Triển lãm ‘Nhành Hương Xưa’ – Phô diễn Thủ ấn họa của cố họa sĩ Tú Duyên 

Thanh Nguyen

|

14:48 29/02/2024

Share

artLIVE –  Ngày 2-3, triển lãm ‘Nhành Hương Xưa’ sẽ chính thức được công bố với công chúng yêu thích nghệ thuật. Triển lãm trưng bày các tác phẩm độc đáo của cố họa sĩ Tú Duyên tại Annam Gallery. 

Triển lãm Nhành Hương Xưa sẽ trưng bày 18 tác phẩm nghệ thuật được sáng tác trên chất liệu Lụa cùng với loạt tranh ứng dụng kỹ thuật Thủ ấn họa độc đáo. Vào những năm cuối đời, họa sĩ Tú Duyên luôn ấp ủ thực hiện một triển lãm cuối cùng nhưng vẫn chưa đạt được ý nguyện. 

nhanh_huong_xua_hoa_si_tu_duyen
Triển lãm sẽ trưng bày 18 tác phẩm nghệ thuật được sáng tác trên chất liệu Lụa cùng với loạt tranh ứng dụng kỹ thuật Thủ ấn họa. 

Chính vì vậy, triển lãm Nhành Hương Xưa không chỉ được tổ chức với mong muốn giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật đến với thưởng giả, mà còn như một lời tri ân và tưởng nhớ sâu sắc đến một họa sĩ đầy tài năng của nền mỹ thuật Việt. 

Về cố họa sĩ Tú Duyên

Cố họa sĩ Tú Duyên (1915 – 2012) tên thật là Nguyễn Văn Duyến. Nghệ danh của ông đúng ra là Tứ Duyên, chính là cách đọc lái từ “Duyến Tư” – cái tên ghép giữa tên ông và bạn học Đỗ Văn Tư. 

chan_dung_hoa_si_tu_duyen
Chân dung cố họa sĩ Tú Duyên. 

Sinh trưởng trong một gia đình Nho giáo tại làng cổ Bát Tràng, Bắc Ninh, nguồn gốc gia đình và mảnh đất quê hương đã ảnh hưởng nhiều đến tâm hồn, định hình nên lối sáng tác của nam họa sĩ. Năm 1942, ông sáng tạo ra kỹ thuật Thủ ấn họa, tạo nên một cột mốc quan trọng trong quá trình hoạt động nghệ thuật của bản thân nói riêng, trong nền mỹ thuật Việt Nam nói chung. 

Họa sĩ Tú Duyên khác với thế hệ họa sĩ đồng trang lứa khi chọn theo đuổi nghiên cứu hình thức khắc mộc truyền thống. Ông dành nhiều thời gian, tâm sức vào nghệ thuật Ấn họa Nhật Bản và Trung Quốc để kiến tạo nên dòng tranh “Thủ ấn họa” có một không hai ở Việt Nam.

Triển lãm cá nhân đầu tiên của ông trưng bày loạt tranh sử dụng kỹ thuật Thủ ấn họa đã ra mắt công chúng yêu nghệ thuật ở Sài Gòn vào tháng 3 năm 1953 tại Nhà hát lớn Sài Gòn. Năm 1955, ông đã đạt giải nhất giải thưởng Mỹ thuật miền Nam với bức Thủ ấn họa về danh nhân lịch sử Trần Bình Trọng – “Thà làm quỷ nước Nam”

nhanh_huong_xua_hoa_si_tu_duyen
Họa sĩ Tú Duyên và tác phẩm của chính mình. 

Có thể nói, khi thưởng thức tranh của họa sĩ, người xem dễ dàng cảm nhận được từ cái chất thơ, đầy trữ tình đằng sau kỹ thuật vẽ cho đến cảm hứng, đề tài. Ông thường lựa chọn kho tàng văn chương cổ điển Việt Nam như ca dao, Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm… hoặc cảnh sinh hoạt hội hè, biểu tượng về mái chùa, cây đa, sân đình… hay nhân vật lịch sử, người phụ nữ để làm chất liệu sáng tác. 

Các tác phẩm của cố họa sĩ hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều bảo tàng Mỹ thuật trên thế giới, cũng như nằm trong nhiều bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước.

Thủ ấn họa – Kỹ thuật sáng tác độc đáo từ tranh khắc gỗ Việt Nam

Nếu như đặt lên bàn cân giữa tranh Thủ ấn họa với tranh Đông Hồ – Hàng Trống, người xem có thể thấy rõ sự khác biệt: một sự cách tân đầy sáng tạo. Tranh Đông Hồ thường sử dụng những bản in riêng biệt cho mỗi màu in, sử dụng kỹ thuật in chồng để phối màu, còn tranh Hàng Trống lại dùng bút lông tô nét đậm nhạt sau mỗi bản in khắc. 

Đến tranh khắc gỗ của họa sĩ Tú Duyên thì chỉ sử dụng hai bản khắc. Tuy vậy, ông vẫn có thể linh hoạt in được nhiều màu khác nhau, đây là nét sáng tạo của họa sĩ, đòi hỏi nhiều sự công phu, chu đáo. 

nhanh_huong_xua_hoa_si_tu_duyen
Xưởng Thủ ấn họa Nguyễn Công Trứ. 

Họa sĩ sẽ xử lý chuyển màu nước trên giấy, rồi sau đó mới in tiếp bằng “bản âm” hoặc “bản dương” theo chủ ý của mình. Thủ ấn họa của Tú Duyên thường áp dụng thủ pháp in chồng, hơi lệch giữa để cố ý tạo ra những nét trống đặc biệt. Ông không sử dụng con lăn để giúp màu trên mặt khắc gỗ thấm vào lụa hoặc giấy, mà ông dùng đầu ngón tay và gang lòng bàn tay pha và dàn màu cho tranh khắc. 

Màu sắc của tác phẩm sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tâm tư, tình cảm, không gian, nội dung và đề tài diễn đạt mà họa sĩ mong muốn. Tiếp đến, ông đặt lụa lên và dùng tay xoa, ấn, vuốt, đập để màu thấm vào lụa, tạo ra nét dìu dịu, mạnh nhẹ, rõ mờ theo chủ đích biểu hiện. Họa sĩ sẽ in bản âm trước rồi tới bản dương sau. Mỗi bản khắc chỉ sử dụng từ ba đến năm lần và sẽ được tiêu hủy sau đó. 

Nhành Hương Xưa – Hương hoa và vẻ đẹp tính nữ

Triển lãm Nhành Hương Xưa sẽ dẫn dắt người xem về lại không gian xưa, nhẹ nhàng và đầy thơ mộng với ba đối tượng thẩm mỹ chính: các loài hoa, người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp, thướt tha trong tà áo dài đậm đà màu sắc văn hóa cùng các nhạc cụ dân tộc. Hình tượng người phụ nữ được đặt cạnh các nhạc cụ cổ truyền, tạo cho người thưởng lãm cảm giác thấy được những nhân vật ấy đang thả hồn qua những nhạc khúc, giai điệu xưa được tấu bởi đàn Tranh, đàn Nguyệt, hay đàn Tỳ Bà.

nhanh_huong_xua_hoa_si_tu_duyen
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam bên cạnh hoa và các nhạc cụ dân tộc cổ truyền. 

Ngắm nhìn mỗi bức tranh của họa sĩ Tú Duyên, người ta cảm tưởng như đang thưởng thức một bài thơ, một bản nhạc đầy tinh tế. Ngôn ngữ hội họa của ông rất mềm mại, nhẹ nhàng, được bộc lộ thông qua kỹ thuật điêu luyện cùng cách sử dụng màu sắc. 

Bút họa của Tú Duyên thường nghiêng về các đường cong. Điều này khiến cho các bức họa cùng ngôn ngữ hội họa trở nên uyển chuyển hơn. Tranh không dừng ở mức tĩnh, mà có những nét “động” nhẹ nhàng. 

nhanh_huong_xua_hoa_si_tu_duyen
Bút họa của Tú Duyên thường nghiêng về các đường cong uyển chuyển và tinh tế. 

Trong các tác phẩm tranh in khắc của cố họa sĩ, những mảng đậm hay sáng cực lớn thường có tần suất xuất hiện không nhiều như một số tác giả khác. Đặc biệt là bản thân những mảng lớn trong tranh của ông gợi nên không gian lung linh vì ông chuyển màu trên từng mảng chứ không tạo mảng lớn chỉ có một màu.

Dù nhiều năm tháng trôi qua, nhưng màu tranh vẫn quá đỗi sống động và đủ sức lay động tâm trí, cảm xúc của người xem, như nhà báo Văn Quang từng chia sẻ: “Màu sắc các họa phẩm thật biến đổi, mỗi biến đổi một lạ lùng, gây cho người xem không chán mắt”. 

nhanh_huong_xua_hoa_si_tu_duyen
Hoa sen xuất hiện trong tranh của họa sĩ Tú Duyên.

Ngoài vẻ đẹp của những người phụ nữ, trong triển lãm Nhành Hương Xưa, hình ảnh các loài hoa cũng là một trong các đối tượng được khắc họa chính. Sen, hướng dương và loa kèn là các loài hoa yêu thích của cố họa sĩ, xuất hiện thường trực trong tranh ông qua nhiều góc độ, nhiều lăng kính. 

nhanh_huong_xua_hoa_si_tu_duyen
Các loài hoa trên cũng chính là ẩn dụ cho vẻ đẹp và sự tao nhã, nét dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ.
nhanh_huong_xua_hoa_si_tu_duyen
Các loài hoa trên cũng chính là ẩn dụ cho vẻ đẹp và sự tao nhã, nét dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ.

Các loài hoa trên cũng chính là ẩn dụ cho vẻ đẹp và sự tao nhã, nét dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ khi họa sĩ khéo léo ghép đôi hình ảnh hoa cùng người phụ nữ Việt. Các đặc tính của loài hoa gắn liền với vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam: sen hồng chúm chím, thanh bạch – “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, hay là hoa hướng dương kiên cường và mạnh mẽ đứng ngược chiều gió thổi. 

Triển lãm Nhành Hương Xưa chào đón công chúng đến thưởng thức từ ngày 2-3 cho đến hết ngày 31-3 tại không gian trưng bày Annam Gallery. 

Nguồn ảnh: BTC

Tham khảo

nghethuatxua.com