy thú vị, cùng với cuộc sống thành thị ở Pháp. Ông mong muốn ghi lại cảnh quan hiện đại qua những hiệu ứng nhất thời của ánh sáng và màu sắc. 

truong_phai_an_tuong
Tác phẩm “View from Louvecienne”, 1869. Ảnh: artuk.org. 
truong_phai_an_tuong
Tác phẩm “Boulevard Montmartre at Night”, 1897. Ảnh: impressionistarts.com. 

Claude Monet (1840 – 1926)

Claude Monet được cho là người nổi tiếng nhất trong số những họa sĩ theo trường phái Ấn tượng, cũng như là người duy nhất tiếp tục duy trì vẽ phong cảnh thiên nhiên trong suốt sự nghiệp của bản thân. 

hoa_si_claude_monet
Chân dung họa sĩ Claude Monet. Ảnh: wikimedia.org.

Trong thời kỳ đầu, ông cũng lựa chọn các đề tài trong cuộc sống hiện đại thường nhật. Tuy nhiên, đam mê chính của nam họa sĩ là tô vẽ quan điểm cấp tiến của bản thân về đề tài thiên nhiên. Điều này được thể hiện rõ nét trong tác phẩm nổi tiếng của ông – Water Lilies. 

Tác phẩm Water Lily Pond được André Masson nhận định như là “Nhà nguyện Sistine” của trường phái Ấn tượng. Bên cạnh đó, tác phẩm Impression, SunrieWater Lilies cũng là những tác phẩm mang tính biểu tượng của nam họa sĩ. 

truong_phai_an_tuong
Tác phẩm “Water Lilies”, 1919. Ảnh: metmuseum.org. 

Edgar Degas (1834 – 1917)

Mặc dù Edgar thường nhận định bản thân không đủ điều kiện trở thành một họa sĩ theo trường phái Ấn tượng, tuy nhiên, các nhà phê bình cũng như công chúng cho rằng ông là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu nhất của phong trào Ấn tượng ở Pháp.

hoa_si_edgar_degas
Chân dung họa sĩ Edgar Degas. Ảnh: wikimedia.org.

Đến năm 1865, họa sĩ thay đổi hướng đi, tập trung khắc họa khung cảnh của cuộc sống hiện đại: từ những quán cà phê, nhà hát nhộn nhịp, trường đua ngựa đông đúc, đặc biệt là những vũ công ba lê mang đầy tính biểu tượng. 

Dành tâm huyết cho việc nghiên cứu và thể hiện chuyển động một cách thực tế, ông nhận thấy các vũ công là chủ đề lý tưởng. Xuyên suốt sự nghiệp của mình, Edgar Degas đã tạo ra khoảng 1.500 tác phẩm trên các phương tiện truyền thông khác nhau về chủ đề này.

truong_phai_an_tuong
Tác phẩm “The Rehearsal of the Ballet Onstage”, 1874. Ảnh: metmuseum.org.
truong_phai_an_tuong
Tác phẩm “The Dance Class”, 1874. Ảnh: metmuseum.org.

Tham khảo 

Sam Phillips (Phạm Tấn Xuân Cao dịch), 2023, Isms – Hiểu về nghệ thuật hiện đại, Nhà xuất bản Thế giới. 

Nhiều tác giả, 2021, Nghệ thuật – Art – Khái lược những tư tưởng lớn, Nhà xuất bản Dân Trí. 

magazine.artland.com.