artLIVE – Trần Thế Vĩnh đã thể hiện một góc nhìn mới lạ về những rung cảm trong âm nhạc thông qua các tác phẩm hội họa trong triển lãm Nhạc Khúc vào ngày 20-10 vừa qua. Triển lãm bao gồm 32 bức tranh thuộc trường phái biểu hiện trừu tượng.
Được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, Trần Thế Vĩnh bắt đầu nuôi dưỡng sự say mê và tìm kiếm, định hình con đường cho riêng mình từ rất sớm. Họa sỹ Trần Thế Vĩnh sinh năm 1986 tại Quảng Trị, anh manh nha vẽ tranh trừu tượng ngay từ khi còn theo học tại Đại học Nghệ Thuật – Đại học Huế.
10 năm trôi qua, từ bộ tranh Con vật-người (2013), rồi đến Bắt đầu từ đâu? (2016), Khỏa thân (2018), Vọng (2020), Thế gian điên đảo (2022/2023)… Trần Thế Vĩnh đã liên tục bước qua bước lại lằn ranh giữa tranh chân dung có thiên hướng tả thực, tranh biểu hiện, tranh trừu tượng… Như một cuộc tìm kiếm, đến bộ Nhạc khúc (2023) thì hòa trộn thành biểu hiện trừu tượng (abstract expressionism), nơi hiện thực tưởng chừng như rõ ràng, thì đã bị xóa nhòa ngay sau đó.
Tìm kiếm lối đi riêng trên con đường nghệ thuật
Từ khi bắt đầu học tại Đại học Nghệ Thuật, những trải nghiệm và quan sát của Trần Thế Vĩnh được nâng cao, điều này trở thành những chất liệu chính để định hình nên phong cách riêng biệt của nam họa sĩ.
Trần Thế Vĩnh chia sẻ rằng: “Với tôi, phong cách chính là nội lực tự thân có được khi có trải nghiệm từ quá trình sống, suy tư và làm việc, sáng tạo. Khi có được một sự chín chắn của tư duy, sự vững chắc về kỹ thuật, sự chín muồi về cảm nhận, sự ổn định về tư tưởng thì phong cách sẽ rõ ràng và thực sự nhất. Phong cách không phải là luôn đóng khung mình trong một kiểu tư duy cố hữu hay bám víu vào một hình thức, hay đề tài nhất định, mà phong cách trong sáng tạo luôn là sự thay đổi. Sáng tạo dựa trên nội lực sẵn có và phát triển theo khí chất của người nghệ sĩ kết tập được theo dòng thời gian”.
Đối với họa sĩ, nghệ thuật của anh chính là con đường tìm kiếm bản ngã và từ đó tìm thấy chính mình. Anh yêu cuộc sống và cố gắng thấu hiểu sâu hơn về nó qua từng ngày, từng nhịp đập của thời gian, khát khao đi tìm cho bản thân những giá trị của cuộc sống, hoặc mong chờ những giá trị đó đến bên anh một cách tự nhiên nhất.
Trần Thế Vĩnh bày tỏ quan niệm của mình rằng nghệ thuật chỉ là sự duy nhất, là nhất nguyên luận, vì thế anh vẫn đang đi theo con đường đó để tìm kiếm bản thân, tìm kiếm bản ngã riêng biệt cho mình, và chỉ khi nào tìm được thì lúc đó mới chính là duy nhất. Chính vì vậy, các tác phẩm của họa sĩ mang đậm màu sắc cá nhân, trở thành những dấu ấn giúp người xem dễ dàng khu biệt được đâu là nét vẽ của anh.
“Tôi yêu thích và quý mến nhiều họa sĩ bậc thầy của thế giới, nhưng tôi nghĩ mình không ảnh hưởng của ai cả vì tôi không có ý niệm về sự ảnh hưởng của một cá nhân nào. Tôi vẽ hoàn toàn tự nhiên theo cách nghĩ của mình, cho nên nếu có ảnh hưởng, thì đó cũng là một sự phát triển tiếp nối của vô thức tất yếu” – Trần Thế Vĩnh bộc bạch.
Những khúc nhạc dưới đôi mắt hội họa
Bên cạnh niềm yêu thích với hội họa, Trần Thế Vĩnh cũng có một mối quan tâm nhất định với âm nhạc. Vì vậy, bằng ngôn ngữ biểu hiện trừu tượng, bằng ý niệm nhạc thức của chính mình, họa sĩ đã vẽ nên bộ tranh Nhạc Khúc này.
Âm nhạc là sự kết hợp đến vô cùng tận của thời gian và không gian, nó khơi gợi những rung động tinh tế kỳ diệu trong tâm hồn của mọi loài. Ở Nhạc Khúc, người xem không nhìn thấy một bản nhạc hoàn chỉnh mà có thể thưởng thức từng khúc nhạc rời, từng giai điệu tiết tấu hòa quyện trong tâm hồn theo những diễn biến của không – thời gian.
Mỗi khúc nhạc chứa đựng một tâm sự, đó chính là nơi mà sự vận động của nhị nguyên trong cõi lòng nghệ sỹ thoát thai ra từ đời sống. Với trường phái trừu tượng, nội dung của những bức tranh thường được thể hiện vô cùng tự do, phóng khoáng, tùy thuộc theo cảm nhận và tư duy riêng của mỗi họa sĩ bằng cách kết hợp nhiều hình khối, đường nét, màu sắc.
Trường phái biểu hiện trừu tượng này đã giúp cho họa sĩ Trần Thế Vĩnh bộc lộ trọn vẹn những cảm xúc phân mảnh trong tâm hồn mình, những “khúc nhạc” được soạn nên từ các mảng màu tương phản đan xen, cất lên tiếng nói cá tính riêng biệt. Đúng như quan niệm của họa sĩ về nghệ thuật, xem tranh của Trần Thế Vĩnh ta thấy được những đường nét phóng khoáng, tự do, định hình nên được bản sắc riêng trong từng tác phẩm.
Xem Nhạc Khúc của Trần Thế Vĩnh, nhớ câu nói của Thomas Carlyle (1795 – 1881): “If you look deep enough, you will see music; the heart of nature being everywhere music” – Nếu bạn nhìn đủ sâu sắc, bạn sẽ thấy âm nhạc; trái tim thiên nhiên trở thành âm nhạc ở mọi nơi. Nói về triển lãm Nhạc Khúc, nhà phê bình Lý Đợi đã đưa ra những dòng chia sẻ như sau: “Các bức tranh, thay vì bày tỏ hoặc kể chuyện, chỉ còn là các trạng thái, các hình dung. Nếu so với cổ nhạc đờn ca tài tử, thì bộ tranh này như đang chuyển từ 3 bài Nam (chủ đạo là trầm buồn, ai oán – tượng trưng cho mùa Thu) sang 4 bài Oán (hiền hòa, non nước thanh bình – tượng trưng cho mùa Đông)”.
Các bức tranh trình hiện những trạng thái hoặc tình huống nhạc mà họa sỹ Trần Thế Vĩnh cảm nhận và phiêu, đó có khi là jazz, có khi là blues, đôi khi cũng có thể là một câu ca cổ, một ca từ mới hoặc một điệu buồn của nhạc vàng… Thanh âm trong tranh của Trần Thế Vĩnh là từng khúc nhạc riêng lẻ nhưng không hề rời rạc, chúng được liên kết, xâu chuỗi với nhau một cách thống nhất qua mạch cảm xúc của họa sỹ.
Khi xem tranh, ta thấy được những dằn xé, ai oán, bi thương đầy buồn bã, nhưng cũng thấy được sự thinh lặng sau một loạt những đoạn giang tấu dài hơi. Rồi một cách bất ngờ, những xúc cảm được đẩy lên cao trào, người thưởng lãm thăng hoa trong sự giao thoa giữa âm nhạc và hội họa trong không – thời gian bất tận.
Trần Thế Vĩnh khi bước đến Nhạc khúc, tạm gọi là đã đi hết vòng tròn đầu tiên của chính mình, để chuẩn bị bước tiếp. Ở các vòng tròn tiếp, chắc có lẽ Trần Thế Vĩnh sẽ vừa tĩnh tại hơn, vừa buông lỏng hơn, vừa phiêu bồng hơn.
Triển lãm Nhạc Khúc của họa sỹ Trần Thế Vĩnh vẫn tiếp tục diễn ra đến hết ngày 29-10 tại Thi Art Space – Y1 Hồng Lĩnh, phường 15, quận 10, TP.HCM
Tham khảo
sggp.org.vn
thanhnien.vn