Triển lãm ‘Tụng ca vô thường’ – hơn 30 bức tranh vẽ bằng bột màu và mực tự nhiên

Trang Dương

|

11:28 08/08/2023

Share

artLIVE –  Họa sĩ Hoài Phương dệt nên một câu chuyện sâu sắc về trải nghiệm của con người và vẻ đẹp của các hiện tượng tự nhiên trong tác phẩm Tụng ca vô thường của mình.

Chiều ngày 6-8, Tụng ca vô thường – triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Hoài Phương chính thức khai mạc và mở cửa đón công chúng yêu nghệ thuật thưởng lãm tranh đến ngày 3-9 tại Annam Gallery (TP.HCM).

Sử dụng kỹ thuật truyền thống của châu Á

Hoài Phương Nguyễn, một nghệ sĩ tự học sinh ra tại thành phố Hồ Chí Minh, đã rời quê nhà để định cư ở Bologna, Ý. Niềm đam mê vẽ luôn truyền cảm hứng và thúc đẩy cô đi đến nghề nghiệp mà cô yêu thích. Cô đã biến sở thích này thành một sự nghiệp lâu dài, khi theo đuổi BFA (Bằng Cử nhân Mỹ thuật) tại một trường ở Hoa Kỳ.

Dù đã trở thành một bà mẹ hai con, Hoài Phương không bao giờ ngừng nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật của mình. Cùng với việc chăm sóc gia đình, cô vẫn dành thời gian để sáng tác và sáng tạo. Cô luôn giữ cho nghệ thuật là một phần quan trọng trong cuộc sống của mình.

Mỗi bức tranh, mỗi tác phẩm đều là một cách để cô thể hiện tình yêu và sự đam mê của mình đối với nghệ thuật. Hoài Phương Nguyễn đã chinh phục nhiều thử thách trong hành trình nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, niềm đam mê và lòng kiên nhẫn đã giúp cô vượt qua mọi khó khăn.

Bằng sự tự học và điều chỉnh liên tục, cô đã tiến bước và phát triển thành một nghệ sĩ tài năng và đáng chú ý. Dù xa quê hương, Hoài Phương vẫn mang trong mình tình yêu và tự hào về nghệ thuật Việt Nam. Cô luôn cố gắng khám phá và kết hợp các yếu tố văn hóa của quê hương vào tác phẩm của mình, tạo nên một phong cách độc đáo và đặc trưng.

Với tình yêu và đam mê không ngừng, Hoài Phương Nguyễn sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển sự nghiệp nghệ thuật của mình. Cô hy vọng có thể làm nên nhiều điều tuyệt vời và truyền cảm hứng cho những người khác thông qua những tác phẩm sáng tạo của mình.

trien_lam_tung_ca_vo_thuong
Những bức tranh được vẽ bằng màu nước trên giấy Fabriano Artistico 300gsm được nhuộm thủ công

Sử dụng các kỹ thuật truyền thống của châu Á như vẽ bằng bột màu và mực tự nhiên, nữ hoạ sĩ mong muốn khán giả sẽ hiểu được bản chất của quá khứ đồng thời mang đến một góc nhìn mới mẻ cho tác phẩm của mình. Kỹ thuật của Hoài Phương là sự kết hợp giữa nghệ thuật châu Á và chủ nghĩa hiện thực phương Tây, phản ánh quan điểm của cô là một người Việt hải ngoại không ngừng đặt câu hỏi về vị trí của mình và mối liên hệ với môi trường xung quanh như một cái cây tìm cách cắm rễ nơi đất lạ, cô luôn trăn trở Đông Tây trong lòng.

Ba dòng thơ mở ra chân trời mới

Trong thời điểm cả nước Ý bị đóng cửa vì đại dịch lan tràn khắp nơi, Hoài Phương mải mê tìm thơ để an ủi. Ngày qua ngày cô chỉ lẻ loi trong nhà, đợi chờ tin tức cuối ngày, và hi vọng. Biết bao người nhiễm bệnh, biết bao người đã chết. Trong bầu khí u ám và lo lắng lan tỏa, Hoài Phương tình cờ nhặt được những bài haiku, viết bởi bàn tay tài hoa của Pháp Hoan. Trong những bài thơ ngắn ấy, cô cảm nhận một chút sự yên bình, một chút thanh tịnh, dường như nó mang đến hy vọng và an tâm.

Nỗi âu lo cùng hoang mang dần trôi xa, thay vào đó, tâm hồn cô tràn đầy tràn đầy như những câu thơ haiku cất lên nhẹ nhàng của Pháp Hoan. Hoài Phương cảm nhận được cái đẹp trong những gian truân và nghĩ rằng, dù có khó khăn, cuộc sống vẫn đáng yêu.

trien_lam_tung_ca_vo_thuong
Tranh: Đêm Đông và Tương Tàn
trien_lam_tung_ca_vo_thuong
Tranh: Tay Áo

Được biết, Pháp Hoan là một tu sĩ, nên những dòng thơ haiku của ông trào dâng tính thiền, chất chứa hơi thở tự nhiên trong đó. Chỉ ba dòng ngắn gọn nhưng nó lại mở ra cả một chân trời rộng lớn, đưa tâm trí họa sĩ Hoài Phương đi ra khỏi bốn bức tường trong thời gian đầy ngột ngạt đó. Bài thơ đầu tiên mà cô họa là bài “Tám vạn bốn ngàn cây”.

Dưới chân núi phía Tây

Tôi đi vào chốn ấy

Tám vạn bốn nghìn cây.

Pháp Hoan viết về tâm tư của người tu sĩ khi đứng trước khu rừng có tám vạn bốn nghìn giáo lý nhà Phật, nhưng đồng thời nữ họa sĩ cũng cảm nhận được tâm trạng của bản thân khi chỉ là một họa sĩ vừa chập chững bước vào nghề, hoang mang trước vô vàn ngã rẽ trước mặt, không biết nên đi về đâu, nên theo đuổi theo trường phái nào, nên theo học cái gì, nghệ thuật quá rộng lớn mà mình không có đến một chiếc la bàn hay một người dẫn đường. 

Từ đó, cô đã vẽ nên bức tranh đầu tiên, và Pháp Hoan cũng cảm nhận được sự đồng cảm sâu sắc, vì thế cả hai cùng nhau phát triển thêm nhiều tác phẩm khác. Họa sĩ Hoài Phương gọi đây là: “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”.

Triển lãm Tụng ca vô thường

Triển lãm trưng bày hơn 30 bức tranh thủy mặc. Những tác phẩm được chắt lọc một cách kỹ càng dựa trên nhiều yếu tố nghệ thuật được giám tuyển bởi Ace Lê – Founder của Lân Tinh collection. Hoài Phương chọn minh họa trong hơn 600 bài thơ của Pháp Hoan được dựa theo sự đồng cảm của cá nhân cô.

Bức Tám vạn bốn nghìn cây thể hiện tâm tư của cô khi bước chân vào nghề. Bức Đại tuyết dựa trên một công án khi thiền sư vì lạnh quá mà đem tượng Phật ra chẻ làm củi đốt. Bức Ruộng khô lại khiến cô đồng cảm với tâm trạng người dân ở Đồng Bằng sông Cửu Long đối diện với tình trạng ngập mặn và hạn hán kéo dài.

trien_lam_tung_ca_vo_thuong
Những bức tranh của họa sĩ Hoài Phương đều mang đậm chất tính thiền định
trien_lam_tung_ca_vo_thuong
Tranh: Đại Tuyết

Chia sẻ về dự án lần này, họa sĩ Hoài Phương cho biết: “Cá nhân mình thì cho rằng đây là một dự án khá thú vị, bởi mình sinh sống tại Ý, Pháp Hoan thì ở Canada, chúng mình cùng trao đổi với nhau bằng tiếng Việt và tác phẩm được tạo ra dựa vào thức thơ của Nhật. Không chỉ là sự giao thoa giữa thi ca và hội họa, mình thấy nó vượt qua khoảng cách địa lý và cái cảm thức cổ kính trong thơ của bạn thì lại gợi nhớ đến sự u huyền cô quạnh vượt thời gian nữa.

Từ khi mình bắt đầu bộ tranh này mình cũng đã có thêm tình bạn mới. Đây là cái mà mình gọi là phép màu của nghệ thuật: khả năng kết nối những tâm hồn đồng điệu vượt qua các chiều không – thời gian.”

Bức tranh chủ đề Bốn núi

Bốn núi trong cảm nhận của tác giả chính là nỗi buồn lớn: Sinh, lão, bệnh, tử mà con người sinh ra đã phải gánh lấy. Mà thực ra đâu chỉ con người, phàm vạn vật trên đời này cái gì sinh ra mà không tàn? Nói tóm lại, khổ là không tránh được. 

Càng lớn lên, càng ghê tởm những dãy núi này sao càng cao vời vợi không cách nào trèo thoát nổi, và không thiếu những người tự cô lập bản thân, tách biệt khỏi xã hội, tự cắt rời bản thân khỏi những triền miên bi kịch trên thế giới. Từ một cái nhà tù lớn họ đi vào một cái nhà tù nhỏ hơn, vì chung quy, bốn bức tường nó vẫn ở đó.

trien_lam_tung_ca_vo_thuong
Những bức tranh được vẽ với những đề tài xung quanh trong cuộc sống
trien_lam_tung_ca_vo_thuong
Tranh: Bốn núi

Tuy nhiên, một cái cây thì lại khác, núi rừng là nhà của nó. Nỗi khổ có thể kìm nén từ tác động ngoại vi hay nội tại và cuộc sống không bao giờ nặng phẳng, ta không bao giờ có thể tránh nỗi khổ. Nên nặng nề ta có thể hóa thành một cái cây – thay đổi góc nhìn, thì có lẽ nỗi khổ này sẽ trở nên êm dịu hơn, cuộc đời này sẽ dễ chịu hơn một tí chăng?

Xuyên suốt hơn 30 bức tranh, họa sĩ Hoài Phương đã dệt nên là một câu chuyện sâu sắc về trải nghiệm của con người và vẻ đẹp của các hiện tượng tự nhiên, sự đánh giá sâu sắc của cô ấy với sự phức tạp và kỳ diệu của thế giới xung quanh chúng ta. 

Đặc biệt, các tác phẩm của cô có sự gắn kết chặt chẽ với thiền định cụ thể mối liên kết giữa con người và thế giới tự nhiên, sự suy ngẫm về những bí ẩn của vũ trụ và tìm kiếm những sự thật bị che giấu. Nhìn kỹ vào từng bức tranh, người xem sẽ cảm nhận được những tia sáng luôn nằm ở đâu đó trong bức tranh dù cho họa sĩ có sử dụng gam màu khá tối.

Điều này, dường như tác giả muốn truyền tải đến khán đến mọi người thông điệp: cuộc sống này có vô vàn khó khăn và không ai có thể tránh khỏi được, nhưng khi mỗi người chúng ta thay đổi cách nhìn và thái độ đối với những trở ngại thì chúng ta sẽ tìm được điều tốt đẹp, tươi sáng.

Ảnh: artLIVE