artLIVE – Ngày 23-12, triển lãm Trong Ngọc Trắng Ngà sẽ chính thức được diễn ra, trưng bày 35 tác phẩm nghệ thuật đến từ 14 danh họa ở Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Đà Nẵng.
Triển lãm Trong Ngọc Trắng Ngà là một sự kiện chính thức ra mắt Phù Sa Art Foundation. Bà Lê Hoàng Nam Phương – Giám đốc Sáng lập Phù Sa Art Foundation chia sẻ rằng: “Sau gần hai thập kỷ song hành với nghệ thuật, chúng tôi muốn góp phần tiếp nối và lan tỏa đam mê này với cộng đồng; và thành lập Phù Sa Art Foundation với sứ mệnh sưu tập, lưu trữ, nghiên cứu và trưng bày những tác phẩm có giá trị trong dòng chảy mỹ thuật hiện đại Việt Nam”.
Với triển lãm Trong Ngọc Trắng Ngà, ban tổ chức hy vọng sẽ mang một làn gió mới đến cho cộng đồng yêu nghệ thuật tại Đà Nẵng nói riêng và công chúng nói chung qua những tác phẩm quý hiếm lần đầu tiên được trưng bày.
Sự giao thoa giữa kỹ thuật sáng tác hàn lâm Tây phương và chất liệu, đề tài thấm đượm hồn cốt Việt Nam đã kết tinh nên những tác phẩm mang đậm màu sắc Á – Âu. Triển lãm sẽ mang đến cho người thưởng thức một lăng kính hoàn toàn mới về giai đoạn văn hóa – nghệ thuật Đông Dương, được đặt để dưới lời kể của các học giả Việt Nam.
35 tác phẩm đến từ 14 danh họa ở Trường Mỹ thuật Đông Dương
Nhân cột mốc 100 năm thành lập, triển lãm giới thiệu đến với người thưởng lãm 35 tác phẩm được khắc họa bởi 14 danh họa từng theo học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924 – 1945), Hà Nội.
Khi nhắc đến Trường Mỹ thuật Đông Dương, không thể không đề cập đến các thế hệ họa sĩ đầu tiên sáng lập và giảng dạy tại ngôi trường này, gồm hiệu trưởng – họa sĩ Victor Tardieu cùng đồng sáng lập viên – họa sĩ Nguyễn Nam Sơn.
Xuyên suốt 20 năm hoạt động, ngôi trường đã đào tạo và “sản sinh” ra nhiều tên tuổi tiên phong trong vũ đài mỹ thuật Việt Nam như Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân và Nguyễn Tường Lân.
Họa sĩ Nguyễn Nam Sơn (1890 – 1973)
Họa sĩ Nam Sơn cùng với Victor Tardieu là đồng sáng lập nên Trường Mỹ thuật Đông Dương. Từ nhỏ, ông đã được tiếp cận với chữ Hán và việc học vẽ với các nhà nho. Vào những năm 1920 – 1921, ông làm việc tại Hội quán Sinh viên An Nam do Paul Monet thành lập. Sự hợp tác này giúp ông quen biết Victor Tardieu và tạo cơ hội cho ông nắm vững các kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu.
Họa sĩ Joseph Inguimberty (1896 – 1971)
Họa sĩ Joseph Inguimberty tốt nghiệp Trường Hội họa Trang trí Quốc gia ở Paris, Pháp. Năm 1922, ông thắng Giải thưởng Blumenthal, và đến năm 1925, ông được Victor Tardieu tuyển chọn tới Đông Dương để làm giảng viên Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Họa sĩ Alix Aymé (1894 – 1989)
Họa sĩ Alix Aymé tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ thuật và Âm nhạc từ Học viện Toulouse, Pháp. Bà đến Hà Nội vào thập niên 1920 và lại quay trở lại vào năm 1931. Ở đây, bà vừa dạy vẽ tại trường phổ thông, vừa nghiên cứu về nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam, cùng với tranh lụa và tranh khắc gỗ. Sau đó, bà được Victor Tardieu bổ nhiệm làm giảng viên chính thức tại trường.
Họa sĩ Lê Phổ (1907 – 2001)
Họa sĩ Lê Phổ là một trong những sinh viên thuộc khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông nằm trong “bộ tứ” các họa sĩ nổi tiếng xuất thân từ ngôi trường này và sống, thực hành tại Pháp. Mặc dù xa quê hương và định cư tại Pháp từ năm 1937, họa sĩ vẫn giữ mãi tình cảm đậm sâu với Việt Nam, được thể hiện qua các đề tài tranh như phụ nữ hòa mình cùng thiên nhiên, trẻ thơ và hoa.
Họa sĩ Nguyễn Tường Lân (1906 – 1946)
Họa sĩ Nguyễn Tường Lân là sinh viên khóa 4 của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông là bậc thầy về tranh lụa, được người đời nhận xét là đạt được tới kĩ thuật của loạt tranh lụa thời Đường và Tống.
Nâng niu nét đẹp của Hòn ngọc Viễn Đông
Cái tên Trong Ngọc Trắng Ngà được lấy cảm hứng từ tứ thơ kinh điển trong tác phẩm Đoạn trường tân thanh – Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Mạch triển lãm xoay quanh hai tuyến nội dung song song: hình tượng người con gái Việt Nam và hình ảnh miền đất Đông Dương được đặt dưới góc nhìn giao thoa hội họa Á – Âu đầy độc đáo.
Hơn 100 năm trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, Nguyễn Du đã khắc họa nên hình tượng một mỹ nữ khỏa thân đầu tiên, mang tính kinh điển của nền Văn học Cổ điển Việt Nam:
“Buồng the phải buổi thong dong
Thang lan rũ bức trướng hồng tẩm hoa
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”
– Đoạn trường tân thanh (1814 – 1820), Nguyễn Du.
Giữa thời kỳ Nho giáo đóng một vai trò chủ đạo trong việc quản lý từ xã hội cho đến văn hóa, thể xác và tâm hồn con người, đặc biệt là người phụ nữ luôn là đối tượng bị kìm nén một cách khắt khe. Có thể nói, câu chữ táo bạo của Nguyễn Du chính là một hành động tự giải thoát quan trọng trong việc tự do biểu đạt.
Một thế kỷ sau, nhóm nghệ sĩ thầy – trò của Trường Mỹ thuật Đông Dương bắt đầu hành trình tìm kiếm cho mình sự tự do biểu đạt riêng dưới hình thức hội họa. Lần đầu tiên, họ được nghiêm cẩn nghiên cứu giải phẫu cơ thể con người qua những bài phác thảo hay dessin.
Việc bắt đầu pha trộn kỹ thuật hàn lâm phương Tây với mỹ cảm Đông Phương học đã kiến tạo ra một hình thái ngôn ngữ cá nhân độc đáo, được thể nghiệm qua những chủ đề trước đó vẫn còn bị cấm cản. Các tác phẩm tiêu biểu như Tắm tiên (c.1930s) của Lê Phổ hay Gội đầu (1940) của Trần Văn Cẩn có thể được xem như những ứng đáp dũng cảm, tiếp nối tinh thần tự do chủ nghĩa của Nguyễn Du.
Giống như hình ảnh Thúy Kiều là ẩn dụ cho mệnh nước truân chuyên, chữ “ngọc” ở đây có thể được hiểu theo một nghĩa rộng hơn: biểu đạt cho mảnh đất Việt Nam – Hòn ngọc Viễn Đông. Dưới thời Pháp thuộc, phong cảnh nước Annam từng được lãng mạn hóa như một vùng thuộc địa xa xôi đầy mê hoặc.
Tuyến nội dung thứ hai hé mở cho người thưởng lãm nhận ra được góc độ này qua các tác phẩm của nhiều giảng viên ngoại quốc, so sánh trực tiếp chúng với những bức họa phong cảnh bản địa được tạo nên từ những người học trò người Việt. Cùng là những bức họa ruộng Ba Vì nhìn từ rặng Sơn Tây, nhưng tranh của Joseph Inguimberty, Jean Volang và Trịnh Hữu Ngọc lại có tinh thần và cách tiếp cận hoàn toàn riêng biệt.
Soi chiếu dựa trên hai mạch nội dung, 35 tác phẩm trong triển lãm được sắp xếp thành năm cụm chính. Bốn mảng tường dài giới thiệu các nhóm giảng viên – sinh viên theo những bộ môn giảng dạy chính trong Trường Mỹ thuật Đông Dương: đi từ nhóm dessin (Nguyễn Nam Sơn, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị), nhóm sơn dầu (Joseph Inguimberty, Trịnh Hữu Ngọc), tới nhóm sơn mài (Alix Aymé, Phạm Hậu), và nhóm đa phương tiện gồm khắc gỗ, lụa và sơn dầu (Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Tôn Thất Đào, Hoàng Tích Chù).
Cụm thứ năm là ốc đảo ở giữa phòng, giới thiệu nhóm họa sĩ đã di cư sang Pháp, nhưng vẫn thực hành từ xa với lụa, sơn dầu và điêu khắc (Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Jean Volang).
Trong 20 năm hoạt động, mặc dù sử dụng giáo trình hội họa Châu Âu trong quá trình giảng dạy, nhưng tập thể thầy và trò Trường Mỹ thuật Đông Dương đã cùng khai phá những góc nhìn mới lạ bằng việc bản địa hóa chủ đề sáng tác. Dù là tranh chân dung hay tranh phong cảnh, họ đều nỗ lực thổi vào tác phẩm chất liệu truyền thống đậm đà màu sắc, căn tính Việt Nam.
Sự hội ngộ ấy đã kết tinh nên những viên ngọc văn hóa độc đáo trong dòng chảy mỹ thuật Đông Dương, cũng là điểm khởi nguồn cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Triển lãm Trong Ngọc Trắng Ngà sẽ được diễn ra từ ngày 23-12-2023 cho đến ngày 07-01-2024 tại Tầng 4, Nhà hàng Madame Lân – Đà Nẵng.
Tham khảo
Phù Sa Art Foundation